Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Quý bà bị yểm bùa của Don Quijote

Erich Aeurbach

Erich Auerbach (1892-1957) là một trong những nhà ngữ văn và phê bình văn học người Đức lớn thế kỷ XX. Cùng với ba nhà nghiên cứu ngữ văn khác là F.Gundolf (1881-1931), E.Curtius (1886-1956), L.Spitzer (1887-1960), E.Auerbach tạo thành trường phái các nhà ngữ văn Đức, theo cách xếp loại của J.Y.Tadié. Sinh ở Berlin, Erich Auerbach nhận chức danh giáo sư ngữ văn tiếng roman ở Marbourg kế sau nhà ngôn ngữ học Léo Spitzer, sau đó buộc phải rời Đức tránh nạn phát xít. Nhập cư ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng mươi năm, sau đó ông định cư ở Hoa Kỳ, làm việc tại trường Đại học Yale với chức danh giáo sư. Là chuyên gia văn học tiếng roman, ông viết một loạt tiểu luận văn học quan trọng được đánh giá kinh điển như Mimésis (1946), Ngôn ngữ văn chương và công chúng thời hậu kỳ cổ đại và Trung đại (1957), Các nghiên cứu về Dante (1929-1954).
---------------------------------


- Sancho, Don Quijote nói, ta chỉ thấy ba bà nông dân trên ba con lừa đực thôi.
- Giờ thì Chúa quẳng tôi xuống địa ngục. Sancho Pansa đáp. Chẳng phải là ngài thấy ba người phụ nữ cưỡi ngựa, hay như người ta thường nói, trắng như tuyết, lại giống như những con lừa đực sao? Ơn Chúa cứu con ra khỏi sự ngu muội nếu đó là sự thật.
- Anh bạn Sancho Pansa. Don Quijote nói, ta nói với anh rằng rất có thể đích thực là những con lừa, hay là những con lừa cái cũng như ta là Don Quijote vậy và anh là Sancho Pansa: ít nhất đối với ta là như thế. 
-Hãy im miệng đi thưa ngài, Sancho Pansa nói, đừng nói với tôi bằng ngôn ngữ như thế. Ngược lại, ngài hãy xát lại mắt và tới cúi chào quý bà của tâm tưởng ngài, bà ta đang đi tới đó. Nói điều rồi bác ta tiến tới để tiếp ba người nông dân, xuống khỏi con lừa, đi nắm lấy cái vòng cổ của một trong ba con lừa có bà nông dân, rồi, quỳ gối xuống đất, thốt lên:
Hỡi nữ hoàng, nàng công chúa và nữ bá tước của sắc đẹp, mà vẻ cao quý và vĩ đại của nàng xứng đáng để bằng sự duyên dáng của mình và thiện ý tiếp kẻ nô lệ và hiệp sĩ của bà, nay đã biến thành viên đá hoa cương, bởi vô cùng lúng túng và bối rối, khi thấy được sự hiện diện diễm kiều của bà. Còn về phần tôi, tôi là Sancho Pansa, giám mã của ngài, ngài là người hiệp sĩ lang thang xứ Mancha, hay nói cách khác được gọi là hiệp sĩ Mặt buồn.
Cùng lúc đó, Don Quijote quỳ gối tương tự ngay cạnh Sancho Pansa, chàng nhìn bằng đôi mắt lồi to với một vẻ hoàn toàn bối rối con người mà Sancho Pansa gọi lag quý bà và nữ hoàng. Và chàng nhìn thấy không gì khác hơn một người đàn bà nông nông dân còn trẻ khá xấu xí, khuôn mặt tròn, cái mũi tẹt, chàng hoàn toàn ngạc nhiên và sửng sốt, tới mức không dám mở miệng. Những người đàn bà nông dân cũng không kém phần kinh ngạc, nhìn hai con người xa lạ này đang quỳ gối, cùng dừng lại. Tuy nhiên, người phụ nữ bị giữ lại như thế vô cùng tức giận và cáu kỉnh, phá vỡ sự im lặng và nói
ối chà chà! Hãy bảo mọi người cút khỏi đường vào cái giờ này, và hãy nói với ông ta để cho chúng tôi đi qua vì chúng tôi rất vội.
Ôi thưa công chúa và quý bà toàn năng của Tobosso, làm sao trái tim cao thượng của bà lai không mủi lòng khi thấy ở đây với sự hiện diện cao cả của bà trụ cột và người bảo vệ cho nghề hiệp sĩ lang thang?
Một trong số hai người phụ nữ kia nghe thấy những lời này liền giận dữ nói:
- Chờ chút con lừa kia, chị đập vào mặt cho bây giờ! Gớm chưa, các ông tướng lại định trêu gái quê này đây? Tưởng các chị không biết trả miếng hẳn! Muốn uên muốn lành, xê ra cho các chị đi.
- Thôi dứng dậy, Don Quijote bản Sancho,  rõ ràng thần may rủi chưa chịu buông tha ta và đã chặn các con đường có thể mang lại cho tâm hồn yếu đuối của ta một niềm vui sướng này. Còn nàng, hỡi con người đức hạnh cực kì, kiều diễm tuyệt vời trên thế gian, phương thuốc  duy nhất cho trái tim khô héo, thờ phụng nàng! Nếu như có một tên pháp sư tinh quái, cố tình theo đuổi riêng ta và đã che lấp đôi mắt ta bằng những đám mây đen và những màng mộng khiến ta đứng trước dung nhan tuyệt thế của nàng, chỉ thấy hình dáng một cô thợ cày nghèo khổ, và nếu như hắn không thay hình đổi dạng của ta thành một con quái vật khiến nàng phát kinh tởm, xin nàng hãy nhìn ta bằng đôi mắt dịu hiền và tình tứ. Như nàng đã thấy, vì ta mang lòng ngưỡng mộ nàng, mà đã tự hạ mình quy phục và quỳ gối trước hình hài xấu xí của nàng. 
- Thôi đi, bố già ơi! Cô gái quê đáp, tôi chỉ quen nghe những lời cục mịch thôi. Nào, làm ơn tránh ra cho chúng tôi đi. 
Sancho tránh sang một bên cho họ đi; bác lấy làm hài lòng lắm vì đã rút ra khỏi thế bí một cách tốt đẹp. Thoát nợ, cô gái quê bị Sancho gán cho là Dulcinea vội thúc lừa bằng một cái gậy nhọn đầu và phi thẳng ra đồng. Cảm thấy đầu gậy thúc mạnh hơn thường lệ, con vật lồng lên, vật luôn Dulcinea xuống đất. Thấy vậy, Don Quijote chạy lại đỡ nàng dậy; Sancho cũng tới nâng bộ yên bị tuột xuống dưới bụng con vật và ghì chặt lại. Thấy Don Quijote định bế mình lên bộ yên lúc nãy, nay đã trở về vị trí cũ, nàng Dulcinea bị phù phép, đứng phắt dậy, và để miễn cho chàng phải làm việc đó, nàng lùi lại mấy bước để lấy đà rồi hai tay túm chặt mông con lừa, lẹ làng nhảy phắt lên yên, hai chân quắp lấy mình con vật như đàn ông vậy. Thánh thật! Bà chủ tôi nhanh như cái cắt, các kị sĩ cừ khôi ở Cordoba hay Mexico cũng phải tôn làm thầy. Thoắt một cái, bà nhảy phốc lên yên và chẳng cần đinh thúc, bà bắt con ngựa quý phi nhanh như ngựa vằn; hai cô thị nữ của bà cũng chẳng lép phi như gió! 
Quả thật, khi thấy Dulcinea nhảy lên ngựa, hai cô cũng rượt theo như tên bắn, quá nửa dặm mà vẫn chưa quay đầu lại. Don Quijote nhìn cho tới khi họ mất hút mới quay lại bảo giám mã:
- Sancho, anh đã thấy lũ pháp sư thù phép ta chưa? Xem đấy, chúng độc ác và căm thù đến mức không muốn cho ta hạnh phúc được nhìn khuôn mặt thật của tình nương ta. 

Văn bản này được trích từ chương X của phần hai tác phẩm Don Quijote. Chàng hiệp sĩ phái Sancho Pansa tới làng Toboso để tìm nàng Dulcinea ở đó và báo cho nàng biết chuyến viếng thăm của kẻ si tình nàng. Sancho Pansa, bị quấy nhiễu bởi những lời nói dối trước đó và không biết làm thế nào để biết được quý bà tưởng tượng ấy liền quyết định lừa ông chủ mình. Bác chờ ở cổng làng một lúc khá lâu để Don Quijote có thể tin là bác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, rồi khi bác thấy đi ra từ đó ba người phụ nữ nông dân cưỡi trên ba con lừa, bác vội vàng quay về phía ông chủ và báo cho ông chủ rằng nàng Dulcinea vừa đến chào ông ta cùng với hai quý bà hầu cận khác. Sự ngạc nhiên cùng với niềm vui làm chàng hiệp sĩ bối rối, và Sancho Pansa vừa dẫn ông chủ tới gặp những người đàn bà nông dân vừa miêu tả vẻ huy hoàng của sắc đẹp và uy nghiêm từ đồ trang sức của họ. Nhưng lần này, Don Quijote chẳng nhận ra cái gì khác ngoài thực tế: ba người phụ nữ nông dân trên những con lừa - đấy là cảnh mà chúng ta vừa kể lại trên kia.
Trong số rất nhiều đoạn minh chứng cho xung đột của ảo tưởng kiểu Don Quijote với một hiện thực trái ngược, đoạn này chiếm một vị trí đặc biệt. Trước tiên là vì có cả nàng Dulcinea, vị chúa tể lý tưởng không ai sánh bằng của Don Quijote; chúng ta ở đỉnh điểm của ảo tưởng của chàng và cả sự thất vọng, dù lần này chàng ta còn tìm thấy một mưu mẹo để bảo vệ ảo tưởng của mình, giải pháp này (Dulcinea là nạn nhân của một vụ yểm bùa) khó khăn tới mức tạm thời mọi suy nghĩ của chàng hướng tới một đích duy nhất: cứu Dulcinea và phá bỏ sự yểm bùa. Trong những chương cuối cùng của cuốn sách, việc nhận ra hoặc tiên cảm được sự bất lực của một chuyện tương tự thế là sự chuẩn bị trực tiếp cho căn bệnh hiệp sĩ, cho việc chối bỏ những ảo tưởng và cho cái chết của chàng. Mặt khác, cảnh này đáng chú ý còn vì lần đầu tiên các vai trò bị đảo lộn: trước đó, chính Don Quijote là người thấy cùng lúc các sự kiện vốn có sự tồn tại quen thuộc nhưng dưới góc nhìn của những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ, trong khi đó Sancho Pansa phần lớn thường nghi ngờ và nói ngược lại, để cố ngăn ngừa những hành động phi lý của ông chủ mình. Lần này thì ngược lại. Sancho Pansa lại gợi ra một cảnh kiểu tiểu thuyết, trong khi thái độ của Don Quijote vốn là luôn bóp méo các sự kiện ở mức độ ảo tưởng của mình nay đã bị thất bại trước hình ảnh tầm thường của những bà nông dân. Tất cả những cái ấy dường như vô cùng có ý nghĩa. Trong các dòng chữ cuối cùng mà chúng ta đã trích ra trên kia (một cách cố ý), chuyện đều buồn, cay đắng, và hầu như đều bi kịch.
Nhưng nếu chúng ta đọc một cách giản dị văn bản của Cervantes, chúng ta lại đứng trước một một vở hề kịch (farce), và đây là một trong những màn hài hước nhất. Nhiều tranh minh họa được sáng tác cho cảnh này: Don Quijote quỳ gối gần Sancho Pansa, đôi mắt mở to và với vẻ ngây ngất chiêm ngưỡng cảnh đầy chán ngán đang đập vào mắt chàng. Nhưng chỉ riêng phong cách trái ngược được thể hiện qua lời nói và sự vận động kiểu thô kệch (grotesque) của phần kết thúc (thất bại và việc chiêu tuyết cho nàng Dulcinea) đã làm cảnh này thêm mặn mà. Sự tương phản về phong cách vừa được chúng ta nói tới chỉ phát triển một cách âm thầm, bởi vì những người phụ nữ nông dân trước tiên quá sửng sốt. Những từ đầu tiên của Dulcinea, khi nàng đề nghị người ta để nàng đi qua, còn rất thận trọng. Chỉ bằng những những lời tiếp đó của các bà nông dân thì những tinh hoa hùng biện trong lời nói của họ mới được thể hiện. Người biện hộ đầu tiên cho phong cách mã thượng là Sancho Pansa, và người ta ngạc nhiên và thú vị khi thấy bác ta đóng vai trò của mình bằng tất cả những kiến văn đã thu được. Bác ta nhảy xuống khỏi con lừa và lao về phía chân của những người phụ nữ, và nói hệt như trong cả cuộc đời của mình, bác ta chưa bao giờ nghe thấy gì khác ngoài những lối nói khó hiểu của các tiểu thuyết hiệp sĩ. Cầu khẩn và có câu cú, phúng dụ và đầy tính ngữ, miêu tả tình trạng tinh thần của ông chủ mình và van xin, bác coi thường mọi khó khăn, dù bác không biết đọc và dù bác có được những điều ấy nhờ theo tấm gương của Don Quijote. Tuy thế, bác đã thành công, ít nhất là đã thành công trong việc dắt mũi ông chủ của mình là Don Quijote quỳ gối bên cạnh.
Người ta có thể tưởng rằng một cao trào khủng khiếp sắp nổ ra. Dulcinea thực sự là la senora de sus pensamientos, kiểu mẫu của vẻ đẹp, ý nghĩa của cuộc sống Don Quijote. Đem đến một hy vọng nào đó cho nhà quý tộc Tây Ban Nha, rồi làm cho sự chờ đợi của anh ta thất vọng là một trò chơi có thể không phải không nguy hiểm; sự thất vọng có thể gây ra một cú sốc có nguy cơ làm trầm trọng thêm cơn điên của chàng hiệp sĩ; cú sốc cũng có thể chữa bệnh cho anh ta, giải phóng anh ta lập tức khỏi định kiến. Chẳng điều nào xảy ra cả. Don Quijote vượt qua cơn sốc. Ngay cả định kiến cũng cung cấp cho chàng một lối thoát bảo vệ khỏi sự thất vọng cũng như việc chữa bệnh: Dulcinea là nạn nhân của một thầy phù thủy. Giải pháp này lại xuất hiện mỗi khi mà một mâu thuẫn không thể vượt qua xảy đến giữa ảo tưởng và tình huống bên ngoài; nó cho phép Don Quijote cưỡng lại bằng thái độ anh hùng cao quý của mình và vô địch vốn bị một sức mạnh ma thuật gắn bó chặt chẽ với vinh quang của chàng hành hạ. Trong trường hợp đặc biệt, khi đó là Dulcinea, ý nghĩ về một sự mê hoặc ít giả dối đến thế chắc chắn là khó mà chịu nổi. Tuy nhiên, Don Quijote có thể đối diện với tình huống nhờ vào những nguồn cung cấp có thể được chàng rút ra từ chính bản thân những ảo tưởng, bằng cách lặp lại sự gắn bó của mình với những đạo đức kiểu hiệp sĩ mã thượng, tức là sự trung thành vĩnh viễn, tinh thần hy sinh và sự dũng cảm gan dạ. Hơn nữa, hiển nhiên là đạo đức cuối cùng sẽ chiến thắng, điều đó đảm bảo một lối thoát may mắn. Bi kịch cũng như là việc chữa bệnh đều sẽ tránh được. Chính vì vậy mà sau một lúc bối rối, Don Quijote lại nói tiếp được. Trước tiên là chàng nói với Sancho Pansa, và điều mà chàng tuyên bố chứng tỏ rằng chàng đã trấn tĩnh lại, là chàng đã cắt nghĩa được tình huống bằng cách biến nó thành dạng ảo tưởng của mình. Việc giải thích này có sức tỏa ở chàng tới mức ngay cả thứ ngôn ngữ thô kệch đến tầm thường của một trong những bà nông dân, hoàn toàn tương phản gay gắt với phong cách cao quý của hiệp sĩ, cũng không để lại một chút mảy may nghi ngờ về thái độ mà chàng phải nhận. Âm mưu của Sancho Pansa đã thành công. Câu nói thứ hai của Don Quijote là hướng về Dulcinea.
