Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

LỊCH SỬ VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY QUA CÁI NHÌN CỦA E.AUERBACH

Lévi's Strauss nhân tiện khi viết về lịch sử và tính đa dạng các tộc người trong quan niệm của ngành nhân chủng học có nêu nhận xét về những khoảng trống đặc biệt trong nghiên cứu: "một bản liệt kê nghiêm túc phải dành những ô trắng cho chúng, và những ô trắng này có lẽ nhiều vô cùng hơn những ô mà chúng ta có thể ghi vào đó một điều gì"[1]. Đây là thái độ của nhà nghiên cứu khoa học xã hội khi phải đối diện với những yếu tố biến ảo khó lường của lịch sử nhân loại. Quá trình viết một cuốn lịch sử - lịch sử văn học chẳng hạn - như quá trình đi tìm hàm một chiều cho bảng mã các sự kiện. Lịch sử cung cấp cho hậu thế rất nhiều sự kiện của cùng một thời đại, rất nhiều thông tin quanh một sự kiện, hàng nghìn chi tiết bổ sung cho một thông tin. Chúng tạo nên một hệ thông tin nhiễu bao hàm cả giả, thật, sai, đúng. Người viết lịch sử không phải và cũng không thể là người làm công việc lọc ra trong vô vàn những con số biết nói từ những sự kiện cách ta hàng trăm, hàng ngàn năm; cũng giống như nhà số học không thể chỉ sử dụng phép phân tích thừa số nguyên tố cho những hàm một chiều có tích cực lớn. Điều cần làm là tìm ra  cách giải cho những hàm một chiều lịch sử ấy. E.Auerbach qua cuốn sách nổi tiếng Mimésis: phương thức biểu hiện hiện thực trong văn học phương Tây (1946) đã thử nghiệm đi tìm một biểu thức cho hàm số một chiều của lịch sử văn xuôi phương Tây.
Đây là chuyên luận nghiên cứu văn bản so sánh được giới nghiên cứu ngữ văn phương Tây đánh giá như một trong những cuốn sách phê bình văn học lớn nhất và mang tính kinh điển của thế kỷ XX. Tác giả Erich Auerbach[2] (1892-1957) cùng với ba nhà nghiên cứu ngữ văn khác F.Gundolf (1881-1931), E.Curtius (1886-1956), L.Spitzer (1887-1960) đã tạo nên nhóm các nhà ngữ văn Đức, theo cách xếp loại của J.Y.Tadié[3]. Nhưng nhiều khi do tính chất bao quát của công trình nghiên cứu này, cũng như những thao tác ngữ văn đã được ông sử dụng mà các nhà nghiên cứu văn học so sánh lại coi ông như những người mở đầu cho trường phái của chính họ[4].
Đặt tên cho chuyên luận là Mimésis (mô phỏng/bắt chước) với phụ đề "phương thức biểu hiện hiện thực trong văn học phương Tây" là cách để E.Auerbach cắt nghĩa lại một thuật ngữ của nhà triết học cổ đại Platon. "Nguồn gốc cuộc tranh luận ở cuốn X của tác phẩm Cộng hòa - khi Platon đặt mimésis ở hàng thứ ba sau sự chân thực (vérité) - cùng với điều khẳng định của Dante trong cuốn Thần khúc khi nêu lên hiện thực chân thực, trở thành  điểm xuất phát cho tôi"[5]. Chuyên luận của ông gồm 20 chương tái hiện lại những chặng lớn của việc biểu hiện hiện thực trong văn học phương Tây và soi sáng mối quan hệ tương hỗ tồn tại giữa các điều kiện xã hội, văn hóa, tư tưởng tạo nên các tác phẩm và cách thức xử lý của hiện thực trong từng tác phẩm. Nhưng cuốn sách không nhằm viết lại hoàn chỉnh lịch sử văn học phương Tây vì phạm vi quá rộng. Ông lựa chọn khái niệm phong cách (style) làm điểm xuất phát cho mình chứ không phải những khái niệm khác vốn chỉ thu hẹp cho kiểu văn bản hư cấu thuần túy. Bởi vì nhiều văn bản được nghiên cứu (Kinh Thánh, Tacite, Pétrone, Voltaire, Saint-Simon...) đều thuộc về thời kỳ văn sử triết bất phân. Hơn nữa, thời Cổ đại và Trung đại La Mã có truyền thống sử dụng các biện pháp tu từ cũng như những quy tắc chặt chẽ phân loại văn bản theo phong cách: cao cả và thấp kém, bác học và bình dân, bi kịch và hài kịch, nghiêm trang và cười cợt... Chọn điểm xuất phát như thế, E.Auerbach đã mở rộng diện quan sát của mình cả theo chiều dọc lịch sử lẫn chiều rộng của thời đại văn bản được khảo sát. Chiều dọc lịch đại đi suốt gần hai mươi thế kỷ vận động của văn xuôi phương Tây, còn chiều rộng đương đại luôn có xu hướng so sánh những văn bản đương thời (không phân biệt thể loại) để tìm ra những điểm chung như một nét khắc lịch sử. Chẳng hạn, khi phân tích một đoạn văn của Voltaire, ông lập tức đưa ra một loạt so sánh với các văn bản của Những cuộc phiêu lưu của hiệp sĩ Des Grieux và nàng Manon Lescacaut của tu sĩ Prévost, Hồi ký của công tước Louis de Saint-Simon... để chứng minh tính chất hùng biện nhưng phi hiện thực của văn bản Voltaire và xu hướng mở rộng ra hiện thực của các văn bản kia.
Đó cũng lại là một thuận lợi mà cũng là một thách thức đối với ông. Đi theo giả thuyết về sự chi phối bền vững của quán tính truyền thống văn hóa đối với sự phát triển hiện tại của các hiện tượng văn học, E.Auerbach có dịp phô bày vốn ngữ văn và văn hóa roman sâu rộng của mình. Ông cho biết, "phương pháp ở đây là tôi để cho mình được một số ít các chủ đề dẫn dắt, chúng dần dần hiện ra trong tâm trí tôi và về phần mình là không hề có chủ ý, và là để đối chiếu chúng với một loạt các văn bản gần gũi với tôi và thường hiện diện trong các bài giảng ngữ văn của tôi, phương pháp này đối với tôi tỏ ra rất hữu hiệu; vì tôi tin rằng, nếu tôi đã biết rõ chúng, các chủ đề cơ bản ấy của lịch sử chủ nghĩa hiện thực văn học nhất thiết phải tái xuất hiện trong bất kỳ văn bản hiện thực chủ nghĩa nào". Cách làm như thế mang lại cho ta cái nhìn lịch sử văn học không phải là sự kế tiếp của những quãng đứt, những đột biến. Tất cả đều nằm trong một tiến trình vận động thống nhất chịu sự chi phối tất yếu của những sự lựa chọn văn bản hóa ngay từ thuở ban đầu hình thành.
