Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

“THỎA ƯỚC” BA BÊN TRONG NGHIÊN CỨU TỰ SỰ

(Le Pacte de lecture dans la narratologie)
Ông nói gì với chị? Người đàn ông bị ruồng bỏ ấy có thể nói gì với người đàn bà đã chết? Những lời ấy là lời gì vậy? Chẳng ai trên thế gian này nghe được. Kẻ đã chết có nghe thấy không? Có những ảo tưởng cảm động có thể là những sự thực cao cả. Điều mà chẳng ai nghi ngờ là bà xơ Xem-pli-xơ, người độc nhất chứng kiến cảnh ấy, thường kể lại rằng lúc Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết[1].
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tập 2, NXB GD 2007, tr. 79
Đoạn trích trên được rút ra cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của Victor Hugo Những người khốn khổ (1869). Sách giáo khoa đã sử dụng bản dịch duy nhất sau năm 1945 ở miền bắc của nhóm dịch giả Lê Quý Đôn cho việc giảng dạy trong nhà trường. Đoạn văn nằm ở cuối phần thứ nhất, chương 4 Người cầm quyền khôi phục uy quyền (l’autorité reprend ses droits) khi Giăng Van-giăng quyết định ra tự thú trước pháp luật để cứu một người bị Gia-ve bắt nhầm. Cảnh miêu tả cuộc gặp gỡ của ba người: Gia-ve, Giăng Van-giăng và Phăng-tin đang hấp hối. Nhân vật bà xơ Xem-pli-xơ được nhắc đến một lần duy nhất trong cảnh không đóng vai trò đáng kể nào cho hành động kịch của cảnh truyện, nhưng thực tế lại giữ vai trò rất quan trọng cho việc dẫn dắt  cách diễn giải cho câu chuyện, định hướng cho người đọc.
Đoạn văn dịch gồm bảy câu, trong đó có bốn câu hỏi, một câu trả lời trực tiếp, một câu phức mở rộng miêu tả mang giọng điệu trữ tình cảm thán. Trong số bốn câu hỏi, xét thực chất chỉ có một câu được láy đi láy lại với những biên độ, chiều kích mở rộng khác nhau mang dấu ấn phong cách tu từ học rất rõ và tiêu biểu của Hugo. Ông nói gì với chị, đó là nội dung câu hỏi duy nhất được đặt ra. Nhưng với cách sắp xếp các câu được lặp ý trong đoạn văn theo trật tự ngắn-dài, người đọc như nghe thấy một nhịp điệu luyến láy của thuật hùng biện. Câu khẳng định Chẳng ai trên thế gian này nghe được vừa láy lại ý hai câu hỏi trước (nói cái gì), vừa chuyển hướng sang câu hỏi tu từ cuối cùng để làm đà bật lên câu văn trữ tình quen thuộc của Hugo (hiệu quả việc nghe như thế nào). Câu văn vừa mang tính triết lý, lại vừa có tính khoa trương hùng biện, vừa để trả lời lại vừa để suy tư thông qua phần miêu tả. Sự kết hợp của những hình ảnh tương phản trong câu văn: nụ cười và cái chết, nhợt nhạt và xa xăm, bà xơ (đại diện cho đức Chúa) và Phăng tin (từng làm nghề bán thân) đã làm cho câu văn mang giọng điệu tha thiết, buồn nhưng không đau xót. Nghệ thuật trữ tình này, hẳn là Hugo học được trong các tác phẩm cổ đại, đã góp phần làm cho tác phẩm của ông mang âm vang sử thi.
Các thao tác diễn giảng truyền thống như thế góp phần truyền cho chúng ta cảm hứng đọc thông qua việc khám phá những thủ pháp nghệ thuật thiên về tu từ học. Thế mà có một câu hỏi bỗng được đặt ra: ai nói trong đoạn văn trên? Nói với ai? Cách đọc truyền thống sẽ trả lời rằng đó chính là Hugo. Theo cách nói mới hơn, người ta có thể trả lời rằng ở đây là chuyện giữa người kể chuyện (narrator/narrateur) và người nghe kể (narrataire). Trả lời câu hỏi này, chúng ta rẽ sang hướng nghiên cứu văn bản theo cách thức của cấu trúc luận hay tự sự học.
Người kể chuyện của Hugo hiện ra với tư cách người biết hết, thông báo cho người nghe tất cả mọi chuyện. Thế cho nên câu phỏng đoán có những ảo tưởng cảm động có thể là những sự thực cao cả thực ra là một lời khẳng định theo lối hàm ẩn những chuyện mà Giăng Van-giăng đã và sẽ làm cho Phăng-tin. Người kể chuyện này giữ quyền chi phối góc nhìn của ít nhất là toàn bộ đoạn văn này, và nói chung là của toàn bộ tiểu thuyết. Người kể chuyện ấy thuyết minh, lý giải, trình bày cho người nghe, định hướng cách hiểu cho người đọc, không cho phép hiểu sai: Chị không thể chịu đựng được bộ mặt gớm ghiếc ấy, chị thấy như chết lịm đi, chị lấy tay che mặt và kêu lên hãi hùng. Câu văn kể có vẻ như miêu tả từ điểm nhìn của nhân vật, nhưng thực tế lại do chính người kể chuyện phán xét. Những tính từ và trạng từ gớm ghiếc (affreuse), hãi hùng (avec angoisse) là lời định giá của người kể chuyện về cảm xúc, phản ứng của nhân vật. Chính điều này cho thấy tâm lý nhân vật của Hugo đơn giản, nguyên phiến vì tất cả chúng đều chịu sự quản lý của một điểm nhìn, một giọng điệu duy nhất. Đơn giản là ông đã “chuyển mã” chúng theo một giọng điệu, của chính mình. Giọng điệu của tiểu thuyết Hugo vì thế là đơn thanh chứ không đa thanh như trong tiểu thuyết của Flaubert sau này. Bakhtine không xếp ông vào diện nhà văn này đã đành, mà ngay cả một nghiên cứu về phong cách và tính chất thực tại cuộc sống của E. Auerbach cũng không đặt ông vào dòng chảy các nhà văn hiện thực. Dù cho có sự xuất hiện của nhiều loại ngôn ngữ xã hội khác nhau trong văn bản của ông thì không có nghĩa là ông đã chấp nhận chúng. Giọng điệu của ông vẫn lấn át toàn bộ các giọng điệu khác, đồng hóa chúng, đưa tất cả về cùng một mặt phẳng. Thế nhưng trong cảnh này, có những chỗ vẫn có vẻ như được nhìn dưới góc độ của nhân vật của Phăng-tin qua nhiều cách diễn đạt:  chị lấy tay che mặt; nghe thấy tiếng Gia-ve, Phăng tin lại mở mắt ra; chị thấy tên mật thám... Thực ra đó là một cách tạo điểm nhìn giả của Hugo nhằm làm cho cảnh thêm phần kịch tính. Ông “giả vờ” mượn điểm nhìn của Phăng-tin để miêu tả cuộc chạm trán giữa Gia-ve và Giăng Van-giăng, một cuộc chạm trán nảy lửa mà người đọc trước đó từng biết đến những chiêu trốn chạy tuyệt kỹ của người tù khổ sai này.
Cách mượn điểm nhìn này gợi chúng ta nhớ đến nghệ thuật dựng kịch của Shakespeare trong vở Hamlet. Theo phân tích của Vygosky, người nghệ sĩ đã khéo léo đưa toàn bộ điểm nhìn của khán giả vào điểm nhìn của chính nhân vật Hamlet. Do thế đã diễn ra một sự va chạm giữa ba dòng thời gian: thời gian thực mà vở kịch diễn ra, thời gian quy ước mà nhân vật Hamlet có để đi từ chỗ biết sự thật đến chỗ quyết định hành động, và thời gian mà khán giả tự hình dung. Chính sự giao thoa ấy (Vygosky gọi là vòng cung nghệ thuật) đã khiến cho vở kịch này của ông trở nên đa nghĩa. Tình huống kịch tính này của Hugo không thể có cái nghệ thuật được Shakespeare dồn toàn bộ tâm sức như thế trong một vở kịch. Nhưng một so sánh, có phần khập khiễng, cũng cho thấy sự dụng công trong nghệ thuật kể của Hugo. Toàn bộ cuộc chạm trán có thể chia thành bốn lớp, trong đó ba lần qua cái nhìn của Phăng tin, còn lớp cuối là qua cái nhìn của một người khác mà chúng tôi sẽ nhắc tới ngay sau đây. Ba lớp đầu tiên thực ra cũng là ba mức phát triển của cuộc chạm trán qua tâm trạng của Phăng-tin: cầu cứu ông thị trưởng, thấy ông thị trưởng bị túm áo, và cuối cùng tuyệt vọng khi biết tin về đứa con. Cái chết của Phăng-tin được miêu tả trong đoạn văn kết thúc lớp thứ ba hết sức giản dị, chính xác với những mệnh đề đơn kế tiếp nhau. Bắt đầu từ đây là một điểm nhìn của một nhân vật khác: bà xơ Xem-plit-xơ. Nhưng dấu hiệu cho thấy cảnh được nhìn qua con mắt của bà xơ này, người đọc chỉ nhận ra ở những dòng gần cuối khi Giăng Van-giăng trò chuyện với người đã khuất.
Nhân vật bà xơ, như chúng tôi đã nói ở trên, gắn với lớp cảnh thứ tư và là nhân vật duy nhất trong truyện chứng kiến cảnh này, theo lời người kể chuyện. Trong lớp này, người ta chỉ còn thấy hai nhân vật, nhưng thực ra là một con người đang trò chuyện. Đó là Giăng Van-giăng. Người kể chuyện đã đột nhiên trong khoảnh khắc loại bỏ Gia-ve khỏi khung cảnh quan sát của mình. Nói cho chính xác thì nhân vật bà xơ cũng dường như đột nhiên hiện ra trong khung cảnh câu chuyện, và cũng sẽ đột nhiên bước ra khỏi cảnh không nguyên cớ. Dù rằng trước đó đã có hình ảnh chiếc giường dành cho các xơ trong những hôm trực đêm, nhưng chừng đó không đủ để cho thấy nhân vật này đã hiện diện một cách đầy đủ trong cảnh. Câu văn người duy nhất chứng kiến cảnh ấy như gợi ý một điều: phải chăng tất cả những cảnh vừa chứng kiến cũng được miêu tả qua con mắt của chính bà xơ? Đoạn trích với cách kể ấy dường như được kể bằng những khoảnh khắc. Mối quan hệ giữa chúng là tính nhân quả dưới góc nhìn của người kể chuyện biết tuốt. Tính nhân quả được định hướng bằng tình thương cao cả thường gặp trong tiểu thuyết của Hugo. Cảnh trung tâm của đoạn trích sẽ là khoảnh khắc chạm trán giữa Gia-ve và Giăng Van-giăng. Khoảnh khắc đó dường như được bà xơ kể lại dưới sự chi phối từ điểm nhìn duy nhất và bao quát của người kể chuyện.
Quá trình quá trình loại bỏ dần dần tất cả các nhân vật, đơn giản hóa điểm nhìn giúp tập trung điểm nhấn vào hai nhân vật như là hai võ sĩ thượng đài: Gia-ve và Giăng Van-giăng qua con mắt của Phăng-tin hoặc của bà xơ. Sự xuất hiện của bà xơ góp phần “chính danh hóa” cho những lời ngoại đề mà ngay sau đó người kể chuyện sẽ cất lên để ngợi ca Giăng Van-giăng. Sự xuất hiện này bất ngờ khiến cho lời ngợi ca mang âm hưởng thánh ca nhà thờ, như một lời rửa tội cho kẻ nghèo khó vốn không bao giờ dám bước chân vào thánh đường, cho linh hồn người đàn bà phải bán thân nuôi con được siêu thoát. Chính vì thế, Hugo mới hạ một câu kết cảnh, ngắn gọn nhưng cũng rất lãng mạn bởi tính chất tương phản trong bút pháp: chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại. “Điểm nhìn” của bà xơ thế là giúp người kể chuyện thơ hóa cái chết của nữ nhân vật.