Câu nói này rất đáng yêu. Chúng ta vừa ghi nhận cách thức vụng về và mua vui của Sancho Pansa khi trình bày bằng việc sử dụng phong cách của những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ mà bác ta học được từ trường của ông chủ mình; chúng ta nghe thấy ở đây cả lời nói của ông chủ. Câu nói bắt đầu như một lời cầu nguyện với một thán từ khẩn nài (invocatio); thán từ này được kéo giãn thành ba phần (extremo del valor... termono... unico remedio...) theo một mức độ rất chính xác, yếu tố đầu tiên của thán từ nhấn lên một sự hoàn thiện tuyệt đối, yếu tố thứ hai lên một sự hoàn thiện thuộc về những gì là của con người, yếu tố cuối cùng là sự sùng kính con người của người nói. Tất cả được gắn kết bằng từ đầu tiên y tu và kết thúc trong phần thứ ba, mở rộng hơn, bằng phần kết khổ thơ theo quy ước một cách nhịp nhàng, nhưng được đưa vào tổng thể  một cách đáng chú ý, córazon que te adora. Trong nội dung của phần cầu khấn này, sự chọn lựa  ngôn từ và nhịp điệu của chúng, chủ đề chính vốn xuất hiện ở cuối, đã được gợi ý. Một sự chuyển tiếp đã được thiết lập như thế, cho phép chuyển từ lời cầu khẩn sang sự van xin, sự van xin này là bổ ngữ bắt buộc và dành cho nó là mệnh đề chính cầu khiến (no dejes de mirarme...) - nhưng mệnh đề này đã được lập ra để chờ đời từ lâu. Trước tiên, chúng ta gặp cấp độ nhiều nấc của cấu trúc nhượng bộ, cấu trúc ấy đối lập theo lối thảm kịch với sự cầu khẩn và sự van xin: ya que..., y... y... si va tambien...; ý nghĩa của nó là “dù thế nào đi nữa”; đỉnh cao nhịp điệu của nó nằm ở giữa phần thứ nhất (ya que), trong những từ được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ y para solo ellos. Chỉ một lần duy nhất giai điệu bi kịch và trang trọng của mệnh đề nhượng bộ bị kiệt sức, ấy là khi mệnh đề chính bị hoãn lại rất lâu có thể làm cho ta nghe thấy bằng lời cầu khẩn của nó và sự cầu khẩn này không đi thẳng vào sự kiện nữa. Lời cầu khẩn ấy làm tăng lên các đoạn và sự dư từ, tới mức mà chủ đề chính lại nổi lên sau một đoạn chuẩn bị rất dài, những từ ngữ nhất thiết tượng trưng cho thái độ hiện tại của Don Quijote và cả cuộc đời chàng: la humildad con que alma te adora. Chính đó là phong cách đã làm Sancho Pansa thán phục, khi ở chương XXV của phần thứ nhất, Don Quijote đọc cho bác ta nghe bức thư gửi cho nàng Dulcinea: ... y como que le dice vuestra merced ahi todo cuanto quiere, y qué bien que encaja en la firma “El Caballero de la Triste Figura” (nàng nói với anh ta tất cả những thứ nàng muốn, và nếu anh ta tới đúng lúc bằng bức thư cú chữ ký “Hiệp sĩ Mặt buồn” này). Nhưng thán từ có mặt ở đây đẹp vô cùng, và bằng tất cả tài hùng biện của chàng, còn lâu đấy mới là sự kiểu cách tầm thường của bức thư. Cervantes rất thích những câu nhịp nhàng này và chúng chất đầy hình ảnh, những đoạn văn trổ tài hùng biện tán tỉnh ấy vang lên trên những khớp nối cứng chắc (các câu văn tuy thế lại theo truyền thống cổ đại). Ông là một bậc thầy trong nghệ thuật này. Dưới góc độ ấy ông không chỉ là một nhà phê bình và một kẻ phá hủy, mà còn cả một người nối tiếp đang hoàn thiện truyền thống lớn của hùng biện sử thi, đối với truyền thống ấy thì văn xuôi cũng là một nghệ thuật tuân theo các quy tắc. Ngay khi những tình cảm cao cả và những dục vọng lớn lao được vận dụng, hay cũng là những sự kiện lớn, phong cách cao cả này lại xuất hiện bằng mọi cách thức của mình. Quả thật, bằng một quy ước có phần hơi cũ kỹ, ông có xu hướng trượt từ bi kịch vào trong quả cầu của sự đáng yêu, của sự lịch lãm, và cách thức sử dụng của ông thường bao gồm một chút giễu cợt, nhưng dù vậy, ông vẫn thống trị trong lĩnh vực của sự nghiêm túc, và khi ta đọc chẳng hạn, trong chương XXXVI của phần thứ nhất, những lời nói được Dorothée gửi cho người tình không chung thủy của mình, những lời nói được điểm xuyết bằng những hình hài, hình ảnh và lối kết thơ ca có nhịp điệu, người ta cảm thấy rằng phong cách này tỏ ra thích hợp với cách diễn đạt của những gì là trang trọng và bi kịch.
Nhưng ở đây, với sự có mặt của nàng Dulcinea, phong cách này chỉ tạo ra một hiệu quả trái ngược; câu đáp trả thô ráp và tàn nhẫn của cô gái làng đưa lại cho chàng hiệp sĩ ý nghĩa đích thực của nó; chúng ta đang gặp phong cách thấp kém, còn sự hùng biện cao cả của Don Quijote chỉ dùng để làm nổi bật cho sự đoạn tuyệt về phong cách và cho sự hài hước vốn xuất phát từ chính đó. Nhưng Cervantes không hài lòng với hiệu quả này; ngược lại với những lời nói ông còn thêm một hiệu quả khác, còn đáng chú ý hơn: sự tương phản các hành vi. Dulcinea ngã từ con lừa của mình và ngồi lại lên lưng lừa phía sau bằng một sự khéo léo kiểu thô kệch (grotesque), trong khi Don Quijote vẫn trung thành một cách kiên định với phong cách hiệp sĩ mã thượng. Sự ngoan cường mà chàng gìn giữ trong ảo tưởng của mình - ảo tưởng làm cho cả lời ứng đối của Dulcinea và cảnh về con lừa không thể khiến Don Quijote tỉnh ngộ - là đỉnh cao của sự hài hước. Ngay cả sự vui vẻ quá khích của Sancho Pansa (Vive Roque...), vốn ở điểm tận cùng của sự xấc láo cũng không thể làm rung động chàng. Chàng đưa mắt nhìn theo những người đàn bà nông dân đi xa dần, và khi họ biến mất thì những ngôn từ mà chàng nói với Sancho Pansa cũng diễn đạt không hẳn là nỗi buồn và thất vọng mà là một dạng thỏa mãn đắc thắng: chàng đã là cái đích cho những âm mưu ác độc nhất của những thầy phù thủy ác ý nhất, điều đó cho phép chàng tự cảm thấy mình như một cá nhân duy nhất, một kẻ ưu tú, theo một cách thức thuận theo rất đáng khâm phục những quy ước của hiệp sĩ mã thượng phiêu lưu: yo naci para ejemplode desdichaso, y para ser blanco y terro donde tomen la mira y asesten las flechas de la mala fortuna (ta sinh ra để trở thành kẻ bất hạnh, làm đích cho những mũi tên của  vận rủi bắn vào). Rồi nhận xét mà chàng đúc rút tiếp theo (rằng những bùa yểm của các thầy phù thủy ảnh hưởng tới cả hơi thở, đã trở nên ghớm ghiếc, của Dulcinea) không làm tổn thương tới ảo tưởng của chàng bằng những miêu tả đầy thô kệch về vẻ đẹp của Quý bà được Sancho Pansa vừa nêu ra. Sancho Pansa, được khuyến khích bởi thành công quá mỹ mãn trong mưu mẹo mình, giờ được xổ lồng và đùa cợt với sự điên rồ của ông chủ cho sự khoái trá riêng mình.
Chúng ta đã tìm hiểu trong cuốn này những biểu hiện của cuộc sống hàng ngày, nơi mà cuộc sống được nhìn nhận dưới một góc độ nghiêm túc, và tính tới những vấn đề nhân sinh và xã hội, ngay cả những mâu thuẫn bi kịch của cuộc sống ấy. Văn bản của chúng ta không hề ngược lại với tính chất hiện thực; tất cả mọi nhân vật hiện ra trong cảnh đều được thể hiện bằng tính châts hiện thực của họ vào thời điểm ấy, trong sự tồn tại hàng ngày của chính họ như họ vẫn sống với nó; không chỉ những bà nông dân mà cả Sancho Pansa, không chỉ Sancho Pansa mà cả Don Quijote đều xuất hiện như những cá nhân tiêu biểu của cuộc sống Tây Ban Nha đương thời. Cái chuyện Sancho Pansa chơi một vố tồi với ông chủ mình và chuyện Don Quijote trở thành tù nhân của ảo tưởng chính mình không hề tách họ ra khỏi cuộc đời thường nhật của họ; Sancho Pansa là một người nông dân xứ Mancha, Don Quijote không chỉ là một Amadis hay Roland mà còn là một quý tộc hàng tỉnh đã mất lý trí. Người ta có thể nói rằng sự điên rồ của chàng quý tộc Tây ban Nha đã đưa chàng tới một không gian sống khác hẳn, đầy tưởng tượng, nhưng chuyện này chẳng hề làm mất đi tính chất hàng ngày của cảnh sống chúng ta cũng như tính chất ở một số đoạn khác tương tự, bởi vì các nhân vật và các sự kiện của cuộc sống thường nhật liên tục vấp phải sự điên rồ ấy và những cú vấp này làm cho họ nổi bật hơn nhiều.
Thật rất khó để xác định mức độ phong cách của cảnh, và của cuốn tiểu thuyết nói chung, trong gam giọng điệu từ hài kịch tới bi kịch. Thoạt nhìn, chương về ba người phụ nữ nông dân này không khác gì một hài kịch. ý tưởng về cuộc gặp gỡ của Don Quijote với Dulcinea bằng xương bằng thịt chắc chắn đã đến với Cervantes khi ông viết phần đầu tiên của tiểu thuyết. Một khía cạnh thiên tài là cảnh đã được dựng lên trên một mánh khóe của Sancho Pansa sao cho người ta nhấn mạnh vào một sự đảo ngược các vai, và sự lừa dối được dẫn dắt khéo léo tới mức vở kịch hề, mặc cho sự phi lý phức tạp của tất cả những gì tạo điều kiện cho vở hề kịch ấy và những quan hệ mà vở kịch ấy vận dụng, đã áp đặt lên người đọc một cái gì đó tất nhiên, thậm chí như một sự kiện tất yếu. Nhưng đó chắc chắn là một vở kịch hề. Chúng ta đã cố gắng chứng minh ở trên rằng, là người duy nhất trong số các nhân vật mà vở kịch ấy có thể coi như một tình huống bi kịch, Don Quijote đã lẩn tránh không ngừng sự lật ngược này. Chuyện chàng lẩn tránh hầu như tức khắc, và có thể nói là một cách tự động, vào một cách cắt nghĩa cho rằng Dulcinea là một nạn nhân của những thầy phù thủy, đã loại trừ một cách căn bản bi kịch. Chàng bị lừa dối, và lần này là do chính Sancho Pansa; chàng quỳ gối và huyên thuyên bằng phong cách cao quý nhất trước một vài cô gái xấu trong làng, sau đó là chàng quỳ gối trước sự cao cả không may mắn của mình.
Tuy thế, tình cảm của Don Quijote lại sâu sắc và đích thực, Dulcinea đích thực là quý bà trong suy nghĩ của chàng, chàng quả là đã có một nhiệm vụ mà chàng đã nhận với nghĩa vụ cao nhất của con người; chàng thực sự trung thành, dũng cảm, và sẵn sàng cho mọi hy sinh. Một tình cảm vô cùng thuần khiết, một giải pháp vô cùng hoàn hảo càng làm tăng thêm bản thân sự thán phục nếu chúng dựa trên một ảo tưởng đến mất trí, và sự thán phục này hầu như mọi độc giả đều chấp nhận cho Don Quijote. Chắc chắn là không một người yêu thích văn học nào lại không kết hợp khuôn mặt của Don Quijote với lối thể hiện về một sự vĩ đại mang tính lý tưởng. Sự vĩ đại phi lý, bất bình thường, thô kệch, nhưng lại lý tưởng, tuyệt đối, anh hùng. Đặc biệt kể từ chủ nghĩa lãng mạn, lối biểu hiện này hầu như trở thành phổ quát, và duy trì một cách ưu thế khi đối diện với phê bình ngữ văn, theo cách thức mà phê bình cố gắng chứng minh rằng Cervantes không nhằm tạo nên một ấn tượng như thế.
Khó khăn nằm ở chỗ, trong định kiến của Don Quijote, sự cao quý, sự thuần khiết, cảm hứng với việc giải thoát tham gia vào cái hoàn hảo vô nghĩa. Một trận chiến bi kịch ủng hộ cái lý tưởng và cái thiện chỉ có thể được cảm nhận nếu nó xảy ra với một tác động lý trí trong trạng thái đích thực của sự vật, để làm đảo lộn trận chiến và thay đổi nó. Một chủ nghĩa lý tưởng được tạo nên cần phải đối lập với một sức cản cũng được tạo ra giống như sức cản ấy từ quán tính, từ sự ma lanh và từ ham muốn, hay từ một ý thức hệ bảo thủ hơn. Cảm hứng về cái lý tưởng buộc phải tương ứng với hiện thực đang tồn tại ít nhất là đủ để gặp hiện thực ấy, sao cho cả hai sức mạnh đương đầu với nhau trong một xung đột thực sự. Chủ nghĩa lý tưởng kiểu Don Quijote không có bản chất này. Nó không dựa trên năng lực nhận thức những điều kiện thực sự của sự tồn tại và của sự vận hành các sự vật. Sự thông hiểu này không thiếu ở chàng, nhưng nó lại rời bỏ chàng ngay khi chủ nghĩa lý tưởng định kiến xâm chiếm tâm trí chàng. Tất cả các hành vi của chàng trở thành điên rồ và vô cùng kỵ với thế giới thực tới mức chúng chỉ tạo ra ở đây một sự lẫn lộn hài kịch. Các hành động của chàng không hề có một may mắn thành công nào cả, chúng không hề có một tác động tới hiện thực, chúng mất hút trong sự trống rỗng.
Người ta có thể phát triển cùng ý tưởng ấy theo một chiều hướng khác, nó làm lộ ra những kết quả khác. Chủ đề về kẻ điên rồ thuần khiết và dũng cảm đi phiêu lưu để thực hiện ý tưởng của mình và cải cách thế giới, chủ đề ấy có thể được xử lý theo cách nào đó sao cho việc bóc trần thế giới của các vấn đề và mâu thuẫn sẽ nổi lên và được trình bày lập tức. Sự thuần khiết và tính ngây thơ của người điên có thể là thế, dù về phía mình không hề có ý định, chàng thâm nhập cùng lúc vào sâu bên trong mọi vật ở tất cả mọi nơi khi chàng xuất hiện, bằng cách cập nhật các xung đột đang tạm dừng hay bị giấu kín; chẳng hạn ta nhớ tới tiểu thuyết Thằng ngốc của Dostoievski. Có thể xảy ra chuyện người điên tự mình tham gia vào trách nhiệm và sai lầm, điều ấy biến chàng ta thành một nhân vật bi kịch. Không có gì tương tự như vậy xảy ra trong tác phẩm của Cervantes.
Cuộc gặp gỡ của chàng hiệp sĩ lang thang với nàng Dulcinea không phải là một minh họa hay ho cho những mối quan hệ của chàng với hiện thực cụ thể, theo cái cách ở đây cũng như ở những chỗ khác, chàng không hề áp đặt ý chí lý tưởng của mình vốn xung đột với hiện thực, mà ngắm nghía và chiêm ngưỡng hiện thân lý tưởng của mình. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này cũng là một biểu tượng cho những mối quan hệ mà trí tuệ gàn dở của chàng hiệp sĩ quý tộc người Tây Ban Nha thực hiện với các hiện tượng của thế giới này. Cần phải có ở trí tuệ những biểu hiện truyền thống được chứa đựng trong chủ đề về Dulcinea, những biểu hiện được những lời nói thô kệch một cách cao cả của Sancho Pansa và của Don Quijote làm cho vang vọng. La senora de sus pensamientos, extremo del valor che puede desearse, termino de la humana gentileza v.v... tất cả những từ ấy gợi lại ý tưởng thanh khiết về cái Đẹp, tình yêu phong nhã, la donna gentile của dolce stil nouvo, Béatrice, la glorisa donna della mia mente. Và tất cả chỗ ngôn từ lóng lánh ấy được dành để chào mừng ba người phụ nữ nông dân bình  thường không sắc đẹp. Thứ pháo hoa ngôn từ ấy biến mất trong trống rỗng. Don Quijote không được đón tiếp hay bị từ chối một cách duyên dáng; chỉ xẩy ra một sự lẫn lộn có tính chất giải trí và phi lý. Để khám phá trong cảnh này điều gì đó nghiêm túc hay một ý nghĩa ẩn giấu, có lẽ cần phải cắt nghĩa cảnh này ở mức cao hơn theo cách làm cho nội dung trở nên bạo liệt.
