Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

CERVANTES HIỆN DIỆN Ở VIỆT NAM



Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616), thường gọi là Cervantes cùng tác phẩm của ông là kiệt tác Don Quijote với phụ đề El ingenioso hidalgo don Quijote de la Mancha đã hiện diện ở Việt nam cho đến nay ít nhất cũng gần 75 năm so với thời gian 400 tuổi đời của tác phẩm Don Quijote. Không phải là dài, nhưng cũng không phải quá ngắn nếu so sánh với thời gian mà văn hóa phương Tây nói chung và văn hóa Pháp nói riêng thâm nhập vào Việt Nam. Quá trình tiếp nhận tác phẩm, trước hết được thể hiện qua thư mục các văn bản dịch:
STT
Tên văn bản dịch
Năm
Dịch giả
Số trang
Nhà xuất bản
  1.  
Don Kijote - Truyện nhà hiệp sĩ đông y kỳ xuất
1931
Đặng Văn Hinh
1170
Trung Bắc Tân Văn
  1.  
Truyện Đôngkysốt

1959
Hoàng Đình Hy
44 (T1)
Kim Đồng,
  1.  
Truyện kỵ sĩ Đôngkysốt xứ Măngsơ
1962
Trọng Đức
2 tập (132)
Phổ thông
  1.  
Đôngkysốt
1968
Lê Tư Lành
144
VH
  1.  
Đồng Ký Khốt hiệp sỹ phiêu lưu
1968
(không có tên dịch giả)
2 tập
(300)
Chân lý
  1.  
Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra
1979/
83/97/2004
Trương Đắc Vị
1264
Văn học
  1.  
Chàng hiệp sĩ xứ Mantra 
1986
Đỗ Đức Hiển
182
Kim Đồng
  1.  
Đánh nhau với cối xay gió (đoạn trích của tiểu thuyết Đôn Kihôtê)
1987
Phùng Văn Tửu (có tham khảo bản dịch Trương Đắc Vị)

Giáo dục
  1.  
Đôn Quijote xứ Mancha
1996
Nguyễn Đình Hiền
239
Văn học
Như vậy có tổng số chín bản dịch cho tác phẩm của Cervantes của chin dịch giả trong hơn bảy mươi năm hiện diện ở Việt Nam. Nhìn vào bảng thống kê theo thời gian có thể nhận ra các bản dịch tác phẩm của Cervante đi theo sự tiến triển từ bản dịch rút gọn sang bản dịch đầy đủ, từ bản dịch qua một ngôn ngữ trung gian sang bản dịch thẳng từ nguyên ngữ. Nhưng điểm đặc biệt là văn bản này xuất hiện ngay từ lần đầu tiên trong trạng thái một bản dịch gần đủ, điều vốn rất hiếm thấy đối với các tác phẩm dịch nước ngoài ở Việt Nam trước 1945 dù được dịch qua tiếng Pháp. Có thể nêu nhiều lý do để giải thích về điều này: nhu cầu canh tân văn xuôi Việt Nam như trường hợp tiểu thuyết của Hugo đối với Hồ Biểu Chánh hay đơn thuần chỉ là một nhu cầu giải trí như kiểu sự xuất hiện ồ ạt của tác giả Sommeset Maugham trên một loạt các trang báo Thanh Nghị, Trung Bắc Tân Văn... Cũng có thể đó là sự “phê phán tâm lý mê muội đối với tiểu thuyết hiệp sĩ”, thứ tâm lý không hẳn xa lạ với người Việt Nam đương thời đối với các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết tranh xuất xứ từ Trung Quốc trên những số báo đầu tiên như Nông cổ mín đàm, Loa, Đông Dương tạp chí.... Rõ ràng tác giả Cervantes đã được ưu ái tới mức ngay từ năm 1931 - trước thời điểm bùng nổ văn xuôi hiện đại – tác phẩm của ông đã được dịch giả Đặng Văn Hinh chọn dịch một cách khá đầy đủ. Chính xác là ngoài phần thứ nhất thì phần thứ hai chỉ có 15 chương trên tổng số 105 chương được dịch. Ngay cả một tác giả lớn trong văn học Pháp thế kỷ XIX (nghĩa là gần hơn Cervantes rất nhiều cả về không gian và thời gian) và được coi là kinh điển như Balzac cũng chỉ được Nguyễn Văn Vĩnh dịch cầm chừng trên các trang báo Đông Dương tạp chí với cách gạt bỏ hầu hết các trường đoạn miêu tả đặc thù. Tuy nhiên, không rõ lý do sau đó văn bản dịch này hầu như không được sử dụng lại.