Tới đây, người ta có thể tự hỏi, vậy bà xơ đã đi vào và biến mất khỏi cảnh truyện từ khi nào? Câu hỏi ấy thực ra không quan trọng nếu xét theo thỏa ước hư cấu. Đặt câu hỏi như thế, người đọc đã chú ý tới chất có thực của sự kiện mà quên rằng mình từng tham gia vào một thỏa ước văn bản đương nhiên mà bất kỳ người kể chuyện cũng chìa cho anh ta ngay từ những dòng đầu tiên. Đó là đừng đi tìm hiện thực có thật (bao gồm cả những trật tự tất yếu của cuộc sống) trong những văn bản hư cấu. Trong văn bản của Hugo, thỏa ước còn một điều khoản đòi hỏi người đọc chấp nhận: tính chức năng. Một loạt các yếu tố, cả con người lẫn đồ vật, đều chỉ mang tính chức năng. Thực chất, người kể chuyện của Hugo ở đây chỉ mượn họ, bà xơ hay Phăng-tin, như những bệ đỡ để đưa lên kính ngắm của mình. Họ chỉ có tính chất chức năng để cho diễn biến của cảnh, cuộc chạm trán giữa người từ khổ sai chạy trốn cả đời mình và người phục vụ pháp luật, diễn ra theo đúng ý đồ tác giả. Vậy thì tâm lý hay tính cách đều chỉ cần giản đơn mà thôi. Cứ theo trục ấy mà suy thì thực tế các nhân vật khác cũng đều chỉ là những nhân vật chức năng hoạt động trong một tổng thể kịch được sắp đặt của tiểu thuyết Hugo. Vì thế, không thể đòi hỏi ở họ những suy tư phức tạp, những ý nghĩa trừu tượng mang tính triết lý. Trừ phi chúng ta nói tới tính triết lý trong giọng điệu người kể chuyện của Hugo. Đặc điểm này quy định một loạt những đặc điểm khác trong tiểu thuyết của Hugo. Người ta không thể quy chiếu những điều được kể trong tiểu thuyết của ông vào những thực tại đời sống đương thời, trừ phi tiến hành một nghiên cứu xã hội học văn học một cách có hệ thống. Mặc dù người kể chuyện miêu tả trong góc phòng có chiếc giường sắt đã ọp ẹp dùng để các bà xơ ngả lưng những hôm phải trực đêm, nhưng có lẽ chiếc giường ấy không hiện thực hơn hình ảnh Phăng-tin hay Giăng Van-giăng. Nói như R.Barthes thì chiếc giường này không để nằm mà là để chứng minh sức khỏe của nhân vật Giăng Van-giăng cũng như sẽ là một phương tiện để nhân vật này dùng cho việc đe dọa Gia-ve. Chỉ có thế thôi.
Phần trữ tình ngoại đề giữa người kể và người nghe này rõ ràng là lộ liễu, nó cũng nhấn mạnh thêm vào tính “ảo tưởng” của thế giới văn bản. Sự hiện diện của đoạn trữ tình ngoại đề khẳng định sự hiện diện của người kể chuyện toàn năng mà giới phê bình phương tây thích sử dụng khái niệm ẩn dụ - nhưng cũng thích hợp trong hoàn cảnh này – đấng tạo hóa toàn năng (Démiurge). Tất cả mọi nguyên nhân, kết quả, trình tự câu chuyện được người kể chuyện ấy quyết định, đều quy về một mối là người kể chuyện đó. Thế giới đó không quy chiếu vào đâu ngoài chính nó. Như thế là, chúng ta đứng trước một thỏa ước đọc được găm lại bên trong cấu trúc truyện. Người đọc phải tuân theo những điều khoản đã được ngầm nêu ra, mà điều khoản tiên quyết hầu như luôn hiện diện là tính hư cấu. Thỏa ước đó được thiết lập giữa người kể, người nghe và văn bản. Tác giả có thể tham gia trực tiếp hay gián tiếp, có ý thức hay không vào thỏa ước này. Nhưng dù thế nào thì thỏa ước đó cũng ràng buộc cả ba bên vào khung khổ nhất định, không nên và không được phép vi phạm từ phía người đọc. Nếu vi phạm, người đọc sẽ bước sang một khung khổ, một không gian khác. Như chúng ta vừa phân tích, vì là đối tượng chính của văn chương, văn bản sẽ là nơi lưu giữ thỏa ước ba bên đó. Nó gắn với câu chữ, cấu trúc của văn bản. Các nghiên cứu cấu trúc và ký hiệu học truyền thống quan tâm tới đoạn mở đầu (incipit) hay thậm chí kết đoạn (excipit) các tiểu thuyết, văn bản tự sự do vị trí đặc biệt của chúng. Có lẽ chính chúng cũng là nơi bắt đầu ghi dấu thỏa ước đọc. Chẳng hạn truyện cổ tích thường mở đầu bằng những câu như ngày xửa ngày xưa... hay có những truyện cổ kết lại bằng những câu: người kể chuyện cho bạn đã tham gia bữa tiệc do chàng trai đó tổ chức... Đọc hay nghe những dòng đó, không ai chấp nhận thỏa ước cổ tích quay lại bắt bẻ xem vì sao có những chuyện phi hiện thực đến thế.
Tuy nhiên, thỏa ước trong bối cảnh rất ít chữ kiệm lời của văn học thành văn lại luôn ngầm ẩn. Dựa trên cấu trúc chất liệu văn bản, chúng tôi đề nghị tìm hiểu thỏa ước tự sự ở ba cấp độ: từ, diễn ngôn (chứ không chỉ là câu), và đoạn với tư cách một thực thể văn bản có khả năng tương đối độc lập. Hiển nhiên khi đi theo nghiên cứu này, chúng ta buộc phải chấp nhận những tiên đề không cần chứng minh mà nhiều nhà nghiên cứu từng cảnh báo (E. Auerbach, A. Compagnon). Chẳng hạn chính Todorov[2] trong nghiên cứu về tự sự đôi lúc cũng cho rằng tính chất nhất quán không mâu thuẫn của văn bản không phải lúc nào cũng là một tiên đề đúng. Hay nói đúng hơn thì tiên đề này sẽ bị vi phạm ở một giới hạn nào đó.
Trong một bài viết gần đây[3], chúng tôi có dịp phân tích một cách hiểu của người đọc Việt Nam dựa trên cấu trúc văn bản tiểu thuyết Không gia đình - một tiểu thuyết được Hertor Malot viết cho các tờ báo dành cho độc giả bình dân, nhất là thiếu nhi vào thế kỷ XIX. Tuy tác giả và tác phẩm rất quen thuộc với bạn đọc ở Việt Nam cũng như Pháp, nhưng trong hơn 100 năm nay hiếm khi giới hàn lâm đặt vấn đề nghiên cứu họ một cách nghiêm túc, có lẽ là vì đó là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, không có những vấn đề lớn lao về bút pháp hay hiện thực. Mặc dù câu chuyện gắn với thời hiện đại, có những chi tiết hoàn toàn thuộc về cuộc sống hàng ngày của nước Pháp đương thời, nhưng chính bản thân cấu trúc của tiểu thuyết đã ngầm chứa yếu tố cổ tích. Chính vì lẽ đó, việc khẳng định tiểu thuyết này có tính hiện thực cũng không hợp lý ngang với việc phán xét nó từ quan điểm luân lý thông thường. Cho nên khi Huỳnh Lý bằng nhãn quan sắc sảo của mình nhận ra những đặc điểm liên văn bản trong cuốn tiểu thuyết này, thì cũng đồng thời ông vi phạm một điều khoản của thỏa ước hư cấu khi ông lại quy chiếu nó về chính thực tại cũng như về quy tắc ứng xử trong xã hội mới để phê bình tác phẩm. Mặt khác, ở đây chúng ta gặp mối liên hệ giữa các thể loại và tiểu thể loại. Tiểu thuyết của Malot gắn với người đọc thiếu nhi (tiểu loại cổ tích trong thể loại tiểu thuyết), còn khung khổ mà Huỳnh Lý muốn đặt để quy chiếu và phân tích lại thuộc về thể loại tiểu thuyết “tả chân”. Dĩ nhiên giữa chúng có những mối liên hệ, nhưng phần nhiều là xã hội học hơn là thi pháp, mà chúng ta có thể bàn đến chúng trong một hoàn cảnh khác. Cho nên lời phê bình của Huỳnh Lý, xét theo nguyên tắc thỏa ước đọc, cũng đã vi phạm mối liên quan giữa các tiểu loại. Điều này cũng giống như người lớn ngày nay có thể phê bình rằng vì sao truyện cổ tích lại sử dụng điều thần kỳ để mê hoặc con trẻ vậy. Sẽ là vi phạm thỏa ước cổ tích nếu phân tích truyện cổ như của tiểu thuyết hiện đại. Chúng ta đã biết một ví dụ rất nổi tiếng trong văn học thành văn cổ Trung Hoa. Tôn trọng thỏa ước đọc, người đọc xưa chưa bao giờ phê phán rằng La Quán Trung đã bóp méo hình tượng Tào Tháo của lịch sử Trung Quốc. Thỏa ước đọc trong thế giới hiện đại cũng có những ví dụ tiêu biểu mà ở đó tất cả chỉ còn là một kiểu trò chơi ngôn ngữ, hiện thực chỉ còn mang tính quy ước hoàn toàn như trong truyện của A.Poe – nơi mọi thứ luôn được đẩy tới cực hạn. Phân tích cấu trúc của Todorov[4] cho rằng “tại đây, không có gì là bắt chước, tất cả đều được kết cấu thành trò chơi”. Cho nên “sẽ vô ích khi tìm kiếm trong các câu chuyện kể của Poe một bức tranh về cuộc sống Mỹ nửa đầu thế kỷ XIX. Các hành động của nó được đặt một cách quen thuộc trong các trang viên cổ kính, những lâu đài chết chóc, những xứ sở xa xôi và lạ lùng. Lối bài trí ở Poe hoàn toàn mang tính quy ước: chỉ có những cái do hành động đòi hỏi. Có một cái ao gần ngôi nhà của dòng họ Usher để ngôi nhà ấy có thể sụp đổ chứ không phải vì xứ sở ấy nổi tiếng nhiều ao[5]. Chúng tôi hiểu “trò chơi” ở đây như là một hoạt động có những quy tắc mà người tham dự phải tuân thủ.
Tương tự, R.Barthes[6] dựa trên những nghiên cứu ngôn ngữ của Saussure, Bally, Benveniste, Bremond... để nhắc lại một luận điểm quan trọng liên quan tới thể loại hư cấu bằng tiếng Pháp rằng mối liên kết trong tác phẩm văn xuôi – với hiện thực ảo do “độ không” của ngôn ngữ được sử dụng – là dựa trên quan hệ giữa các thời động từ chứ không phải do quan hệ giữa các sự kiện. Chính bản thân điều đó là một sáng tao của nhà văn với tư cách người thảo ra thỏa ước nhằm diễn giải xã hội và lịch sử: “Bị tách rời khỏi Lịch sử, đó không còn là hành vi của con người”. Thực ra, trong tiếng Pháp ngay bản thân hành động sử dụng “độ không lối viết”[7] trong văn hư cấu cũng đã chính là một thỏa ước đương nhiên được cả nhà văn lẫn người đọc chấp nhận rồi. Vì với hành vi đó, người kể chuyện - ở mức sơ khởi đối với người kể chuyện toàn năng – đã thực hiện hành vi cắt nghĩa lại thế giới thực bằng việc thiết lập quan hệ nhân quả của các sự kiện theo ý của mình thông qua mối quan hệ ngôn ngữ.
Như vậy chúng tôi hiểu thỏa ước hư cấu là một thiết chế quy định mối quan hệ giữa văn bản, người tiếp nhận và người tạo ra nó. Thiết chế đó nằm bên trong bản thân cấu trúc ngôn từ của văn bản. Những đặc điểm nội tại của văn bản đòi hỏi người tiếp nhận không vượt quá đường biên ngữ nghĩa của nó trong khung cảnh văn hóa xã hội mà nó xuất hiện. Cho nên những khung cảnh văn hóa xã hội khác nhau quy định những điều khoản khác nhau của thỏa ước. Khi ấy thỏa ước tất yếu được viết lại một cách ngầm ẩn dưới áp lực của khung cảnh văn hóa xã hội.