Cả ba người phụ nữ đều bối rối và chạy trốn rất nhanh; hiếm khi sự can thiệp của Don Quijote lại tạo ra hiệu quả này. Thường thì nó cũng gây ra những cuộc tranh cãi và làm xuất hiện những trận đánh nhau. Mọi người phát điên khi Don Quijote, vì điên rồ, can thiệp vào chuyện của họ. Thường rất hay xảy ra chuyện họ giả đò đồng ý với chàng để giễu cợt chàng. Trong tình huống thứ nhất, ông chủ quán trọ và các cô gái mua vui phản ứng theo cách này. Sau đó cũng là như vậy đối với những người thuê trọ, với ông mục sư và người thợ cạo, với Dorothée và don Fernando, ngay cả với Maritorne. Một số nhân vật này quả thật muốn dùng trò mua vui để đưa chàng hiệp sĩ về nhà chàng, nhưng họ lại đẩy trò mua vui đi xa hơn cả các đích cần thiết đòi hỏi. Trong phần thứ hai, cậu cử Sanson Carrasaco lập kế hoạch chữa trị bằng một trò chơi theo cách ấy, khi đó chàng ta giả đò đi vào theo định kiến của chàng hiệp sĩ. Sau đó, ở chỗ công tước và ở Barcelona, sự điên rồ của Don Quijote được khai thác khéo léo cho những mục đích tiêu khiển, sao cho chúng ta hầu như không còn quan tâm gì nữa tới những cuộc phiêu lưu xác thực, mà là quan tâm tới những cuộc phiêu lưu giả mạo, được tổ chức một cách đặc biệt cho sự điên rồ của chàng hiệp sĩ và để mua vui cho những ai tổ chức ra các cuộc phiêu lưu. Trong tất cả các phản ứng này, cả tình huống thứ nhất cũng như thứ hai, hoàn toàn còn thiếu cái gì đó: những mâu thuẫn bi kịch và các hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí yếu tố châm biếm và phê bình hiện thực đương đại cũng không rõ. Nếu người ta biến phê bình thuần túy văn chương thành sự trừu tượng hóa, thì yếu tố châm biếm cũng hoàn toàn vắng mặt; nó giới hạn ở một vài suy nghĩ ngắn, hay đó đây, ở những bức biếm họa (chẳng hạn viên thầy tu ở sân triều đình công tước); chàng không bao giờ đi tới tận cùng mọi việc, chàng vô cùng chừng mực trong các đánh giá. Hơn nữa những cuộc phiêu lưu của Don Quijote không bao giờ hé mở bất kỳ vấn đề cơ bản nào của xã hội đương thời. Hành động của chàng quý tộc Tây Ban Nha hoàn toàn không làm hé mở bất kỳ cái gì. Hành động ấy là cơ hội để thể hiện cuộc sống Tây Ban Nha dưới tất cả các màu sắc của nó. Các mâu thuẫn khác nhau của Don Quijote với hiện thực không bao giờ xảy ra trong một tình huống có nguyên nhân từ chính bản thân chàng: hiện thực ấy luôn luôn có lý chống lại chàng, và sau một chút lúng túng tiêu khiển, hiện thực ấy lặp lại một cách bình thản dòng chảy không đổi của mình. Còn tồn tại một cảnh duy nhất mà điều khẳng định này có vẻ sẽ được áp dụng vào: cảnh giải phóng những người tù khổ sai, ở chương XXII của phần thứ nhất. Trong đoạn này, Don Quijote can thiệp vào trật tự chính thức đã được thiết lập, và nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng đó là một dạng nhân danh thứ đạo đức cao hơn. Người ta hiểu rằng họ có ý kiến này vì có câu của Don Quijote nói: allá se lo haya cada uno con su pecado, Dios hay en el cielo que no se desc Pansauida de castigar al malo, ni de premiar al bueno, y no es bien qua los hombré honrados sean verdugos de los otros hombres, no yéndoles nada en ello (dù cho mỗi người đều có tội trạng của mình, Chúa Trời không bao giờ quên trừng phạt những kẻ độc ác và thưởng công những người tốt, và không đúng lẽ tí nào khi những người trọng danh dự lại là những đao phủ cho những con người khác, nhất là khi họ không có chút hứng thú nào) - một câu như vậy chắc chắn nằm ở một mức độ cao hơn quyền lợi thực định. Nhưng một thứ “đạo đức cao hơn” của bản chất này lại phải tương ứng và hài hòa để được coi là nghiêm túc. Thế là người ta biết rằng Don Quijote không mảy may nghĩ tới việc nổi lên chống lại trật tự hợp hiến đã được thiết lập; chàng không phải là một kẻ vô chính phủ hay một nhà tiên tri của thiên đình; ngược lại chúng ta luôn thấy rằng chàng tuân theo một cách tự nguyện cái trật tự đã tồn tại ngay khi mà định kiến của mình không phải là một trò chơi, và chỉ căn cứ vào định kiến này mà nó đòi hỏi một tình huống đặc biệt cho chàng hiệp sĩ lang thang. Những lời nói hay ho này: alá se lo haya v.v... có lẽ có nền tảng sâu sắc trong sự thông tuệ khoan dung từ bản chất thật sự của chàng (chúng ta sẽ quay trở lại điều này sau), nhưng trong hoàn cảnh ấy, những lời nói này chỉ là một sự ngẫu hứng. Điều làm chàng quyết định giải phóng cho những người tù chính là định kiến của chàng; định kiến ấy thúc đẩy chàng coi tất cả mọi thứ xẩy đến với chàng như là đối tượng của một cuộc phiêu lưu hiệp sĩ; định kiến ấy cung cấp cho chàng chủ đề “giúp đỡ những người bị áp bức” hay “giải phóng cho những nạn nhân của sức mạnh”, và bởi vậy mà chàng hành động. Theo ý tôi, chàng hoàn toàn sai lầm khi thấy ở đây điều gì đó đụng chạm tới điều chủ yếu nhất, một dạng xung đột giữa quy luật tự nhiên của Cơ đốc giáo với quyền lợi thực định. Cuối cùng, để cho một xung đột nào đó xảy ra, cần phải có một đối thủ hiện diện, kiểu như viên Đại quan tòa dị giáo của Dostoievki, ông ta được phép và có khả năng bảo vệ nguyên tắc của quyền thực định chống lại Don Quijote. Viên cảnh sát chỉ huy đoàn tù nhân không đủ khả năng đóng vai trò ấy, và ông ta cũng không muốn điều ấy. Có lẽ, với tư cách một kẻ bình thường, ông ta hoàn toàn tin theo câu châm ngôn: “Đừng phán xử để không bị phán xử”. Nhưng ông ta không phải là người phán xử, ông ta không thể hiện một chút quyền lợi thực định nào cả. Ông ta đã nhận những chỉ thị và ông ta không sai khi dựa vào những chỉ thị ấy.
Tất cả đều kết thúc một cách vui vẻ và những thiệt hại mà Don Quijote gây ra hay phải chịu luôn được nêu ra theo một cách giễu cợt khắc kỷ, điều ấy làm biến dạng các thiệt hại trở thành sự lộn xộn hài hước. Ngay cả viên chuẩn sĩ Alonso Lopez, mà Don Quijote đã sửa một trận không thành và anh ta cũng bị ngã khỏi con la rồi gãy một chân, cũng chia sẻ với những trò đùa châm biếm ấy. Cảnh này nằm ở chương XIX của quyển thứ nhất; nó cũng chứng tỏ rằng định kiến bảo vệ chàng hiệp sĩ khỏi việc cảm thấy có trách nhiệm trước các hành động đã phạm phải, điều đó loại trừ khỏi ý thức của chàng mọi mâu thuẫn bi kịch và mọi hối hận lo lắng về chính mình. Chàng đã hành động một cách hợp thức theo quy tắc của hiệp sĩ mã thượng phiêu lưu, do vậy chàng được biện minh lập tức. Tuy nhiên Don Quijote vội vã đi cứu viên chuẩn sĩ, vì chàng là một người tốt và nghĩa hiệp, nhưng ngay một lúc chàng không hề nghĩ rằng chàng có thể là thủ phạm. Chàng không hề cảm thấy mình có lỗi nữa khi mà để làm cho chàng cảm thấy được điều ấy, viên mục sư đã kể cho chàng vào cuối chương XXIX những hậu quả tai hại do việc bọn tù nhân được giải thoát gây ra. Chàng đáp với sự giận dữ rằng nghĩa vụ của những người hiệp sĩ phiêu lưu là ra đi và mang theo sự giúp đỡ cho những người bị áp bức và bất hạnh, không cần biết liệu có phải họ bị trừng phạt hay không do tội lỗi của họ. Như vậy là câu trả lời được giải quyết về phía chàng. Trong phần thứ hai, mà sự vui vẻ còn tự do và lịch lãm hơn, thì những phức tạp kiểu như thế này hoàn toàn không còn xuất hiện nữa.
Có rất ít vấn đề và bi kịch trong quyển sách của Cervantes, dù nó thuộc về kiệt tác của một thời kỳ mà trong cả thời kỳ đó, những vấn đề lớn và bi kịch Âu châu được tạo nên. Sự điên rồ của Don Quijote không hé lộ bất cứ điều gì; cuốn sách hoàn toàn là một trò chơi mà ở đó hiện thực được thiết lập một cách vững chắc để biến sự điên rồ thành điều kỳ cục.
Tuy nhiên Don Quijote không hoàn toàn kỳ cục; chàng hoàn toàn không giống những người già ưa khôi hài, những người lính khoe khoang hay các tiến sĩ dốt nát và thông thái rởm. Trong cảnh chúng ta phân tích, Sancho Pansa biến Don Quijote thành kỳ cục; nhưng liệu bác ta có coi thường chàng, hay thường xuyên lừa dối dối giễu cợt chàng? Không hề, bác ta chỉ giễu cợt chàng một lần duy nhất là vì bác ta không còn phương tiện nào khác để rút lui khỏi sự rắc rối. Bác ta yêu và tôn sùng chàng, mặc dù bác có đủ một nửa ý thức, và đôi khi rất ý thức về cơn điên của mình. Bác học nghĩa vụ của mình và không hề muốn rời chàng; xã hội kiểu Don Quijote làm cho bác tốt hơn và thông minh hơn vốn có. Trong tất cả các cơn điên của mình, Don Quijote đều gìn giữ một phẩm giá và một sự cao quý tự nhiên sao cho rất nhiều thất bại tồi tệ của mình không thể chạm tới. Chàng không hề có một sự hèn kém nào cả, vốn là phẩm chất thường có của kiểu người hài kịch mà chúng ta vừa kể; quả thật, chàng không hề thuộc một “kiểu” theo nghĩa này, bởi vì nói chung chàng không phải là một cái máy tạo ra những hiệu quả hài kịch. Bản thân chàng cũng phát triển và trở thành tốt hơn, hiểu biết hơn, mặc dù chàng vẫn điên rồ. Vậy có nên nói về sự điên rồ thông thái, theo nghĩa hài hước của chủ nghĩa lãng mạn? Chàng có được sự thông thái từ cơn điên của mình chăng? Phải chăng sự điên rồ mở cho chàng những cánh cửa của một tri thứ, tri thức ấy đáng lẽ có thể bị từ chối theo lẽ lương tri thông thường, sự thông thái của chàng phải chăng được thể hiện qua sự điên rồ, giống như những người điên của Shakespeare hay ở Charlie Charplin? Không, nó cũng không hoàn toàn là như vậy. Ngay cả khi sự điên rồ, nghĩa là định kiến về tinh thần kỵ sĩ phiêu lưu, xâm chiếm đầu óc thì chàng cũng hành động kỳ cục và hoàn toàn tự động, như những kiểu người hài hước mà chúng ta vừa nhắc đến. Chàng có một sự thông tuệ và một lòng tốt độc lập với sự điên rồ của mình. Tuy nhiên một sự điên rồ giống như của chính chàng chỉ có thể sinh ra từ một con người thuần khiết và cao quý, cũng đúng là sự thông tuệ, lòng tốt và sự ý nhị lộ ra thông qua sự điên rồ của chàng và chứng tỏ sự điên rồ ấy dưới một thứ ánh sáng đáng yêu. Cũng không hẳn đúng là sự thông tuệ và điên rồ của chàng hoàn toàn khác biệt nhau, và ngược với những gì diễn ra ở Shakespeare, những cơn điên rồ lãng mạn và Charlot. Ông mục sư đã nói điều ấy trong phần đầu tiên (chương XXX) và cũng vẫn ý định ấy thường sau đó quay trở lại: Don Quijote chỉ điên rồ trong những thời điểm mà định kiến làm chàng lú lẫn, phần thời gian còn lại thì đó là một con người bình thường và rất nhạy cảm. Sự điên rồ của chàng không giống như sự điên rồ thể hiện trọn vẹn con người chàng và được đồng nhất với chàng; một định kiến xâm chiếm chàng vào một thời điểm nhất định, ngay cả lúc định kiến không tác động lên toàn thể ý thức của chàng, khiến cho trong rất nhiều trường hợp chàng hành động và nói năng như một cá nhân thánh thiện giàu trí tuệ. Rồi một hôm, ngay trước khi chết, cuối cùng sự điên rồ đã rời bỏ chàng. Chàng đã ở độ tuổi khoảng năm mươi, khi mà dưới ảnh hưởng của việc đọc không hề sút giảm tiểu thuyết hiệp sĩ, chàng cảm nhận được số phận phi lý của mình. Điều đó thật đơn giản. Đúng hơn là người ta chờ đợi gặp một thất bại nào đó của lý trí, kết quả của việc đọc một mình, ở một con người còn rất trẻ (Julien Sorel, bà Bovary), và người ta cố gắng tìm một cách giải thích tâm lý: làm sao có thể có một người ở độ tuổi ngũ tuần, người có một cuộc sống kỷ luật và có trí thông minh về mọi phương diện rất phát triển và không hoàn toàn mất cân bằng, lại tham gia vào một công việc cũng rất phi lý? Trong những dòng đầu tiên của tiểu thuyết của ông, Cervantes nêu ra một vài chỉ dẫn về tình trạng xã hội của người anh hùng của mình. Kết luận rút ra là tình trạng này đè nặng lên chàng, bởi vì nó không mang đến cho chàng bất kỳ khả năng nào tham gia một cách mải mê vào một sự hoạt động phù hợp khí chất của chàng; chàng bị phân liệt ở dạng nào đó bởi sự hạn chế mà một phần do tầng lớp của chàng đem lại, phần khác bởi sự nghèo khó của mình. Do vậy người ta có thể giả thiết là quyết định điên rồ của chàng là một cách để thoát khỏi một tình trạng đã trở thành không chịu nổi, để được tự giải phóng khỏi tình trạng ấy một cách mạnh mẽ. Lối cắt nghĩa kiểu tâm lý và xã hội học ấy đã bị chỉ trích nhiều; bản thân tôi cũng từng nêu ra điều ấy trong một đoạn trước kia của cuốn sách này (xem trang 147),và tôi đã cho phép mình giữ nguyên vì nó được xem xét trong một văn cảnh. Nhưng việc cắt nghĩa này không hoàn toàn đáng thỏa mãn với tư cách việc cắt nghĩa về ý định nghệ thuật của Cervantes, bởi vì ít có khả năng trong một vài dòng về tình trạng xã hội và thói quen của Don Quijote, ông đã muốn nêu ra cái gì đó như một nguyên cớ tâm lý về định kiến của chàng hiệp sĩ; nói cách khác, có lẽ ông đã giải thích điều ấy một cách rõ ràng hơn và đi sâu vào chi tiết hơn. Một nhà tâm lý hiện đại có lẽ còn tìm thấy những cách giải thích khác liên quan tới sự điên rồ kỳ lạ của chàng Don Quijote. Nhưng những vấn đề ấy không hấp dẫn Cervantes. Mà liên quan tới câu hỏi: xuất hiện từ đâu cơn điên rồ của Don Quijote? Ông không đề xuất một câu trả lời khác ngoài câu: chàng đã đọc quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ và chúng đã làm chàng rối trí. Điều không may ấy xảy ra với một người ngũ tuần hẳn chỉ có thể giải thích bằng những lý do mỹ học liên quan tới bản thân tác phẩm: qua cái nhìn hài hước ở Cervantes, người vốn chia sẻ với quan niệm về tiểu thuyết: một con người cao lêu đêu, khô khan, giữa hai thời đại, khoác một chiếc áo giáp tồi tàn lỗi thời, cái hình ảnh làm nổi bật tính chất lý tưởng và tính chất khắc kỷ của nhân vật bên cạnh sự điên rồ. Người ta buộc phải chấp nhận không hơn rằng vị quý tộc nghèo nhạy cảm và có văn hóa ấy đột nhiên trở nên điên rồ, không phải là sau một cơn chấn động khủng khiếp như Ajax Một nhân vật anh hùng trong sử thi Hy Lạp, vì tức giận tranh giành với Ulysse bộ giáp khí của Achille khi người anh hùng này chết trận, nên bị nữ thần Athéna làm cho phát điên và tự vẫn (ND). hay Hamlet Nhân vật hoàng tử, trong kiệt tác cùng tên của nhà viết kịch Shakespeare, giả điên để tìm ra sự thật về kẻ giết vua cha mình(ND)., mà bởi vì chàng đọc quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ. Điều ấy tương hợp, như Léo Spitzer viết cho tôi, với bệnh lý thể dịch gắn nguyên nhân một căn bệnh với sự quá tải về số lượng: ...del mucho leer se le secò el celebro de manera que vino a perder el juicio (buộc phải đọc nên  trí óc chàng trở nên khô kiệt tới mức đánh mất cả lý trí). Nhưng dù sao thì chàng cũng không rơi vào bất kỳ bi kịch nào do sự xâm nhập đột ngột của sự điên rồ. Trong khi phân tích sự điên rồ của Don Quijote, chúng ta buộc phải loại bỏ cả bi kịch cũng như sự liên tưởng kiểu Shakespeare hay lãng mạn một cách đặc biệt ra khỏi sự thông tuệ hay sự điên rồ, nơi mà cái này không thể tưởng tưởng ra được mà thiếu cái kia.