Theo ông, "nhà viết sử, người cố gắng xác định vị trí của một tác phẩm trong một tiến trình lịch sử, phải cố gắng chừng nào có thể đạt tới được một cách hiểu chính xác về điều mà tác phẩm ấy thông báo với tác giả và độc giả đương thời". Như vậy qua thao tác phân tích ngữ văn, ông đòi hỏi người viết sử phải phân tích được chủ ý mà tác giả gửi gắm vào văn bản với tư cách là những "nghịch lý" trong tác phẩm văn học đối với người đọc hiện đại, nhưng là hợp lý với người đương thời; cũng như là vị trí thực có của nó trong tiến trình vận động. Với cách hiểu ấy, ông cắt nghĩa sự tồn tại những trường đoạn trữ tình ngoại đề tưởng như rất vô lý trong sử thi Odyssée như là một sự đồng nhất quá khứ hiện tại trong tư duy người Hy Lạp cổ đại; ông khám phá được những tỷ lệ bất thường trong tiểu thuyết của Rabelais[6] bởi vì "trí tuệ dân gian trong tác phẩm của Rabelais khác biệt hẳn với trí tuệ trong các tác phẩm khác thời trung đại [...]. Tương tự như thế, các yếu tố hiện thực và tục tĩu mãnh liệt quấy nhiễu người đọc như một cơn xoáy lốc bằng một nhịp độ mãnh liệt của lối kể và của tốc độ không ngừng nghỉ; cơn bão tố của tiếng vui cười do những đoạn như thế gây nên sự chao đảo của mọi tư tưởng có trật tự đang còn hiệu lực đương thời". Đọc tiểu thuyết của Cervantes, ông cho rằng Cervantes không đặt ra câu hỏi: "Nhưng thế giới đó có thật sự là trật tự hay không?". Mà vấn đề là "trong ánh sáng của sự điên rồ kiểu Don Quijote, vì được đối chiếu với sự điên rồ này nên thế giới ấy tỏ ra rất trật tự và dù ngay cả là trò chơi thì cũng không thiếu đi sự vui vẻ. Có thể là thế giới ấy có kẻ bất hạnh, sự bất công và sự hỗn loạn. Chúng ta gặp ở đây những cô gái mua vui, những tên tù khổ sai đi đày, những cô gái trẻ bị làm nhục, những tên cướp bị treo cổ - có thể dễ dàng nối dài thêm danh sách này. Nhưng tất cả những điều ấy không làm chúng ta bối rối. Sự can thiệp của Don Quijote, người chẳng cải thiện được điều gì và cũng chẳng cứu được ai, đã biến hạnh phúc và bất hạnh thành một trò chơi"... Đấy là một số trong vô vàn ví dụ có thể được nhặt ra một cách ngẫu nhiên từ tiểu luận của E.Auerbach. Nếu như coi nhà viết văn học sử như là người "trong khi nghiên cứu đối tượng của mình anh ta nhận ra cái tư tưởng cơ bản xuyên suốt các trường hợp mà anh ta nghiên cứu, nó biểu hiện trong các trường hợp đó và đưa chúng vào mối liên hệ với những sự kiện của thế giới"[7], thì chuyên luận mang tính so sánh này của Auerbach quả là một bức tranh tổng quát về lịch sử văn học phương Tây.
Chương đầu tiên Vết sẹo Ulysse so sánh hai văn bản tự sự cổ đại là OdysséeKinh Thánh. Theo ông, đây là điểm xuất phát của tự sự phương Tây. "Cả hai phong cách, bởi sự tương phản của chúng, đã tạo nên những kiểu mẫu cơ bản: một cái miêu tả các sự kiện bằng cách thể hiện chúng ra ngoài, cùng soi sáng chúng, liên kết chúng lại mà không có sự đứt quãng; đó là một cách diễn đạt tự do và đầy đủ, không mơ hồ, nó đặt tất cả mọi hiện tượng ở tiền cảnh, và để lại rất ít chỗ cho sự phát triển lịch sử và con người; - còn cái kia nhấn mạnh một vài yếu tố và để một số yếu tố khác nằm trong bóng tối; đó là một phong cách trúc trắc, gợi ra điều không được diễn đạt, cái hậu cảnh, sự phức tạp, nó đòi hỏi việc cắt nghĩa, tham vọng thể hiện lịch sử phổ quát, nó nhấn mạnh tới sự tiến triển lịch sử và khơi sâu cái huyền bí. Chắc chắn là chủ nghĩa hiện thực kiểu Homère sẽ không thể trộn lẫn với chủ nghĩa hiện thực cổ đại-cổ điển nói chung; bởi vì sự phân biệt các phong cách, điều chỉ diễn ra sau này, không cho phép cái cao cả thống nhất với một lối miêu tả vô cùng chậm rãi của cuộc sống hàng ngày nữa; mặt khác cuộc sống hàng ngày cũng không thể tìm thấy vị trí trong bi kịch". Như vậy, "chính câu chuyện về đức Ki tô, có sự trộn lẫn căn bản giữa hiện thực hàng ngày với bi kịch cao cả, đã công kích kịch liệt quy tắc cổ điển về các phong cách"[8]. Đây là lần vi phạm đầu tiên của thể loại hư cấu đối với quy tắc phân biệt phong cách, và bản thân việc đó đã hàm chứa yếu tố hiện thực chủ nghĩa sẽ tiếp tục được phát triển sau này.
Trong suốt thời Trung đại cũng như thời Phục Hưng theo ông đã tồn tại một thứ "chủ nghĩa hiện thực" nghiêm ngặt biểu hiện qua tất cả các loại hình nghệ thuật những tình huống thường ngày nhất của hiện thực trong khung cảnh nghiêm ngặt và nhiều ý nghĩa. Chương Fortunata phân tích một đoạn trong tác phẩm Satiricon của Pétrone (?-65), được ông coi như tiểu thuyết đầu tiên viết theo kiểu picaresque, qua trích đoạn nổi tiếng nhất còn lại đến ngày nay bằng tiếng latin thông tục là Bữa tiệc Trimalchion. Song song đó, ông phân tích thêm một đoạn thuộc quyển I chương XVI trong cuốn Biên niên sử của Tacite (55-120). Kết thúc chương, ông viết: "Thế là cái mà người nghe và người đọc, hay thậm chí là trong nghệ thuật tạo hình là người xem, cảm nhận được chính là một ấn tượng có nội dung trực quan rất ít ỏi, mọi mối quan tâm đều được hướng về hệ thống các ý nghĩa"[9]. Hệ thống các ý nghĩa ở đây đều là những biểu tượng mang tính chất tôn giáo. Tiếp đó, khi phân tích một đoạn trong cuốn sách của một sĩ quan cao cấp đồng thời là một nhà sử học thế kỷ IV Ammien Marcellin, ông nhìn nhận rằng "yếu tố hiện thực với những màu sắc bạo liệt, như chúng ta thấy, đã thâm nhập vào phong cách bác học của Amien và phá hủy dần dần sự phân biệt cổ điển giữa các phong cách, nó cũng thâm nhập vào trong các trang viết của các tác giả Cơ đốc giáo"[10]. Viết về một truyện kể trong cuốn Lịch sử người Franc của Grégoire de Tours - một linh mục, ông nói đến sự khác biệt về cơ bản giữa nhà văn-nhà viết sử và nhà truyền giáo này với những người thời kỳ trước như Ammien hay thánh August. Đó không chỉ là sự suy đồi của văn hóa hay văn chương dưới con mắt những người chính thống, mà còn là một sự thức tỉnh của sự nhạy cảm trước hiện thực cuộc sống lầm than và cũng rất bạo liệt của người dân bình thường. Đề cập đến một tác phẩm tiêu biểu của văn học Pháp cuối thời Trung Cổ qua năm khổ thơ thuộc bản trường ca Roland kể về việc Ganelon thực hiện kế hoạch đã được thỏa thuận với Marsile để bán đứng toàn bộ hậu đội quân Pháp có Roland trên đường trở về Pháp qua dãy Pyrénées, ông chỉ ra sự chia tách các phong cách trong thể loại này là tất yếu. Bởi vì giai cấp quý tộc có mặt chủ yếu trong tác phẩm, thậm chí kể cả các cơ sở kinh tế hạ tầng cũng không được nêu ra trong tác phẩm. Thế nhưng không vì thế mà tác phẩm chỉ được dành cho giai tầng lớp trên. Phong cách anh hùng ca này có ảnh hưởng mạnh tới đông đảo các tầng lớp dân chúng tới mức nó tiếp tục tồn tại đến tận thế kỷ XIII với ấn tượng sâu sắc đối với họ rằng "anh hùng ca chính là lịch sử, ít nhất là theo cái cách bản hùng ca kể lại các sự kiện lịch sử đã thực sự diễn ra - bất kể rằng nó đã đơn giản hóa hay xuyên tạc chúng - và theo cách các nhân vật trình diễn để hoàn thành một chức năng lịch sử-chính trị"[11]. Những yếu tố lịch sử chính trị này sẽ bị tiểu thuyết phong tình sau này rời bỏ để đi đến một mối quan hệ khác với thế giới khách quan của thực tế. Trong khi phân tích đoạn thơ trích ra từ tiểu thuyết của Chrétien de Troyes, ông chỉ ra một chuyển biến căn bản của phong cách văn bản. Tiến trình kể chuyện trở nên thống nhất chứ không đứt mạch như trước. "Sức tỏa mạnh mẽ và lâu dài của tiểu thuyết phong tình đã tác động lên chủ nghĩa hiện thực văn chương, một ảnh hưởng vốn hạn chế, trước ngay cả khi lý thuyết cổ đại về các mức độ phong cách khác nhau tác động theo cùng chiều hướng hạn chế; cuối cùng thì cả hai ảnh hưởng hợp nhất thành khái niệm về phong cách cao cả được tỏa ra dần dần trong thời Phục Hưng"[12].