Khái niệm “thỏa ước” có thể khiến người ta nghĩ tới khái niệm “thỏa ước tự thuật” (pacte autobiographique) được Philippe Lejeune (1975) nêu ra, nhưng khái niệm của P. Lejeune được sử dụng trong nghiên cứu về thể loại tự thuật (autobiographie).  Đó là một thỏa ước mà tác giả kể cho bạn đọc nghe về chính cuộc đời mình (một phần hoặc tất cả) với tinh thần trung thực. Có rất nhiều những hình thức thể hiện khác nhau của thể loại tự truyện hay truỵên tiểu sử được phân biệt kỹ càng trong nghiên cứu của Philippe Lejeune mà chúng tôi chưa thể đề cập ở đây. Cuốn thứ nhất Thỏa ước tự truyện (Le Pacte autobiographique-Seuil, 1975) của Philippe Lejeune đề cập một cách chi tiết tới vấn đề tự truyện, truyện tiểu sử. Trong cuốn thứ hai Những dấu vết cuộc đời, Thỏa ước tự truyện 2 (Signes de vie, Le Pacte autobiographique 2 - Seuil, 2005) ông đã xem xét lại toàn bộ lý thuyết tự truyện sau hai mươi năm, và cũng chính là một cuốn tự truyện trong đời nghiên cứu của mình. Sự khác nhau căn bản giữa thỏa ước hư cấu và thỏa ước tự truyện là tính pháp lý trong thỏa ước tự truyện. Người tham gia vào thỏa ước tự truyện có thể phải chịu trách nhiệm vì những hành vi của mình, vì thực ra đó là một hành vi của cuộc đời thực. Trong thỏa ước hư cấu, người đọc không buộc, không nên tin vào tính có thật, chính xác (exactitude) của thế giới đó, mà đơn giản chỉ là « chấp nhận » tin vào nó mà thôi. Nếu phát hiện điều gì sai trong tự truyện, bạn có thể kết luận rằng có một sự dối trá, không đáng tin cậy trong những điều được kể. Ngược lại, không thể và không nên nói rằng một nhà văn nói dối. Được dẫn dắt vào thế giới hư cấu, người đọc phải chấp nhận một thỏa ước và dường như làm ra vẻ tin rằng đó là sự thật, thực tại. Cũng có những tác phẩm ở phương Tây (nhất là từ sau thế kỷ XVIII) làm ra vẻ như đó chính là tác phẩm nói về thực tại như Những mối dan díu nguy hiểm (Les relations dangereuses) của Lanclos làm ra vẻ như là tìm thấy trong một ngăn nhà bỏ hoang những bức thư trao đổi của một đôi nhân tình. Tác giả làm như mình là một nhà xuất bản có thực làm nhiệm vụ in ấn toàn bộ những bức thư ấy.
Việc tìm hiểu thỏa ước như là một khái niệm của tự sự học đặt chúng ta bên cạnh một số khái niệm liên quan đến thể loại như tự truyện. Hành vi đọc tương ứng với lời cam kết vào thỏa ước hư cấu, chấp nhận những điều vốn không có thật. Chúng chỉ có thật trong chính thế giới của chúng, chỉ quy chiếu vào chính chúng. Còn người kể thì, như R.Barthes[8] nói, “tôi vừa bước ra vừa tự đưa tay chỉ vào mặt nạ của mình”. Đó là điều khoản đầu tiên, bắt buộc trong thỏa ước hư cấu. Bạn đọc có thể kết luận rằng thế giới đó hấp dẫn hay không, chặt chẽ hay không, có vẻ giống thật hay không, tốt hay xấu khi ở trong chính chúng. Nhưng tất cả những điều ấy hoàn toàn không liên can gì tới sự thật của cuộc đời, liên quan đến thực tại. Nói cách khác, đó cũng là một cuộc đời nhưng dưới góc nhìn của tác giả và người kể chuyện. Người kể chuyện sẽ thương thuyết với người nghe về những điều khoản còn lại của mình. Như vậy, quan hệ giữa tác giả với người đọc trong tự truyện là liên thông (embrayage), còn tác giả trong tiểu thuyết với người đọc thì lại đứt đoạn (débrayage). Trách nhiệm cuối cùng của tác giả trong thế giới hư cấu chỉ còn là trước văn bản, trước con chữ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong sáng tác của Flaubert với quan niệm: “Cái Đẹp thì đạo đức, chỉ có thế, không còn gì hơn nữa”[9].
Nhân đây chúng tôi nghĩ cũng có thể nói thêm vài lời về vai trò và sự hiện diện của người dịch thông qua hệ thống đại từ tiếng Việt. Trong tiếng Pháp, người kể chuyện đối xử bình đẳng với các nhân vật bằng hệ thống đại từ, vì khó mà nói tới sắc thái đánh giá nhân vật thông qua vẻn vẹn chỉ hai đại từ: il (ông ta) và elle (cô ta). Người dịch tiếng Việt, với tư cách người đọc mẫu, phải chuyển đổi hai đại từ đơn sắc ấy sang một hệ thống cực kỳ phong phú, nhưng cũng phức tạp vô cùng của đại từ tiếng Việt. Hệ chuyển đổi đó đã bao hàm một cách mặc định cách đánh giá, dẫn giải của người dịch định hướng cho độc giả. Chúng ta thấy, jvj thì được dịch là ông, cũng đại từ đó (il) thay cho Gia-ve thì được dịch là hắn, nhân vật Phăng-tin được dịch là chị từ chữ elle có thể được dùng trong tiếng Pháp chỉ cả bà xơ Xem-pli-xơ. Hệ thống đại từ đó đã phân xuất một cách vô tình và hữu ý các nhân vật trong đoạn trích và tác phẩm thành hai nhóm: những kẻ độc ác và những người lương thiện. Người dịch với tư cách đồng tác giả của văn bản trong hệ thống đích đã biên soạn lại thỏa ước đọc sao cho phù hợp với người đọc (narrataire), và tất nhiên cũng góp mặt trong thỏa ước đọc của văn bản dịch. Lúc ấy, chúng ta lại có thể mở rộng vấn đề thỏa ước của tự sự sang lĩnh vực dịch thuật hay truyền nhập văn hóa.
Vấn đề thỏa ước đọc ba bên có thể chi phối / hay liên kết nhiều vấn đề thuộc các xu hướng nghiên cứu khác nhau, những vấn đế tìm hiểu tác phẩm. Thực tế lịch sử cũng như lịch sử văn học, thế giới hay Việt Nam đã từng chứng kiến rất nhiều những cách đọc-dẫn giải khác nhau trước các hiện tượng văn hóa. Có một thực tế mà người ta thường phải đối mặt với các nghiên cứu về tiếp nhận và thông diễn học (hermeneutique), đó là khả năng tăng lên vô vàn những cách hiểu, cách đọc của một văn bản. A.Compagon[10] đã dẫn ra một ví dụ  thú vị để chứng minh rằng, nhu cầu về quan hệ giữa văn bản và việc thông diễn nó cho phù hợp với thực tại là một nhu cầu không chỉ của văn chương mà còn của cả các hoạt động chính trị. Như thế là một vấn đề được đặt ra: điều gì sẽ tạo ra ngưỡng cho sự cắt nghĩa, dẫn giải? Hơn nữa, nhận xét, đánh giá nào là xác đáng (chứ không phải là “đúng”) hơn cả trong số vô vàn những nhận định, phân tích, dẫn giải về tác phẩm? Trả lời câu hỏi này không dễ nếu chúng ta không mượn khái niệm “thỏa ước”. “Thỏa ước đọc” như là một hành vi ngôn ngữ quan trọng của tác phẩm tự sự liên kết tam giác gồm ba yếu tố: người nhận-đọc, đối tượng-văn bản và người phát-tác giả có các điều khoản găm vào trong chính bản thân cấu trúc văn bản chứ không ở đâu khác. Nghiên cứu về thỏa ước đọc sẽ giúp chúng ta tự mình nêu ra, trước khi làm việc, một giới hạn của quá trình dẫn giải và phân tích. Nó giúp ta tránh được những sai lạc có thể do quá trình nội suy của việc nghiên cứu hay dịch thuật. Chính nó cũng sẽ là tiêu chí quan trọng để định giá các nhận xét, phê bình văn bản - đối tác hợp pháp duy nhất của lĩnh vực văn chương chứ không phải là người đọc hay tác giả. Nói cách khác, “thỏa ước đọc” nằm trong quan hệ bộ ba nên nó nó vừa có tính hữu hạn không gian-thời gian, vừa mềm dẻo của hoàn cảnh đọc. Văn bản nào có một biên độ thỏa ước càng lớn, văn bản đó càng có cơ may tồn tại trên cả hai cấp độ không gian và thời gian.
Thỏa ước tự sự, theo chúng tôi, có thể giúp chúng ta một vị trí từ góc độ tự sự học để nhìn nhận một số mối quan hệ bên ngoài như giữa văn bản và hiện thực, tác giả và người đọc; các quan hệ bên trong như quan hệ giữa các thành phần khác nhau trong không gian văn bản, quan hệ giữa các thể loại, quan hệ giữa văn bản cụ thể và vấn đề thể loại (đổi mới hay nhại, cũ hay mới, các tiểu thể loại tiểu thuyết như tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết tâm lý,...)... Thực vậy chẳng hạn khi phân tích tác phẩm, người đọc tự đặt cho mình giới hạn nội suy để tránh khỏi những ảo tưởng lừa dối. Trong lịch sử văn chương phương Tây, người ta từng chứng kiến một Don Quijote mê muội làm theo tiểu thuyết kiếm hiệp, một bà Bovary uống thuốc độc tự tử theo những ảo tưởng tiểu thuyết... Sau nữa, trong thực tế giảng dạy, chúng ta có  thể trả lời được những câu hỏi rất đơn giản mà hóc búa của học sinh: vì sao chị Dậu không làm như Thúy Kiều để cứu gia đình, vì sao lão Hạc cứ phải chết, liệu có chắc rằng nhân vật quản ngục không lừa dối Huấn Cao để xin chữ... Tất nhiên một khi người đọc cố tình phá vỡ giới hạn của thỏa ước đọc, thì tức là anh ta bước sang một chiều kích ngữ nghĩa mới trong một không gian khác. Lúc ấy tất nhiên người đọc sẽ phải tự thiết lập một thỏa ước khác, tương ứng với một giới hạn tiếp nhận mới, phù hợp cho mối quan hệ giữa mình với văn bản và tác giả trong một hoàn cảnh xã hội mới. Khi đó lại là câu chuyện rất dài của tự sự học trong quan hệ với các quan niệm nghiên cứu về tiếp nhận, văn bản, lịch sử mà tự sự học còn phải phát triển sau này./.
1.11.2007


[1] Nguyên văn: “Que lui dit-il ? Que pouvait dire cet homme qui était réprouvé à cette femme qui était morte ? Qu'était-ce que ces paroles ? Personne sur la terre ne les a entendues. La morte les entendit-elle ? Il y a des illusions touchantes qui sont peut-être des réalités sublimes. Ce qui est hors de doute, c'est que la sœur Simplice, unique témoin de la chose qui se passait, a souvent raconté qu'au moment où Jean Valjean parla à l'oreille de Fantine, elle vit distinctement poindre un ineffable sourire sur ces lèvres pâles et dans ces prunelles vagues, pleines, de l'étonnement du tombeau”.
[2] Xem thêm Todorov, Truyện kể nguyên sơ: Odyssé trong Thi pháp văn xuôi, NXB GD 2004, Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm dịch.
[3] Xem thêm Phùng Ngọc Kiên, Cấu trúc tiểu thuyết “Không gia đình” và vấn đề tiếp nhận ở Việt Nam, TC VHNN 5.2007
[4] Xem thêm T. Todorov, Những giới hạn của Edgar Poe trong Các khái niệm văn học (Notions de littérature), Seuils 1985.
[5] Xem thêm T. Todorov, Những giới hạn của Edgar Poe trong Các khái niệm văn học (Notions de littérature), Seuils 1985.
[6] Xem thêm R. Barthes, Lối viết của tiểu thuyết trong Độ không của lối viết, Seuil 1978
[7] Khái niệm này R. Barthes mượn từ các nhà ngôn ngữ để chỉ quá trình kết hợp hai thời động từ quá khứ căn bản trong tiếng Pháp để tạo nên “giả không thời gian hiện tại” của văn bản hư cấu. Xem thêm H. Wienrich, La Perspective trong Le Temps, Seuil 1973 hoặc K. Hamburger, Fiction épique trong La Logique  des genres littéraires, Seuil, 1986.
[8] Xem thêm R. Barthes, Lối viết của tiểu thuyết trong Độ không của lối viết, Seuil 1978
[9] Thư gửi Maupassant 1880.
[10] Xem thêm A. Compagnon, Phong cách trong Bản mệnh của lý thuyết, Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm dịch, NXB ĐHSP 2006.

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

“Xã hội hóa giáo dục” nghĩa là Nhà nước cần phải “tốn tiền” hơn!


 


Phổ biến trong folklore hiện đại là một câu lục bát dị bản từ hai câu lục bát của chủ tịch Hồ Chí Minh:
Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gooooooooogle
Hai câu lục bát ban đầu được chủ tịch Hồ Chí Minh làm với mục đích rất rõ ràng là tuyên truyền quần chúng về tính chất bức thiết của việc cần biết sử nước nhà trước khi bắt đầu sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Nó có tính chất dân dã, thông tục, nên chắc ông cũng rất hài lòng khi biết thơ tuyên truyền của mình đã được “update” trong thời đại mới cho kịp với bước đi của cuộc sống số. Dị bản dân gian này có chứa một cụm từ mà bất kỳ ai đã từng vào mạng đều biết: gu-gờ - một công ty Mỹ ứng dụng kỹ thuật tìm kiếm trên nền web. Nó mang lại những thuận tiện tuyệt vời cho cả những người mới bắt đầu làm quen với net cũng như những người sành sỏi trong việc lướt mạng, thuộc tất cả mọi lĩnh vực.