Sự thông tuệ của Don Quijote không phải sự thông tuệ của một người điên; đó là sự thông minh, sự cao quý, sự lịch lãm và phẩm cách của một con người nhạy cảm và cân bằng - của một con người không bị quỷ ám, không mâu thuẫn, không day dứt băn khoăn nghi ngờ không bị phân chia, không xa lạ trong thế giới này, mà còn chừng mực, điềm tĩnh, cởi mở, đáng quý và  khiêm nhường ngay cả trong sự giễu cợt của mình. Chàng cũng là người bảo thủ, hay ít nhất cũng tương hợp với  trật tự đã được thiết lập. Nét tính cách này được thể hiện trong mọi trường hợp khi chàng có chuyện với mọi người, nhất là trong quan hệ với Sancho Pansa, ngay khi mà định kiến của chàng để cho chàng nghỉ ngơi, dù thời gian dài hay ngắn. Ngay từ đầu, nhưng trong phần thứ hai rõ hơn cả phần thứ nhất, chàng Alonso Quijano el Bueno thông minh, tốt bụng và thân ái, người có tính cách nổi bật một cách tự nhiên bởi một phẩm cách cao hơn đã cùng chung sống với người phiêu lưu điên rồ. Thật là hài hước theo lối thích thú và cũng khoan dung khi đọc cảnh chàng ta đối xử với Sancho Pansa, lúc bác này, theo gợi ý của bà vợ mình Teresa (phần II chương VII) trình bày với chàng rằng bác ta thích nhận được tiền công hàng tháng hơn. Sự điên rồ chỉ xảy ra vào lúc chàng ta biện minh cho lời từ chối của mình bằng cách viện đến những thói tục của các hiệp sĩ lang thang. Những đoạn kiểu này xuất hiện một cách thường xuyên. Người ta thấy khắp nơi có một Don Quijote thông minh và một Don Quijote mất trí chung sống trong cùng một con người, và sự thông minh này không hoàn toàn được sự điên rồ gợi ý một cách biện chứng, nhưng sự thông tuệ ấy là bình thường và có thể gọi là trung bình.
Điều này tạo nên cho riêng chàng một sự kết hợp không quen thuộc; về mặt giọng điệu, nó xảy ra ở nhiều cấp độ văn phong mà người ta không gặp một cách thông thường trong hài kịch thuần túy. Một kẻ điên là một kẻ điên; người ta quen thấy anh ta biểu hiện chỉ ở một mức độ duy nhất mà thôi, mức độ của hài kịch và hài hước, và ít nhất là trong văn học cổ nó gắn liền với sự thấp kém, sự tầm thường và cả sự xảo quyệt. Nói gì về một kẻ điên lại có những lúc thông tuệ, nói gì về sự thông tuệ có vẻ như ít tương hợp nhất với sự điên rồ, sự điên rồ có chừng mực thông minh? Bản thân điều ấy, theo định kiến, cũng gây ra một sự phức tạp không hoàn toàn giới hạn ở hài kịch thuần khiết. Nhưng đó không phải là tất cả. Bởi vì chính là nhờ đôi cánh của sự điên rồ mà sự thông tuệ có được đà của mình, và từ đó sự thông tuệ có cái nhìn bao quát thế giới và nhờ đó nó trở nên giầu có trong cuộc gặp gỡ của mình: nếu Don Quijote không điên rồ, chàng sẽ không đi ra khỏi nhà mình. Còn Sancho Pansa có lẽ cũng sẽ ở lại nhà mình; có lẽ bác sẽ không bao giờ khám phá được trong sự tồn tại của mình tất cả những gì mà bác có ở trạng thái tiềm tàng mà chúng ta thấy chúng phát triển một cách đáng ngạc nhiên. Trò chơi phức tạp của những mối quan hệ được đặt ra giữa hai người, trò chơi của họ dành cho cả hai trong thế giới, có lẽ sẽ không xảy ra.
Trò chơi này, chúng tôi nghĩ là đã chứng minh, không bao giờ là bi kịch cả, và không bao giờ những vấn đề nhân sinh, dù là những vấn đề của cá nhân hay những vấn đề của xã hội, được thể hiện với chúng ta theo cách gây xúc động hay gợi tình trắc ẩn cho chúng ta; chúng ta luôn luôn ở trong trạng thái mà sự vui vẻ ngự trị. Những mức độ của sự vui vẻ này lại thuộc một sự đa dạng mà chưa bao giờ người ta thấy. Hãy quay lại với văn bản mà chúng ta dùng làm điểm xuất phát. Don Quijote trò chuyện với những phụ nữ quê mùa bằng một văn phong đích thị là cao quý của ái tình tao nhã, thứ văn phong mà bản thân nó không hoàn toàn thô kệch. Những câu này không hoàn toàn kỳ dị như nó vốn xuất hiện trong cảm giác của nhiều bạn đọc hiện đại, những câu văn ấy rất hài hòa với một truyền thống khi ấy vẫn còn đang sống và tạo nên một kiệt tác về ngôn ngữ cao cấp. Nếu Cervantes có ý định bút chiến chống lại những cuốn sách hiệp sĩ (điều mà ông chắc chắn đã làm), thì ông dù sao cũng không bút chiến chống lại văn phong cao quý của thứ hành ngôn tao nhã. Ngược lại, ông trách cứ những cuốn sách hiệp sĩ về chuyện các tác giả kia, họ sử dụng một cách đơn điệu lối hành ngôn ấy, họ viết bằng một thứ văn phong khô khan và cứng nhắc. Đến mức chúng ta tìm thấy ở giữa một đoạn nhại về lý tưởng hiệp sĩ của tình yêu một trong những đoạn văn xuôi hay nhất được hình thức muộn mằn ấy của thứ tình yêu phong nhã tạo nên. Những người phụ nữ nông dân đáp với một sự thô lỗ nhà quê; phong cách thô ráp ấy từ lâu đã thuộc về cách sử dụng của hài kịch (mặc dù có lẽ luôn luôn bao nhiêu nhịp là ứng với bấy nhiêu sự cao hứng). Nhưng điều chắc chắn mới mẻ là, phong cách ấy đi liền ngay sau một diễn ngôn như diễn ngôn của Don Quijote, trong đó, nếu người ta coi trọng ngay ở bản thân nó thì không có gì để khiến người ta đoán rằng nó chiếm vị trí ở giữa một văn cảnh thô kệch. Chủ đề về người hiệp sĩ cầu xin một người phụ nữ nông thôn chấp thuận tình yêu của mình, chủ đề sinh ra một tình huống tương tự rất cổ lỗ: đó là chủ đề về người thôn nữ Nguyên văn pastorelle (ND). Thơ ca xưa của xứ Provence đã nuôi dưỡng chủ đề ấy và chủ đề ấy đã tồn tại từ lâu, như chúng ta sẽ thấy khi nói về Voltaire. Tuy nhiên, trong người thôn nữ (pastorelle), cả hai chủ đề hấp dẫn đều tương hợp lẫn nhau, chúng hiểu nhau, và dẫn đến một một mức độ phong cách đồng chất nằm ở điểm nối của thơ ca điền viên và của cái thường ngày. Đối với Cervantes, về cái chuyện điên rồ của Don Quijote, thì cả hai phạm vi của cuộc sống và cả hai lĩnh vực phong cách đều va chạm nhau, mà không thể có bất cứ mối liên hệ nào giữa chúng. Mỗi một thứ đóng khép trong chính mình; không hề tồn tại bất kỳ một mối liên hệ nào giữa chúng, nếu đó không phải là sự trung lập vui vẻ của người dẫn trò chơi, trường hợp rơi vào Sancho Pansa, người nông dân kém giáo hóa, vốn trước đó không tin lắm vào những gì mà ông chủ của mình kể, người không bao giờ bỏ thói quen tin ít nhiều vào ông chủ, và là người luôn luôn hành động tùy theo tình hình từng thời điểm. Trong đoạn này, sự lúng túng của bác ta đã gợi ý cho bác ta lừa dối ông chủ của mình, và bác ta thích ứng với tình huống của mình dẫn dắt trò chơi với biết bao sự khéo léo và tài năng mà sau này bác ta sẽ chứng tỏ khi trở thành tổng trấn một hòn đảo. Trước tiên, bác ta dùng văn phong cao quý, rồi chuyển sang văn phong thấp kém, nhưng không phải như những người phụ nữ nông dân; bác ta cao hơn, bác ta làm chủ tình thế mà bản thân bác ta sáng tạo nên do cần thiết, và bác ta hoàn toàn vui thích về nó.
Điều mà Sancho làm ở đây - giữ trò, nhại đùa tư tưởng, đùa với sự điên rồ của ông chủ mình - các nhân vật khác sẽ tiếp tục làm. Sự điên rồ của Don Quijote để một khoảng trống rộng rãi cho một loạt vô tận những sự giả trang và những câu đùa, chỉ kể một vài ví dụ: Dorothée trở thành công chúa Micomina, bác thợ cạo trở thành thị đồng của nàng, Sanson Carassco trở thành hiệp sĩ lang thang, Giné de Pasamonte trở thành người biểu diễn múa rối. Rất nhiều biến dạng kiểu ấy đã biến hiện thực thành một sân khấu thường trực, dù cho hiện thực không ngừng trở thành hiện thực. Khi các nhân vật không biến dạng theo mức độ của riêng mình, thì chính sự điên rồ của Don Quijote phải gánh chịu chúng; sự vật không ngừng tái diễn kể từ người người chủ quán trọ và những cô gái mua vui của chuyến xuất hành đầu tiên. Hiện thực trong mọi mức độ tuân theo một trò chơi luôn luôn không ngừng nhại theo nó; không bao giờ hiện thực ấy phá hủy sự vui vẻ của trò chơi bởi sức ép nghiêm trọng của những cảm hứng, những nỗi lo, những dục vọng mà hiện thực chứa chất. Sự điên rồ của Don Quijote trừ bỏ tất cả những cái ấy; nó được tạo nên từ hiện thực, cái hàng ngày, một cảnh vui vẻ. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại những cuộc phiêu lưu vì phụ nữ khác của Don Quijote xảy đến trong truyện kể, ngoại trừ cuộc gặp gỡ với Dulcinea: Maritorne giãy đạp trong cánh tay của Don Quijote, Dorothée trở thành công chúa, bản tình ca lãng mạn trong đêm của Altisidora, cuộc gặp gỡ trong đêm với donã Rodriguez (mà Cid Hamet Benengali của nàng nói rằng có lẽ chàng sẽ đưa bộ trang phục tốt nhất của mình để tham gia vào chuyện đó); mỗi một câu chuyện ấy được viết bằng một phong cách khác nhau, mỗi một câu chuyện đều chứa đựng những độ lệch (changement de registre), mỗi một câu chuyện đều là điểm xuất phát cho cơn điên rồ của Don Quijote và tất cả những cái ấy đều ở trong một thế giới vui vẻ phóng túng. Thế nhưng có những câu chuyện không nhất thiết thuộc về kiểu mua vui. Miêu tả của Maritorne và của người dắt la cho cô ta hiện thực một cách trắng trợn, Dorothé thì là một kẻ bất hạnh, còn donã Rodriguez đầy lo lắng và âu lo vì con gái bà ta đã bị quyến rũ. Khám phá của Don Quijote chẳng thay đổi gì cho cuộc sống vất vả của Maritorne hay tình trạng buồn rầu của con gái donnã Rodriguez. Nhưng chúng ta không lo lắng về chuyện ấy, vì tình trạng và cuộc sống của những người phụ nữ ấy hiện ra đối với chúng ta dưới một thứ ánh sáng vui vẻ và ý thức của chúng ta không hề cảm thấy lo lắng về chuyện ấy. Tương tự như khi Chúa cho mặt trời chiếu sáng và mưa rơi lên những kẻ dữ dằn và những người lương thiện, thì cơn điên rồ của Don Quijote soi sáng một cách khách quan tất cả những thứ nằm trên đường đi của chàng và rời bỏ mọi thứ trong sự hỗn độn vui vẻ.
Niềm vui thông tuệ nhất của cuốn sách, điều cũng tạo nên độ căng đa dạng nhất, được biểu hiện trong mối quan hệ được duy trì từ đầu tới cuối câu chuyện: mối quan hệ của Don Quijote với Sancho. Mối quan hệ này không hẳn là dễ dàng để miêu tả như mối quan hệ tồn tại giữa con ngựa Rossinante và con la của Sancho hay là giữa con la này và bản thân Sancho. Chúng hoàn toàn không được gắn bó bởi sự một trung thực và một tình yêu không thể đứt đoạn. Thường xuyên, Don Quijote nổi nóng với Sancho tới mức nguyền rủa và hành hạ bác ta, đôi khi chàng xấu hổ vì bác ta, và một lần ở chương XXVII của phần hai, tới mức chàng bỏ rơi bác ta trong nguy hiểm. Về phần mình, Sancho trước tiên đi theo ông chủ của mình bằng sự ngu ngốc và bởi những lý do ích kỷ thuần túy vật chất, bởi vì bác trù tính những lợi ích ảo tưởng từ cuộc phiêu lưu; bác đi theo ông chủ cũng bởi vì bác thích một cuộc sống lang thang, mặc cho những điều bất ngờ của mình, hơn là sự đơn điệu trong cuộc sống quanh quẩn ở nhà của bác cũng như công việc đều đều. Ngay khi mà bác ta bắt đầu nghi ngờ rằng phải có điều gì đó gàn dở trong trí óc của ông chủ mình; thì dẫn tới việc bác ta đôi khi lừa dối ông chủ, và bác ta cười nhạo, rồi nói với chủ không hề tôn trọng. Đôi khi ngay cả trong phần hai, bác ta thất vọng và nổi giận tới mức tưởng như bác ta sắp rời bỏ Don Quijote. Người đọc luôn được mời tới chứng kiến biết bao mối quan hệ con người không thủy chung và ô hợp, biết bao mối quan hệ chặt chẽ nhất đều dễ bị đứt và thường chịu ảnh hưởng từng thời điểm. Trong văn bản mà chúng ta xuất phát, Sancho lừa dối ông chủ của mình, và đùa giỡn với sự điên rồ của ông ta một cách gần giống như sự tàn nhẫn. Nhưng đáng yêu biết bao sự điên rồ của Don Quijote, một trò chơi như vậy đã thâm nhập sâu vô cùng vào trí óc của chàng! Không có sự đáng yêu và việc dự đoán như thế, Sancho có lẽ sẽ không thể hình dung kế hoạch của mình và có lẽ không thể biết đóng vai trò của mình khéo léo đến vậy. Vài tháng trước đó, bác ta còn chưa chịu đựng được bất kỳ cái gì trong số đó; giờ đây, bác ta sống theo cách của mình trong thế giới của hiệp sĩ chạy theo những cuộc phiêu lưu. Thế giới ấy hấp dẫn bác; bác ta say mê sự điên rồ của ông chủ mình, và cũng với cả vai trò của riêng mình; bác phát triển theo một cách đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, bác là và vẫn là Sancho, thuộc dòng họ Pansa, người Cơ đốc giáo tốt bụng đáng kính được biết đến trong làng của mình. Bác ta vẫn hoàn toàn là như thế khi biến thành quan tổng trấn thông tuệ, và ngay cả - nhất là - khi bác ta dự định cho con gái mình là Sanchica kết hôn với một công tước, và tất cả những cuộc phiêu lưu ấy chỉ có thể xảy ra với Sancho; nhưng chính nhờ Don Quijote, su amo y natural sẽnor, mà bác ta có cuộc đời mới ấy; chính vì chàng mà thân thể và trí óc bác ta được đưa vào một chuyển động như thế và họ chịu đựng thắng lợi cái thử thách dành cho họ. Không ai có đầy đủ kinh nghiệm như Sancho về con người của Don Quijote, cũng không có ai chấp nhận chàng một cách đầy đủ cả. Tất cả những người khác đều ngạc nhiên, hay chỉ trích, hay đùa cợt hay là muốn chữa trị sự thái quá của chàng quý tộc Tây Ban Nha: duy nhất Sancho có thiện cảm với chàng, đối với bác thì sự điên rồ và thông tuệ của Don Quijote trở thành thứ giàu sức sáng tạo. Mặc dù bác thiếu hẳn một trí tuệ phê bình để có thể hình dung và diễn đạt một đánh giá tổng hợp về ông chủ của mình, những chính từ đáy lòng của bác, với tất cả phẩm chất của mình, cho phép chúng ta hiểu hơn về Don Quijote. Từ đó, ngược lại, sự gắn bó của Don Quijote với người giám mã của mình; Sancho là người chia sẻ và là người phản biện lại chàng, sản phẩm sáng tạo của chàng và cũng độc lập với chàng, người tự khẳng định ngược với chàng, người ngăn cơn điên rồ đưa chàng vào một trại giam. Hai đối tác hài hước và bán hài hước xuất hiện đồng thời và tương phản nhau, đó là một chủ đề rất cũ kỹ người ta gặp khắp nơi và giờ đây không hề mất một chút quyền lực nào, trong các vở hề kịch, trong cac bức biếm họa, trong rạp xiếc và điện ảnh: kẻ cao gầy và người lùn béo, kẻ ranh ma người khờ khạo, ông chủ và người phục vụ, quý ngài có học và cao quý với người thô lỗ quê kệch (và tất cả những sự kếp hợp khác, đa dạng tùy theo từng nước và các nền văn hóa). Về chủ đề này, Cervantes đã làm nên được một cái gì đó vĩ đại và duy nhất.