Nhưng chính các nhà văn thế kỷ XVI và XVII với quan niệm bắt chước nguyên vẹn văn học cổ đại đã dựng lên sự phân biệt phong cách bác học với phong cách bình dân. Ông nhận ra rằng, "quy tắc phong cách được ca tụng trong nghệ thuật cổ điển, quy tắc loại trừ mọi yếu tố hiện thực chủ nghĩa cụ thể khỏi những tác phẩm bi kịch và nghiêm túc, đã trở nên mềm dẻo trong dòng chảy của thế kỷ XVIII". Cho đến thế kỷ XIX khi Balzac và Stendhal chọn ngẫu nhiên một số cá nhân trong đời sống hàng ngày cho lối biểu hiện nghiêm túc, và thậm chí là bi kịch, thì tức là họ đã đoạn tuyệt với quy tắc cổ điển của việc phân biệt các mức độ phong cách, vốn chỉ chấp nhận cái hiện thực hàng ngày trong khuôn khổ những thứ giải trí thuần túy, hài hước kiểu thô kệch mà thôi. Họ đã hoàn thành một tiến trình như vậy vốn đã được chuẩn bị từ rất lâu (từ tiểu thuyết phong tục và hài kịch đẫm nước mắt của thế kỷ XVIII, hoặc đúng hơn là từ phong trào Xung kích và Bão táp và tiền lãng mạn), và mở đường cho chủ nghĩa hiện thực hiện đại phát triển sau đó thành những hình thức đa dạng hơn, tương ứng hơn với hiện thực thường xuyên thay đổi và đang rộng mở của đời sống hiện đại thế kỷ XX. Những mảnh vỡ hiện thực hàng ngày, những độc thoại nội tâm cũng thuộc về cái hàng ngày ùa vào trong sáng tác của tên tuổi những nhà văn như Gide, Woolf, Proust... Ông sẽ không thể hình dung được một cách cụ thể những biến đổi mạnh mẽ hơn nữa trong những sáng tác của Simon, Beauvoir, Robbe-Grillet... sau này. Nhưng tất cả những cái ấy có thể nói vẫn nằm trong mạch vận động của sự xâm nhập cái thường ngày vào cái cao cả, cái cười cợt vào cái nghiêm túc trang trọng... Nhưng tất nhiên sắc thái sẽ đa dạng hơn rất nhiều: mỉa mai, hào hùng, cay đắng... Vậy là giả thuyết khoa học của ông đã chứng tỏ giá trị qua việc tiên báo được những hiện tượng sẽ diễn ra trong khuôn khổ cho phép, giống như những định luật của Newton đã tiên báo được vận động của các thiên thể trong phạm vi của cơ học cổ điển vậy.
Khái niệm được E.Auerbach sử dụng phổ biến trong cuốn sách là "chủ nghĩa hiện thực" cũng như chữ "hiện thực" trong phần phụ đề đòi hỏi những cách hiểu linh động, mềm dẻo. Thực tế trong toàn bộ bản dịch từ tiếng Đức của Cornelius Heim (NXB Gallimard-1996) mà chúng tôi sử dụng, người dịch tiếng Pháp đều sử dụng chữ réalisme dịch từ réalizme trong tiếng Đức. Đây là một khái niệm khá phức tạp về nguồn gốc cũng như cách sử dụng. Hẳn là khi dùng chữ chủ nghĩa hiện thực (réalisme), E.Auerbach có ý ngầm xác nhận độ chín muồi mà tiểu thuyết thế kỷ XIX đã đạt đến với tư cách hiện tượng mẫu mực của quá trình phản ánh hiện thực bên ngoài. Đấy là cuộc cách mạng lần thứ hai phá bỏ những quy tắc về phong cách. Bản thân R.Jakobson trong một bài báo năm 1921 (Về chủ nghĩa hiện thực nghệ thuật) đã chứng minh rằng đây là một khái niệm mơ hồ có rất nhiều cách hiểu khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học[13]. Với Jakobson thì chủ nghĩa hiện thực được hiểu như là thủ pháp hoán dụ trong hệ thống tu từ, đối lập với chủ nghĩa lãng mạn được hiểu tương đồng với thủ pháp ẩn dụ. Với E.Auerbach, chữ chủ nghĩa hiện thực có lẽ được dùng trong mối quan hệ với tiêu đề Mimésis chỉ sự "mô phỏng" theo quan niệm triết học của Platon. Tất cả mọi thứ ta nhìn thấy, nghe thấy, và nhớ lại đều thuộc về hình bóng của thế giới thần linh. Sáng tác nghệ thuật cũng chỉ là quá trình mô phỏng lại thế giới ấy. Tất nhiên là có sự khác nhau giữa chủ nghĩa hiện thực thời Trung đại với thời Hiện đại, dù đều có điểm chung căn bản là hướng về cái hàng ngày. Để nêu bật đặc điểm của quan niệm cổ kiểu Cơ đốc giáo, ông lựa chọn cách dùng từ figura/hình tượng (liên quan tới ưu thế của tính chất hiện thực vào cuối thời cổ đại và trong suốt thời trung đại có in dấu ấn Cơ đốc giáo). "Theo đó thì một sự kiện xảy ra nơi hạ giới không bao giờ chỉ là nó mà còn là (và không hề phương hại tới sự tồn tại cụ thể của nó ngay lập tức và ở đây) một cái khác được sự kiện ấy thể hiện hoặc được sự kiện ấy lặp lại bằng cách khẳng định điều ấy; mối quan hệ giữa các sự kiện không được xem xét chủ yếu như sự phát triển theo thời gian hay theo nhân quả mà là để tạo thành một thể thống nhất nơi thế giới thần linh, toàn bộ các sự kiện của thế giới ấy tạo nên những phần và những ánh xạ; mối quan hệ với hiện thực trần thế trực tiếp của chúng không quan trọng lắm và tri thức về mối quan hệ ấy đôi khi hoàn toàn là thừa cho việc cắt nghĩa"[14]. E.Auerbach nói như vậy là nhằm lưu ý đến cách thức phân tích văn bản được ông sử dụng ở từng văn bản tùy thuộc vào tính chất hiện thực, nhưng rất nhất quán. Khi phân tích chủ nghĩa hiện thực với tư cách một trào lưu thế kỷ XIX, ông viết bằng một phương pháp rất gần với quan niệm phản ánh luận của triết học duy vật lịch sử của Marx:
"... sự hài hòa tồn tại một phần giữa con người bà ta và căn phòng bà đang đứng, mặt khác là giữa quán trọ mà bà điều khiển và cuộc sống của bà; tóm lại, có sự hài hòa giữa giữa con người bà và cái mà chúng ta (đôi khi chính cả Balzac cũng thế) gọi là môi trường của bà. Sự hài hòa ấy được gợi ra từ cách thức ấn tượng nhất: trước tiên là bởi sự hao mòn, sự nhẽo nhợt, sự bẩn thỉu nóng nực chướng mắt nhục thể của cơ thể và những bộ quần áo của bà ta, tất cả chúng tương ứng với không khí thối của căn phòng mà bà ta hít thở không hề ghê tởm. Xa hơn một chút tương ứng với những đặc điểm khác biệt này là khuôn mặt và vẻ mặt của bà ta; chủ đề thế là được nắm bắt dưới một góc độ tinh thần hơn và làm nổi bật một cách triệt để các mối quan hệ tương hỗ thống nhất con người với môi trường của anh ta: con người bà ta giải thích quán trọ, giống như là quán trọ liên quan tới con người bà ta".