Tác phẩm của Cervantes vậy là đến với độc giả Việt nam không phải là quá muộn so với nhiều tác giả nổi tiếng của thế giới (V.Hugo, F.Dostoievsky, Stendhal, G.Flaubert, H.Balzac...), kể cả những tác giả văn học Pháp vốn dường như thân quen với người bạn đọc Việt Nam nhờ những lý do về mặt lịch sử và văn hóa. Nhưng hiệu quả mà văn bản dịch Truyện nhà hiệp sĩ đông y kỳ xuất tạo ra cho người đọc Việt Nam dường như chưa được xứng với tầm vóc của nó trong lịch sử tiểu thuyết phương Tây.
Sự xuất hiện một văn bản dịch, tùy theo giá trị của văn bản nguyên ngữ, tùy theo mối quan hệ giữa nội dung của chính bản thân tác phẩm với những nhu cầu cụ thể của bối cảnh xã hội nó xuất hiện, và tùy theo giá trị của chính bản dịch mà đóng những vai trò khác nhau qua nhiều cấp độ đọc khác nhau: đọc giải trí đối với bạn đọc rộng rãi, đọc thưởng thức đối với những người mê văn, và đọc như một công việc để kiến tạo những “bài đọc mẫu” của các nhà phê bình-nghiên cứu. Tất nhiên ba cấp độ đọc này không tách rời nhau mà là ba khía cạnh khác nhau của cùng một quá trình đọc, và đều là kết quả từ quá trình đọc của dịch giả. Sự lựa chọn văn bản dịch, cách dịch, thể hiện bản dịch... đều phản ánh những lý do khác nhau của xã hội chi phối tới người dịch. Ngược lại, sự xuất hiện bản dịch lại có tác động trở lại tới văn đàn thông qua sự tiếp nhận của bạn đọc. Như vậy là sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tồn tại một bản dịch trước hết phải phụ thuộc vào chính số lượng và chất lượng của độc giả. Hay nói một cách khác, việc quan sát độc giả của bản dịch sẽ cho chúng ta những thông tin cần thiết về thị hiếu thẩm mỹ đương thời. Chẳng hạn trường hợp V.Hugo đối với bạn đọc Việt Nam đầu thế kỷ qua tìm hiểu của Phạm Xuân Thạch: đọc trước hết là một hành vi giải trí vì tìm thấy những điểm phù hợp với tâm lý, sau đó đối với những nhà văn như Hồ Biểu Chánh thì đọc là một quá trình nghiền ngẫm và học tập trên cơ sở tái tạo để thúc đẩy sự hình thành của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Nếu không có một lực lượng người đọc đông đảo hứng thú với sự lựa chọn của ông thì hẳn Hồ Biểu Chánh cũng sẽ không tìm đến lối viết và cả những cốt truyện giàu tính mélodrame như vậy. Tất cả những quá trình đọc này của độc giả đều diễn ra dưới sự chỉ dẫn từ “lối đọc” của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh: nắm bắt cốt truyện và làm cho người đọc quen với lối xây dựng bố cục và cốt truyện kiểu Tây phương[1]. Ngược lại, sau khi đã hoàn thành vai trò của mình (đọc giải trí và đọc xây dựng thị thiếu thẩm mỹ), những văn bản dịch này không còn được đánh giá cao dưới góc độ văn bản đọc đơn thuần nữa mà chỉ được quan tâm dưới góc độ văn bản đọc nghiên cứu. Như thực tế nghiên cứu đã chứng minh, nhu cầu bắt chước, mô phỏng, phóng tác là tất yếu đối với một nền văn học đang tìm kiếm một cách thức hiện đại hóa.
Chúng tôi chưa tìm được những thông tin xác thực như con số phát hành (tirage) chứng tỏ mức độ quan tâm của lớp độc giả rộng rãi đối với bản dịch Đặng Văn Hinh như trường hợp Hồ Biểu Chánh. Vì thế có thể tạm đưa ra kết luận đầu tiên rằng với đa số người đọc thông thường thì bản dịch Cervantes không được hưởng ứng và vì thế nên không được tìm đọc nhiều. Bằng chứng là chính bản thân dịch giả cũng bỏ dở phần II, và sau đó bản dịch này cũng không được tái bản. Đối với trường hợp tiếp nhận Cervantes ở lớp trí thức, ta cũng có thể cố gắng tìm kiếm dấu vết của văn bản dịch này trước hết trong số những người đi theo/giống với phong cách của ông. Vũ Trọng Phụng là trường hợp duy nhất trước 1945 mà người ta có thể nói đến chất picaresque trong tiểu thuyết gần gũi với kiểu truyện của Cervantes[2]. Lập luận của các nhà nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết dịch Truyện nhà hiệp sĩ đông y kỳ xuất sẽ là cơ sở việc xuất hiện kiểu tiểu thuyết bợm nghịch Số đỏ không phải không có lý. Khi đó ta có thể nói đến dấu vết của đặc thù của tiểu thuyết Don Quijote trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng: biến tất cả thành trò chơi và chỉ còn tiếng cười vui vẻ tiễn đưa thế giới cũ kỹ. Tuy thế ta lại rất khó tìm được bằng chứng qua văn bản cho thấy việc Vũ Trọng Phụng - một người ham đọc và từng trích dẫn các nhà văn lớn trên thế giới trong những cuộc tranh luận nảy lửa của mình - nhắc đến những tác phẩm của Cervantes. Thêm nữa, đương thời những cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng gặp nhiều lời khen và cũng không ít sự chỉ trích, nhưng lại tuyệt nhiên không thấy ai nhắc đến tên tuổi của Cervantes. Như vậy phải chăng bản dịch này đã không thu được thành công như mong đợi, và người đọc không nhận ra ảnh hưởng của tiểu thuyết Cervantes với nhà văn trào phúng? Nhưng nếu trong trường hợp Vũ Trọng Phụng với những sáng tác có một giọng điệu dấu ấn riêng như vậy mà chỉ quy về ảnh hưởng thì phải chăng cũng có phần khiên cưỡng. Chỉ nhìn sự giống nhau và nói đến ảnh hưởng thì ta sẽ không lý giải được sự khá gần gũi giữa cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Pansa với cặp Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Để tạo nên một văn phong nhất quán như thế thì hẳn vốn đọc đơn thuần với một khoảng thời gian rất ngắn như thế (5 năm) không thể giúp gì nhiều cho nhà văn thiên tài nhưng mất rất trẻ này trong việc sáng tạo kiệt tác này. Gốc gác của ngòi bút như Vũ Trọng Phụng hẳn sâu hơn rất nhiều, trong tư duy dân gian qua những kiểu truyện Trạng Lợn, hay những truyện cổ tích về chuỗi những điều không may của loài vật có thể rất phổ biến trong dân gian chẳng hạn[3]. Vì thế phải chăng chỉ có thể nói đến sự tương đồng hoặc một cú hích hơn là ảnh hưởng-tiếp nhận giữa một nhà văn Tây Ban Nha thời Phục Hưng với một nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ XX? Đối với người đọc trí thức thì dường như vào thời điểm ấy họ không quan tâm lắm đến một tác giả như Cervantes – người hình như chỉ quen bỡn cợt nói những chuyện tầm phào? Vấn đề cải tạo xã hội có lẽ đối với người trí thức Việt Nam luôn được đặt lên hàng đầu nên những kiểu truyện thiếu tính chất "dấn thân" và “hiện thực” như thế không tạo được tiếng vang chăng? Tất cả những tác gia văn học nước ngoài vang vọng lại trong tâm tưởng giới trí thức đương thời đều là những kiểu nhà văn "dấn thân" ít hay nhiều như A.Gide[4], A.France, A.Tsekhov, F.Dostoievsky, Gorky... Tất nhiên không phải mọi tác giả được dịch và in nhiều trên các mặt báo như Sommeset Maugham đều có nghĩa là họ được đánh giá cao. Với một tác giả có quãng cách thời gian lớn như Cervantes thì cũng không thể đòi hỏi có ngay sự tiếp cận như với các tác giả cận đại và đương đại. Nhưng rõ ràng, kiểu thức tiếng cười của Cervantes hình như chưa hấp dẫn được cả bạn đọc rộng rãi lẫn bạn đọc tinh hoa khi ấy. Sau Cách mạng, Đặng Thai Mai trong bài nghiên cứu tổng quan đầu tiên và rất đầy đủ về tác giả Cervantes có nhắc đến bản dịch của Đặng Văn Hinh nhưng ông nói rõ là vào thời điểm 1930 đã không hề đọc bản dịch[5].
Những năm 1959, 1961 và 1962, trên miền Bắc cùng lúc xuất hiện tới ba bản dịch độc lập với nhau của các dịch giả Hoàng Đình Hy, Lê Tư Lành và Trọng Đức (tức Đỗ Đức Dục), tất cả đều dưới dạng một bản rút gọn. Có lẽ các ông dịch dựa vào bản rút gọn tiếng Pháp dành cho trẻ em. Đây cũng là thời điểm hàng loạt các tác phẩm nước ngoài được bắt đầu được dịch và giới thiệu một cách có hệ thống ở miền Bắc, và cũng là lúc Đỗ Đức Dục bắt đầu công tác nghiên cứu văn học, nên có thể coi đây như một thể nghiệm của ông đối với sự tiếp cận các tác phẩm văn chương. Như vậy hành động dịch của ông chắc cũng không phải chỉ để mang đến cho bạn đọc một cuốn sách giải trí đơn thuần. Văn chương theo truyền thống đối với các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm lịch sử ấy hiếm khi chỉ mang ý nghĩa giải trí thuần túy. Giá trị về nội dung và tư tưởng luôn được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính Đỗ Đức Dục là người đầu tiên đã tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống về chủ nghĩa hiện thực Pháp thế kỷ XIX qua một trường hợp tiêu biểu là Balzac. Trong hai chuyên luận sau này của mình, ông đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm hiện thực của nhà văn Balzac. Như vậy chủ đích của Đỗ Đức Dục khi chọn dịch bản rút gọn tiểu thuyết Don Quijote phải chăng là đem đến cho bạn đọc những hiểu biết về xuất phát điểm đầu tiên của tiểu thuyết hiện thực phương Tây? Tuy nhiên việc chọn dịch một bản rút gọn không phải không có ảnh hưởng tới quá trình tiếp nhận của bạn đọc. Có lẽ vì ông tính đến đặc thù của lớp độc giả đương thời chứ không phải vì không biết đến những hạn chế của một bản rút gọn tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù nhờ vào hệ thống giáo dục ưu việt vào thời điểm ấy mà chúng ta đã có một trình độ dân trí cao hơn rất nhiều so với trước Cách mạng, nhưng việc tiếp nhận những văn bản như của Cervantes vẫn đòi hỏi một kiến văn nhất định ở người đọc không chỉ về tư tưởng mà cả về ngôn ngữ và văn hóa[6]. Tiếng cười của Cervantes không "thô kệch" với những yếu tố tục tĩu văng thẳng vào mặt lớp tăng lữ như kiểu của Rabelais, nhưng cũng không kém phần mỉa mai và cay độc. Dịch giả Lê Tư Lành cũng là người có nhiều kinh nghiệm khi tiếp xúc với văn học trung đại của phương Tây, trong đó có văn học Pháp cổ vì ông là người từng dịch các truyện ngắn triết học (conte philosophique) của Voltaire. Hẳn sự lựa chọn của ông cũng như Trọng Đức đều xuất phát từ vấn đề bạn đọc trong tương quan với văn bản chứ không thuần  túy chỉ là kỹ thuật dịch: chấp nhận trước hết mang đến cho độc giả những thông tin đầu tiên về tác phẩm qua cốt truyện, nhân vật. Những cách tân đặc thù về mặt thể loại và ngôn ngữ của tác phẩm (chính bản thân chúng cũng sẽ hàm chứa một quan niệm mới của tác giả và thời đại về thế giới), mà ngay một bản dịch đầy đủ sang một nền văn hóa cách biệt rất xa về không gian và thời gian cũng không dễ chuyền tải, đã được tạm thời xếp lại[7].
Mặt khác, cũng còn có thể nêu ra một số lý do khác. Các bản in đương thời có số trang vượt 200 đều không nhiều. Vì thế nếu như so sánh với tình hình chung vào thời điểm ấy thì số trang từ 150 đến 250 của bản dịch rút gọn cũng không phải là quá ít. Như vậy, sự xuất hiện bản dịch rút gọn là do điều kiện về mặt hạ tầng cơ sở hay do mối quan hệ giữa người đọc với văn bản như chúng ta vừa đề cập trên kia? Có lẽ đó đều là những lý do tác động đến sự lựa chọn của các dịch giả ở miền Bắc những năm đầu thập kỷ 60. Nhưng những sự tồn tại của kiểu bản dịch rút gọn không vì thế mà dừng lại.
Kiểu bản dịch rút gọn để giới thiệu còn được tiếp tục với hai bản dịch của Đỗ Đức Hiển (NXB Kim Đồng) và Nguyễn Đình Hiển (NXB Văn học) vào hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX, ngay cả khi bản dịch từ nguyên ngữ Tây Ban Nha đã xuất hiện. Cái đích của hai bản dịch này khá rõ ràng: đến với lớp bạn đọc nhỏ tuổi. Và đương thời còn có rất nhiều bản dịch các tác phẩm khác dành cho bạn đọc nhỏ tuổi cũng ở dạng rút gọn nhằm đem đến một kiểu tác phẩm dễ đọc cho bạn đọc, dù nguyên bản tác phẩm không hẳn quá dài như trường hợp bản rút gọn Người đàn ông có bộ mặt cười (V.Hugo - NXB Văn học). Những yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm tự sự theo quan niệm thông thường như cốt truyện, sự kiện vì thế đều được giữ lại. Nhưng các yếu tố độc đáo khác thuộc về "hình thức" như ngôn ngữ nhân vật Don Quijote chẳng hạn (qua đó người ta thấy được sự gắn kết giữa ngôn ngữ hùng biện hoa mỹ của văn chương Trung cổ với ngôn ngữ hàng ngày) không được giữ lại một cách đầy đủ. Chẳng hạn toàn bộ các đoạn miêu tả và những đoạn tu từ đặc trưng cho nhân vật của Don Quijote được lược bỏ và chỉ còn lại các đối thoại thúc đẩy quá trình phát triển của sự kiện. Cách làm này phù hợp với đặc trưng lứa tuổi quan tâm tới sự kiện với tư cách những biến động của hành động nhân vật hơn là những đặc thù về ngôn ngữ, giọng điệu.
