Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Đêm đại dương trong nhà trường phổ thông Việt Nam

Đêm đại dương (Océano nox) viết năm 1837 và xuất bản trong tập Tia sáng và bóng tối (Les rayons et les ombres -1839). Bài thơ được giới thiệu với học sinh trong lần cải cách chương trình THPT 1992 qua bản dịch của giáo sư Đặng Anh Đào. Đó cũng là một bước tiến mạnh dạn mở rộng diện tác phẩm giới thiệu cho học sinh, chứ không chỉ giới hạn ở tiểu thuyết như truyền thống.
Việc Hugo chọn đại dương và người thuỷ thủ làm đối tượng tỏ bày cảm hứng, ngoài lý do về motif quen thuộc còn vì ngành hàng hải đã có một vai trò vô cùng to lớn trong quá trình phát triển của các nước phương Tây. Khởi đầu là những nhà hàng hải cừ khôi người Hylạp, rồi những đoàn thuyền Viking, những chuyến thám hiểm của C.Colomb, F.Magenllan, J.Cook... đã làm người châu âu có những phát kiến lớn về địa lý, dân tộc học và cả về kinh tế nữa. Trong Những người lao động biển cả[1] Hugo đã ngợi ca về người thuỷ thủ và vai trò ngành hàng hải:
“Hàng hải là giáo dục. Biển cả là một mái trường cường tráng... Nhà du hành Ulysse làm được nhiều việc hơn Achille hiếu chiến. Biển cả tôi luyện con người; người lính chỉ là sắt, thuỷ thủ mới là thép. Các bạn hãy nhìn họ trên bến cảng, những thuỷ thủ ấy, những con người tuẫn nghiệp bình tĩnh, những kẻ chiến thắng thầm lặng, những khuôn mặt nam nhi mang trong ánh mắt cái tôn giáo xuất phát từ vực thẳm. Chúng ta hãy thêm điều này: hàng hải trái ngược với chiến tranh. Hàng hải làm cho dã man trở thành văn minh, còn chiến tranh làm cho văn minh trở thành dã man.”[2].
Trên bề mặt văn bản bài thơ, có thể nhận ra những khuynh hướng gợi cảm nhận trực tiếp về một không gian mênh mông với từng đợt sóng biển xô nhau liên tiếp xuất hiện do cách cấu tứ. Bài thơ được cấu trúc từ tám khổ thơ theo lối alexandrin 12 chân (jambe) mà mỗi khổ có thể coi như một con sóng kế tiếp nhau. Câu kết mỗi khổ lại chính là chuẩn bị mở ra cảm hứng cho khổ sau. Chẳng hạn, kết thúc khổ một viết về cảm xúc khái quát trong buổi ra đi của những người thuỷ thủ là câu thơ “sous laveugle Océan à jamais enfouis” (nơi đại dương mịt mù mãi mãi vùi thân) nhằm chuẩn bị cho ý thơ về sự vùi lấp của số phận của những người thuỷ thủ trong đại dương không gian ở hai khổ kế sau. Hoặc kết thúc khổ bốn là câu thơ “tandis que vous dormez dans les goémons verts” (trong khi anh nằm yên giữa lớp rong xanh) là để chuẩn bị cho sự gặp gỡ của hai làn sóng lớn của biển cả không gian và thời gian. Có thể nhìn ra sự kế tiếp của những làn sóng khác như làn sóng không gian và làn sóng thời gian thể hiện song hành hai quá trình chìm lấp của số phận người thuỷ thủ trong không gian và thời gian. Trong những câu thơ sau người đọc còn thấy sự trùng hợp của cả hai con sóng không gian và thời gian để khắc hoạ một ấn tượng nặng nề về sự chìm lấp của con người trong biển cả không gian và thời gian:
“le corps se perd dans l’eau, le nom dans la mémoire
Le temps, qui sur toute ombre en verse une plus noire,
Sur le sombre océan jette le sombre oubli. ”
(Thân trong nước, tên chìm trong ký ức

Dòng thời gian tô thêm đậm bóng đen

Trên biển tối phủ niềm quên tăm tối)
Đây là đỉnh điểm của xúc cảm bài thơ về nỗi đau bị chìm lấp. Xét theo khía cạnh này, bài thơ hoàn toàn có thể dừng lại ở chính khổ thơ thứ bảy ngay sau đó. Khung khổ của văn bản viết về ấn tượng khủng khiếp của đêm đại dương theo mạch cảm xúc đó có thể khép lại ở những câu thơ liên tiếp phủ định sự tồn tại của con người trong ký ức và trong thời gian.
Et quand la tombe enfin a férme leur paupière,
Rien ne sait plus vos noms, pas même une humble pierre
Dans l’étroit cimetière ou l’écho nous repond,
Pas même un saule vert qui s’effeuille à l’automne,
Pas même la chanson naùve et monotone
Que chante un mendiant à l’angle d’un vieux pont!
(Và khi nấm mồ khép vành mi họ
Ai biết tên anh, không phiến đá tầm thường
Trong nghĩa trang chật hẹp tiếng vọng âm vang