Chính vì thế, khái niệm réalisme có lẽ nên hiểu như là "mang tính hiện thực", chứ không chỉ là chủ nghĩa hiện thực. Ngay từ đầu của tiểu luận ông đã tránh đi vào các định nghĩa phức tạp có thể khiến độc giả mệt mỏi. Như chính ông viết trong phần lời bạt cuốn sách: "Các ý tưởng chủ yếu đã ấn định chủ đề cho tôi một cách chính xác; nó không còn là chủ nghĩa hiện thực nói chung nữa mà là mức độ và bản chất của sự nghiêm túc, là những vấn đề được đặt ra và là bi kịch, chúng được diễn đạt bằng cách xử lý đối tượng có tính chất hiện thực chủ nghĩa".
Coi văn bản được nghiên cứu như là những gì đã hoàn thành, đã trở thành kinh điển, E.Auerbach tiến hành cô lập chúng khỏi tiến trình tiếp nhận như ông viết ở cuối chương I: "Trong khi coi phong cách của Homère và phong cách của Cựu Ước là điểm xuất phát, chúng ta đã xem xét chúng dưới hình thức đã hoàn thành, như chúng hiện ra với chúng ta trong các văn bản; chúng ta đã trừu tượng hoá những gì liên quan tới nguồn gốc của chúng và do vậy để lại một bên vấn đề liệu có phải các nét đặc biệt mà chúng ta vừa lẩy ra đó có thuộc về nguồn gốc hay thuộc về những ảnh hưởng ngoại lai, toàn bộ hay một phần". Điều này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải rất am tường các thao tác phân tích ngữ văn cơ bản, nếu không muốn rơi vào suy diễn. Chẳng hạn, ông phân tích một đoạn thơ của sử thi Hy lạp như sau:
"Gắn  với từ “vết sẹo” trước tiên là một mệnh đề quan hệ (mà xưa kia một con lợn lòi...), rồi trải ra cho tới khi phát triển thành một phần chú thích đủ rộng có đủ chức năng cú pháp; trong phần chú thích này bất ngờ trượt ra một mệnh đề chính (một vị thần đã đưa cho ông...), và tách khỏi phần phụ thuộc về mặt cú pháp một cách tự nhiên, cho tới khi mà ở câu thơ thứ 399 bắt đầu một cách xử lý hoàn toàn thoải mái những nội dung mới, một hiện tại mới, nó một mình ngự trị cho tới câu 467 (ông già bấy giờ chạm vào bà....), ở đó lại bắt đầu một dòng chảy đã bị ngắt quãng của trần thuật. Có lẽ trong một đoạn trữ tình ngoại đề dài tới mức đó, không thể duy trì mối quan hệ cú pháp với chủ đề chính; ngược lại, càng dễ chèn thêm chủ đề phụ vào hành động chính nhờ vào một sự xếp đặt nhằm tạo nên phối cảnh của các nội dung. Quả thật chỉ cần giới thiệu toàn bộ câu chuyện về vết sẹo như một kỷ niệm nổi lên đúng ngay lúc đó trong ý thức của Ulysse; không còn gì dễ hơn, chỉ cần lồng sớm hơn hai câu thơ vào câu chuyện vết sẹo, ở ngay lúc nêu lên đầu tiên của từ “vết sẹo” khi những chủ đề “Ulysse” và “kỷ niệm” đã chuẩn bị cho người kể chuyện".
Đặt văn bản nghiên cứu của E.Auerbach trong hoàn cảnh những luận điểm về quan hệ của R.Jakobson giữa văn học dân gian và văn học thành văn, về vấn đề dị bản trong nghiên cứu văn học dân gian của Propp thì ta mới thấy hết được sự thận trọng và khéo léo của ông khi mạo hiểm sử dụng những thao tác ngữ văn như thế. Đây là những văn bản cổ đại đều có xuất xứ từ văn hóa dân gian với nhiều nguồn tư liệu khác nhau vô cùng phức tạp được chồng ghép lên nhau tạo ra vô vàn dị bản. Chẳng hạn, ít nhất Kinh Thánh có tới hai nguồn khác nhau kể về quá trình Sáng thế. Vì thế người nghiên cứu phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau. Dù thế, Auerbach vẫn tiến hành xử lý phân tích trên văn bản cụ thể nhưng theo cách khá đặc biệt, đó là căn cứ vào cấu trúc nghĩa của phát ngôn so với văn cảnh chứ không lệ thuộc vào văn bản một cách cứng nhắc.
Phương pháp được ông sử dụng là trích ra ngẫu nhiên một số lượng nhất định các văn bản của từng thời kỳ để đối chiếu những ý định của ông. Phương pháp ấy dẫn dắt người đọc tới trực tiếp trung tâm đề tài trước khi gặp bất kỳ lý thuyết nào. Phương pháp phân tích các văn bản như thế để lại một khoảng rộng nhất định cho việc cắt nghĩa: tự do chọn lựa và nhấn mạnh lên điều làm người viết quan tâm. Tuy thế cái mà ông khẳng định cần phải nằm trong văn bản chứ không phải là cái gì suy diễn bên ngoài. "Cách cắt nghĩa của tôi chắc chắn được định hướng bằng một ý định nào đó; nhưng ý định này chỉ hiện ra dần dần trong bản thân trò chơi của chính việc chú giải. Phần lớn các văn bản được tôi lựa chọn một cách ngẫu nhiên, ở mức độ của một sự gặp gỡ tình cờ hay một sự yêu thích mang tính cá nhân hơn là theo một chủ ý nào đó. Trong các nghiên cứu theo cách này, người ta không quan tâm tới các quy luật mà là tới những xu hướng và những trào lưu gặp gỡ nhau và được hoàn thiện theo vô vàn cách khác nhau. Tôi không hề nghĩ tới bất cứ cái gì khi chỉ giới thiệu cái giúp ích tốt nhất cho ý định của tôi; ngược lại, tôi bắt buộc nhường chỗ sự đa dạng và buộc phải mang sự nhạy cảm đến cho những công thức của mình". Cảm tính và "sự chủ quan" của E.Auerbach đã giúp ông có những lựa chọn trích dẫn phân tích đích đáng một cách thú vị. Với tác phẩm Odyssée là đoạn Ulysse trở về, nhưng cũng là lúc người anh hùng đứng trước cái ngưỡng của khó khăn nhất trong hành trình hồi hương mình; với tác phẩm Don Quijote là đoạn trích kể lại lần đầu tiên chàng kỵ sĩ vốn nhìn gà hóa cuốc đã nhìn hiện thực như là hiện thực chứ không phải theo sự dụ dỗ của người giám mã - vốn luôn rất thực tế nhưng lần này lại diễn đạt theo lối kiểu cách học đòi; với tác phẩm Bà Bovary là đoạn trích về đỉnh điểm tâm trạng chán ngán của nữ nhân vật...