Có lẽ không hẳn là chính xác khi nói: “về chủ đề này, Cervantes đã làm...”. Hình như là chính xác hơn khi nói chủ đề này “đã trưởng thành trong bàn tay ông” như thế nào. Từ nhiều thế kỷ, và nhất là từ chủ nghĩa lãng mạn, người ta đã muốn phát hiện ở đó nhiều điều mà ông không hề nghi ngờ, và chưa hẳn là nằm trong ý định của ông. Nhiều cố gắng cắt nghĩa lại và siêu cắt nghĩa như thế về một cuốn sách cổ thường rất phong phú: một cuốn sách như Don Quijote tách khỏi những ý định của tác giả và sống theo cuộc sống của riêng mình; ở mỗi thời kỳ nó lại lộ ra một khuôn mặt mới với những người yêu thích nó. Nhưng nhà viết sử, người cố gắng xác định vị trí của một tác phẩm trong một tiến trình lịch sử, lại phải cố gắng chừng nào có thể đạt tới được một cách hiểu chính xác về điều mà tác phẩm ấy thông báo với tác giả và độc giả đương thời. Tuy nhiên tôi đã nhấn mạnh nhiều lần về việc quyển sách hầu như không chứa bất kỳ bi kịch gì và vấn đề gì. Tiểu thuyết đối với tôi giống như một trò vui và thư giãn, nó diễn ra ở nhiều mức độ, đặc biệt ở mức độ hiện thực hàng ngày, cái này về chuyện ấy chẳng hạn thì khác với sự vui vẻ cũng chứa đầy vấn đề của Arisoto Ludovico Ariosto (1474-1533) là nhà thơ người Italia, tác giả một tập anh hùng ca được coi là kiệt tác của văn học Italia Phục Hưng có tên Roland nổi giận đánh dấu một mốc quan trọng của mỹ học thời Phục Hưng. ; đó còn là một trò chơi. Tuy thế, dù tôi cố gắng cắt nghĩa ít nhất trong chừng mực có thể thì tôi vẫn cảm thấy rằng điều mà tôi nghĩ về quyển sách sẽ đi trật khỏi những ý định nghệ thuật của Cervantes. Dù chúng có thể là gì đi nữa (chúng ta không quan tâm ở đây những vấn đề mỹ học thời Cervantes), ngay từ đầu và cả trong ý thức, chắc chắn chúng không nhằm tạo nên một mối quan hệ như thế giữa Don Quijote và Sancho, giống như mối quan hệ mà chúng ta hình dung một khi mà chúng ta đã đọc tiểu thuyết. Đúng hơn cần nói rằng hai hình tượng trước tiên thuộc một cái nhìn duy nhất: điều cuối cùng đã rút ra từ đó - từ mỗi một khuôn mặt cô lập và của cả hai khuôn mặt - dần dần thoát ra khỏi hàng trăm ý định đặc biệt, hàng trăm tình huống mà Cervantes vừa xếp đặt họ vào đó vừa làm cho họ phản ứng theo cảm hứng từng lúc, ở mức độ của một sự tưởng tượng luôn được trào dâng và luôn được đổi mới. Điều ấy không cho phép gây ra một vài điều kỳ dị và trái ngược, không chỉ trong trật tự sự việc như người ta thường phát hiện ra, mà cả trong lĩnh vực tâm lý. Thế là chúng ta có những sự phát triển không tương hợp với nhân cách tổng thể của hai nhân vật, dấu hiệu mà Cervantes để mặc cho tình huống của thời điểm hướng dẫn, những đòi hỏi của cuộc phiêu lưu đang diễn ra. Thậm chí thường xuyên hơn là trường hợp trong phần thứ hai. Cả hai nhân vật được xây dựng dần dần và không định trước, cũng như là mỗi một nhân vật vừa ở trong đặc điểm cá nhân vừa ở trong quan hệ tương hỗ của họ. Quả thật, điều chắc chắn nhất theo kiểu Cervantes, đỉnh điểm kinh nghiệm của Cervantes và sự giàu có của trí tưởng tượng của ông là việc thâm nhập vừa tự phát vừa thoải mái vào các sự kiện và lời nói nhân vật. Không dễ để định nghĩa những từ “thuần túy Cervantes”; tôi dù vậy cũng muốn cố gắng từ đó thực hiện điều ấy để làm nổi bật sức mạnh và xác định những giới hạn của bó. Trước tiên đó là cái gì đó kiểu trực quan tự phát: một khả năng đầy sức mạnh được thể hiện qua những cá nhân rất khác nhau trong những tình huống rất đa dạng, món quà cho tưởng tượng và cho diễn đạt mạnh mẽ những tư tưởng sinh ra trong trí óc của họ, những tình cảm vượt qua trái tim, những từ ngữ đến từ miệng của họ. Năng lực này ở Cervantes là nguyên gốc và vô cùng mạnh mẽ, đồng thời lại  độc lập hẳn với ý định khác tới mức ở bên cạnh ông hầu như mọi thứ văn học hiện thực trước đó đều tỏ ra hạn chế, ước lệ và minh họa. Người ta cũng có thể nói như thế về khả năng tưởng tượng không ngừng của ông trong những kết hợp mới mẻ cá nhân với sự kiện, hay nói như thế về việc ham mê động lực của riêng họ. Về điểm này, quả thật chúng ta không thể bỏ qua truyền thống rất cổ xưa của những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, được Bojardo và Ariosto đổi mới; nhưng không ai trước ông có thể đưa hiện thực của cuộc sống hàng ngày vào trong trò chơi kết hợp phù phiếm và sáng chói ấy. Cuối cùng trò chơi có một “cái tôi không biết gì” sắp xếp tổng thể và sự việc xuất hiện dưới một thứ ánh sáng đặc trưng “kiểu Cervantes”. ở đây, khó khăn còn tăng lên nữa. Để lẩn tránh nó, người ta có thể nói rằng cái “tôi không biết gì” chỉ duy nhất ngự trị trong đề tài, trong ý tưởng về việc chàng quý tộc trở thành một kẻ điên rồ và tin là ông cần phải làm sống lại tinh thần hiệp sĩ lang thang, rằng chủ đề này mang lại cho cuốn sách sự thống nhất và quan điểm của Cervantes. Nhưng một chủ đề như thế (tuy Cervantes vay mượn nó ở một cuốn sách nhỏ đương thời chả có thú vị gì, Entremés de los Romances) có lẽ được xử lý theo một cách hoàn toàn khác hẳn; nhân vật có lẽ có một dáng vẻ hoàn toàn khác với dáng vẻ Don Quijote, không hề có Dulcinea và nhất là không có Sancho vốn không thể tách rời. Nhưng vượt trên tất cả những điều ấy, người ta có thể tự hỏi điều gì đã thu hút Cervantes tới vậy, điều gì đã gắn ông với chủ đề ấy. Điều thu hút ông, đó là khả năng được ông mang đến từ một sự phát triển đa dạng và giàu có đầy viễn ảnh, đấy là sự trộn lẫn cái phóng túng với cái thường ngày, tính chất dễ bảo, linh hoạt và mềm dẻo của nó. Chủ đề này cho phép ông đưa vào trong tác phẩm mọi hình thức nghệ thuật và phong cách; nó cho phép ông thể hiện toàn bộ sự đa dạng của các hiện tượng dưới một thứ ánh sáng thuộc về bẩm sinh trong khí chất của riêng ông. Nhưng điều ấy đưa chúng ta tới câu hỏi của chính mình: cái “tôi không biết” sắp xếp trật tự tổng thể và sự việc hiện ra trong một thứ ánh sáng “thuần Cervantes” là gì vậy? 
Không phải là một triết học, không phải xu hướng nào đó, cũng không phải một nỗi lo nào đó trước sự không xác thực của tồn tại hay mạnh mẽ của số phận, giống như ở Montaigne hay Shakespeare. Đó là một thái độ - một thái độ trước thế giới và do vậy là cũng là trước đối tượng của nghệ thuật - ở đó sự dũng cảm và sự bình đẳng tinh thần đóng vai trò lớn nhất. Bên cạnh niềm vui mà tác giả mang tới cho trò chơi đa dạng của mình và ăn sâu vào hiện thực trực quan, còn có ở ông một khoảng cách nhất định, một sự tự hào kiểu người phương Nam làm ông chuyển hướng coi trò chơi là rất nghiêm túc. Ông coi trọng, tổ chức và vui thích với trò chơi; ông cũng muốn làm cho bạn đọc vui thích với trò chơi bằng một sự khuây khỏa có chất lượng. Ông không thiên vị (nếu không phải là chống lại những quyển sách được viết rất dở); ông trung lập. Không cần nói rằng ông không lên án, không rút ra bất kỳ kết luận nào: ngay cả nguyên nhân cũng không được gọi tên, các vấn đề không được đặt ra. Không ai và cũng không một cái gì (ngoại trừ những cuốn tiểu thuyết dở và những vở kịch tồi) bị lên án trong cuốn sách này: không phải Ginés xứ Pasamonte, không phải Roque Guinart, không phải Maritorne, cũng không phải Zoraida. Đối với chúng ta, cách cư xử của Zoraida đối với ông bố trở thành một vấn đề đạo đức khi nó đặt ra các câu hỏi cho chúng ta; nhưng Cervantes kể chuyện mà không cho chúng ta biết điều mà ông nghĩ về nó; hay đúng hơn không phải là ông kể, mà là người tù nhân, người đã thể nghiệm một cách trực tiếp phẩm hạnh của Zoraida, không gì hơn nữa. Có thể người ta tìm thấy vài bức biếm họa trong cuốn sách này: người Bishaien, thầy tu ở lâu đài công tước, donã Rodriguez; nhưng những hình tượng này không nêu lên vấn đề đạo đức và không đưa ra sự đánh giá. Cũng không ai được khen như một nhân vật tiêu biểu. Ta ở đây có thể nghĩ tới chàng quý tộc Tây Ban Nha với chiếc áo khoác màu xanh là don Diego de Miranda, nhân vật ở chương XVI phần hai, người nêu ra một đề cương về triết học của mình đầy những giới hạn, và qua đó gây một ấn tượng mạnh cho Sancho. Ông ta khiêm nhường và công bằng; với cả Don Quijote và Sancho, ông ta đều tìm thấy giọng điệu phong nhã thích hợp - cởi mở, khiêm nhường và tuy thế không phải không tự tin. Những cố gắng mà ông nêu để bác lại lý lẽ của Don Quijote hay để làm cơn điên của chàng trở nên dịu bớt đều rất đáng yêu và trong sáng; ta không nên lẫn lộn chàng với một tu sĩ thiển cận và hẹp hòi của triều đình công tước, như một đại giáo sư Tây Ban Nha Américo Castro đã làm. Don Diego là một người lịch thiệp khiêm nhường, một mẫu người Tây Ban Nha thuộc kiểu người nhân văn đáng trọng: optium cum digniate. Nhưng chắc chắn chàng không hơn, chàng không tạo nên một mẫu người tuyệt đối. Đó là một cá nhân quá thận trọng và chừng mực để xứng đáng được coi như thế, và có thể xảy ra việc chàng bước tới đỉnh điểm của sự giễu cợt theo cách mà Cervantes đã dùng để miêu tả cách sống của chàng, cách đi săn của chàng, cách nhìn nhận của chàng về những sở thích văn chương của con trai mình; về điểm này thì Castro có vẻ có lý.
Thái độ của Cervantes tựa như là thế giới của ông đã trở thành một trò chơi, nơi đó mỗi người được biện minh bằng việc duy nhất được người đó nếm trải ở vị trí thuộc về chính mình. Người duy nhất sai lầm là Don Quijote khi chàng trở nên điên rồ. Tương tự như thế, chàng đã hoàn toàn sai khi đối mặt với don Diego hiền hậu, vô cùng mực thước, mà Cervantes - with inspirede perversity Tiếng Anh trong nguyên bản có nghĩa là với sự ngang bướng đầy cảm hứng (ND), như cách diễn đạt của Castro, - coi như là nhân chứng cho cuộc phiêu lưu của con sư tử. Có lẽ sẽ là hiểu sai suy nghĩ của Cervantes khi thấy trong chương này một lời biểu dương về chủ nghĩa anh hùng phiêu lưu đối mặt trước một sự thận trọng có tính toán, tầm thường và nhỏ nhen. Có thể nếu người ta xác định dấu vết giễu nhại nào đó trong bức họa về don Diegoe, thì lại không thể làm như vậy với Don Quijote: người ta không giới thiệu chàng với chúng ta giống như kẻ kỳ cục nhất thời, mà là một kẻ hoàn toàn kỳ cục, trong mọi hành vi xử sự của mình. Chương truyện bắt đầu bằng việc miêu tả  sự tự hào phi lý do chiến thắng của chàng với Carrasco giả trang hiệp sĩ và cuộc trò chuyện với Sancho về sự kiện này. Trong toàn bộ cuốn sách này, có rất ít những đoạn Don Quijote hiện ra dưới cái vẻ ngoài tức cười như thế, và sự kỳ cục ấy không loại trừ sự tồn tại tinh thần của chàng. Chân dung mà chàng tự mình dựng lên khi hiện ra trước mắt don Diego có vẻ khoa trương một cách thô kệch. Trong trạng thái tinh thần ấy, chàng lao vào cuộc phiêu lưu đặt chàng đối mặt với con sư tử; nhưng con sư tử không động đậy, nó quay lưng lại với Don Quijote. Chúng ta phải nhắc tới một câu chuyện giễu nhại thuần khiết, và những chi tiết của cảnh này tương hợp với trí tuệ giễu nhại của chàng: lời thỉnh cầu của Don Quijote với người coi thú về việc trao cho chàng một chứng chỉ anh hùng, cách thức chàng tiếp nhận Sancho, việc thay đổi tên gọi (kể từ đó chàng muốn được gọi là Hiệp sĩ Sư Tử) và còn nhiều chuyện khác nữa.
Duy nhất Don Quijote sai lầm, và điên rồ lâu đến như thế; duy nhất chàng sai lầm trong một thế giới được sắp đặt một cách vô cùng trật tự, ở đó tất cả mọi người, trừ chàng ra, đều ở đúng vị trí của mình; bản thân chàng cuối cùng cũng hiểu ra mình, khi mà vào lúc chết, chàng quay trở lại với trật tự của thế giới. Nhưng thế giới đó có thật sự là trật tự? Vấn đề không được đặt ra. Điều chắc chắn là trong ánh sáng của sự điên rồ kiểu Don Quijote, vì được đối chiếu với sự điên rồ này nên thế giới ấy tỏ ra rất trật tự và dù ngay cả là trò chơi thì cũng không thiếu đi sự vui vẻ. Có thể là thế giới ấy có kẻ bất hạnh, sự bất công và sự hỗn loạn. Chúng ta gặp ở đây những cô gái mua vui, những tên tù khổ sai đi đày, những cô gái trẻ bị làm nhục, những tên cướp bị treo cổ - có thể dễ dàng nối dài thêm danh sách này. Nhưng tất cả những điều ấy không làm chúng ta bối rối. Sự can thiệp của Don Quijote, người chẳng cải thiện được điều gì và cũng chẳng cứu được ai, đã biến hạnh phúc và bất hạnh thành một trò chơi.
Chủ đề về chàng quý tộc nghèo gàn dở làm hồi sinh truyền thống hiệp sĩ lang thang đã mang đến cho Cervantes khả năng chứng minh thế giới như một trò chơi, trong trí óc trung lập của ông đã dàn dựng nên nhiều khung cảnh mà không lên án cũng không đặt câu hỏi, bằng sự không can dự ấy ông đã tạo nên một sự khôn ngoan dũng cảm. Người ta có thể nêu ra đặc trưng cho sự khôn ngoan ấy một cách rất giản dị bằng việc nhắc lại chính những từ của Don Quijote mà chúng ta vừa kể ra: allá se lo haya cada uno con pecado, Dios hay en el cielo que no se descuida de castiguar al malo, ni de premiar al buneo; hay những lời mà chàng nói với Sancho về các nữ tu sĩ và các hiệp sĩ, trong chương VIII của phần hai, ở cuối cuộc gặp gỡ: muchos son los caminos por dondelleva Dios a los suyos al cielo (Có rất nhiều con đường mà Chúa dùng để những đứa con của mình tới thiên đàng). Có nghĩa là trong lần phân tích cuối cùng này, sự khôn ngoan ấy là một sự khôn ngoan sùng kính. Sự khôn ngoan tựa như sự trung lập mà Gustave Flaubert cố gắng đạt được, nhưng vẫn hoàn toàn khác: Flaubert muốn biến đổi hiện thực bằng phong cách, sao cho hiện thực ấy hiện ra như Chúa nhìn thấy, sao cho trật tự thần thánh hóa thân một cách tất nhiên vào phong cách của tác giả, bằng phong cách mà trật tự liên quan đến mảnh vỡ hiện thực được xử lý trong từng tác phẩm. Đối với Cervantes, một cuốn tiểu thuyết hay thì không có chức năng nào khác ngoài việc phô bày một honesto entretennimiento, như W.J.Enstwistle mới đây đã trình bầy rất tuyệt trong cuốn sách của mình về Cervantes (1940), ở đó ông lập ra một sự đối sánh rất hay giữa sự tái tạo (recréation) và trò tiêu khiển (récréation). Cervantes có lẽ sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng phong cách của một cuốn tiểu thuyết, ngay cả của cuốn tiểu thuyết hay nhất, lại có thể vén màn bí mật về thế giới. Mặt khác, đối với ông, tiểu thuyết không thể ôm chứa được nữa tất cả những hiện tượng của thế giới thực và sắp xếp các hiện tượng ấy theo một cách truyền thống và không mơ hồ. Trong một số xứ sở khác ở châu Âu, từ lâu người ta đã bắt đầu đặt câu hỏi và nghi ngờ, thậm chí bắt đầu xây dựng trên những cơ sở mới. Nhưng một thái độ như thế không thích hợp với thiên tài của xứ ông, với khí chất của riêng ông, với quan niệm của ông về vai trò của nhà văn. Ông khám phá ra trật tự của hiện thực trong trò chơi. Không còn là trò chơi của Jedermann "Tất cả mọi người, không trừ ai". ẩn ngữ ở kịch tôn giáo Anh có tên Everyman (thế kỷ XIV) được biết đến ở Đức qua cách phiên âm Jedermann. Hofmannsthal đã cải tác thành một bản trong tiếng Đức (chú thích bản dịch tiếng Pháp), nơi có những mức cố định xác định cái nào tốt, cái nào xấu., những mức mà chúng ta còn gặp trong La Célestina Bi hài kịch được gán cho người Tây Ban Nha Fernando de Rojas, 1499 (chú thích bản dịch tiếng Pháp).. Mọi việc không còn đơn giản nữa; Cervantes không nêu ra công thức đánh giá nữa, nếu không phải là văn chương, khi ông nói về nghề nghiệp của mình. Đối với những gì thuộc về cuộc sống trên trái đất, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội; Chúa sẽ để mắt quan sát để điều thiện được thưởng và điều ác bị phạt. Tại nơi đây, trên mặt đất, trật tự của đấng Thượng đế không thể tiên lượng được đều nằm trong trò chơi; trắc trở tới mức dù Người phải bao quát bằng cái nhìn và xét đoán các hiện tượng, thì khi đứng trước chàng hiệp sĩ điên rồ xứ Mancha chúng đều trở thành một điệu nhảy sarabande đầy một sự lẫn lộn vui vẻ và tiêu khiển.