Thị trường sách miền Nam trước 1975 cũng đã xuất hiện một bản dịch kiểu tóm gọn như thế. Nó chứng tỏ nhu cầu “đọc dễ” rất phổ biến trong thị trường đọc sách[8]. Trước hết có thể nhận ra dịch giả miền Nam vẫn tiếp tục sử dụng lối phiên âm và diễn đạt kiểu Hán Việt từ đầu thế kỷ XX: Đông ký khốt hiệp sĩ phiêu lưu. Lối phiên âm này không phải chỉ để áp dụng cho một cuốn sách “dễ đọc” dành cho thiếu nhi, mà thực tế rất phổ biến trong văn học dịch miền Nam trước 1975, bất chấp việc văn bản xuất phát của bản dịch không nhất thiết là từ tiếng Hán như hồi đầu thế kỷ, khi phong trào Duy tân được khởi xướng. Có thể lấy ra một số ví dụ như bản dịch rất nghiêm túc của hai dịch giả Vũ Ngọc Phan-Vũ Minh Thiều cho một tác phẩm của Léon Tolstoi có tên là An na Kha lệ ninh (NXB Gió Bốn phương, Sài Gòn-1970). Một chi tiết như thế cho thấy một quan niệm dịch khá đặc biệt của các dịch giả miền Nam trước 1975. Quan niệm này còn được bộc lộ một cách cực đoan hơn ở sự phổ biến các văn bản phóng tác tác phẩm nước ngoài. Các văn bản phóng tác này có một số điểm chung như: thay đổi tên tác phẩm, thay đổi tên nhân vật thành tên Việt Nam, rút gọn nội dung tác phẩm để đi vào cốt truyện là chính. Chỉ xin dẫn một số trường hợp tiêu biểu: Jane Eyre của chị em nhà E.Brontë được Phương Từ (NXB KN-1973) rút gọn lại trong 232 trang với tiêu đề Chiếc lá giữa dòng. Tác phẩm nổi tiếng Bà Bovary của Flaubert được Hoàng Hải Thủy (NXB Chiêu Dương-1973) rút lại 198 trang với tiêu đề Người vợ ngoại tình... Có  vẻ như một đặc thù của văn học dịch miền Nam trước 1975 là sự tiếp tục gắn bó với phong trào Duy tân thông qua việc lưu giữ những ký ức về nó[9].
Dường như song song với hiện tượng này ở miền Nam là lối phiên âm qua tiếng Pháp như kiểu Đông Ky-sốt trong các văn bản dịch ở miền Bắc. Về mặt lý thuyết thì sự biến đổi cách phiên âm tên riêng trong bản dịch ở cả hai trường hợp (Pháp/Hán) đều có giá trị tương đương nhau vì đều phải qua một thứ tiếng trung gian. Có điều hiển nhiên khi tác phẩm gốc được chọn dịch từ văn bản tiếng Tây Ban Nha thì khoảng cách văn hóa giữa người dịch văn bản chịu ảnh hưởng văn hóa Duy tân và người dịch văn bản chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương là khác hẳn nhau. Sự lựa chọn của một bên vẫn tiếp tục theo truyền thống có từ đầu thế kỷ để đáp ứng nhu cầu “đọc dễ” của bạn đọc, và một bên thì đã có sự chuyển động hướng tới sự rút ngắn khoảng cách văn bản-văn hóa cho thấy sự lựa chọn của các dịch giả miền Bắc có lẽ hợp lý hơn. Bởi vì một mặt họ vẫn đáp ứng trình độ tiếp cận văn bản của người đọc đương thời, mặt khác vẫn mang đến một không khí văn hóa của nguyên bản. Như vậy nếu mỗi bản dịch là một phiên bản (version) của bản gốc, qua đó người dịch/người đọc chứng tỏ khả năng tiếp cận văn bản của mình cũng như rút ngắn khoảng cách văn hóa cho người đọc, thì ở hai miền có hai xu hướng đọc: đọc với xu thế đồng hóa văn bản vào văn hóa bản địa như bản dịch miền Nam; và đọc với xu thế vừa tôn trọng văn bản vừa chuyển hóa vào văn hóa bản địa như các bản dịch ở miền Bắc. Từ đó sẽ dẫn đến những cách lựa chọn khác nhau ở hai miền trước 1975 trong tiến trình văn hóa cũng như sáng tác và dịch thuật. Sự khác biệt còn lại giữa các bản dịch trong thời điểm này có lẽ sẽ thuộc một bài báo khác vì thực chất các bản rút gọn đều chỉ còn là những hình bóng của bản gốc mà thôi.