Như vậy cách làm của E.Auerbach rõ ràng không chỉ đi theo sự kiện, mà còn đi vào những chi tiết nhỏ bé tinh tế hơn cả sự kiện. Một cách làm giống như của các nhà văn thế kỷ XX đã thực hiện khi bắt tay soạn thảo tác phẩm: "ngược lại người ta tin rằng bất cứ mảnh nào của cuộc đời, được chọn một cách ngẫu nhiên, bất cứ thời điểm nào đều chứa đựng toàn bộ số phận và rằng người ta có thể dùng chúng để biểu hiện số phận". Ông ý thức rất rõ về những khoảng cách, những lổ hổng lịch sử mà mình buộc phải bỏ lại như thế khi chạy theo điểm để nội suy diện. "Mỗi một chương trong cuốn sách của tôi xử lý một thời kỳ, một thời kỳ có thể tương đối ngắn, nửa thế kỷ, cũng có khi là một khoảng thời gian đáng kể. Trong khoảng cách ấy có những lỗ hổng, nghĩa là có những thời kỳ không được đề cập tới, chẳng hạn thời cổ đại chỉ được tôi dùng để dẫn nhập, hay thời thượng kỳ Trung đại còn lại quá ít đối với chúng ta. Tôi cũng có thể thêm một số chương khác về văn học Anh, Đức hay Tây Ban Nha; tôi đáng lẽ cũng thích nói kỹ hơn cái siglo de oro, và dành hẳn một chương đặc biệt cho chủ nghĩa hiện thực Đức thế kỷ XVII. Nhưng khó khăn lại quá lớn; ngoài ra tôi gặp khó khăn với những văn bản bao trùm cả ba thiên niên kỷ, điều ấy có thể buộc tôi phải rời bỏ lĩnh vực quen thuộc của mình là ngữ văn roman".
Ông ý thức rất rõ những giới hạn của phương pháp làm việc ấy khi tin rằng sự chọn lựa ngẫu nhiên mang tính chủ quan của mình một yếu tố ấy trong tổng thể có thể giúp ta hiểu cái tổng thể nếu có được một thao tác chính xác. Nhưng theo ông, đấy cũng là điều tất yếu của một nghiên cứu và đòi hỏi sự cố gắng nối tiếp của các thế hệ các nhà nghiên cứu ngữ văn sau đó. Sự tinh tế trong ngòi bút phân tích của ông chỉ có thể cảm nhận được khi người ta đọc trực tiếp toàn bộ văn bản. Nó như một công trình nghệ thuật mà người ta không thể tóm gọn trong vài chữ. Có thể kết luận bằng một câu nói hóm hỉnh của ông về những nguyên nhân khách quan tạo ra hạn chế cho cuốn sách của ông: "Thêm vào đó, cuốn sách lại được viết trong thời kỳ chiến tranh, khi tôi ở Istanbul. Người ta không thể tìm được trong thành phố này thư viện những cuốn sách nghiên cứu của châu Âu; giao lưu quốc tế lại hạn chế, khiến cho tôi không hề có các tạp chí và những nghiên cứu mới nhất, và thậm chí đôi khi cả ấn phẩm phê bình đáng tin cậy về các nghiên cứu của tôi. Có thể, thậm chí là nhiều điểm mà tôi nói đến thì tôi lại không biết, và có thể xảy đến với tôi cơ hội khẳng định cái gì đó mà nghiên cứu của những năm trong những năm gần đây đã bác bỏ hay thay đổi. Vả lại có thể là cuốn sách tồn tại được lại vì thiếu một thư viện lớn đặc biệt; nếu tôi đã có thể được thông báo về những gì được xuất bản về những chủ đề này, biết đâu tôi lại lại không bao giờ bắt đầu viết được".




Không phải là một cuốn sách liệt kê các hiện tượng văn học trong quá khứ, Mimésis còn mang lại những gợi ý quan trọng cho thao tác viết lịch sử văn học. Dừng lại ở thời điểm những sáng tác đầu thế kỷ, nhưng  tính chất tổng thể cùng những thao tác khoa học nghiêm túc của cuốn sách đã đoán trước những hình thức biến đổi của tiểu thuyết thế kỷ XX. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các giáo trình văn học so sánh đều xếp cuốn Mimésis của ông vào số những tài liệu căn bản cần đọc.
Lựa chọn chữ phong cách chứ không phải chủ nghĩa, cách làm của E.Auerbach còn mang lại những thông tin đáng lưu ý. Ông dành cho thời cận hiện đại - có sự tồn tại những trường phái, trào lưu - 5 chương trong tổng số 20 chương, nhưng không nêu bật quá trình vận động ấy như một sự kế tiếp các trào lưu. Ông chỉ xem xét sự biến đổi của những yếu tố hiện thực qua từng giai đoạn.
TCVH 8.2005


[1] Chủng tộc và lịch sử - Claude Lévi  Strauss, Huyền Giang dịch, Hội KHLS-1996, tr.14
[2] Sinh ở Berlin, Erich Auerbach nhận chức danh giáo sư ngữ văn tiếng Roman (có nguồn gốc Latin) ở Marbourg kế tiếp nhà ngôn ngữ học Léo Spitzer, sau đó buộc phải rời Đức tránh nạn phát xít. Nhập cư vào Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng mươi năm, sau đó ông định cư ở Hoa Kỳ, làm việc tại trường Đại học Yale với chức danh giáo sư. Là chuyên gia văn học tiếng Roman, ông đã viết một loạt tiểu luận nghiên cứu văn học như Mimésis (1946), Các nghiên cứu về Dante (1929-1954), Ngôn ngữ văn chương và công chúng thời hậu kỳ Cổ đại và Trung đại (1957).
[3] Xem thêm Jean Yves Tadié Phê bình văn học thế kỷ XX. Nhóm các nhà ngữ văn này đặt cho mình nhiệm vụ khảo sát văn bản, nghiên cứu văn tự cũng như mối quan hệ của nó với toàn bộ nền văn hóa. Chính họ là những người trên cơ sở khảo sát một cách hệ thống mối quan hệ giữa văn tự và văn bản đã tạo tiền đề các xu hướng nghiên cứu sau này như văn học so sánh, nghiên cứu liên văn bản...  Họ xem xét văn hóa châu Âu như một tổng thể chung có tiến trình phát triển thống nhất, không đứt quãng, cô lập.
[4] Xem thêm Y.Chevrel Văn học so sánh (Que sais-je?), P.1997
[5] E.Auerbach, sđd, tr. 549
[6] Điều thú vị là công trình của ông và M.Bakhtine hầu như độc lập với nhau nhưng lại ra đời gần như cùng thời điểm; họ có hai quan niệm tiếp cận khác nhau nhưng lại đi đến những kết luận tương đồng về quan hệ nghịch dị trong văn hóa Trung Cổ.
[7] G.G.Gervinus, dẫn theo Trường Đăng Dung trong bản dịch Lịch sử văn học như là sự khiêu khích (H.R.Jauss). Xem thêm Tác phẩm văn học như là quá trình NXB KHXH-2004
[8] E.Auerbach, tr.550
[9] E.Auerbach, sđd, tr.60
[10] E.Auerbach, sđd,tr. 74
[11] E.Auerbach, sđd, tr.132
[12] E.Auerbach, sđd, tr. 148
[13] Đấy là chưa kể khái niệm này trong triết học được hiểu là chủ nghĩa duy thực đối lập với chủ nghĩa duy danh (nominaliste). Hoặc để đối lập với idéalisme (chủ nghĩa duy tâm) của Platon, người ta còn dùng chữ réalisme để chỉ chủ nghĩa duy vật.
[14] E.Auerbach, tr.551 

Nhịp điệu phi lý và những khoảng lặng trong đối thoại của “Bà Bovary”

Tóm tắt
Đối thoại ở tác phẩm Bà Bovary (1856) của Flaubert (1821-1880) có vai trò quan trọng trong cấu trúc tác phẩm. Chính sự phân biệt các thời động từ (temps) trong quá trình xây dựng truyện kể ở tiểu thuyết phương Tây đã biến việc sử dụng thành phần đối thoại với tư cách một chi tiết thuộc thuộc về thế giới hiện thực trở thành một thủ pháp ghép dán dưới góc nhìn của tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Đối thoại của Flaubert còn hiện đại hơn, mang tính ghép dán hơn vì ông đã từ chối nguyên tắc nhân quả trong xây dựng đối thoại để tạo nên nhịp điệu phi lý trong truyện kể, điều  mà người ta chỉ có thể tìm thấy trong tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XX. Có thể lý giải kỹ thuật đó từ sự phân tán điểm nhìn- một điều chưa hề có trong tiểu thuyết cổ điển thế kỷ XIX. Hơn nữa cách viết này còn phá hủy kịch tính câu chuyện ngay tại tình huống có khả năng trở thành đỉnh điểm, và tạo nên những khoảng lặng trong nhịp điệu tác phẩm. Đây là một trong những chi tiết giúp cho Flaubert luôn luôn hiện đại trong con mắt các nhà tiểu thuyết thế kỷ XX.