Tôi cảm thấy đó chính là chức năng của sự điên rồ ở nhân vật Don Quijote. Khi chủ đề cuốn sách của ông - chàng quý tộc Tây Ban Nha ưa tiểu thuyết đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu để hiện thực hóa lý tưởng về caballero andante - bắt đầu nung nấu trí tưởng tượng của Cervantes, thì ông cũng nhận ra cách thức để nhờ đó có thể biểu hiện hiện thực đương đại bằng cách so sánh nó với cơn điên rồ ấy. Và ý niệm này làm ông hài lòng, cả vì sự đa dạng của nó cũng như là vì sự vui vẻ công minh được cơn điên rồ trải ra trên tất cả những gì tiếp xúc với cái nhìn ấy. Có lẽ, ông không phải không vui với ý tưởng rằng, sự điên rồ này là anh hùng và có tính lý tưởng, rằng sự điên rồ ấy để dành chỗ cho sự thông tuệ và tính nhân văn. Nhưng tôi cảm thấy phi lý khi xem xét một cách trừu tượng sự điên rồ này và mang đến cho nó một nét của bi kịch tiêu biểu. Có thể xếp chồng cách cắt nghĩa này lên văn bản, nhưng văn bản này không có bất kỳ cái gì tương tự. Trong văn học châu Âu, không bao giờ người ta còn cố gắng để biểu hiện hiện thực hàng ngày như một niềm vui phổ quát và đa dạng đến thế, một sự vui vẻ tới mức loại trừ sự phê phán và rất ít lo lắng khi nêu lên các vấn đề; tôi không thấy ở đâu cũng như khi nào, một ý định như thế có lẽ còn diễn ra nữa.
Dịch từ bản tiếng Pháp của NXB Gallimard - 1996
Tạp chí văn học nước ngoài 3.2005

Folklore- hình thức đặc biệt của sáng tạo



Những sai lầm ngây thơ mang tính hiện thực chủ nghĩa, vốn là dấu hiệu đặc sắc nhất của tư tưởng lý thuyết trong nửa cuối thế kỷ XIX, đã bị các xu hướng hiện đại của tư duy khoa học bỏ qua. Nhưng vẫn còn đó một lĩnh vực: lĩnh vực các ngành khoa học nhân văn có những đại diện bị lũng đoạn bởi sự chất chồng về chất liệu và bởi các nhiệm vụ cụ thể chuyên biệt tới mức các đại diện đó không hề có ý định xem xét lại các cơ sở triết học của mình, và về chuyện này họ dừng lại ở những nguyên tắc lý thuyết cũ kỹ. Chính chỉ ở đây thôi đã xảy ra sự bành trướng, thậm chí rất trầm trọng, của chủ nghĩa hiện thực ngây thơ vào đầu thế kỷ của chúng ta.
Ngay cả nếu như cái nhìn của riêng chủ nghĩa hiện thực ngây thơ về thế giới là hoàn toàn xa lạ với các nhà nghiên cứu hiện đại (ít nhất là ở đó, cái nhìn cũng không hoàn toàn là một giáo điều không thể đụng chạm), thì ở rất nhiều lĩnh vực khác của nghiên cứu xã hội cũng không hề có một loạt những cách biểu hiện mang tính công thức được suy trực tiếp từ những cơ sở triết học của khoa học trong suốt nửa cuối thế kỷ XIX. Đó là một sự nhầm lẫn được dẫn nhập một cách lén lút, một sự mơ hồ cản trở  phát triển của khoa học.
Sản phẩm điển hình của chủ nghĩa hiện thực ngây thơ là luận thuyết rất phổ biến của các nhà tân ngữ pháp, theo đó thì ngôn ngữ (langue) cá nhân là ngôn ngữ duy nhất và chỉ nó là có thực. Bị đẩy tới sự châm chọc, luận thuyết này đã khẳng định rằng rốt cục chỉ ngôn ngữ của một con người nào đó, ở vào một thời điểm nào đó, mới là một hiện thực đích thực, trong khi tất cả những cái còn lại chỉ là sự trừu tượng lý thuyết suông (théorico-scientifique). Vậy là chẳng có gì xa lạ hơn với những cố gắng mới đây của ngôn ngữ học ngoài luận thuyết này, đã trở thành một trong những cột trụ chính của học thuyết ở các nhà tân ngữ pháp.
Bên cạnh hành vi cá nhân, đặc biệt là lời nói - la parole[2] theo quyết định luận của F. De Saussure - ngôn ngữ học cũng xác nhận la langue[3], nghĩa là “một tổng thể có tính quy ước cần thiết được chứng thực bởi toàn thể xã hội để cho phép thực hiện năng lực này [bằng hành ngôn (langage)] ở các cá nhân”. Người nói bất kỳ có thể thêm vào trong hệ thống có tính truyền thống và liên cá nhân này những thay đổi cá nhân, nhưng những thay đổi đó là những sự vi phạm cá nhân đối với ngôn ngữ (langue) và chỉ có thể được cắt nghĩa trong quan hệ với chính nó. Những sự vi phạm ấy trở thành sự kiện ngôn ngữ sau khi mà cộng đồng, chính là sự bảo trợ cho những thay đổi đó, phê chuẩn rồi chấp nhận chúng như thứ có giá trị phổ quát. Chính ở đó mà có thể thấy được sự khác biệt giữa những thay đổi của một bên là hành ngôn do các lỗi cá nhân (nói lắp, nói nhịu), và bên kia là trạng thái say mê hay những xung năng mỹ học của các nhân đang nói, trong các sản phẩm của sự phóng túng cá nhân.
Nếu chúng ta nghiêng về vấn đề của việc “thai nghén” trong đổi mới nào đó của hành ngôn, thì chúng ta có thể chấp nhận trường hợp các thay đổi diễn ra liền theo một dạng xã hội hóa, tổng hợp các lỗi lầm cá nhân (nói nhịu), những trạng thái nhiệt hứng hay những biến hình mang tính mỹ học của hành ngôn. Những thay đổi của hành ngôn cũng có thể bất chợt xuất hiện theo một cách khác: do vậy chúng xuất hiện như kết quả không tránh khỏi, hợp thức, của những thay đổi đã từng xảy ra trước đó, và chúng được hiện thực hóa một cách trực tiếp trong ngôn ngữ (cái mà các nhà sinh học gọi là thuyết luật sinh nomogenèse). Nhưng dù bản chất của các điều kiện cho sự thay đổi của hành ngôn là như thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng chỉ có thể nói về “sự sinh thành” của một hình thức mới trong chừng mực mà kể từ thời điểm đó hình thức ấy tồn tại như là hiện tượng xã hội, nghĩa là khi mà cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận nó.
Giờ đây hãy chuyển từ lĩnh vực ngôn ngữ học qua lĩnh vực folklore: chúng ta bắt gặp ở đây những hiện tượng tương tự. Sự tồn tại của một tác phẩm folklore chỉ bắt đầu sau khi một cộng đồng nào đó chấp nhận nó, và chỉ còn tồn tại cái mà cộng đồng chiếm làm sở hữu.
Hãy giả sử rằng một thành viên của một cộng đồng đã tạo ra một tác phẩm có tính riêng tư. Nếu tác phẩm truyền miệng này vì lý do này hay khác tỏ ra không được cộng đồng chấp nhận, nếu tất cả các thành viên của cộng đồng không thâu nạp nó, nó sẽ có thể biến mất. Tuy nhiên việc chép lại thành văn bản ngẫu nhiên do một người sưu tầm lại có thể cứu được điều đó, tức là làm nó chuyển từ lĩnh vực thơ ca truyền miệng sang lĩnh vực văn học.
Lautréamont, nhà thơ Pháp của những năm sáu mươi thế kỷ trước tiêu biểu cho kiểu poète maudit[4], nghĩa là bị chối bỏ, đã trôi vào trong im lặng, không được những người cùng thời thừa nhận. Ông chỉ cho xuất bản một quyển sách nhỏ, không một ai chú ý và không thể phát hành; với các cuốn sách khác của ông cũng tương tự như vậy, không thể xuất bản. Cái chết đến với ông năm hai mươi tư tuổi. Hàng thập kỷ trôi qua; khi trong văn học xuất hiện trào lưu siêu thực, về nhiều phương diện nó là sự tiếp nối của thơ ca Lautréamont. Lautréamont đã được làm quen lại, người ta xuất bản các tác phẩm của ông, tôn vinh ông như là bậc thầy và người ta chú ý ngày càng nhiều tới ông. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ông chỉ sáng tác bằng thơ ca truyền miệng? Sau khi ông chết, có lẽ chúng cũng biến mất mà không dấu vết.
Chúng ta đã kể ở đây trường hợp đặc biệt khi các tác phẩm hoàn toàn bị từ chối. Nhưng xảy ra trường hợp người đương thời chỉ từ chối vài nét, vài điểm đặc biệt về hình thức, vài mô típ hay không chấp nhận những cái dó. Môi trường tỉa gọt tác phẩm theo ý mình, và mọi cái bị môi trường từ chối đánh mất hẳn sự tồn tại kiểu folklore, ngay cả cách sử dụng thông thường và sẽ tàn lụi dần.
Trong tác phẩm của Gontcharov, một nữ nhân vật trước khi đọc một cuốn tiểu thuyết cố gắng biết trước mở nút. Hãy giả sử rằng vào một thời kỳ đã định, độc giả vô danh cũng làm như vậy. Chẳng hạn anh ta cũng có thể để sang bên những đoạn miêu tả cảnh vật mà anh ta cảm thấy như một phần phụ nặng nề và buồn chán. Một tiểu thuyết có thể bị biến dạng theo cách nào đó tùy độc giả, nó có thể do cấu trúc của mình mà đi ngược lại những đòi hỏi của trường quy đương thời, hay chỉ làm thỏa mãn xã hội dưới một hình thức rất không đầy đủ: tuy nhiên nó vẫn bảo toàn nguyên vẹn sự tồn tại đầy tiềm năng của mình; một thời kỳ nào đó sẽ ngẫu nhiên khôi phục lại những nét xưa kia đã bị từ chối. Nhưng hãy chuyển các sự kiện này sang lĩnh vực folklore: hãy giả sử rằng cộng đồng đòi hỏi việc cởi nút được bộc lộ trước tiên, và chúng ta sẽ thấy rằng mọi câu chuyện dân gian tất yếu phải có kiểu cấu trúc mà chúng ta gặp trong Cái chết của Ivan Ilitch của Tolstoi, ở đó cởi nút diễn ra trước khi kể chuyện. Khi các đoạn miêu tả cảnh không làm hài lòng cộng đồng, chúng sẽ bị loại khỏi danh mục dân gian.... Tóm lại, đối với cộng đồng nhất định, trong folklore chỉ còn lại những hình thức là một đặc điểm mang tính chức năng. Rõ ràng là một trong các chức năng của hình thức có thể loại bỏ một chức năng khác. Nhưng ngay khi một hình thức chấm dứt hoạt động, nó sẽ tàn lụi trong folklore, trong khi mà nó vẫn bảo lưu sự tồn tại đầy tiềm năng của mình ở văn học viết.
Ví dụ khác rút ra từ lịch sử văn học: những người mà ta gọi là “những người bạn đường vĩnh cửu”, những nhà văn trong hàng thế kỷ, đã được cắt nghĩa rất khác nhau bởi vô vàn xu hướng đa dạng. Nhiều điểm đặc biệt của những nhà văn này, vốn bị người đương thời coi như là người xa lạ, không thể hiểu nổi, mơ hồ, không thể ưa, lại được đánh giá cao ở hậu thế, hay đột nhiên trở nên hiện đại và trở thành những yếu tố đầy khả năng sản sinh cho văn học. Điều gì sẽ xảy ra chẳng hạn trong thơ ca dân gian với những sáng tác táo bạo và “không hợp thời” của Leskov, trên phương diện ngôn ngữ, người trở thành tác giả giàu tiềm năng - với Remizov và với các tác giả văn xuôi Nga còn sống? Môi trường mà Leskov sống có lẽ đã tẩy trừ phong cách kỳ cục khỏi các tác phẩm của ông. Tóm lại, chính ý niệm truyền thống văn học về căn bản là khác biệt với ý niệm truyền thống folklore. Trong lĩnh vực của folklore, khả năng cập nhật hóa của các sự kiện thi ca hạn chế hơn rất nhiều. Khi những nghệ nhân của một truyền thống folklore mất đi, thì truyền thống đó cũng không có khả năng hồi sinh nữa, trong khi ở văn học thì các hiện tượng già cỗi cách một hay ngay cả nhiều thế kỷ, vẫn sống lại và trở nên đầy sức sống[5].
Tất cả những gì được nêu trên chứng tỏ rằng sự tồn tại của một tác phẩm văn hóa dân gian giả thiết rằng một nhóm đã chấp nhận và phê chuẩn nó. Khi ta nghiên cứu folklore, cần thiết không bao giờ được bỏ sót ý tưởng chủ yếu về việc kiểm duyệt phòng ngừa của cộng đồng[6]. Chúng tôi sử dụng một cách cố ý khái niệm “phòng ngừa”, vì khi người ta xem xét một hiện tượng folklore thì đó không phải là những chặng trong quá trình tồn tại trước khi xuất hiện, cũng không phải là “phôi thai”, không phải là cuộc sống trứng nước, mà là “sự sinh thành” của sự kiện folklore và số phận của nó sau đó nữa.
Các nhà folklore, đặc biệt những người Slave, có lẽ có chất liệu folklore sống động và giàu có nhất châu Âu, lại thường bảo vệ giả thiết này: không có sự khác nhau cơ bản giữa thơ ca truyền miệng và văn học, và trong cả hai trường hợp chúng ta cần phải tạo ra được những sản phẩm hiển nhiên từ sự sáng tạo cá nhân. Luận đề này nảy sinh ra dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực ngây thơ: việc sáng tạo mang tính tập thể không xảy ra với chúng ta  như một sự kiện có tính kính nghiệm cụ thể; do vậy sẽ cần phải giả thiết một người sáng tạo mang tính cá nhân, một người khai tâm. Một nhà tân ngữ pháp tiêu biểu về ngôn ngữ học và khoa học folklore là Vsevolod Millier đã diễn đạt như thế này khi nói về những chủ đề folklore: “Nhờ đâu mà các đề tài đã được sáng tạo ra? Sự sáng tạo tập thể của đám đông chăng? Nhưng sự sáng tạo đó còn là một hư cấu vì kinh nghiệm con người chưa bao giờ quan sát được sự sáng tạo tương tự”. Chắc chắn điều được nói ra ở đây là ảnh hưởng của môi trường hàng ngày chúng ta. Không phải là sáng tạo truyền miệng, mà là văn học đối với chúng ta mới là hình thức thường gặp, thân thuộc nhất mang tính sáng tạo, và việc hình dung quen thuộc của chúng ta trong lĩnh vực folklore thường được đưa ra theo lối tự kỷ trung tâm. Thời điểm sinh ra của một tác phẩm văn học được coi như là thời khắc khi nó được sinh ra trên trang giấy của tác giả. Tương tự như thế, thời khắc tác phẩm truyền miệng lần đầu tiên trở thành ngoại hiện, đó là được tác giả sản sinh ra, cũng được coi như là thời điểm ra đời của tác phẩm; trong thực tế thì tác phẩm chỉ trở thành hiện tượng folklore khi nó được cộng đồng chấp thuận. Những ai bảo vệ luận đề về tính cá nhân trong sáng tạo folklore đều có xu hướng thay thế khái niệm “tập thể” bằng khái niệm “vô danh”. Vì thế mà người ta có thể đọc được trong một tuyển tập thơ ca dân gian Nga danh tiếng: “Rõ ràng, nhân nói về một bài ca nghi lễ, không biết người đã sáng tạo ra nghi thức, sáng tác ra bài hát đầu tiên, cũng không mâu thuẫn với ý kiến sáng tạo cá nhân; điều đó chỉ chứng minh rằng nghi thức cổ xưa tới mức mà chúng ta không thể xác định được cả tác giả lẫn tình huống xuất hiện của bài ca cổ nhất và gắn bó một cách chặt chẽ vào nghi lễ; ngoài ra chuyện đó còn xuất hiện trong một môi trường mà nhân cách của tác giả không giúp gì hơn để hiểu nó. Giải thích kỷ niệm về nó như vậy, dù nó cũng không hề tiếp tục tồn tại. Ý tưởng sáng tạo “tập thể” trong trường hợp này chẳng có gì để xem xét cả” (M.Speranski). Người ta đã quên ở đây rằng không thể có nghi thức mà không có sự chuẩn y của cộng đồng, rằng đây là một contradictio in adjecto[7]- ngay cả nếu ở nguồn gốc của nghi thức này hay kia còn cách biểu đạt cá nhân -, và rằng con đường ngăn cách cộng đồng với nghi thức cũng dài như con đường dẫn từ sự thay đổi cá nhân của hành ngôn tới sự chuyển biến ngữ pháp.