Cách đây khoảng hai năm, công ty này đã có dự án – gặp phải rất nhiều phản đối - là số hóa toàn bộ hệ thống lưu trữ hoặc sách vở. Dự án này có thể cho phép người dùng mạng truy cập miễn phí qua việc sử dụng hệ thống tìm kiếm của Gooogle các trang tài liệu đã được số hóa. Người ta lo sợ về vấn đề bản quyền có thể làm ảnh hưởng tới lợi nhuận phát hành văn hóa phẩm. Hiện tượng này, xét từ một khía cạnh khác mang tính phi lợi nhuận, là dấu hiệu của quá trình công hữu hóa tài sản tinh thần tiếp theo quá trình công hữu hóa tài sản vật chất đã và đang diễn ra. Quá trình này có thể gặp trở ngại, có thể chậm nhưng chắc chắn sẽ diễn ra. Hơn nữa, quá trình này diễn ra trước hết ở Mỹ, sau đó là ở một loạt các nước công nghiệp phát triển khác. Bên cạnh dự án đầy tham vọng – không phải không có tính bá quyền của một nước lớn – của công ty tìm kiếm trên mạng này, người ta đã thấy xuất hiện các kiểu dạng thư viện số. Các dự án số hóa văn bản kinh điển đã được thực hiện trên một loạt các trang web công cộng cũng như tư nhân. Người đọc từ bất cứ quốc gia nào giờ đây cũng có thể truy cập và tải miễn phí các văn bản nghệ thuật, tôn giáo, văn hóa kinh điển trước thế kỷ XIX – thời điểm đã qua rất lâu của mốc bản quyền đương đại. Ngay với những trang viết bằng tiếng Việt, giờ đây một người thành thạo net có thể truy cập được khá nhiều trang chứa đựng các tài liệu văn chương, xã hội hữu ích nhưng miễn phí và dường như là phi lợi nhuận[1]. Chính vì sớm ý thức được điều này, Hội đồng giáo dục Québec đã đặt hàng Lyotard viết một tiểu luận về văn hóa đương đại trong những nước công nghiệp phát triển. Tiểu luận này sau đó đã được ông phát triển thành một nghiên cứu triết học có tiêu đề “Tình thế hậu hiện đại”[2]. Những khía cạnh triết học của tiểu luận xuất phát từ việc không gian văn hóa ngày nay đang có sự biến đổi về chất và đối tượng. Thành phần trí thức dường như được mở rộng cùng với quá trình bành trướng “khả năng đọc” của quảng đại quần chúng. Sách trước và sau công nguyên ở cả phương đông lẫn phương tây đều là của thánh thần nên Kinh Thánh của công giáo được viết trong tiếng Pháp là Bible hay Ecriture, còn ở Việt Nam người ta nói “xin chữ thánh hiền”. Công nghiệp in ấn ở châu Âu đã mở ra thời kỳ Phục Hưng nhờ mở rộng không gian đọc, công chúng đọc. Nó tạo nên thời kỳ hiện đại trong lịch sử văn hóa châu Âu. Vậy nên phải nói tới điều kiện cơ sở vật chất như là một trong những yếu tố then chốt của quá trình “hậu hiện đại hóa”.
Một trong những đặc điểm của “tình thế hậu hiện đại” mà Lyotard đào sâu, và cũng được giới nghệ sĩ được gọi là hậu hiện đại thích tập trung khai thác, là tính “phì đại” của sức sản xuất vật chất bên cạnh sản phẩm tinh thần. Sự phì đại này cách đây một thập kỷ là khó hình dung với một người Việt Nam bình thường, thì ngày nay lại rất dễ thấy ngay từ những siêu thị hàng hóa. Trong lĩnh vực tinh thần văn hóa, một học sinh trung học có thể tiếp cận được các sản phẩm kỹ thuật số cũng dễ dàng cảm nhận được sức nóng của áp lực của việc đòi hỏi dung lượng lưu trữ ngày càng tăng. Toàn bộ chỗ ảnh lưu trữ của một nghệ sĩ nhiếp ảnh thời chiến tranh có thể chỉ cần một ổ cứng máy tính khi được số hóa. Nhưng lượng sản phẩm multimedia mà một học sinh trung học có thể tạo ra bằng những phương tiện giải trí cá nhân có thể chiếm tới vài ổ cứng máy tính dung lượng loại lớn.
Trình bày những điều này, chúng tôi muốn hướng tới một giả thiết rằng hơn bao giờ hết không một cá nhân nào ngày nay có đủ khả năng lưu trữ cho riêng mình những sản phẩm văn hóa tinh thần. Từ góc độ khác của tình thế này, người ta thấy rõ dù muốn hay không thì cũng phải “công hữu hóa” các sản phẩm văn hóa tinh thần[3]. Sự công hữu hóa này tất sẽ ảnh hưởng tới tính chất bản quyền của sản phẩm, nhưng sức cản này dường như không thể ảnh hưởng nhiều tới xu thế. Các nhà sản xuất băng đĩa âm nhạc là những người cảm thấy rõ nhất tình hình này. Một mặt chính kỹ thuật lưu giữ, sao chép nhân bản thời đại số là một trong những cơ sở cho việc quảng bá hình ảnh một sản phẩm văn hóa, nhưng chính nó cũng góp phần tạo nên “băng đĩa lậu”. Chắc chắn đến một lúc nào đó, người ta không phải “sống chung” với băng đĩa lậu mà là sống hòa hợp với xu thế tất yếu đó, vì nó mang tính cộng đồng rõ ràng. Cho nên đã xuất hiện những trang web cho phép nghe nhạc miễn phí, thậm chí tải miễn phí, những trang web chia sẻ dữ liệu văn hóa. Nhà đầu tư sẽ phải tìm cách thu lợi nhuận từ những nguồn khác chứ không phải là bán sản phẩm kiểu “độc quyền” như trước kia. Những trang web đó – cùng với những trang web lưu trữ kinh điển – đã thực sự tạo nên những không gian cộng đồng mà mọi người có thể sẻ chia và cùng xây dựng.
Vậy là nhu cầu tạo nên một không gian công cộng tự do trước hết xuất phát từ chính hiện thực ảo, và sẽ ngày càng lớn để tạo ra áp lực lên xã hội vì nó là nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Không gian công cộng không phải xa lạ gì trong những xã hội phát triển. Dạng không gian quảng trường, các forum trong xã hội La Mã cổ đại là những hình mẫu ban đầu của kiểu không gian này. Thư viện là kiểu không gian công cộng tự do gắn với các hoạt động giáo dục, khoa học và trí thức. Thoát khỏi chức năng lưu trữ thông tin quá khứ đơn thuần, cùng với viện bảo tàng, thư viện trở thành một không gian công cộng tri thức lý tưởng để mỗi người có thể tham gia vào việc thu nhận, trao đổi và chia sẻ kiến thức. Quá trình trao đổi thông tin có tính thường nhật này là hiện thực và sẽ diễn ra theo một xu hướng ngày càng tăng, tỷ lệ thuận theo mức độ phát triển của xã hội, theo nhu cầu lưu giữ thông tin cá nhân, theo khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Nói tới tính thường nhật của nhu cầu trao đổi thông tin, chúng tôi nghĩ tới quá trình tự học tập liên tục. Đó chắc chắn là những biến thể đa dạng của một quá trình học tập mà người ta không thể chỉ giới hạn trong bốn bức tường của nhà trường. Người xưa đi học chỉ cần có trong tay đủ Tứ Thư Ngũ Kinh là có những chỉ dẫn kinh điển cho cuộc sống và công việc. Thầy dậy đủ chữ trong sách thánh hiền là đáp ứng nhu cầu công việc. Cho nên thuộc lòng không chỉ là phương pháp đúng nhất mà còn là duy nhất. Thuộc lòng giờ đây chắc chắn vẫn là một phương pháp đúng nhưng không duy nhất. Người học phải biết cách tra vấn thông tin từ mọi nguồn, trong đó dễ nhất là từ thư viện cộng đồng. Chúng tôi nghĩ tới “thư viện cộng đồng” như là một giải pháp ưu việt đáp ứng nhu cầu học tập của quảng đại quần chúng. Thực vậy, một thư viện cá nhân xưa của gia đình họ Cao (Cao Xuân Dục), họ Đặng (Đặng Thai Mai), họ Đào (Đào Duy Anh), họ Vũ (Vũ Ngọc Phan)... ở Việt Nam thời đầu thế kỷ có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu các thành viên trong gia đình. Thư viện cá nhân của hồng y giáo chủ Mazarine (Pháp), của Vatican... có thể chứa một lượng khá lớn sách vở quý hiếm, nhưng nó chỉ được dành cho thiểu số những người trong dòng họ quý tộc. Chính điều ấy tạo nên sự độc quyền tri thức – điều không còn có thể tồn tại trong thời đại thông tin ngày nay. Như vậy, xây dựng phổ biến thư viện cộng đồng – một kiểu thư viện bên cạnh những thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện trường học, thư viện nghiên cứu – là một trong những giải pháp về cơ sở hạ tầng ban đầu cho quá trình giải phóng sức học tập của quảng đại quần chúng. Khi chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin tự thân hàng ngày của quần chúng thì không thể nói tới việc giáo dục thường xuyên, liên tục và suốt đời của cộng đồng xã hội. Việc tạo nên nhu cầu, kích thích nhu cầu và đáp ứng được nhu cầu tra vấn, chia sẻ và trao đổi thông tin chính là những bước đi đầu tiên hướng cộng đồng vào việc tôn trọng những giá trị cá nhân đặc thù. Bởi vì như một bước đi tất yếu, khi thông tin không còn là độc quyền, là sản phẩm riêng của một giới, một tầng lớp, một cá nhân thì người ta sẽ không còn và không cần phải “giấu giếm”. Sự ưu thắng của mỗi thành viên nằm ở khả năng truy vấn, phân tích và chia sẻ thông tin. Sự dân chủ tức khắc được thiết lập, dù muốn hay không.
Bên cạnh đó, phải nói tới xu thế dạy học “nêu và giải quyết vấn đề” thay cho việc truyền thụ kiến thức tĩnh của giáo dục hiện đại. Xu thế này dựa trên nguyên tắc cho rằng mọi tư tưởng hay kiến thức không nhất thành bất biến, nó cần được thu nhận trên cơ sở phê phán. Cũng giống như quá trình tìm kiếm của khoa học, đó không phải là đi tìm kiếm một chân lý duy nhất đúng mà là tìm những câu trả lời có thể chấp nhận được trong những tình huống cụ thể. Nói như John Dewey: “Học sinh đến trường không phải để tiếp thu những tri thức đã đươc ghi vào một chương trình mà rỗi có lẽ sẽ không bao giờ được dùng đến, mà chính là để giải quyết các vấn đề, giải quyết các bài toán của nó, những thực tế mà anh ta gặp hàng ngày. Về phía người thày giáo, ông ta hành động như một người bạn có kinh nghiệm, khuyên nhủ, hướng dẫn và cho trẻ biết những gì mà thày biết vấn đề được đưa ra”[4]. Cải cách giáo dục theo hướng nêu và giải quyết vấn đề vì thế là xu hướng được nhấn mạnh ở những quốc gia có nền giáo dục hiện đại như Phần Lan, nơi chỉ số PISA rất cao. Xu thế này chắc chắn có tính tới một tình thế éo le của sự trương nở kiến thức trong thời đại số - sự trương nở tạo nên hiệu ứng “hậu hiện đại” đích thực ở những nước công nghiệp phát triển và “giả hậu hiện đại” ở nhiều không gian văn hóa khác chưa có mức độ phát triển hạ tầng kỹ thuật-kinh tế-văn hóa tương ứng. Đó là những “giả kiến thức” được tạo lập dựa trên các thành tựu “ngụy khoa học” một cách vô tính hay hữu ý. Nếu con người được đào tạo chỉ biết hấp thụ mà không phân biệt và phân tích, trạng thái “ngộ chữ” hồn nhiên rất dễ xảy đến. Việt Nam – trong vị trí của một quốc gia đang tìm cách phát triển – cũng cần đến một nền cải cách đáp ứng được nhu cầu tạo ra những nguồn nhân lực tương ứng với sự phát triển của quốc gia trong vòng vài chục năm chứ không phải trong vài năm. Đồng thời cũng cần một cơ chế phòng ngừa sự trương nở này. Cũng giống như tiêm vaccin, cách phòng ngừa hiệu quả nhất lại là việc bước đầu phát triển một cách có định hướng và quản lý “tình thế hậu hiện đại” trong điều kiện xã hội hiện đại có xu hướng hậu hiện đại. Cho nên không thể không tính tới “xu thế” này của giáo dục hiện đại như là một cách đón đầu thay cho việc “đi tắt đón đầu” chỉ bằng việc đầu tư vào cơ sở kỹ thuật một cách vụn vặt. Trong việc giáo dục theo cách giải quyết vấn đề như thế, “nguồn dữ liệu cơ sở” (database) do thế trở nên cực kỳ quan trọng như vai trò của nhiên liệu đối với động cơ. Dữ liệu càng lớn, càng phong phú và đa dạng thì khả năng đạt tới sự thật của mỗi cá thể tham gia vào quá trình đào tạo và tự đào tạo càng lớn. Cho nên, quyền tiếp cận với dữ liệu thông tin là một trong những cơ sở cho việc mỗi cá nhân tiếp cận chân lý.