Summary
The dialogue in Madam Bovary of Flaubert is important for structure of this novel. Distinction of tense in occidental fiction make dialogue a detail realisticand a method of  montage, wich is modern in XXe. But the dialogue in Flauberts novel is more modern in the way of doing montage when he refuse law of causality to make an absurd rythm, only in modern occidental novel. It is easy to clarify this technique by point of view dispersed”, this is not yet in XIXe. This technique has demolised the theatricality in sensitive situation, and maked silencesin this novel rythm. It is a modern detail of Flaubert in writers eyes of XXe.

R.Barthes trong Độ không của lối viết (Le degré zéro de l'écriture) viết rằng chính G.Flaubert (1821-1880) là người mở đầu cho tiểu thuyết hiện đại phương Tây: “Lối viết cổ điển đã vỡ tung ra như thế đấy, và toàn bộ văn học từ Flaubert cho đến ngày nay đã trở thành một cuộc đặt vấn đề về mặt hành ngôn”[1]. Chính nghệ thuật tổ chức quan hệ thời gian đối thoại với thời gian văn bản của tác phẩm Bà Bovary (1856) của G.Flaubert đã góp phần quan trọng trong thành công này.
Trong tiểu thuyết, truyện kể của văn học phương Tây, có ba yếu tố truyền thống thường tham gia vào kết cấu bề mặt văn bản tác phẩm là kể chuyện, ngoại đềmiêu tả. Có ba thời động từ cơ bản được sử dụng thường xuyên, xen kẽ, và mang tính quy ước: thời quá khứ đơn (passé simple), thời quá khứ chưa hoàn thành (imparfait) và thời hiện tại (présent). Trong trần thuật, nhà văn dùng thời quá khứ đơn (passé simple), khi miêu tả là quá khứ chưa hoàn thành (imparfait), và các đoạn đối thoại bắt buộc phải được để ở thời hiện tại (présent) coi như nổi hẳn trên bề mặt văn bản. Hơn nữa, khi định nghĩa giản lược về truyện kể (récit) như là “sự thể hiện của một sự kiện hay của một loạt các sự kiện, hư cấu hay có thực, bằng phương tiện ngôn từ và đặc biệt hơn là bằng ngôn ngữ viết[2], G.Genette đã chú ý tới một nét đặc thù của văn bản tiểu thuyết: ngôn ngữ viết. Vì thế ở đây, chúng tôi chú ý tới đối thoại như một thành phần hữu cơ trong văn bản viết, để khảo sát sự đổi mới trong nghệ thuật kể của Flaubert.
Đối thoại trong Bà Bovary (1856) có vai trò như một yếu tố cấu trúc nghệ thuật thể hiện nội dung, và nhìn từ góc độ nhịp điệu của cấu trúc toàn tác phẩm có thể nói tới vai trò của những nhịp mạnh. Các tác giả của Dictionnaire des Littératures[3] cũng nhận xét: “Đối thoại (trong tác phẩm của Flaubert - PNK) được xử lý sao cho làm nổi bật một vài thời điểm quan trọng bằng việc sử dụng lời trực tiếp”. Theo Flaubert, đối thoại phải được “để dành cho những cảnh chính”[4], còn trong những trường hợp khác thì cần phải sử dụng lời gián tiếp. Có thể nói, đối thoại trong sáng tác của Flaubert vì thế có vai trò như một yếu tố cấu trúc tác phẩm.
Chúng tôi xin được bắt đầu từ một hiện tượng trong văn học thế kỷ XX, trong lĩnh vực tiểu thuyết. Trong cuốn Mười ngày rung chuyển thế giới viết về Cách Mạng Tháng Mười Nga của John Reed, một nhà văn Mỹ tiến bộ, người ta được tiếp xúc với những trang văn đầy nhiệt huyết của một người dũng cảm và có sức lôi cuốn lạ kì. Những khẩu hiệu, những thông báo, những cáo thị sắc lệnh của đủ mọi phe phái trong chính phủ, cũng như vô chính phủ hiện diện nguyên dạng trong trang sách đúng như nó được thể hiện ngoài thực tế. Kiểu thể hiện này được giới nghệ thuật đương thời gọi là nghệ thuật ghép dán (collages). Theo Aragon cho biết thì nghệ thuật này xâm nhập vào trong văn học do phản ứng cực đoan của hội họa đa đa và siêu thực. “Khái niệm ghép dán mang dạng thức khiêu khích trong hội họa cách đây trên nửa thế kỷ một chút. Đó là đưa vào trong tranh một đồ vật, một chất liệu lấy từ thế giới thực tại, và nhờ đó mà bức tranh nghĩa là thế giới mô phỏng, bỗng trở nên hoàn toàn được đặt lại vấn đề. Biện pháp ghép dán là sự thừa nhận của họa sĩ cái không thể mô phỏng được... Sử dụng nghệ thuật ghép dán là một thứ tuyệt vọng của họa sĩ, theo đó quy mô thế giới được tư duy lại.”[5]. Giáo sư Phùng Văn Tửu đề nghị một cách hiểu về nghệ thuật này trong văn học: “Trong nghệ thuật tạo hình, ghép dán thực ra là một kiểu dẫn văn của người khác vào tác phẩm của mình, tuy rằng tính chất dẫn văn ở đây nhiều khi không rõ. Từ đó có thể suy ra trong thơ, trong tiểu thuyết, những câu trích văn của người khác chính là một hình thức ghép dán, “đó là đem áp vào chỗ tôi đang viết những gì người khác đã viết hoặc mọi văn bản rút ra từ đời sống hàng ngày, tờ quảng cáo, hàng chữ khắc trên tường, bài báo”...”[6].
Nếu hiểu như vậy, chúng ta thấy ngay rằng không phải đợi các họa sĩ lập thể (cubisme) mới xuất hiện nghệ thuật ghép dán. Balzac từng đưa vào trong tác phẩm của mình những bản báo cáo, đơn từ với hình thức vốn có trong cuộc sống, ví dụ phần mở đầu tác phẩm Lão Goriot với tấm biển hiệu quảng cáo của quán trọ bà Vauquer. Điều này xuất phát từ nhu cầu các nhà văn hiện thực, hoặc tự nhiên chủ nghĩa luôn muốn cố gắng tái tạo trung thành cuộc sống, như nó vốn có trong cuộc sống. Tùy theo quan niệm của nhà văn về cuộc sống mà sẽ có những cách thức phản ánh khác nhau, mà mỹ học phương Tây cổ đại với Aristote gọi là mô phỏng (mimésis). Trong đó, điểm nhìn của người kể luôn có sức chi phối và đồng hóa mạnh mẽ mọi biểu hiện của cuộc sống được đưa vào trong tác phẩm. Phản ánh luận của chủ nghĩa Marx-Lénine cũng cho rằng, quá trình phản ánh của văn học bản thân nó cũng có dấu ấn chủ quan nhất định của cá thể phản ánh. Tức là trong hư cấu sáng tạo thế giới nghệ thuật, các thành phần của cuộc sống đã chịu những biến đổi nhất định, thường là thu về cùng một điểm nhìn nghệ thuật[7]  duy nhất của nhà văn. Hay nói cách khác, cảm quan của nhà văn về thế giới luôn cố gắng đồng hóa các sự vật hiện tượng, và vì thế ghi lại dấu ấn của người trong quá trình cảm nhận và phản ánh.