Nhưng khi xuất hiện một bản dịch hoàn chỉnh như của Trương Đắc Vỵ thì cách đọc đã chuyển sang một cấp độ khác. Cấp độ trước là cách đọc đơn giản hướng nhiều về việc kể cái gì (cốt truyện) dành cho trẻ em và cấp độ hai đã chuyển sang việc đọc cái được kể như thế nào dành cho người biết thưởng thức. Hình thức tối ưu mà một bản dịch đạt được (ở đây chúng tôi chưa có đủ khả năng bàn đến chất lượng cụ thể của bản dịch) hẳn là khi nó được dịch trọn vẹn và trực tiếp từ nguyên ngữ. Văn bản dịch của Trương Đắc Vỵ thẳng từ tiếng Tây Ban Nha là trường hợp như vậy và xuất hiện vào năm 1978 – đây cũng là năm tủ sách tác phẩm văn học cổ điển nước ngoài đạt mức hưng thịnh với sự xuất hiện hoặc tái xuất hiện những tác phẩm của Rabelais, Bronte, Thackerey.... Hầu hết chúng đều được dịch thẳng từ nguyên ngữ.
Một điểm nữa có thể nhận ra qua trường hợp Cervantes là hầu như rất nhiều tác phẩm văn học phương Tây ở miền Nam trước 1975 đều được dịch từ bản tiếng Pháp. Khu vực phía Bắc cũng có hiện tượng tương tự. Văn học Pháp ngữ (francophone) như vậy bất chấp sự thịnh hành của văn học tiếng Anh ở miền Nam hay văn học tiếng Nga ở miền Bắc vẫn tiếp tục giữ một vai trò quan trọng của chiếc cầu văn hóa giữa văn học Việt Nam với những nền văn hóa ngoài Anh-Mỹ hay Nga[10].
Số lượng bạn đọc được thể hiện qua số lượng ấn bản của một đầu sách, từ đó phản ánh hứng thú, mối quan tâm mà bạn đọc dành cho cuốn sách. Một biểu đồ phát hành các ấn phẩm sẽ cho chúng ta những thông tin cần thiết về bạn đọc. Nhưng ở Việt Nam dường như đấy lại là điều không dễ. Bởi vì trước những năm 1990 khi xuất bản và phát hành vẫn thuộc sự quản lý hoàn toàn của Nhà nước thì hầu như bất cứ bản sách nào cũng được in ở mức trên dưới một vạn bản theo đơn đặt hàng. Chẳng hạn thông tin cuối sách của cuốn tiểu thuyết Don Quijote của dịch giả Trương Đắc Vỵ được in năm 1978 có đề là 13.100 cuốn. Con số này không phản ánh số lượng thực tế bạn đọc, tức là hứng thú thực tế của người đọc đối với cuốn tiểu thuyết này; nhưng chắc chắn đây cũng không phải con số lớn so với nhiều đầu sách đương thời vốn có thể được in với con số trên hai vạn bản. Có lẽ một cuốn sách có độ dầy như thế khiến cho những người chịu trách nhiệm xuất bản lo rằng không dễ tìm đến được bạn đọc. Nhưng con số bốn lần tái bản sau đó của cuốn sách Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra với độ dầy hơn một ngàn trang đã cho thấy mối quan tâm, hứng thú của bạn đọc Việt Nam đối với bản dịch hoàn chỉnh của tiểu thuyết này. Số lần tái bản như vậy của một bản dịch văn học cổ điển với số trang trên 1000 cũng quả là hiếm hoi. Ở Việt Nam, một tác phẩm kinh điển được in như vậy có thể xếp vào hàng best-seller cùng với một vài kiệt tác của thế giới như Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ. Nhưng các văn bản kiệt tác của Tolstoi hay Hugo lại hầu như không có bản rút gọn, trừ một đoạn trích ngắn kể về chú bé Gavroche từ tiểu thuyết của V.Hugo. Còn những tác phẩm kinh điển khác như các tác phẩm của nhà văn Rabelais (GargantuaPentagruel) do dịch giả Tuấn Đô thực hiện chẳng hạn, rất gần với Cervantes ở tiếng cười hài hước vui nhộn và cũng được in vào năm 1981 trong tủ sách tác phẩm văn học kinh điển của Nhà xuất bản Văn học. Nhưng hầu như hai tác phẩm này không được tái bản. Vấn đề tất nhiên không phải là sự khác biệt về tài năng tác giả cũng như dịch giả, mà là “gu” của sự tiếp nhận ở công chúng Việt Nam ở thời điểm ấy chưa hướng đến tiếng cười kiểu Rabelais. Cũng phải nói thêm rằng số lượng bản in thực cho mỗi một ấn phẩm của Cervantes sau này đều không phải là những con số chính xác. Bởi vì hầu như mọi bản in sau những năm 1990 đều có một con số rất ước lệ là 1000 bản. Bản in của dịch giả Trương Đắc Vỵ còn cho thấy một sự vận động đáng lưu ý của “gu” thẩm mỹ cũng như trình độ tiếp nhận của bạn đọc. Hiệu quả rõ nhất của sự xuất hiện bản dịch này là sự thay đổi toàn bộ cách đọc tên các nhân vật đối với người đọc nói chung. Những cách đọc Đông Ky sốt, Xăng sô, Măngsơ... dần được thay bằng những cách đọc như Đôn Kihôtê, Xan chô, Man cha... Sự biến đổi rất nhỏ của cách đọc tên nước ngoài là một biểu hiện cho thấy nhu cầu bắt chước, mô phỏng, phóng tác của văn học Việt Nam (do nhu cầu tự thân cũng như đòi hỏi của bạn đọc) đã không còn. Như thế cũng cũng có nghĩa là việc tìm kiếm một tác phẩm gần giống với những sáng tác của một tác giả nước ngoài, như của Cervantes chẳng hạn, vào thời điểm hiện tại để chứng minh quan hệ giao lưu sẽ không còn dễ dàng như trước. Ảnh hưởng và quá trình tiếp nhận tinh hoa văn học nước ngoài đã đi vào chiều sâu của cấu trúc văn hóa.