Điều mà chúng ta đã nói về nguồn gốc của nghi lễ (hay là của một tác phẩm thơ ca truyền miệng) cũng có thể áp dụng cho sự tiến triển của nghi lễ (hay sự tiến triển folklore nói chung). Ngôn ngữ học thực hiện một sự phân biệt giữa giữa sự biến dạng của khái niệm trong hành ngôn và việc một cá nhân rời bỏ hành ngôn đó. Vậy sự phân biệt này, không chỉ có tầm quan trọng về số lượng, mà cả chất lượng, hầu như vẫn còn hoàn toàn xa lạ với khoa học của folklore.
Một trong những điểm đặc trưng chủ yếu cho phép phân biệt folklore và văn học liên quan tới chính ngay ý niệm tác phẩm nghệ thuật.
Trong folklore, mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật và ngoại hiện, nghĩa là những dị bản của tác phẩm nghệ thuật ấy được những người khác nhau diễn tấu, trong mọi khía cạnh, luôn là tương đồng với mối quan hệ giữa ngôn ngữlời nói. Cũng như ngôn ngữ, tác phẩm folklore luôn là phi-cá nhân (extra-personelle) và chỉ có một sự tồn tại đầy tiềm năng; đó chỉ là một tập hợp phức tạp của những khái niệm nào đó, của những xung năng nào đó, một phác thảo của truyền thống vì các cách diễn tấu đã làm chúng sinh động bởi những trang điểm của sự sáng tạo cá nhân giống như là những người sản xuất đã làm điều đó bằng lời nói so với ngôn ngữ[8]. Theo cách thức giống như cách thức của những đổi mới âý mang tính cá nhân trong ngôn ngữ (hay trong folklore) để đáp ứng các đòi hỏi của cộng đồng và tiên báo về sự phát triển hợp thức của ngôn ngữ, các sáng kiến này được tích hợp và trở thành sự kiện ngôn ngữ (hay các yếu tố của tác phẩm folklore).
Tác phẩm văn học được khách quan hóa (hoặc ngoại hiện - ND); nó tồn tại một cách chính xác, độc lập với người đọc, và mỗi độc giả tự hướng mình một cách trực tiếp về tác phẩm. Không phải như là con đường của tác phẩm folklore đi từ người diễn tấu này tới người diễn tấu khác, mà là đi từ tác phẩm tới người diễn tấu. Một cách diễn tấu trước đó có thể được chú trọng tới, nhưng chỉ là một trong những yếu tố cho phép việc tiếp nhận tác phẩm chứ không phải là nguồn duy nhất giống như trong folklore. Vai trò của một người diễn tấu tác phẩm folklore không nhất thiết đống nhất với vai trò người cắt nghĩa ở độc giả, hay ở vai trò người kể chuyện tác phẩm văn học, cũng không phải là vai trò của các tác giả tác phẩm văn học đó.
So với người diễn tấu folklore, thì các tác phẩm văn học diễn đạt một sự kiện ngôn ngữ, nghĩa là phi nhân (extra-personnel), sự kiện đó được nêu ra độc lập với người diễn tấu dù cho có chịu một sự biến dạng nào đó và cả việc kể theo một cách thức mới, thơ ca hay tầm thường. Đối với tác giả của một tác phẩm văn học, lối kể mới ấy hiện ra như một sự kiện lời nói; nó không được nêu ra theo cách tiên nghiệm (à priori), mà tuân theo một quá trình hiện thực hóa có tính cá nhân. Một tập hợp tác phẩm nghệ thuật có tính hiệu quả tạm thời là cái duy nhất được nêu ra; trên hậu trường mà các tác phẩm ấy tạo nên - hậu trường của các đạo cụ mang tính hình thức của chúng - tác phẩm nghệ thuật mới chiếm hữu một vài hình thức, làm thay đổi những cái khác và phủ nhận tất cả số còn lại, và phải được sáng tạo, rồi tìm lấy cử tọa.
Điều khác biệt chủ yếu giữa folklore và văn học: một đằng liên quan đặc biệt tới ngôn ngữ, đằng kia thì tới lời nói. Nếu người ta đối chiếu với định nghĩa vô cùng thích đáng về folklore của Potebnia thì bản thân nhà thơ ở đây không có lý do nào để coi tác phẩm của anh ta như là của mình, các tác phẩm của những nhà thơ khác cùng dòng cảm hứng lại là những tác phẩm xa lạ. Người ta đều đã nhấn mạnh điều đó, vai trò của việc kiểm duyệt ở cộng đồng là hoàn toàn khác nhau trong văn học và trong folklore. Trong folklore, việc kiểm duyệt là bắt buộc và làm nên điều kiện không tránh khỏi cho việc sinh thành tác phẩm nghệ thuật. Còn nhà văn ít hay nhiều đều tính tới những đòi hỏi của môi trường, nhưng theo cách sao cho anh ta tuân theo nó, nên sự gắn kết không thể phân tách được của việc kiểm duyệt đối với tác phẩm, vốn đặc trưng cho folklore, luôn vắng mặt. Một tác phẩm văn học không được xác định trước bởi việc kiểm duyệt, nó hoàn toàn không thể sinh ra từ sự kiểm duyệt, nó chỉ hé mở một cách tương đối những đòi hỏi của mình- theo cách vừa chính xác vừa mơ hồ; nó tính tới rất ít những yêu cầu của cộng đồng. Trong lĩnh vực kinh tế chính trị, cái mà chúng ta gọi là “sản xuất tùy theo thị trường” gợi ra mối quan hệ giữa văn học và người tiêu dùng, trong khi folklore có lẽ đúng hơn sẽ là “sản xuất theo đơn đặt hàng”.
Sự bất đồng giữa các yêu cầu của môi trường và một tác phẩm văn học có thể là hậu quả của một sai lầm; sự bất đồng này có thể xuất phát từ một ý định có cân nhắc của tác giả lo lắng phải thay đổi các đòi hỏi của môi trường và phải giáo dục lại cho môi trường trên bình diện văn học. Một ý định nào đó của tác giả nhằm tác động tới yêu cầu là có thể trở nên vô ích. Việc kiểm duyệt không nhường chỗ; giữa các mức mà việc kiểm duyệt cân nhắc và tác phẩm xuất hiện một sự tương phản. Người ta có xu hướng thể hiện các “tác giả dân gian” theo mẫu của “nhà thơ văn học”, nhưng sự chuyển đổi vị trí là không chính xác. Ngược với “nhà thơ văn học”, “nhà thơ dân gian” - theo nhận xét khá thích đáng của Anitchkov - không tạo ra “môi trường mới”, và toàn bộ ý chí thay đổi môi trường về căn bản là xa lạ với anh ta: quyền lực tuyệt đối của việc kiểm duyệt phòng ngừa làm cho thui chột mọi mâu thuẫn giữa tác phẩm và việc kiểm duyệt, tạo nên một kiểu đặc biệt những người tham dự vào việc sáng tạo thi ca và buộc cá tính phải rời bỏ mọi ý định chế ngự việc kiểm duyệt.
Folklore, cách diễn đạt của sáng tạo cá nhân: xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa lịch sử văn học và folklore ở đây đạt tới đỉnh cao. Nhưng chúng ta tin rằng, theo những gì đã nói trước, luận đề này cần phải tuân theo việc xem xét lại một cách nghiêm ngặt. Điều đó phải chăng sẽ khôi phục trở lại quan niệm lãng mạn, từng bị tấn công dữ dội bởi những người ủng hộ học thuyết mà chúng ta vừa nhắc lại? Chắc chắn sự phân biệt mà những nhà lý thuyết lãng mạn đề ra giữa thơ ca truyền miệng và văn học chứa đựng toàn bộ một loạt những nhận xét thích đáng, và các nhà Lãng mạn có lý khi nhấn mạnh đặc điểm tập thể của thơ ca truyền miệng và so sánh nó với hành ngôn. Nhưng bên cạnh các giả thiết có giá trị này, vẫn có trong quan niệm lãng mạn một loạt các khẳng định không hề cưỡng lại việc phê bình khoa học hiện đại.
Trước tiên, các nhà lãng mạn đánh giá cao tính tự trị và tính đồng thời của folklore; cần phải chờ đợi công việc của các thế hệ bác học đi sau để trong folklore có được tầm quan trọng của cái mà giới dân tộc học hiện đại ở Đức gọi là “các giá trị văn hóa xuống cấp”. Thừa nhận vị trí quan trọng và đôi khi thậm chí là tuyệt đối mà các “giá trị văn hóa xuống cấp” chiếm giữ trong các tổng mục dân gian cũng có thể là tương đương với việc xiết chặt theo cách cơ bản vai trò của việc sáng tạo tập thể trong folklore. Vậy là chẳng có gì cả. Các tác phẩm mà thơ ca dân gian cho các tầng lớp thượng lưu trong xã hội vay mượn có thể là các sản phẩm điển hình của ý tưởng riêng tư và của sáng tạo cá nhân. Nhưng nghi vấn về các nguồn gốc của tác phẩm folklore nằm ngoài những giới hạn của khoa học về folklore. Toàn bộ nghi vấn về các nguồn gốc không đồng chất chỉ thuộc về sự cắt nghĩa khoa học nếu người ta kiểm tra các nguồn gốc đó từ quan điểm hệ thống mà chúng cũng được gộp vào đó: trong trường hợp hấp dẫn chúng ta thì đó là folklore. Đối với khoa học về folklore, cả sự sinh thành và sự tồn tại của các nguồn gốc - chúng nằm ngoài folklore - đều không phải là chủ yếu, mà là việc đi vay mượn, là sự lựa chọn và sự biến đổi của vật liệu được vay mượn. Từ quan điểm đó, luận đề nổi tiếng: “nhân dân không sáng tạo ra mà tái tạo” không có giá trị nữa, vì chúng ta không có tư cách vạch ra một biên giới tuyệt đối giữa sáng tạo và tái tạo, kể cả việc nói rằng tái tạo là kém chút ít. Tái tạo không có nghĩa là tiếp nhận thụ động, và trong hướng này không có sự khác biệt căn bản giữa Môlie - nhà chuyển thể kịch cổ và nhân dân, những người theo Nauman là “chỉ trích ra một câu hát”. Sự biến đổi của một tác phẩm thuộc về nghệ thuật “hoành tráng” thành tác phẩm “sơ khai” cũng là một hành vi sáng tạo. Việc sáng tạo được thể hiện ở đây qua việc lựa chọn các tác phẩm tiếp nhận cũng như trong cách thức xếp đặt để làm hài lòng bằng những thói quen khác và những đòi hỏi khác. Các hình thức văn học tồn tại, sau khi chuyển sang folklore, trở thành một vật liệu tiện cho việc biến đổi. Trong hậu trường, với một môi trường thi ca khác hẳn, một truyền thống và một quan hệ khác với các giá trị nghệ thuật, tác phẩm nhận được một cách cắt nghĩa mới; và đạo cụ hình thức nào đó, thoạt nhìn có vẻ như được phòng ngừa khi được vay mượn, chỉ có thể được coi như bản sao hình mẫu: trong các hình thức nghệ thuật này, theo cách diễn đạt của nhà nghiên cứu người Nga Tynianov, diễn ra một sự giao hoán chức năng. Từ quan điểm chức năng, mà thiếu nó sẽ không thể hiểu các hiện tượng nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật ngoài folklore và bản thân tác phẩm nghệ thuật được folklore chuyển thể là hai hiện tượng có bản chất khác nhau.
Bài thơ Người kỵ sĩ đồng của Puskin là một ví dụ tiêu biểu theo cách thức mà các hình thức nghệ thuật của nó đã thay đổi chức năng khi đi từ folklore tới văn học, và ngược lại từ văn học tới folklore. Câu chuyện rất tiêu biểu kiểu folklore về cuộc gặp gỡ của một người trong dân gian với toàn thể thế giới bên kia (việc miêu tả sự dữ dằn quỷ quái tạo nên trung tâm của câu chuyện) đã được Puskin chuyển hóa: nhà thơ lọc tâm lý của các nhân vật hành động và mang đến cho hành động của họ một lý do tâm lý trong một loạt tranh sinh hoạt. Nhân vật chính - người kỵ sĩ - và lối mê tín dân gian được Puskin miêu tả với một chấm phá hài hước. Câu chuyện được Puskin kể rất phổ biến; ngược lại trong bản của nhà thơ thì giọng điệu dân gian là một cách thức kể. Có thể nói nó được đánh dấu như vậy. Cách diễn đạt ngây thơ của người kể chuyện dân gian đối với Puskin là một yếu tố đầy kích thích cho một hình thức được chuyển thành thơ. Bài thơ của Puskin quay về với folklore và được lặp lại trong một số dị bản của vở kịch được ưa chuộng nhất ở sân khấu dân gian Nga, Nga hoàng Maximilien. Bên cạnh các tác phẩm khác được vay mượn từ văn học, ở đây, ông đã dùng cách làm phong phú thêm chương đoạn được cài vào; ông đánh số đoạn giải trí sặc sỡ mà người anh hùng của chương đoạn giữ vai trò quan trọng, người lính kỵ binh. Trò khoe mẽ vung vinh của anh lính kỵ binh nằm trong tinh hoa nghệ thuật của các nhà ảo thuật cũng như sự thể hiện các hành vi của Quỷ. Nhưng rõ ràng là sự hài hước của Puskin, vốn có xu hướng châm chọc lãng mạn, không có gì chung lắm với trò hề của các nhà ảo thuật như Nga hoàng Maximilien, và nó sở hữu bài thơ. Ngay cả trong những dị bản mà ở đó bài thơ của Puskin bị thay đổi đôi chút, thì ông cũng được hiểu một cách đặc biệt  bởi các công chúng được nuôi dưỡng bằng folklore - nhất là khi các nghệ sĩ của sân khấu dân gian đóng vở này. Trong các dị bản khác nhau, sự thay đổi chức năng này được hiện thực hóa trong cùng một hình thức: hành ngôn mang tính hội thoại, thuộc riêng về bài thơ của Puskin, dễ dàng cho việc chuyển thành câu thơ dân gian khẩu ngữ, và hãy còn chủ đề của bài thơ, được sơ đồ hóa, lột bỏ mọi động cơ, trên đó lai ghép vào là một loạt trò hề và trò chơi chữ.
Văn học và thơ ca truyền miệng nói chung có thể có những số phận liên hệ ngầm, ảnh hưởng  tương hỗ của chúng có thể trở nên thường gặp và đậm đặc, folklore có thể có quan hệ rất thường xuyên với chất liệu văn chương và ngược lại, văn học với chất liệu dân gian: chúng ta bởi vậy không có lý do nhỏ nhất để xóa bỏ biên giới chủ yếu giữa thơ ca truyền miệng và văn học nhân danh phả hệ học.