Đối thoại thực chất là một hiện tượng khách quan, nhưng có đặc điểm về chất liệu cũng như phương thức hoạt động giống như văn học vì cùng sử dụng ngôn từ nhưng được điễn đạt bằng thời hiện tại (présent). Theo Harald Weinrich cũng như Benveniste, việc sử dụng động từ thuộc thời hiện tại là nhằm đặt văn bản vào thế giới hiện tại. Vì thế, nhà văn trong khi kể, cố gắng chứng minh tính chất có thực của câu chuyện bằng việc lắp ráp, cắt dán đối thoại-lời nhân vật vào văn bản kể của mình, vốn thuộc về thế giới hư cấu cách biệt với hiện tại. Như vậy, có sự lắp ghép của hai thế giới vào nhau. Nhà văn trong khi lắp ghép đối thoại vào truyện kể, bằng quyền lực của mình sẽ đồng hóa thời hiện tại (présent) vào thế giới truyện kể, loại bỏ những gì cho là không cần thiết, vô ích cản trở tiến trình thời gian văn bản và làm phân tán sự chú ý của người đọc. Sự lắp ghép này bị xóa mờ và không thể nhận ra được do tính chất logic, nhân quả trong các lời thoại, cũng như vai trò đối với các sự kiện liên quan tới cốt truyện. Trong đối thoại, điều đó thể hiện tính chất tiêu điểm hóa để nhấn sự chú ý của người đọc vào các sự kiện trong tác phẩm, khắc họa kịch tính câu chuyện. Giáo sư Phùng Văn Tửu đã nhận xét trong lời giới thiệu tiểu thuyết Ảo mộng tan tành[8], rằng tính chất độc thoại vang lên rất rõ ở cuốn tiểu thuyết cổ điển do những đoạn đối thoại mang đậm dấu ấn của cá tính tác giả. Rất dài và rất logic. Tính chất nhân quả (causalité) của tiến trình đối thoại vì thế là tất yếu. Điều này đương nhiên sẽ góp phần khắc họa rõ nét dòng chảy của thời gian. Nhà văn đã hiện diện trong các đối thoại của nhân vật bằng quyền lực của mình từ một điểm nhìn duy nhất.
Sự gia tăng điểm nhìn trong văn học bắt đầu hiện ra rõ nét hơn trong các tiểu thuyết đầu thế kỷ XX với các sáng tác của F.Kafka. Bên cạnh sự phân rã của điểm nhìn thị giác hội họa như trong tranh lập thể, ta còn có thể nói tới sự phân rã của điểm nhìn trong văn học, đặc biệt là về mặt thính giác. Nhà văn đi trước trong việc hoàn thiện nghệ thuật phân đôi điểm nhìn thính giác, theo chúng tôi, chính là Flaubert với những đoạn đối thoại tuyệt diệu của mình. Hãy theo dõi một đoạn đối thoại trong quán trọ, khi Emma Bovary và gia đình vừa mới tới Yonville-Abbaye.
- Bà chắc là hơi mệt? Ngồi xe con Nhạn chúng tôi thì xóc dữ lắm.
- Đúng đấy - Emma đáp -nhưng tôi vốn thích thú với sự xáo lộn; tôi ưa thay đổi chỗ.
- Cứ sống như đóng đanh một chỗ - viên luật sư tập sự thở dài nói - thì chán chết!
- Giá mà ông lại như tôi - Charles nói -cứ phải luôn luôn trên lưng ngựa...
- Nhưng mà - Léon tiếp lời, nói với bà Bovary - tôi tưởng thế thì còn gì thú vị hơn; khi ta có thể thế được- anh ta nói thêm.
- Vả lại - tay bào chế nói - làm nghề thầy thuốc ở miền này không vất vả lắm; vì tình trạng đường sá cho phép dùng ngựa, nói chung người ta trả hậu, nông dân phong lưu....
(P.114)
Trong đoạn hội thoại trên, chúng ta thấy có bốn người cùng tham gia, nhưng các hành động ngôn ngữ có vẻ thiếu gắn bó. Bốn tham thoại đầu tiên xuất phát từ cùng một nội dung là việc di chuyển của gia đình Charles Bovary từ một câu hỏi gắn sát với tình huống cả nhà Bovary vừa tới Yonville-Abbaye của Homais. Nhìn vào bề ngoài đối thoại, ta thấy câu nói của Charles phù hợp với câu nói của Léon, còn Léon dường như nối tiếp ý của Emma Bovary. Nhưng ngay sau đó, ta nghe thấy vang lên câu nói của viên luật sư tập sự. Về mặt hiển ngôn, câu nói của anh chàng là trả lời Charles, nhưng thực chất là đáp lời Emma Bovary về chủ đề được sống thoát khỏi môi trường tù hãm. Trong lời thoại này, người kể mách cho người đọc điều đó. Như vậy có thể hiểu câu nói của Emma khi trả lời Homais, xét về mặt ngôn ngữ học, đã không đáp đúng thực sự, dù là về mặt hiển ngôn có vẻ như ăn khớp. Trong đám người đó, trừ Léon, không ai hiểu ý định của cô. Còn Homais sau khi nghe câu nói của Charles lại hướng sang chủ đề của công việc làm ăn. Ông ta chuyển sang bình luận về các phương diện y học trong vùng. Như vậy, ngay trong cuộc đối thoại đầu tiên đã xảy ra sự phân ly giữa các nhân vật. Chỉ qua sáu lời thoại ngắn, người kể đã hé mở sự bất đồng trong quan hệ giữa Emma Bovary với môi trường xung quanh, cũng như sự gần gũi dù là ít ỏi giữa Emma với Léon theo cách mà người ta vẫn gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Mặt khác, trong cảnh này, ta thấy bắt đầu sự phân hóa và đan xen của hai tuyến đối thoại. Cuộc đối thoại Emma Bovary-Léon dựa trên nền cuộc đối thoại Charles-Homais. Không có sự lấn át của các đơn vị đối thoại với nhau. Không chỉ có vậy, sự cân bằng của cả hai cặp đối thoại về tỷ lệ cũng như sự luân phiên đều đặn của chúng đã cho thấy cuộc đối thoại này lấy cặp đối thoại kia làm nền cho sự triển khai của mình. Sau khi kết thúc lời thoại của cặp Charles-Homais là cặp đối thoại Emma-Léon. Như thế các cuộc đối thoại trong tác phẩm đã đạt được cái điều mà Flaubert theo đuổi: “Tôi hoàn thành tấn kịch bằng sự đan xen (entrelacement) của đối thoại”[9]. Phải chú ý mới có thể lắng nghe được những chuyển động xao xuyến rất nhỏ trong những thanh âm đối thoại, để khám phá ra được độ chênh trong các sự kiện đang xảy đến với các nhân vật. Thời gian của văn bản vẫn tương đối thống nhất với thời gian đối thoại. Còn những chỗ chưa cần thiết đã bị tác giả chuyển sang lời gián tiếp. Đó là nhịp điệu theo kiểu phi lý trong bản thân đối thoại không dễ xây dựng với một nhà văn chưa có ý thức sâu sắc về vai trò của ngôn từ cũng như sự am hiểu về nguyên tắc đối thoại.
Như vậy trong tác phẩm này, nhà văn đã thực hiện việc phân đôi điểm nhìn thính giác trong quá trình thuật chuyện, rồi sau đó tiến hành lắp ráp chúng lại với nhau để tạo nên nhịp điệu thời gian đối thoại văn bản. Sự phân đôi điểm nhìn thính giác tạo nên nhịp điệu sẽ còn bị phá vỡ một cách nghiêm trọng hơn trong những cảnh khác, ví dụ cảnh Hội chợ để thiết lập những khoảng lặng chính ở nơi có những chuyển động mạnh mẽ nhất của dòng thời gian cuộc sống nơi tỉnh lẻ.