Tuy thế, song song với số lượng in ấn đáng kể của bản dịch đầy đủ là sự tiếp tục tái xuất hiện của các bản dịch rút gọn tồn tại như những phiên bản (version) được Việt hóa. Không phải tác phẩm nào cũng có được số lượng ấn bản rút gọn nhiều và đa dạng đến như vậy (6lần). Điều ấy cho thấy đối tượng bạn đọc đa phần có lẽ vẫn thuộc về lớp bạn đọc nhỏ tuổi. Câu chuyện phiêu lưu hài hước của chàng hiệp sĩ rõ ràng đã trở thành câu chuyện mang màu sắc cổ tích đối với bạn đọc nhỏ tuổi, và tiếp tục gây dựng một phần vốn văn hóa cho thế hệ tiếp theo ở những bước khởi đầu. Đối với những bạn đọc khó tính và đa dạng như thế ở Việt Nam, sự tồn tại song hành hai cấp độ đọc có lẽ cũng đủ để chứng minh sự thành công vượt bậc  của tiểu thuyết Cervantes so với những tác giả kinh điển khác.
Tiến trình xuất hiện của trường hợp bản dịch tiểu thuyết Cervantes đã mang lại cho ta những thông tin xã hội học về bước đi của một văn bản văn học nước ngoài, và từ góc nhìn rất hẹp đó cả những vận động của lịch sử văn học nước nhà.
08.04.2005



[1] Xem thêm Phạm Xuân Thạch, Từ bản dịch Những kẻ khốn nạn, bàn về ảnh hưởng của tiểu thuyết V. Hugo với người Việt đầu thế kỷ, TCVH 6.2002
[2] Xem thêm lời giới thiệu của Hoàng Thiếu Sơn cho tiểu thuyết Trúng số độc đắc, NXB Văn học-1990.
[3] Về sự chi phối của quán tính truyền thống đối với các tác phẩm đương đại trong tiến trình vận động lịch sử văn học, có thể tìm đọc thêm Mimésis của E.Auerbach. Theo ông, bất cứ một tác phẩm đương đại nào cũng là một sự hô ứng với một tác phẩm khác trong quá khứ. Không phải ngẫu nhiêu mà mở đầu chuyên luận của ông là chương viết về sử thi Odyssée và kết thúc là chương XX viết về tác phẩm Ulysse  của J.Joyce. Trong chuyên luận này ông cũng chỉ rõ mối quan hệ rất tinh tế giữa hình thức nội dung ở tác phẩm của Cervantes, nó cũng đồng thời là một đặc điểm trong khí chất con người vùng Nam Âu – ưa tiếng cười nhẹ nhõm chứ không thích nhấn mạnh đến bi kịch. Nếu muốn so sánh một cách gần gũi hơn thì ta có thể liên hệ đến những bộ phim kinh điển của điện ảnh Italia như Cuộc sống tươi đẹp (La vita ès bella) đoạt giải Oscar năm 1997 do đạo diễn Roberto Benigni thực hiện với đề tài về số phận những người Do Thái trong trại tập trung của phát xít vào Thế chiến II. Sự chi phối của quán tính lịch sử đến sự lựa chọn hiện tại hẳn là có liên quan đến “gu” thẩm mỹ của độc giả.
[4] Trường hợp của A.Gide chẳng hạn, người ta có thể nhận ra khá rõ những ảnh hưởng mang tính tư tưởng-xã hội của nhà văn này với các nhà văn Việt Nam đương thời hơn là những ảnh hưởng mang tính hình thức nghệ thuật. Trong những cuộc tranh luận giữa  Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều với Hải Triều, tư tưởng của Gide luôn được dẫn ra với tư cách một bậc thầy của trách nhiệm nhà văn trước xã hội. Xin đọc thêm Lộc Phương Thủy André Gide, đời văn và tác phẩm, NXB KHXH-2002 hoặc Nguyễn Ngọc Thiện-Cao Kim Lan (bs.) Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX NXB Lao Động-2001.