Sai lầm đáng kể khác của các Nhà Lãng mạn khi họ định nghĩa folklore - ngoài việc khẳng định tính chất đồng thời của nó là giả thuyết cho rằng chỉ dân tộc không biết sự phân chia thành giai tầng, có dạng nhân cách tập thể với một tâm hồn, một  ý thức hệ, cộng đồng không có một cách diễn đạt cá nhân nhỏ nhất của hành động con người, mới có thể là tác giả của folklore và là tác nhân của hành vi sáng tạo tập thể. Trong thời hiện đại, chúng ta có thể tìm lại được mối quan hệ khăng khít này giữa sáng tạo tập thể và một “cộng đồng văn hóa nguyên sơ” ở Naumann và  những người theo trường phái của ông, họ về nhiều điểm rất gần với các nhà Lãng mạn. “Ở đây, chủ nghĩa cá nhân chưa tồn tại. Người ta không cần phải sợ khi tìm kiếm những sự so sánh trong chế độ bầy đàn: nó cung cấp cho ta các sự đối chiếu gần nhất. Nghệ thuật dân gian chính xác là một nghệ thuật tập thể, nhưng theo cách của các tổ chim yến, các tổ ong, các con hà ốc trên thành tàu như là sản phẩm của một nghệ thuật chính xác”. (H.Naumann, Primitive Germeínchaftskultur, p.190). “Tất cả được thâu tóm trong một trào lưu duy nhất”, Naumann đã viết như thế nhân nói những người chuyên chở của nền văn minh cộng đồng, “tất cả được khuấy động bởi cùng những tham vọng và cùng những tư tưởng” (nt, tr.151). Cách quan niệm này cũng chứa đựng một nguy hiểm cố hữu liên quan tới việc suy ra trực tiếp từ một biểu hiện mang tính xã hội đặc điểm tinh thần, như thế là chẳng hạn, của những nét đặc thù từ một hình thức ngôn ngữ hình thức tư tưởng. (Mối nguy hiểm của một nhận diện đó đã được chứng minh một cách tuyệt vời trong trường hợp của Anton Marty). Rõ ràng như là trong dân tộc học: sự ngự trị hoàn toàn của tinh thần tập thể không hẳn là điều kiện không thể tách rời khỏi sáng tạo tập thể, dù là một tinh thần nào đó cung cấp một mảnh đất đặc biệt thuận lợi cho việc hình thành hoàn chỉnh nhất của sáng tạo tập thể. Sự sáng tạo đó không hoàn toàn xa lạ với một nền văn minh có sự thâm nhập của chủ nghĩa cá nhân. Chỉ cần nhớ tới các câu chuyện giai thoại được truyền tụng các môi trường văn hóa trí thức hiện nay, tới tiếng xì xào và tiếng đồn, tới sự mê tín và tạo thành huyền thoại, tới tục lệ mang tính xã hội và theo trào lưu. Vả lại, các nhà dân tộc học người Nga khi nghiên cứu các ngôi làng của ngoại thành Matxcơva, bản thân họ có thể nói nhiều về mối quan hệ tồn tại giữa một tổng mục dân gian giàu có và sống động với một sự khác biệt hóa lớn về xã hội, kinh tế, tư tưởng, thậm chí là đạo đức của giai cấp nông dân.
Sự tồn tại của một thứ thơ ca truyền miệng (hay của một thứ văn học) có sự giải thích không chỉ là về tâm lý, mà đối với phần lớn còn là mang tính chức năng. Chẳng hạn hãy so sánh sự tồn tại đồng thời của thơ ca truyền miệng và văn học viết trong môi trường trí thức Nga thế kỷ XVI và XVII. Ở đây văn học hoàn thành một số chức năng văn hóa, thơ ca truyền miệng, các chức năng khác. Giữa môi trường thành thị, tất nhiên chính văn học thắng thế folklore, “sản xuất theo yêu cầu thị trường” thắng thế “sản xuất theo đặt hàng”; nhưng thi ca mang tính cá nhân như là hiện tượng xã hội cũng hoàn toàn xa lạ với làng quê bảo thủ giống như việc sản xuất “theo thị trường” vậy.
Chấp nhận giả thiết rằng folklore là một ngoại hiện (exteriorisation) của sáng tạo tập thể, chính là đặt khoa nghiên cứu folklore đứng trước một loạt các nhiệm vụ thực tế. Không còn nghi ngờ rằng sau khi đã chuyển các phương pháp và quyết định luận thu được bằng cách xử lý lịch sử văn học trong lĩnh vực của khoa học folklore, người ta đã thường xuyên làm phương hại tới việc phân tích các hình thức của nghệ thuật folklore. Người ta đặc biệt đánh giá thấp sự khác biệt quan trọng tồn tại giữa văn học viết và việc văn bản hóa một tác phẩm folklore. Văn bản hóa tác phẩm này tất yếu là làm biến dạng nó, làm nó chuyển sang một loại hình khác.
Có lẽ là mơ hồ khi nói về các hình thức giống hệt nhau tùy theo đó là vấn đề văn học hay folklore. Như thế là chẳng hạn khái niệm “câu thơ” (vers) thoạt nhìn có vẻ như cùng một nghĩa trong cả văn học viết và folklore lại thực sự bao trùm hai sự vật về căn bản là khác nhau trên phương diện chức năng. Người phân tích tinh tế phong cách truyền miệng nhịp điệu[9], Marcel Jousse đã coi trọng sự khác biệt này tới mức ông dành cách sử dụng các khái niệm “câu thơ” và “thi ca” cho văn học viết, còn ông sử dụng  cách gọi tên trân trọng “sơ đồ nhịp điệu” và “phong cách truyền miệng” cho sáng tạo truyền miệng nhằm tránh dùng cách hiểu thông thương của văn học cho các khái niệm này. Ông chứng minh một cách thuyết phục chức năng dùng vần để nhớ (mnemotechnique) của các “sơ đồ nhịp điệu đó”. nhờ thế mà Jousse cắt nghĩa được phong cách truyền miệng nhịp nhàng trong một “milieu de récitateurs encore spontané”[10]: “người ta có thể tưởng tượng một thứ ngôn ngữ có hai hay ba trăm câu được ngắt nhịp, ba hay bốn trăm sơ đồ nhịp điệu tiêu biểu sẽ được ấn dịnh thường xuyên, được truyền tụng mà không làm thay đổi qua truyền thống truyền miệng: sự sáng tạo cá nhân là ngay khi đó, nương theo các sơ đồ nhịp điệu đó làm mẫu hình, nhằm sáng tạo cho hình ảnh của nó, với các sáo ngữ giống như những sự cân bằng, số sơ đồ nhịp điệu khác có hình thức tương tự, với cùng nhịp điệu, có cùng cấu trúc (...) và trong nhịp của nội dung cho phép”. Ở đây xác định rõ ràng mối quan hệ giữa giữa truyền thống truyền miệng và sự ứng tác, giữa ngôn ngữlời nói trong thơ ca dân gian. Câu thơ, khổ thơ và các cấu trúc tổ hợp với kết cấu còn phức tạp hơn trong folklore là một sự hỗ trợ hiệu quả của truyền thống (điều này có quan hệ chặt chẽ với kết luận trước đó) và một phương pháp hiệu quả của kỹ thuật ứng tác*.
Loại hình học các hình thức folklore cần phải được thực hiện độc lập với loại hình học của các hình thức văn học. Một trong những đặc điểm thường gặp nhất của ngôn ngữ học là thiết lập một loại hình học âm vị học và hình thái học. Người ta đã nhận ra rằng có những định luật chung về cấu trúc mà các ngôn ngữ không hề vi phạm; rõ ràng là sự đa dạng của các cấu trúc âm vị học và hình thái học là có hạn và có thể dẫn tới một số lượng tương đối ít các mẫu cơ bản. Điều đó xuất phát từ việc là tính đa dạng của các hình thức sáng tạo tập thể đều hạn chế. Lời nói cho phép một sự biến đổi lớn hơn là ngôn ngữ. Người ta có thể đối chiếu sự đa dạng chủ đề đặc trưng cho văn học và danh mục có hạn của các chủ đề truyện cổ tích trong folklore với các nhận xét đó của ngôn ngữ học so sánh. Đặc điểm hạn chế đó không được giải thích bởi cả cộng đồng nguồn, và bởi cộng đồng của tâm lý hay các tình huống bên ngoài. Những chủ đề tương tự nhau xuất hiện vì lý do cũng vẫn những định luật chung về kết cấu thơ ca. Các định luật đó, như bao định luật của các cấu trúc của ngôn ngữ, đều thống nhất trên phương diện sáng tạo tập thể hơn là trên phương diện sáng tạo cá nhân.
Nhiệm vụ cấp bách nhất của khoa học đồng đại đối với folklore là đặc trưng hóa hệ thống các hình thức nghệ thuật tạo nên tổng mục hiện nay của một cộng đồng được xác định - làng xã, quận huyện, đơn vị dân tộc. Cần tính đến, điều xen vào giữa những cái khác, là mối quan hệ tương hỗ của các hình thức sản sinh và các hình thức đã mất khả năng sản sinh. Từ bảng tổng mục folklore nổi bật lên không chỉ các nhóm dân tộc học và địa lý học, mà cả những nhóm đặc trưng bởi giới tính (folklore nam và nữ), tuổi tác (trẻ thơ, thanh niên, người già), nghề nghiệp (người chăn cừu, ngư dân, lính tráng, cướp bóc,...). Theo cách các tổ chức nghề nghiệp tự nó tạo ra folklore, thì các nhóm folklore đó có thể được so sánh với các hành ngôn nghề nghiệp. Vậy là có những bảng tổng mục folklore thuộc về một nhóm nghề nghiệp nhất định, nhưng được gửi tới những người tiêu thụ ngoài nhóm. Việc sản xuất thơ ca truyền miệng trong trường hợp này là một trong những dấu hiệu nghề nghiệp đặc thù nổi bật của nhóm. Chẳng hạn trong một phần lớn nước Nga, các bài thánh thi được diễn tấu hầu như là chỉ bởi các kaliki perekhozhie­­­­­­­ - những người ăn xin lang thang tập hợp thành nhóm, hội từ thiện đặc biệt. Việc đọc các bài thánh thi là một trong những nguồn chính đối với thu nhập của họ. Xuất hiện một ví dụ nào đó tách biệt hoàn toàn của người sản xuất và người tiêu thụ và trường hợp cao nhất, ngược lại, ở đó hầu như cả cộng đồng cùng sáng tạo và tiêu thụ (ngạn ngữ, tiểu phẩm, hát cặp, một vài thể loại hát lễ hay không nghi thức), tồn tại một loạt biến dị kiểu mẫu trung gian. Trong một môi trường nào đó, xuất hiện một nhóm người có tài năng, tạo ra một loại folklore nhất định (chẳng hạn bằng truyện cổ tích) ít nhiều có phần đơn điệu. Không phải đó là những người chuyên nghiệp và việc sản xuất thơ ca không phải là mối bận tâm chính của họ, một nguồn thu nhập của họ; đúng hơn đó là những người tài tử làm thơ vào lúc mà họ muốn. Ở đây người ta không thể nhận ra một sự tương đồng hoàn toàn nào giữa sản xuất và tiêu thụ; nhưng cũng không có sự tách biệt hoàn toàn. Giới hạn là mong manh. Có những người ít nhiều là người kể chuyện và cùng một lúc là cả thính giả; người sáng tạo-kẻ tài tử dễ dàng trở thành người tiêu thụ và ngược lại.
Việc sáng tạo thơ ca truyền miệng, ngay cả trong trường hợp có một sự chia cắt giữa người sản xuất và người tiêu thụ, đều có tính tập thể, ngoài điều đó ra thì tác phẩm mang tính tập thể ở đây có những nét đặc biệt. Tác phẩm đó tái hiện một cộng đồng sản sinh và việc “kiểm duyệt phòng ngừa” ở đây tách rời khỏi tiêu thụ hơn là trong trường hợp của sự tương đồng giữa người sáng tạo và người tiêu thụ, ở đó sự kiểm duyệt cũng có vai trò ngang bằng đối với các lợi ích của việc sản xuất và tiêu thụ.
Trong một trường hợp duy nhất, thơ ca truyền miệng, bởi chính bản chất, thoát khỏi cái khung của folklore và ngừng trở thành một sáng tạo tập thể: khi một cộng đồng được gắn bó chặt chẽ với nhau nhờ những người chuyên nghiệp, có một truyền thống vững chắc, thì họ cư xử đối với các một vài việc sản xuất thơ ca bằng một lòng trắc ẩn tới mức cộng đồng đó cố gắng bằng mọi phương tiện để bảo tồn chúng mà không gây một thay đổi nào. Toàn bộ một loạt các ví dụ lịch sử chứng tỏ rằng điều đó ít hay nhiều là có thể. Chính vì vậy mà qua hàng thế kỷ nhờ các giáo sĩ mà các khúc ca của kinh Vệ đà  được truyền lại - từ miệng tới tai, “trong những chiếc làn”, theo cách gọi của thuật ngữ Phật giáo. Mọi cố gắng hướng về điều sao cho các văn bản không bị bóp méo; đây là trường hợp, một vài sáng kiến vô nghĩa được đặt riêng. Ở đó vai trò của cộng đồng chỉ là sự phòng ngừa cho một tác phẩm thơ ca được trau chuốt ở hàng chuẩn mực không thể với tới, không còn nữa sự kiểm duyệt tập thể, sự ứng tác, hay sáng tạo tập thể.
Cũng vì dao động giữa các hình thức giới hạn của thơ ca truyền miệng, người ta cũng có thể nghĩ tới văn học. Hoạt động của các tác giả vô danh và những người chép thuê của thời Trung đại, dù rằng hoạt động đó không ra khỏi lĩnh vực văn học, cũng có chắc hẳn một vài đặc điểm mà vì thế phần nào nó tiến lại gần với thơ ca dân gian: người chép thuê. Thường xuyên phải xử lý văn bản mà anh ta chép theo cách của một thứ vật chất như bao thứ vật thể khác mà thôi, rất có thể bị rung động. Nhưng dù là số lượng các hiện tượng trung gian nằm ở giới hạn giữa sáng tạo cá nhân và sáng tạo tập thể là bao nhiêu đi nữa, thì tuy nhiên chúng ta cũng sẽ không theo đuổi cái ví dụ từ thói ngụy biện này tới sự tai tiếng vốn bị hành hạ, để biết xem cần xúc bỏ khỏi đống cát bao nhiêu hạt cát để ngừng trở thành một đống. Giữa hai lĩnh vực văn hóa cận kề nhau nào đó, luôn có những vùng giáp ranh và trung gian.. Điều đó không cho phép chúng ta chối bỏ sự tồn tại của hai lĩnh vực khác biệt và và đặc điểm giàu hứa hẹn của sự tách biệt đó.
Nếu xưa kia sự xích lại gần của khoa học folklore và của lịch sử văn học đã cho phép soi sáng một loạt các vấn đề của loại truy về nguồn, thì việc ngăn cách của hai phân môn và tái lập tính tự trị của khoa học folklore có thể tạo điều kiện cho việc giải thích các chức năng của folklore và để làm sáng tỏ các nguyên tắc cấu trúc của nó và những nét độc đáo của nó.
Dịch theo bản dịch tiếng Pháp của Jean-Claude Duport từ tiếng Đức
Questions de poétique - Ed.Seuil, Paris-1973 (tr. 59-72)
Tạp chí văn hóa dân gian 1.2003




[1] Chúng tôi không dịch khái niệm này là văn hóa dân gian  do chưa tìm được khái niệm tương ứng trong Tiếng Việt
[2] Tiếng Pháp trong nguyên bản tiếng Đức có nghĩa là “lời nói”. Ở đây tác giả xem xét vấn đề trên cơ sở ngôn ngữ học của Saussure, vốn cũng là cơ sở cho cấu trúc luận. Theo F.De Saussure thì người ta xem xét cấu trúc của ngôn ngữ dưới hai dạng: bất biến (ngôn ngữ -langue) và thường biến (lời nói - parole.). Trong đó cái bất biến là cơ sở cho cái thường biến. Có thể xem thêm vấn đề này trong cuốn Ngôn ngữ học đại cương của Saussure. "Đối tượng cụ thể mà ta nghiên cứu (F. de Saussure viết) chính là sản phẩm của xã hội được kết đọng lại trong óc mỗi người, đó là ngôn ngữ" (Giáo trình...)”(ND)
[3] Tiếng Pháp trong nguyên bản tiếng Đức có nghĩa là “ngôn ngữ”. (ND)
[4] Tiếng Pháp trong nguyên bản tiếng Đức có nghĩa là “nhà thơ bị nguyền rủa”. (ND)
[5] Tiện đây xin hãy chú ý rằng không chỉ truyền thống mà cả sự tồn tại đồng thời của hình thức phong cách giống như những nghiên cứu khác nhau ở bên trong của cùng môi trường là hạn chế hơn rất nhiều trong lĩnh vực folklore; có nghĩa khác với sự đa dạng của những hình thức phong cách trong folklore là sự đa dạng của các thể loại (chú thích của tác giả).
[6] Nguyên văn là censure presventive de la communauté
[7] Tiếng latin trong nguyên bản tiếng Đức, chúng tôi chưa rõ ý nghĩa. Có thể là “sự mâu thuẫn trong chính nó”. (ND)
[8] Không nên quên rằng những ca sĩ dân gian không đạo văn theo cách của chúng ta đối với một văn bản đã đông cứng nhưng lại không ngừng sáng tạo cho tới một điểm nào đó - như M.Murko (nhà folklore Slovnie) lưu ý. (chú thích của tác giả).
[9] Nghiên cứu tâm lý ngôn ngữ học (Paris - 1925), tr.108 (chú thích của tác giả)
[10]Tiếng Pháp trong nguyên bản tiếng Đức có nghĩa là “môi trường diễn xướng còn nguyên hợp”. (ND)
* G.Gersman đưa ra các chỉ dẫn thú vị về các nét đặc biệt về kỹ thuật ứng tác này trong nghiên cứu “Kompositions schema und heroich-epische Stilisierung” trong Studien zur sudslawischen Volkselpik (Rechen berg-1926). (chú thích của tác giả)