Với lượng dữ liệu phong phú, người ta còn có thể hy vọng ở “tính sáng tạo” mỗi cá thể. Bởi vì sự đa dạng của dữ liệu sẽ loại trừ sự độc quyền của chuyên ngành, mà sự đi sâu tận cùng của nó có nguy cơ làm nó trở nên héo tàn vì xa rời thực tế sinh động. Cuộc sống luôn cho thấy chính sự phối sinh giữa các ngành (tính liên ngành trong nghiên cứu và phát triển) mới làm cho kiến thức trở nên hữu ích và có giá trị.
Mặt khác, những nghiên cứu xã hội học[5] cho thấy sự chuyển động thường xuyên của xã hội luôn tạo ra những khoảng trống trong các vị trí xã hội. Những vị trí này đòi hỏi và cũng tạo điều kiện cho các cá nhân chiếm lĩnh nếu đáp ứng đươc các yêu cầu của vị trí đó. Thế mà chưa bao giờ những biến động của xã hội ở mọi mặt lại nhanh bằng thời điểm của “thế giới phẳng” ngày nay. Việc học tập – đương nhiên là cần thiết đến mức không cần bàn cãi – chuyển sang một hình thức khác. Đó là quá trình học tập liên tục, tự học thường xuyên mà người học không có người thày nào ngoài chính mình khi đứng đối diện trước những thử thách, đòi hỏi mới của cuộc sống. Sự chờ đợi những kiến thức được truyền giảng do một người thầy cụ thể với một mục đích cụ thể chắc chắn sẽ luôn đặt người học vào tình thế “đã rồi”, lạc hậu so với thời điểm đương đại của xã hội. Trong những tình huống xã hội như thế, việc tạo điều kiện để mỗi cá nhân trong xã hội tiếp cận thông tin cập nhật chỉ có thể được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng, ít tốn kém­ nhất nếu như họ được tham gia vào không gian thông tin cộng đồng. Chính không gian thông tin cộng đồng này sẽ nêu trước (anticiper) những đòi hỏi, thách thức và cơ hội cho từng cá nhân tham gia để đáp ứng được vị trí mà xã hội cần.
Bản thân hai câu thơ trong nguyên bản của nó (Dân ta phải biết sử ta...) cũng thể hiện một tư duy rất mới của Hồ Chí Minh trong điều kiện xã hội đương thời về tính chất cần thiết của một không gian thông tin cộng đồng. “Sử ta” với Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng là nội dung thông tin cần thiết cho quảng đại quần chúng lao khổ. Nếu như trước kia “sử” đối với mỗi người dân bình thường (đa phần là mù chữ) chỉ khuôn lại ở những truyền thuyết, những điều “tương truyền” của một vùng rất nhỏ, hoặc một chút sử làng quê nơi mình sống, thì có nghĩa là không gian thông tin công cộng chỉ nằm ở một mái đình, một nhà chung. Chính điều đó làm cho tầm nhìn của mỗi con người trở nên hạn hẹp, mang tính cá thể, tiểu nông, hạn chế một cuộc cách mạng trong toàn quốc. Điều ấy giải thích phần nào sự thất bại của những cuộc khởi nghĩa kiểu cũ (Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Đội Cấn) hay cách mạng (Nguyễn Thái Học) chỉ giới hạn trong một vùng miền, một tầng lớp. Việc thay đổi cách nhìn về tính chất của hoạt động cứu nước trước hết từ một cuộc cách mạng thông tin cộng đồng. Nó cho phép mọi cá nhân trong quần chúng lao khổ biết về mình và liên kết họ lại thành một cộng đồng lớn hơn, trở thành một lực lượng có sức mạnh vật chất chứ không chỉ còn có ý nghĩa tinh thần.
Mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Những lập luận vòng vèo như trên chỉ để đi đến một suy nghĩ rất quen thuộc với nhiều người: thư viện là một không gian công cộng giúp cho mỗi người, như Newton từng nói về mình, “đứng được trên vai người khổng lồ” của tri thức nhân loại. Nếu như trong xã hội trước kia, thư viện là nơi chỉ nhằm lưu giữ sách[6], hoặc để tra cứu thì ngày nay nó còn đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều. Không gian thư viện công cộng có giá trị “nhân bản” trong điều kiện không gian số đang mở rộng đến vô cùng. Đó là vì nó tạo ra một không gian giao tiếp có thực giữa người với người thay cho những mã hóa trên bàn phím và màn hình với avatar của người đối thoại. Một hình ảnh qua webcam trong đối thoại hay là qua teleconference trong hội thảo dù thật đến thế nào đi nữa thì vẫn cứ là một avatar cho một cá thể trong không gian ảo. Chỉ có những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt mới làm cho sự sống trở nên thêm phần sinh sắc.
Việc bàn đến thực tế thư viện ở xã hội ta ngày nay không thuộc phạm vi của bài viết này. Nó đòi hỏi một dự án điều tra thực tế chứ không chỉ là những bài nói chung chung, những phân tích của những chuyên gia thực sự chứ không chỉ là một bản báo cáo tùy hứng. Vì thế chúng tôi cũng không thể có tham vọng nêu ra một mô hình cụ thể của việc xây dựng một mô hình xã hội học tập. Mô hình cụ thể ấy tất phải dựa trên tình hình thực tế chứ không thể chỉ là những phác thảo lý thuyết. Chúng tôi chỉ nêu thêm những hình dung cần có về một không gian công cộng như thế. Tính chất “mở” và liên kết là một trong những đặc trưng của loại không gian thông tin công cộng này. Để tạo ra những tính chất đó ở mỗi cá nhân tham gia, bản thân không gian phải có những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho việc đó. Tính chất mở ở đây trước hết thể hiện ở khả năng truy cập nhanh, dễ dàng các thông tin trong thư viện công cộng. Người làm việc trong không gian này không còn tính chất “thủ thư” như trong thư viện truyền thống. Đó là người tổ chức, sắp xếp và quản lý không gian công cộng. Cách tổ chức đó loại bỏ khâu trung gian trong quá trình truy cập thông tin của bất kỳ cá nhân nào. Sự loại bỏ này vừa giảm bớt gánh nặng về nhân sự xét về khâu tổ chức, vừa tạo điều kiện tham khảo và truy cập thông tin một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì người lao động của không gian này đòi hỏi phải có những kỹ năng cần thiết của một người lao động trong không gian thông tin chứ không đơn thuần chỉ là người “trông sách” và “đi lấy sách” của một thủ thư. Mặt khác, một không gian công cộng biệt lập và đơn lẻ không bao giờ có thể làm tốt được những yêu cầu thông tin cho các cá nhân trong xã hội, đặc biệt là ngày nay. Vậy nên yêu cầu về sự liên kết và liên thông giữa các không gian thông tin công cộng là tất yếu. Giống như một mạng liên kết internet, nó cho phép người dùng ở một khu vực có thể và có quyền truy cập thông tin ở những nơi khác. Do thế không gian thông tin công cộng này phải được tổ chức gắn với những cộng đồng nhỏ nhất, rồi được thiết kế về mặt cấu trúc sao cho đáp ứng được mọi yêu cầu của các cá nhân.
Còn có thể có nhiều yêu cầu mang tính kỹ thuật cụ thể cho những không gian thông tin công cộng như thế. Nhưng một điều chắc chắn, nếu muốn xã hội phát triển được và phát triển một cách cân bằng thì cần đầu tư cho những không gian giao tiếp công cộng. Trong những không gian công cộng đầu tiên cần xây dựng có hệ thống, đó chính là các thư viện. Trách nhiệm đó trước khi được cộng đồng đón nhận và chia sẻ, chắc chắn phải thuộc về một thực thể chính trị xã hội cao nhất, đó là Nhà nước.
25.9.2008


[1] Chúng tôi nghĩ tới hai trang web khá nổi tiếng bởi sự phong phú của tài liệu và tính phi lợi nhuận của nó. Đó là trang vnthuquan.net và talawas.org. Các thành viên tham gia được khuyến khích và tạo điều kiện truy cập miễn phí, cung cấp một cách tự nguyện các tài liệu số hóa như một sự chia sẻ cộng đồng. Với những trang web này, đôi khi bạn có thể dễ dàng và nhanh chóng tìm được những tài liệu mà nếu ra thư viện thì cần khá nhiều thời gian. Còn những trang mạng wikipedia miễn phí (một dạng từ điển mở do cộng đồng mạng) xây dựng không chỉ cung cấp thông tin về muôn mặt đời sống (quá khứ cũng như hiện tại, phương đông cũng như phương tây...) mà còn có thể cho phép người đọc nhận được những đường link hữu ích tới những trang thư viện số hóa trên mạng để tìm bất cứ tài liệu văn hóa nào đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Dĩ nhiên người đọc phải tự chịu trách nhiệm trước một thế giới mở chứ không thể đòi hỏi một sự định hướng như trong thế giới đóng như trước nữa.
[2] Cuốn sách đã được Ngân Xuyên dịch sang tiếng Việt ở NXB Tri thức, 2007.
[3] Mới đây thôi, Liên minh châu Âu đã thực hiện dự án mở kho sáng chế của mình, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm khuyến khích sư phát triển kinh tế.
[4] Dẫn theo Phan Đình Diệu, “Phương pháp giải quyết trong giáo dục hiện đại”, Tia sáng 5.9.2008
[5] P.Bourdieu, Les Règles de l’art, Seuil 1998. Nghiên cứu của ông được thực hiện trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho thấy các nghệ sĩ danh tiếng trong tiến trình phát triển của xã hội sở dĩ giành được vị trí của mình ngay từ đương thời chính là nhờ sự chiếm lĩnh kịp thời cái vị trí (position) do các chuyển động trong xã hội để trống (lacune). Thế mà những nghệ sĩ đó giành được vị trí không phải nhờ may mắn mà nhờ chính vào sự lao động bền bỉ và âm thầm của cá nhân họ trước khi thành công, như nhà văn Flaubert là một ví dụ điển hình.
[6] Chữ bibliothêkê trong tiếng Hy Lạp hay書院 trong tiếng Hán.

GIẢNG DẠY KỊCH “VŨ NHƯ TÔ” CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG



Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải.
Câu văn đề từ tác phẩm kịch nổi tiếng của Nguyễn Huy Tưởng cho thấy sự lưỡng lự của bản thân tác giả trước những gì được nêu ra trong vở Vũ Như Tô. Hơn nữa, tác phẩm tuy được đề là kết thúc từ mùa hạ 1941, nhưng còn được Nguyễn Huy Tưởng bổ sung, nghiền ngẫm trong những năm cuối đời. Cho nên trước khi có một nghiên cứu truy nguyên (analyse génétique) đầy đủ, thiết tưởng không nên nói rằng những điều mà người xem hay nhà nghiên cứu cảm nhận là đã được Nguyễn Huy Tưởng suy nghĩ rốt ráo từ trước cách mạng khi ông còn rất trẻ, cũng như cho rằng chúng đã được giải quyết và trình bày trọn vẹn gọn ghẽ trong vở kịch.
Chọn Vũ Như Tô và đưa vào giảng dạy trong nhà trường là một cố gắng đổi mới văn chương nhà trường, nhưng đồng thời cũng là một thách đố đối với giáo viên phổ thông. Đổi mới là vì đây là lần đầu tiên, một vở bi kịch Việt Nam được đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Chính vì thế, người giáo viên dạy Văn phải nắm được những đặc thù của thể loại bi kịch – một trong những thể loại khó nhất trong nền văn học phương tây, cả do nguyên nhân về thời gian, kết cấu thể loại. Khó khăn do khoảng cách thời gian và không gian càng nhân gấp bội với người giáo viên ở phổ thông do đặc trưng diễn xuất của thể loại. Về điều này, hai bài viết của hai nhà nghiên cứu chuyên sâu về phương tây là Đỗ Đức Hiểu và Phạm Vĩnh Cư[1] đã khái quát về cơ bản những điểm chính. Bên cạnh đó còn những bài viết khác nêu lên giá trị văn chương ngôn từ cũng như những luận đề khác nhau của tác phẩm[2]. Chúng tôi không có tham vọng bổ sung thêm được cho những bài viết sâu sắc ấy, mà quan tâm đến khía cạnh diễn giảng cho học sinh những điều chuyên sâu được thể hiện cô gọn ở đoạn trích sách giáo khoa trong vòng bốn mươi nhăm phút trên lớp.