[5] “Công trình dịch thuật của ông cố nhiên là còn nhiều chỗ cần thảo luận hoặc đính chính. Nhưng ít ra đó cũng là công trình cố gắng đầu tiên để giới thiệu tác phẩm của Xécvăngtet với độc giả nước Việt Nam. Chúng tôi không rõ ông Đặng Văn Hinh đã dịch xong toàn bộ chưa. Nhưng trên bản dịch đã xuất bản và hiện nay còn giữ lại ở Thư viện Trung ương thì phần thứ hai cuốn truyện gồm 105 chương chỉ mới dịch được 15 chương”- Đặng Thai Mai Trên đường nghiên cứu và giảng dạy văn chương, NXB GD 2002, tr.432. Chúng tôi in nghiêng nhấn mạnh.
[6] Phải đợi tới những năm 1980, tủ sách văn học cổ điển nước ngoài của Nhà xuất bản Văn học - một nhà xuất bản có uy tín nhất đương thời trong việc xuất bản các bản dịch - mới được bổ sung những tiểu thuyết như của Rabelais chẳng hạn. Và những năm 1986 khi Trung Đức giới thiệu bản dịch Trăm năm cô đơn của G.Marquez  cũng ở NXB Văn học thì Lại Nguyên Ân đã phải viết một bài viết trên báo Văn nghệ số 12, tháng Ba 1987 Một tác phẩm lớn cần được tiếp nhận đúng hướng.
[7] Chẳng hạn, Cervantes dành cả một đoạn miêu tả hóm hỉnh, đầy sự tương phản (mà nhiều nhà nghiên cứu ngữ văn có thể dùng làm ví dụ tiêu biểu cho ngòi bút của tác giả) cho tình huống oái oăm của Don Quijote: “Sancho tránh sang một bên cho họ đi; bác lấy làm hài lòng lắm vì đã rút ra khỏi thế bí một cách tốt đẹp. Thoát nợ, cô gái quê bị Sancho gán cho là Dulcinea vội thúc lừa bằng một cái gậy nhọn đầu và phi thẳng ra đồng. Cảm thấy đầu gậy thúc mạnh hơn thường lệ, con vật lồng lên, vật luôn Dulcinea xuống đất. Thấy vậy, Don Quijote chạy lại đỡ nàng dậy; Sancho cũng tới nâng bộ yên bị tuột xuống dưới bụng con vật và ghì chặt lại. Thấy Don Quijote định bế mình lên bộ yên lúc nãy, nay đã trở về vị trí cũ, nàng Dulcinea bị phù phép, đứng phắt dậy, và để miễn cho chàng phải làm việc đó, nàng lùi lại mấy bước để lấy đà rồi hai tay túm chặt mông con lừa, lẹ làng nhảy phắt lên yên, hai chân quắp lấy mình con vật như đàn ông vậy. Thánh thật! Bà chủ tôi nhanh như cái cắt, các kị sĩ cừ khôi ở Cordoba hay Mexico cũng phải tôn làm thầy. Thoắt một cái, bà nhảy phốc lên yên và chẳng cần đinh thúc, bà bắt con ngựa quý phi nhanh như ngựa vằn; hai cô thị nữ của bà cũng chẳng lép phi như gió!”. Bản dịch rút gọn chỉ còn một câu: “Sancho nhanh nhẹn nhỏm đứng lên. Và cả hai người nhìn theo ba cô gái đi xa. Rồi don Quichotte quay sang anh giám mã của mình”. Rõ ràng khoảng cách này rất đáng lưu ý với những tác giả lớn như Cervantes.
[8] Tình hình này xảy ra không chỉ với bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam. Có khá nhiều bản đọc rút gọn/đọc dễ ở Pháp được rút ra từ những văn bản kinh điển được những nhà xuất bản danh tiếng như Hachette xuất bản.
[9] Trong lĩnh vực này, qua thái độ ứng xử ta cũng nhận ra những sự khác biệt khá thú vị. Nếu như ở miền Bắc, đa phần các văn bản dịch sang tiếng Việt đều thống nhất trong việc phiên âm sang tiếng Việt cố gắng là từ nguyên ngữ kiểu như Mat-xcơ-va thay cho Moscow, Niu-Yook thay cho Nữu Ước; thì ở miền Nam lại có sự phân hóa hai cách đọc ở hai cực: phiên âm theo Hán-Việt hoặc giữ nguyên cách viết trong tiếng bản ngữ/phiên âm theo hai thứ ngôn ngữ chính Anh và Pháp. Thực ra ở miền Bắc vẫn còn có một số trường hợp người ta phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài theo cách đọc Tiếng Việt như trong các bản dịch Lão quản Bi, Một câu đùa Nguyễn Tuân phiên tên cho các nhân vật lão quản Bi (Prisybiev), chị Na (Nadia). Nhưng sau đó hầu như không có ai đi theo cách này. Nguyên nhân sự khác biệt này ngoài lý do tự nó còn có những lý do bên ngoài.
[10] Dấu vết cách đọc như thế này còn in dấu trong nhiều danh từ riêng của các thứ ngôn ngữ khác được phiên âm qua tiếng Pháp kiểu như Phrớt/Freud, Phơbách/Foebach....