Trong khung cảnh sau đây, nhịp điệu là sự đan cài hai tuyến đối thoại vào nhau khiến cho tiến trình đối thoại càng trở nên phi lý. Người đọc có cảm tưởng như được nghe một bản hòa tấu hỗn độn của một hội chợ. Sự lắp ghép khiến cho dù tác giả không miêu tả cảnh hội chợ thì người đọc vẫn hình dung ra sự náo nhiệt của cảnh chợ quê qua chính diễn văn của các quan chức. Không sử dụng biện pháp tiêu điểm hóa bằng cách triệt tiêu các tạp âm như thường thấy, Flaubert cố gắng ghi lại đầy đủ những gì mà ông muốn người đọc nghe thấy. Đó đích thực là một sự lắp ráp ngôn ngữ và đối thoại. Thậm chí có thể nói mà không sợ quá rằng, Flaubert đã tạo nên sự đồng hiện trên bề mặt văn bản qua đối thoại.
Chúc mọi người trồng trọt tốt!”, ông chủ tịch hô lên.
-Lúc nãy, chẳng hạn, khi tôi đến nhà bà...
Tặng ông Bizet, ở Quincampoix”
-Tôi có biết rằng tôi sẽ đi cùng bà hay không?
Bẩy mươi hai quan!”
-Có hàng trăm lần tôi muốn bỏ đi, thế mà tôi đã đi theo bà, tôi ở lại.
Phânbón”
(p.182)
Trong trường hợp trên, nhà văn đã thực hiện quá trình lồng ghép hai cuộc thoại hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng diễn ra đồng thời. Ông chủ tịch thì cứ đọc, người bên dưới thì cứ nói chuyện. Nhưng cũng chính vì thế mà ta thấy rõ tính đối thoại của hai cuộc trò chuyện giống như một bản concerto, ở đó luôn diễn ra sự đối thoại liên tục của các chủ đề âm nhạc, tạo nên những đối âm. Sự đan xen đối thoại tạo nên nhịp điệu đó chỉ có thể xuất hiện khi điểm nhìn của người kể dường như mất khả năng bao quát tình huống, toàn bộ điểm nhìn của người kể, và vì thế của cả người đọc, trùng với chính nhân vật. Khoảng cách trần thuật được rút ngắn tới tối đa. Trong trường hợp đối thoại đồng hiện bị đặc trưng của thể loại làm biến dạng dưới sự chi phối của quá trình phân đôi điểm nhìn, kết quả là ấn tượng cuối cùng của đối thoại sẽ bị phân tán. Một khi xảy ra hiện tượng đó, kịch tính đối thoại trong văn học bị phá vỡ. Tính chất phi lý của mọi sự kiện được tái tạo qua sự phi lý của những điều tưởng như rất bình thường. Tính phi nhân quả đã xóa và phá hủy đường thẳng thờì gian tuyến tính thường có của đối thoại nhân quả. Như vậy, đối thoại từ chỗ là phương tiện được sử dụng đã bắt đầu trở thành đối tượng được miêu tả của văn học.
Quay trở lại với đoạn đối thoại trên, ta có thể thấy ngay tính chất đồng hiện trong sáng tác của Flaubert. Trong năm tham thoại đầu tiên, ta dễ dàng thấy rằng tham thoại thứ nhất được tiếp nối bằng tham thoại thứ ba, rồi tham thoại thứ năm và đều thuộc về ông chủ tịch. Trong khi đó tham thoại thứ hai và thứ tư là của Rodolphe trong khi đang tán tỉnh Emma Bovary. Chắc chắn trong thực tế chúng liền mạch với nhau. Năm tham thoại này bị ngắt quãng, lắp ghép xen kẽ vào nhau, khiến cho chúng có vẻ như rời rạc. Đó cũng chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Cái đồng thời của cuộc sống, do đặc điểm của văn học như là nghệ thuật thời gian, đã bị xé lẻ trở thành tuyến tính khiến cho những đối tượng tưởng như ở cách xa nhau đang đối thoại với nhau. Tính chất nhân quả thường thấy trong đối thoại văn học theo những nguyên tắc hội thoại bị biến mất.
Trong các đối thoại kiểu như trên, tính nhân quả không có. Chính vì thế thời gian không chỉ ngưng đọng do nội dung đối thoại mà còn do chính cách thức thuật chuyện. Có điều thú vị là sự ngưng đọng này thuộc về hiện tại, được thể hiện bằng các động từ thời hiện tại (présent) và ngưng đọng ngay trong những hình thức tưởng như năng động nhất của văn bản. Kịch tính bị phá vỡ ngay tại nơi tưởng như sẽ hình thành những cao trào đỉnh điểm. Chính vì cảm nhận được điều này nên các nhà nghiên cứu thường chỉ ra rằng so với các nhà văn cùng thời Flaubert như Balzac hay Stendhal chẳng hạn, nhân vật trong thế giới của Flaubert bị mất hoàn toàn khả năng hành động. Ham mê và dục vọng trong các nhân vật của nhà văn không còn đủ lớn để thúc đẩy họ đi tới hành động.
Không phải bất cứ đối thoại nào trong tiểu thuyết cũng thể hiện rõ đặc điểm này như trong đoạn đối thoại trên. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn là những đối thoại bị phá vỡ ngay ở vị trí chúng có thể tạo nên đỉnh điểm của câu chuyện và người đọc có thể cảm nhận được những khoảng lặng tại chính những nơi tưởng như sôi động nhất.
Cũng phải nói thêm rằng sự lắp ghép đối thoại là biểu hiện của ý thức trung thành với hiện thực của nhà văn, là lý do khiến cho các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa cố gắng nhấn mạnh Flaubert chính là người khởi đầu cho trường phái này trong văn học. Flaubert quả là không chỉ tái tạo trung thực cuộc sống một cách giản đơn như là ghi chép lại. Cần một ý thức đổi mới rõ rệt và một công phu lao động. Trong bức thư gửi cho Louise Colet và Maxime du Camps, ông cho biết đã mất hàng tháng trời ròng rã chỉ để viết một đoạn đối thoại trong cảnh Hội chợ. Vậy, đối thoại trong tác phẩm của Flaubert được xây dựng theo một nguyên tắc hoàn toàn mới mẻ: sự phân tán và luân phiên điểm nhìn trong quá trình kể lại đối thoại làm nên cái mà người ta có thể gọi là lắp ghép đối thoại với một nhịp điệu phi lý.
6.                       Người ta thường nói nơi im lặng nhất thường là nơi sôi động nhất, với nhiều thanh âm có ý nghĩa nhất. Đối với đối thoại trong tác phẩm của Flaubert có lẽ phải nói ngược lại, nơi tưởng như sẽ sôi động nhất hóa ra lại là nơi yên lặng nhất. Có lẽ chính sự phân tán điểm nhìn - một điểm cách tân so với tiểu thuyết đương thời - đã làm cho nhịp điệu tác phẩm luôn trầm lắng, chậm rãi với những khoảng lặng[10].
 Hà Nội 25-11-2002
Tạp chí khoa học trường ĐHSP 2004




[1] R.Barthes, Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch)— Nxb Văn học, H- 1996 tr. 36
[2] G.Genette, Hình thể II, Ed. du Seuil , Paris1969 - p. 49
[3] Dictionnaire des Littératures (Chúng tôi chú thích), lettre F, p.884
[4] Dẫn theo Claudine Gothot-Mersch, Đối thoại trong tác phẩm Flaubert /Europe, Paris 1969, p.113
[5] Dẫn theo Phùng Văn Tửu - Lu-i  Aragông (Chúng tôi in nghiêng nhấn mạnh), NxbGD-1995, tr.340
[6] Phùng Văn Tửu,  Sđd (Chúng tôi in nghiêng nhấn mạnh)- Nxb GD H-1997 tr.340
[7] Cách hiểu tương đối rộng về khái niệm này không đơn giản chỉ đóng khung trong những vấn đề liên quan tới thị giác, mà khái quát hơn chỉ vị trí của con người trong thế giới khi tìm hiểu về nó. Xem thêm Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháphọc, Nxb GD, H.-1999
[8] Chúng tôi in nghiêng nhấn mạnh, Nxb Thế giới-1999, tr.13
[9] Dẫn theo Claudine Gothot-Merch,  Europe 1969, p. 115
[10] Tên một bài viết của G.Genette về Bà Bovary trong Figure II, Ed.du Seuil-Paris1969