Trước hết cần nói một chút về việc giảng dạy thể loại kịch trong trường phổ thông. Nếu như thể loại này vốn đã khá xa lạ với giáo viên, thì bi kịch lại càng xa lạ với thực tế đời sống văn hóa với họ. Hầu như giáo viên phổ thông vì thế không có kinh nghiệm thưởng thức, đọc, và giảng dạy thể loại này. Thế mà ở cấp hai, học sinh đã được/phải học một trích đoạn ngắn của hài kịch Trưởng giả học làm sang của Molière, sau đó là một đoạn của chính kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ. Lên cấp trung học phổ thông, học sinh lại gặp một tác phẩm sân khấu của Shakespeare Roméo và Juliette. Chúng tôi vì thế muốn nhân dịp này nhắc lại một ý kiến của Phùng Văn Tửu như một gợi ý giảng dạy thể loại kịch: “Khi giảng kịch, chúng ta chú ý đến đặc trưng của loại hình nghệ thuật này để học sinh khỏi rơi vào tình trạng thấy học kịch cũng chẳng khác gì học truyện ngắn hay tiểu thuyết.”[3]. Ông gợi ý giáo viên cần phải giảng cho học sinh được những đặc thù của quá trình diễn xuất trên sân khấu chứ không phải chỉ là đọc hiểu lời lẽ của nhân vật. Quả có thế, một trong những điểm làm cho kịch khác hẳn với các thể loại khác là tính đương thời của nó. Nói bằng thuật ngữ chuyên sâu thì thời gian của vở kịch là thời gian hiện tại. Vở kịch đúng nghĩa chỉ thật sự sống với tư cách một tác phẩm nghệ thuật khi nó hiện diện trên sàn diễn. Nó chỉ sống trong từng khoảnh khắc với người xem qua diễn xuất của các diễn viên. Trong khi đó người ta có thể đọc thầm, đọc đi đọc lại để cảm nhận vẻ đẹp của một truyện ngắn, một bài thơ. Do thế nếu chỉ bằng vào lời lẽ của nhân vật được ghi lại trong kịch bản được giới thiệu thì học sinh khó lòng cảm nhận được xung đột cũng như hành động kịch. Nói một cách đơn giản hơn, người giáo viên trước hết phải hiểu được đặc trưng thể loại được giảng dạy, và từ đó với tư cách một đạo diễn hướng dẫn học sinh tìm hiểu tác phẩm. Một giờ giảng kịch là một giờ diễn xuất (trong tiếng Pháp, chữ này còn có thể hiểu là diễn giải một vở kịch) của cả giáo viên và học sinh chứ không đơn thuần là giảng dạy. Nội dung học hiển nhiên là rất nhiều so với 45 phút làm việc của gần 40 diễn viên bắt đầu học nghề. Người giáo viên không hy vọng là dạy tất cả mà hướng học sinh cách tự mình đạo diễn trong vai của mình.
Nếu như tạm coi rằng các thông tin được nêu ra ở sách giáo khoa là đủ, thì chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh khía cạnh hành động kịch trong tác phẩm và đoạn trích như là xuất phát điểm đầu tiên cho việc giảng dạy. Hành động kịch nói một cách giản dị là mối mâu thuẫn của vở kịch sẽ quy tụ, tập trung các nhân vật kịch có liên quan. Một vở kịch có thể có nhiều hay duy nhất một hành động kịch, có thể có hành động chính hay phụ. Điều đó phụ thuộc vào quan niệm của tác giả, vào thời đại, và vào thể loại. Sách giáo khoa giới thiệu kịch của Nguyễn Huy Tưởng như là một vở bi kịch, nên chúng tôi sẽ kê thêm vài lời ở đây. Kịch cổ điển thế kỷ XVII của Pháp đòi hỏi tính duy nhất của ba yếu tố: hành động, thời gian và không gian. Họ đòi hỏi tính duy nhất của hành động kịch, tức là một vở bi kịch chỉ cần có một mâu thuẫn để tập trung toàn bộ các diễn viên – vốn đã không nhiều của một vở diễn. Như thế, sàn diễn sẽ tập trung hơn, người xem cũng dễ theo dõi hơn trong vòng hai đến ba tiếng đồng hồ. Nhiều nhân vật hay hành động kịch quá thì sẽ làm phân tán sự chú ý, do đó hiệu quả diễn xuất sẽ giảm đi. Chính vì quán triệt nguyên tắc này mà kịch cổ điển dễ dàng có thể trở thành một mẫu mực cho sân khấu trong hàng trăm năm.
Kịch là một thể loại mà ở đấy nhân vật có một sức sống độc lập của mình nhờ vào ngôn từ đối thoại. Chính chúng là thành phần chính tạo nên hành động kịch. Người viết kịch chỉ thành công khi tạo ra được ngôn từ cho từng nhân vật. Vì ngôn từ nhân vật có khoảng cách nhất định so với nhân vật, nên theo chúng tôi người giáo viên chúng ta không nên câu nệ vào từng lời lẽ nhân vật để phân tích. Cũng vì thế, nên một vở kịch có thể có nhiều cách công diễn khác nhau tùy theo đạo diễn và dàn diễn viên. Thậm chí người đạo diễn có thể thêm bớt một vài chi tiết như là một cách “hiểu” của mình đối với kịch bản[4]. Và một vở kịch được công diễn sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau trong từng khán giả. Nói như Đỗ Đức Hiểu trong bài viết của mình, lời một nhân vật trên sàn diễn là tổng hợp ba loại lời: tác giả, diễn viên và cuối cùng là chính nhân vật. Chừng nào người viết kịch còn áp đặt ngôn ngữ của mình cho nhân vật, chừng ấy tác phẩm còn chưa đạt tới khả năng quyến rũ người xem. Nói cách khác, ngôn ngữ tác giả vắng bóng trong kịch. Tác giả dường như chỉ hiện diện rõ nhất qua kết cấu văn bản, chỉ bộc lộ tài năng của mình trong việc xây dựng tình huống nhờ các thủ pháp tổ chức lớp kịch. Điều ấy mang đến một khoảng tự do tương đối cho người đạo diễn. Cùng một lúc người ta có thể công diễn hai vở cùng một kịch bản; cùng một kịch bản có thể được diễn hay hoặc dở, được khán giả tán thưởng hay không.
Trong nhà trường, học sinh làm việc chủ yếu với kịch bản. Do thế bên cạnh lối đọc của tiểu thuyết hay thơ, nên cùng học sinh tìm đến một lối đọc thích hợp cho văn bản kịch. Yêu cầu học sinh đọc phân vai và giáo viên dùng lời để miêu tả tái tạo tình huống kịch trên sân khấu là rất cần thiết. Việc tìm hiểu lời thoại của nhân vật cũng cần thiết, nhưng không nên chỉ căn cứ vào một vài lời của nhân vật để đánh giá đó là nhân vật tôt hay xấu, đó là dụng ý của tác giả hay không. Bởi trong chừng mực nào đó, lời lẽ của tác giả bình đẳng với lời lẽ nhân vật. Có những lúc, tác giả phải mượn lời chính nhân vật để khắc họa tình huống kịch. Ví dụ câu thoại mở đầu hồi năm:
Có việc gì mà bà chạy hớt hơ hớt hải? Mặt bà cắt không còn hột máu?
Câu thoại rõ ràng nhằm miêu tả nhanh và trực tiếp tình huống một cách ước lệ theo lối kịch nói. Đó là hoàn cảnh mà Vũ Như Tô đang sắp lâm vào: quân khởi loạn sắp kéo đến đe dọa sự tồn tại của công trình Cửu trùng đài. Vai trò của câu mở đầu đó nhằm quy ước với khán giả mức độ căng thẳng của hồi kịch. Mệnh đề thứ hai (mặt bà...) mang phong cách sinh hoạt đời thường rất rõ bởi ngôn từ, cú pháp. Trong đối thoại của cuộc sống, người ta có thể dùng nó để miêu tả về người thứ ba chứ ít khi để hỏi cho ngôi thứ hai. Ở đây tác giả vừa muốn xây dựng không khí căng thẳng của tình thế kịch, lại vừa muốn tạo ra một tình huống chỉ có hai người phục vụ cho kết cấu chung của hồi kịch. Cho nên ông buộc phải sử dụng câu thoại này như là một cách mở màn nhanh nhất. Ngôn ngữ thoại đó có phần có khoảng cách với thứ ngôn ngữ cổ trong những cặp thoại khác. Tiêu biểu là đoạn miêu tả sau của Lê Trung Mại về cái chết vua Lê Tương Dực:
Ngài hỏi nó: giặc ở đâu? Nó không đáp, ngoảnh mặt đi cười nhạt. Ngài quất ngựa về phía tây. Nó sai võ sĩ tên Hạch đuổi theo, đâm vua ngã ngựa rồi giết chết.
Dường như ta gặp lại giọng điệu của người kể chuyện chương hồi với những câu đơn, ngắn, sắc. Có lẽ vì vở kịch có đề tài lịch sử nên Nguyễn Huy Tưởng gắng giữ tất cả những đặc thù của phong cách ngôn ngữ cổ nhằm mang đến cho vở kịch tính chất trung đại. Thứ ngôn ngữ này với Nguyễn Huy Tưởng chắc không xa lạ, vì ông viết rất nhiều tác phẩm có đề tài trung đại, lịch sử. Trong vở kịch này, có thể độ lệch giữa hai hệ thống ngôn từ hé lộ một tìm tòi của ông trong việc dung hòa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ cổ xưa. Mặt khác, ngôn từ cổ được tác giả mượn cũng không che được đặc điểm đương đại của các nhân vật. Họ không phải là nhân vật của thế kỷ XVI. Hẵng mượn lời của các nhà nghiên cứu kịch cổ điển Pháp, thì có thể nói rằng đó là con người của thế kỷ XX khoác tấm áo của nhân vật thế kỷ XVI. Tiêu biểu là lời tự ngôn của Vũ Như Tô:
Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm cho đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với Hóa công. Vậy thì ta có tội gì? Ta xây Cửu trùng đài có phải đâu để hại nước?
Giọng điệu khẳng định ý thức cá nhân theo lối trung đại được thể hiện qua đại từ ta (chỉ có một hoài bão) kết hợp với những từ cổ như Hóa công, lối diễn đạt cổ tranh tinh xảo. Nhưng việc biểu lộ ý thức dân tộc (xây cho nòi giống) như vậy chỉ có thể là của một nghệ sĩ thế kỷ XX. Dù rằng lời tự ngôn ấy thể hiện một ham muốn, một khao khát (passion) của nhân vật như là một động lực làm nguyên cớ đẩy nhân vật rơi vào tình huống bi kịch, nhưng ý thức cá nhân đương đại vẫn in đậm trong đó. Đây là ý thức cá nhân của thế kỷ XX chứ không chỉ là của một nghệ sĩ thời trung đại. Như vậy, vấn đề của vở kịch không phải là chuyện ông cắt nghĩa lại sự kiện lịch sử. Chính thực ông gần với Corneille, Racine, hay như A. Dumas nói, lịch sử chỉ là cái móc cho ông móc chiếc áo tác phẩm của mình với những vấn đề thời đại. Không cần thiết phải đem so sánh sách sử với những gì Nguyễn Huy Tưởng viết để phân định đúng sai. Văn học không đơn thuần là sự phản ánh hay ghi chép lại lịch sử mà là cắt nghĩa lại lịch sử phục vụ cho cuộc sống đương đại.
Kết cấu theo lối cổ điển của ông lại đáng được ghi nhận là một thành tựu. Chính kết cấu kịch làm cơ sở cho tình huống kịch, và là một điều kiện thành công của tác phẩm này. Đoạn trích ở hồi năm, hồi cuối cùng vở kịch. Hồi gồm chín lớp, chúng ta hãy quan sát chỉ dẫn kịch của các lớp như là một cách xem xét khái lược kết cấu trích đoạn kịch:
Lớp 1: Vũ Như Tô-Đan Thiềm
Lớp 2: Những người trên, thêm Nguyễn Vũ.
Lớp 3: Những người trên, thêm Lê Trung Mại.
Lớp 4: Những người trên, thêm một bọn nội giám khác.
Lớp 5: Vũ Như Tô, Đan Thiềm
Lớp 6: Những người trên, thêm Kim Phượng, Cung nữ.
Lớp 7: Những người trên, thêm Ngô Hạch và quân khởi loạn.
Lớp 8: Những người trên, trừ Đan Thiềm
Lớp 9: Những người trên, thêm một lũ quân.
Như vậy, nhân vật có mặt từ đầu đến cuối hồi quan trọng nhất trong vở kịch mang tên chính của ông là Vũ Như Tô. Chúng ta thấy lớp 5 như một lớp quan trọng nhất ở giữa chia đôi hồi kịch. Lớp này và lớp 1 chỉ có hai nhân vật trung tâm là Vũ Như Tô và Đan Thiềm như là những trụ đỡ cho toàn bộ hồi kịch. Cũng có thể xem chúng như những lớp kịch được tạo ra với tư cách một thủ pháp nhằm mang đến cho các nhân vật trung tâm cơ hội bộc lộ “bản ngã” cũng như khát vọng của họ đúng vào thời điểm cao trào của vở. Hai lớp kịch tâm tình này do thế giống như một khoảng lặng giữa lúc sôi động ồn ào nhất, là thời điểm nén lại những khoảnh khắc riêng tư nhất của hai người trước khi bùng nổ những mâu thuẫn của vở kịch. Từ lớp 1 đến lớp 4 là sự gia tăng các nhân vật thuộc về một phía ủng hộ xây dựng Cửu trùng đài: Nguyễn Vũ, Lê Trung Mại, các quan nội giám. Rồi đột nhiên vở kịch rút bớt hết tất cả các nhân vật, chỉ để lại hai nhân vật trung tâm vở kịch: Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Số lượng các nhân vật tăng lên trong bốn lớp đầu có tác dụng làm sân khấu thêm náo nhiệt, hỗn độn thích hợp với thời điểm kết cận kề. Trong nửa đầu hồi kịch này, nhóm này có hai cách ứng xử trước sự thế: bỏ trốn và tuẫn tiết. Nửa sau của hồi kịch, bắt đầu từ lớp 5, những nhân vật còn lại của triều đình như cung nữ chấp nhận đi theo quân khởi loạn. Lớp này đánh dấu sự chuyển giao quyền lực của triều đình, làm xoay ngược tình thế trong vở kịch. Quân khởi loạn chỉ thực sự hiện diện trên sân khấu ở hai lớp cuối cùng. Cũng trong đám cung nữ này diễn ra một sự phân hóa tương tự: số đi theo quân khởi loạn thì đông, chỉ riêng Đan Thiềm chấp nhận tìm đến cái chết. Đan Thiềm cũng sẽ thể hiện một thái độ tương phản với đám cung nữ chấp nhận đi theo quân của Ngô Hạch. Như vậy nếu như hai lớp kịch 1 và 4 gắn với hai nhân vật trung tâm thì có thể thấy một đặc điểm trong cách tổ chức các lớp kịch của Nguyễn Huy Tưởng: sự phân đôi. Diễn giải như thế ta sẽ thấy Nguyễn Huy Tưởng học tập kịch cổ điển khi tạo nên sự đăng đối tương tự ở phần thứ hai gồm năm lớp kịch cuối.
Các nhân vật thân cận với vua lần lượt xuất hiện đại diện những thành phần cơ bản gắn với đời sống tiêu biểu của ông vua: cung nữ, quan nội giám và quan hầu cận với ba nhân vật tiêu biểu được gọi tên: Kim Phượng, Lê Trung Mại, Nguyễn Vũ. Họ cũng tiêu biểu cho những cách thức ứng xử trước sự thế. Cung nữ đi theo chủ mới. Hoạn quan bỏ chạy. Quan hầu cận không còn đường rút nên tự vẫn. Đó là hình ảnh triều đình thân cận với vua. Trong số họ, trong những gương mặt ấy của triều đình, không thấy một võ quan hay văn quan. Thực ra còn có thể thấy thấp thoáng một nhân vật khác của triều đình tuẫn tiết ở hậu cảnh là Võ tả hầu Phùng Mai. Chừng ấy đủ để nói lên cái nhìn của tác giả về triều đình vua Lê Tương Dực.
Mặt khác, trong bốn lớp đầu, âm hưởng nổi loạn chỉ vang lên qua lời đồn thổi và những âm thanh phụ trợ theo chỉ dẫn sân khấu (có tiếng ầm ầm, có tiếng kêu mỗi lúc một gần). Các nhân vật nổi loạn xuất hiện ở cuối lớp 6, đầu lớp 7, và chỉ sự xuất hiện của họ mới là nguyên nhân đủ mạnh để loại trừ khỏi sân khấu nhân vật Đan Thiềm với tư cách hình bóng thứ hai của chính Vũ Như Tô. Việc loại bỏ đó chuẩn bị cho tư thế cô đơn nhưng hiên ngang của nhân vật này trước quân khởi loạn và sự sụp đổ của Cửu trùng đài. Bên cạnh đó xét về kết cấu, chúng ta thấy từng cặp một. Cặp Vũ Như Tô-Đan Thiềm tồn tại song song với cặp Nguyễn Vũ-Lê Tương Dực. Nếu có thể nói đến cái chết của Đan Thiềm thì cũng có thể nói đến cái chết của Nguyễn Vũ. Cả hai đều chia sẻ với người tri kỷ của mình. Phía bên kia là cặp Trịnh Duy Sản và Ngô Hạch cũng với quan hệ chính phụ... Dĩ nhiên có thể nghĩ so sánh như thế liệu có lệch lạc quá không, nhưng trong kết cấu vở kịch, những cặp hình tượng kiểu này lại tuân theo đúng kết cấu phân đôi nhằm tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Đó là các cặp nhân vật bao gồm nhân vật chính và nhân vật phụ trợ ở các cấp độ khác nhau. Nguyễn Huy Tưởng thế là đan dệt một loạt những mối quan hệ các nhân vật với nhau để tạo nên kết cấu kịch có dáng dấp cổ điển.
Nhân vật trung tâm Vũ Như Tô cuối cùng phải chứng kiến sự sụp đổ mang tính biểu tượng của Cửu trùng đài cũng qua những âm thanh phụ trợ. Ông cũng sẽ chứng kiến toàn bộ sự sụp đổ của triều đình mình phụng sự (dù là chỉ để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của riêng mình) thông qua sự loại bỏ dần trên sân khấu tất cả các nhân vật triều đình cũ, thay vào đó là các nhân vật của triều đình mới. Họ đều vô danh, trừ Ngô Hạch. Trong toàn bộ hồi kịch, người ta chỉ nhìn thấy hình bóng Cửu trùng đài qua lời lẽ các nhân vật. Có hai nhân vật gắn bó với nó nhất. Đó là Vũ Như Tô và vua Lê Tương Dực. Một người gắn bó với nó bằng tiền bạc và quyền lực, người kia là bằng tài năng và tâm huyết. Cả hai người đều phải chết. Một nhân vật chết trong hậu trường qua lời miêu tả của các nhân vật, cụ thể là qua lời quan thái giám. Một nhân vật sẽ chết ở tiền cảnh của lớp kết vở bi kịch mang tên chính mình, ngay trên sân khấu trước khán giả. Kết cấu ấy cho chúng ta thấy, mối quan tâm chính của vở kịch trên văn bản nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa Vũ Như Tô và Cửu trùng đài. Nhưng quan hệ bộ ba Vũ Như Tô-Cửu trùng đài-vua Lê Tương Dực ấy cũng rất mật thiết. Công trình ấy đổ sập sau cái chết của vua, và trước khi Vũ Như Tô bị hành hình. Kết cấu vở kịch cũng có thể gợi cho người xem một suy ngẫm về mối quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc với sản phẩm nghệ thuật trong các thời đại ?
Kết cấu hồi cuối cùng này còn cho thấy, nhân vật Vũ Như Tô cuối cùng phải đối mặt với sự hủy diệt của thành quả của chính mình khi nó không đáp ứng sự chờ đợi của số đông, khi nó không phù hợp với thực tại. Sự giản lược dần dần các nhân vật tạo nên sự cô đơn của nhân vật trung tâm Vũ Như Tô trước tất cả những gì đối lập với mình. Cũng chính cách tổ chức ấy dồn toàn bộ trọng tâm lên nhân vật trung tâm duy nhất, và vì thế cách thức đối mặt với sự hủy diệt của thành quả lao động và chính mình tạo nên tư thế bi kịch của tác phẩm và nhân vật Vũ Như Tô. Vua Lê Tương Dực tuy là điều kiện cần cho việc xây đài, nhưng không thể gắn bó sống chết với đài. Chính Vũ Như Tô là người dồn toàn bộ tâm huyết của mình cho việc xây đài, nên đó cũng là linh hồn của ông. Chừng nào đất trời còn loạn lạc nhưng không ảnh hưởng đến kiến trúc của ông thì chừng ấy cuộc sống của ông còn tiếp tục. Nhưng khi lâu đài đổ sụp do sự phá hủy của đám đông thì số phận của ông kết thúc.
Chúng tôi có nói rằng Nguyễn Huy Tưởng học tập kịch cổ điển chứ không nói rằng bi kịch của ông có tính chất cổ điển như kịch Pháp thế kỷ XVII. Có hai lý do rất đơn giản, dễ thấy nhưng cực kỳ căn bản để khu biệt tác phẩm của ông với kịch cổ điển Pháp. Thứ nhất là kịch của Nguyễn Huy Tưởng không tuân theo quy tắc tam duy nhất. Nếu như bi kịch cổ điển Pháp bắt buộc phải diễn ra trong vòng một ngày vì không thể quan niệm một cách duy lý rằng trên một sân khấu có tới hai địa điểm hành động; thì vở kịch của ông lúc thì diễn ra trong cung cấm, lúc lại ở công trường xây dựng. Thứ hai bi kịch của ông đưa rất đông quần chúng và những cảnh chết chóc lên sân khấu, mà hồi cuối cùng rất điển hình. Trong bi kịch của Racine hay Corneille, điều ấy không thể diễn ra vừa vì lý do kỹ thuật, vừa vì nguyên tắc cao nhã trong phong cách của thể loại được trình diễn.
So sánh như vậy không phải để nói rằng kịch Nguyễn Huy Tưởng có nhược điểm này hay ưu điểm khác. Đơn giản là để chúng ta thấy sự khác nhau về phương thức thể hiện liên quan đến tư duy thời đại cũng như của cá nhân nghệ sĩ. Vì thế chúng ta có thể tránh được việc áp một cách khiên cưỡng những mẫu hình cũ vào văn bản mới. Như Đỗ Đức Hiểu đã nêu ra trong bài viết của mình, thậm chí trong bi kịch của Nguyễn Huy Tưởng còn mang dấu vết của nhân vật hề trong chèo tuồng Việt Nam. Nhân vật đó (phó Cõi) không xuất hiện trong hồi này nữa. Sự thiếu vắng toàn bộ những bạn đồng chí của Vũ Như Tô trong hồi kịch này là một kết cấu được tính toán rất kỹ về mặt ngôn ngữ kết cấu nhằm nhấn mạnh vào sự cô độc của người thợ cả Vũ Như Tô. Có lẽ tác giả muốn tập trung toàn bộ mâu thuẫn kịch để đẩy nó tới cao trào. Cao trào dừng đúng ở câu nói kết thúc của nhân vật trung tâm Vũ Như Tô: đưa ta ra pháp trường. Không có một mâu thuẫn nào được giải quyết ngoài việc lật đổ ngai vàng và Cửu trùng đài - công trình gắn với tiền bạc, quyền lực của vua và tài năng của bác thợ cả. Kết thúc ấy phù hợp với băn khoăn trong lời đề tựa của tác giả: không biết là ai phải đây.
Nhìn vào kết cấu của vở kịch còn có thể nhận ra một đặc điểm quen thuộc của kết cấu kịch cổ điển. Mỗi cảnh sẽ thêm hay bớt nhân vật, những nhân vật mới bước vào lớp cảnh trên sân khấu sẽ tham gia vào mâu thuẫn đang diễn ra với những nhân vật đã có mặt ở đó để thúc đẩy, tạo nên một bước tiến của hành động kịch. Mâu thuẫn ấy có thể được đẩy cao lên hay tạm hạ xuống, nhưng chắc chắn luôn đi theo một hướng về đích, ngày một nhanh, gấp gáp và căng thẳng hơn. Chúng ta thử phân tích làm ví dụ một lớp.
Lớp 6 là lớp kịch rất ngắn, chỉ có bốn lượt lời trao đáp giữa Đan Thiềm và cung nữ, Kim Phượng. Lớp này có chỉ dẫn nhân vật: những người trên (Vũ Như Tô và Đan Thiềm), Kim Phượng, cung nữ. Lớp trước (5) chỉ để lại trên sân khấu duy nhất hai nhân vật là Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Cuộc trò chuyện của họ xoay quanh việc người cung nữ khuyên bác thợ cả bỏ trốn. Lời khuyên ấy diễn ra sau khi Lê Trung Mại và các quan nội giám hò nhau bỏ chạy trước cái chết tự vẫn của Đông các đại học sĩ thể hiện lòng trung vua. Như chúng tôi đã nói ở trên, đây là một cách dàn xếp sân khấu trong hồi kịch để Vũ Như Tô cùng người bạn tri âm của mình chia sẻ tấm lòng, giãi bày tình cảm cho nhau trước lúc chia phôi vĩnh viễn. Cũng có thể hiểu như là cách của tác giả tạo nên hiệu quả thẩm mỹ: trong cảnh khói lửa, loạn lạc, họ vẫn đến với nhau. Xét trong tiến trình kịch, đó cũng là khoảng lặng của vở kịch trước khi cao trào được đẩy cao tới tột cùng. Dấu hiệu của sự rối loạn được nêu ra bằng những chỉ dẫn cuối của lớp kịch 5: có tiếng giày dép nhốn nháo. Bọn cung nữ hốt hoảng đi vào. Chọn lựa cung nữ cho những dấu hiệu của sự rối loạn trong cung vua, tác giả hướng tới việc cố gắng lột tả cảnh triều đình nhốn nháo tới mức tột cùng. Đó là những con người vốn bình thường gắn bó nhất với hoàng đế, những người trang điểm cho ngai vàng, những người khi rời bỏ vị trí trang điểm cho bệ rồng thì họ không còn chút vũ khí tự vệ trong cảnh loạn li. Họ giống như những con mối bay rối rít trong không trung trước giờ giông bão nổ ra. Những câu hỏi đáp trong lớp 6 này thực ra nhằm miêu tả tình thế hơn là tạo ra hành động. Đó là sự cùng đường, là cảnh tuyệt vọng của triều đình Lê Tương Dực. Tất cả mọi thứ bị tàn phá. Giờ đây, khắp cung cấm thâm nghiêm là cảnh rối loạn. Câu trả lời của Đan Thiềm đây là tử địa có tính chất miêu tả hơn là đối đáp hành động kịch nên đã khắc sâu tình thế cùng đường tuyệt lộ một lần nữa. Nó được phụ họa bằng tiếng kêu la của cung nữ, tiếng khóc trong lớp sau của nàng cho số phận Vũ Như Tô. Như thế là miêu tả tình thế cùng đường (thay thế cho trần thuật trong truỵên kể) cũng là một cách của kịch để thiết lập các mâu thuẫn mới. Rồi ngay ở kết của lớp kịch là chỉ dẫn về sự xuất hiện của đám quân khởi loạn. Sự xuất hiện của cung nữ trong lớp này sẽ được giải quyết bằng lệnh giải họ đi khỏi sân khấu của viên tướng khởi loạn Ngô Hạch ngay trong lớp sau. Chúng ta thấy trong lớp này không diễn ra các lượt đối thoại giữa Vũ Như Tô với các cung nữ vì những đối thoại ấy nếu có diễn ra cũng không nhằm được đến hành động chính của kịch. Hơn nữa, Vũ Như Tô không thuộc cùng một không gian, một lớp để đối thoại với cung nữ, mà phải là Đan Thiềm – người trong chừng mực nào đó lại là cùng hội cùng thuyền với họ. Nhân vật Đan Thiềm, như là mặt thứ hai của Vũ Như Tô, sẽ thay ông tham gia vào hành động kịch này. Vì thế chúng ta sẽ thấy hành động của Ngô Hạch trong lớp kế tiếp (7) có chức năng dọn dẹp sân khấu để Vũ Như Tô đối mặt một mình với quân khởi loạn. Họ có thể coi là đại diện của những người dân bị bần cùng hóa do việc xây đài Vũ Như Tô. Họ là mặt khuất của ngôi đền lộng lẫy mà Vũ Như Tô dự định hoàn thành. Nói cách khác, tác giả để ông đối mặt với thực tại sau hai hồi (3 và 4) đứng trước ước mơ tưởng như sắp thành hiện thực.
Tiện đây, chúng tôi muốn nói thêm đôi chút về kiểu nhân vật đám đông trong vở kịch. Nếu như người ta có thể bình luận về những mưu mô của những nhân vật cá nhân trong vở kịch, thì hẳn không bao giờ người ta có ý định nghi ngờ ý định trung thực của đám đông khi họ lên tiếng. Dĩ nhiên đám đông đó có thể bị lừa dối hay không, nhưng chắc chắn tiếng nói của đám đông luôn có tính đích thực, không hề gian dối với chính họ. Trong bi kịch cổ đại Hy Lạp, đó trước nhất là hình ảnh đội đồng ca. Trong tác phẩm tự sự là hình ảnh người kể chuyện từ ngôi thứ ba – một ai đó giấu mặt trong đám đông đang kể lại những gì đã xảy ra. Trong hồi kịch này là hình ảnh quân sĩ. Họ phát ngôn một cách trung thực điều họ nghĩ, dù có thể là bị lừa dối. Cho nên tiếng kêu trời ơi của cung nữ trong lớp 5 phản ánh sự rối loạn thật sự của triều đình. Những lời lẽ của đám đông quân sĩ phản ánh đúng điều họ nghĩ, khác với cá nhân nhân vật Lê Trung Mại chẳng hạn. Ông ta có thể nói tiếc thương hoàng thượng nhưng thực tâm lại không hẳn như vậy. Diễn ra sự so le giữa hành động và lời nói của ông ta làm cơ sở để người xem phân tích tính hai mặt của một nhân vật. Còn đám đông trong tiểu thuyết phương Tây Nhà thờ đức bà Paris, trong truyện kể phương Đông Hoàng Lê nhất thồng chi (Kiêu binh nổi loạn) đều giống nhau ở một điểm: tàn nhẫn một cách chân thật. Họ không hề tự lừa dối (tất nhiên có thể họ bị lừa dối) khi tham gia vào hành động. Do thế lời nhận xét của Đan Thiềm về đám đông trong lớp 5 có thể làm người ta nghĩ tới lý thuyết tâm lý về đám đông. Nhưng điều đó không quan trọng vì tác phẩm văn chương không phải là minh họa một lý thuyết, mà ngược lại nó là cảm hứng cho lý thuyết khoa học. Điều quan trọng ở chỗ chính đám đông mới là đối trọng thực với Vũ Như Tô – một con người chân thật không kém – qua trục hình ảnh Cửu trùng đài. Nhóm nhân vật này sẽ chỉ xuất hiện và lên tiếng – tức là giành được quyền tham gia vào hành động kịch – vào những lớp cuối cùng của vở kịch – những lớp quan trọng nhất về mặt ý nghĩa. Nếu Vũ Như Tô là người xây đài thì họ sẽ là những người phá đài, chứ không phải Ngô Hạch hay Trịnh Duy Sản. Khi họ tham gia vào hành động kịch, nhân vật Đan Thiềm buộc phải rời bỏ sân khấu nhường chỗ cho mối mâu thuẫn chính giữa hai sức mạnh: xây và phá, Vũ Như Tô và đám đông quần chúng. Việc rời bỏ sân khấu của nhân vật Đan Thiềm cùng với đám cung nữ còn để tạo ra tình huống nhân vật trung tâm đối mặt với phản hành động của mình. Từ đoạn trích này, chúng ta có một sơ đồ quan hệ các nhân vật như sau:
Lê Tương Dực
Vũ Như Tô
Cửu Trùng Đài
Quân khởi loạn
Nguyễn Vũ
Ngô Hạch
Kim Phượng/ Cung nữ
Đan Thiềm
Lê Trung Mại/ Quan nội giám
Trịnh Duy Sản
Những nhân vật được in nghiêng chỉ xuất hiện ở hậu cảnh kịch thông qua lời kể hay lời dẫn. Chúng tôi cũng chỉ nhắc tới những nhân vật đóng vai trò tham gia kết cấu vở kịch. Những nhân vật như Phùng Mai không tham gia vào kết cấu đó nên chúng tôi để sang một bên. Có thể thấy ngay cái thế bấp bênh của hồi kịch qua số lượng các nhân vật bị lật ngược về cuối vở. Nhóm quân khởi loạn đã chiếm được tình thế. Vũ Như Tô và Lê Tương Dực thuộc về một không gian khác với Đan Thiềm, cung nữ hay Nguyễn Vũ. Phía bên kia Cửu Trùng Đài là rất ít nhân vật của nhóm khởi loạn.
Chúng ta chú ý tới cách sắp xếp cảnh sân khấu của tác giả trong kịch bản. Hồi cuối cùng của vở kịch về Cửu trùng đài nhưng lại không diễn ra bên chân đài mà lại diễn ra trong cung cấm. Không có lý do nào của cuộc sống giải thích tại sao Vũ Như Tô lại bắt buộc phải gặp Đan Thiềm trong một cung cấm để cho cảnh sân khấu chỉ diễn ở đó. Có thể hiểu cách sắp xếp như là vấn đề kỹ thuật sàn diễn. Tác giả không hình dung được sẽ phải tiến hành ra sao với hành động phá hủy Cửu trùng đài đồ sộ, với đám đông tràn lên sân khấu... Cũng có thể nhìn từ khía cạnh thẩm mỹ của tác phẩm do sự chi phối ấy. Đó là nếu giả sử hình ảnh phá hủy Cửu trùng đài có diễn ra trên sàn diễn thì nó sẽ làm phân tán sự chú ý của người xem. Hình ảnh của nhân vật Vũ Như Tô trong tình huống đó sẽ nhòa đi mất trong đám đông ồn ào, tư thế hiên ngang đầy bi kịch (vì cô đơn và hùng vĩ) của ông vì vậy sẽ không còn. Nếu đúng là như vậy, việc tác giả cho màn hạ nhanh rất có ý nghĩa. Dư vị còn lại trong lòng người xem là ấn tượng của sự thất bại không cưỡng nổi, nhưng cũng lại thôi thúc người xem phải bàn luận về tính nước đôi, giàu ý nghĩa của những hình ảnh tương phản đó. Điều này Phạm Vĩnh Cư đã bàn đến khi nói tới hiệu quả carthasis chậm của vở bi kịch. Sẽ rất thú vị nếu chúng ta thử so sánh cách dựng tình huống của vở kịch với vấn đề dàn dựng trong điện ảnh. Bằng kỹ thuật và ngôn ngữ của mình, điện ảnh có thể tạo ra một lớp cảnh kết mà nhân vật trung tâm đi ở tiền cảnh, còn phía xa nơi chân trời hậu cảnh là hình ảnh Cửu trung đài bị đốt phá ngút trời. Hình bóng những người dân reo hò thấp thoáng phía xa. Khán giả điện ảnh ngày nay chắc hẳn sẽ thấy ngay ấn tượng thẩm mỹ có thể rất đậm của mối quan hệ giữa nhân vật chính và công trình của ông ta. Nguyễn Huy Tưởng đã hình dung một điều tương tự bằng ngôn ngữ sân khấu khi ông để cho quần chúng hò reo cùng với khói lửa ở trong hậu trường, thuộc về hậu cảnh: chợt có ánh lửa..., có tiếng hô vui vẻ.... Chỉ còn lại trên sân khấu một Vũ Như Tô (ngay trung tâm sân khấu) cùng với các quân sĩ khởi loạn đang chuẩn bị dẫn ông đi. Tư thế bi kịch in hằn trên sân khấu và ấn tượng người xem. Màn hạ đúng vào lúc này.
Có thể nói ngắn gọn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt ra một vấn đề bi kịch, và thông qua nghệ thuật tổ chức kết cấu buộc người xem phải trả lời, buộc người xem phải tham gia vào kịch bản của mình. Ngôn ngữ sân khấu của ông được trình diễn một cách nhuần nhuyền, gắn kết chặt chẽ giàu sức gợi tả. Phải nói ngay rằng nghệ thuật kết cấu ấy cũng đã có giá trị văn chương trong bản thân mình với tư cách một bậc ngôn ngữ. Đó chính là một thành công của ông không chỉ với tư cách một nhà văn mà còn với tư cách nhà soạn kịch hiện đại Việt Nam.

1.11.2007


[1] Đỗ Đức Hiểu, TCVH 10.1997 và Phạm Vĩnh Cư TCVH 7.2000, hoặc tập sách Vũ Như Tô, tác phẩm và dư luận, NXB Văn học 2002.
[2] Xem Nguyễn Huy Thắng, Vũ Như Tô, tác phẩm và dư luận, NXB Văn học 2002
[3] Phùng Văn Tửu, Kịch bản dưới ánh đèn sân khấu trong Cảm thụ và giảng dạy văn học nước ngoài, NXB Giáo dục 2003.
[4] Ví dụ trong vở kịch do dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện năm 1995, đạo diễn Phạm Thị Thành đã thêm chi tiết Vũ Như Tô bỏ qua mối thù giết mẹ để thực hiện hoài bão của mình hẳn là nhằm nhấn mạnh khát vọng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.