Không một nhành liễu xanh trút lá

Không một khúc hát ngây thơ, buồn bã
Góc cầu xưa, người hành khất thường ca)
Kinh nghiệm cũng cho thấy, người đọc hay dừng lại ở ấn tượng khủng khiếp cuối cùng: Con người đang đứng trước vực thẳm hư vô. Lối điệp từ phủ định pas même (không cả) nhấn thêm rất nhiều những cảm nhận đó. Nhưng với Hugo, đó chưa thể là chỗ dừng. Ông hướng bài thơ tới lời ngợi ca sự bất tử của số phận những người thuỷ thủ:
Où sont-ils, les marins sombrés dans les nuits noires?
O flots que vous savez de lugubres histoires

Flots profonds, redoutés des mères à genoux

Vous vous les racontez en montant les marées,
Et c’est ce qui vous fait ces voix désespérés
Que vous avez le soir quand vous venez vers nous.
Khi đọc bài thơ tới khổ cuối, có lẽ người đọc vẫn chưa dứt được ấn tượng nặng nề và khủng khiếp về những làn sóng của đại dương không gian và đại dương thời gian, nhất là thêm cả cách diễn đạt “câu chuyện khủng khiếp” (lugubres histoires). Ngoài lý do về ấn tượng biển cả ám ảnh, cấu trúc câu theo kiểu mệnh đề tầng bậc trong tiếng Pháp của hai câu ba bốn có thể làm người đọc bị ngợp trong biển cả câu chữ của Hugo, mà không đọc và cảm hết được lời ngợi ca dành cho những người thuỷ thủ. Dòng thơ thứ tư của khổ cuối có nghĩa là: các người (làn sóng - mà những người mẹ đầy kinh hoàng đang quỳ trước biển nhìn chúng) vẫn kể cho nhau nghe những chuyện bi thảm đó (về số phận những người thuỷ thủ) khi triều dâng lên. Chính điều đó làm giọng các người (làn sóng) thêm rền rĩ mỗi chiều tới cùng ta. Cách kết thúc bằng lời ngợi ca sự bất tử như thế không hề mang tính chất suy diễn hay là phần vĩ thanh mà nhà thơ cố tình đưa vào. Đó là kết quả tất yếu của quá trình vận động cảm xúc của nhà thơ trong suốt mạch tác phẩm: lời ngợi ca của nhà thơ dành cho số phận những người thuỷ thủ không chỉ nằm ở khổ cuối mà đã ngầm ẩn trong toàn bộ bẩy khổ trên.
Nhìn lại toàn bài thơ, ta đọc được một dấu hiệu đáng chú ý của quá trình chuyển đổi giọng điệu thông qua sự chuyển đổi của đại từ nhân xưng với người thuỷ thủ: ils-vous-ils. Thực ra biển cả ở đây không hiện ra trực tiếp qua lời miêu tả của nhân vật trữ tình-tác giả, mà là qua cuộc trò chuyện với người thuỷ thủ. Trong hai khổ đầu là lời kể về những người thuỷ thủ. Năm khổ tiếp theo là lời đối thoại trực tiếp với những người thuỷ thủ bằng dấu hiệu của một quá trình diễn ngôn (vous - ngôi nhân xưng thứ hai số nhiều). Khổ kết thúc bài thơ có sự hoàn trả ngôi thứ ba số nhiều cho những người thuỷ thủ (ils) và ngôi thứ hai số nhiều (vous) cho những làn sóng. Như thế là có tới năm trên tám khổ thơ là quá trình đối thoại giữa nhà thơ và những người thuỷ thủ xấu số chứ không phải là với những làn sóng. Mà đối thoại thì có nghĩa là họ chưa hề chết, chưa hề bị lãng quên trong đại dương thời gian. Trong khổ thơ này, sự hoán đổi liên tục của các ngôi thứ nhân xưng với hai đối tượng giao tiếp khác nhau (người thuỷ thủ và những làn sóng biển) cũng góp phần làm cho việc cắt nghĩa thêm phức tạp. Vậy tuy 7/8 khổ thơ viết về sự chìm lấp của những người thuỷ thủ trong biển cả không gian và thời gian, nhưng chính khổ cuối khép lại khung văn bản lại làm nổi bật nhiệt hứng chủ yếu ngợi ca những con người dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, bất chấp cái chết. Một nghệ thuật tương phản thường gặp trong bút pháp của Hugo.
V.Hugo tin rằng số phận những người thuỷ thủ đã hoà vào trong biển cả đại dương. Bởi vì đại dương trong sự tồn tại vĩnh cửu với những làn sóng trong buổi triều lên vẫn hướng về việc ngợi ca những con người dám đối chọi với chính nó: người kể với nhau khi triều dâng hỡi sóng (về những chuyện làm bao bà mẹ kinh hoàng). Cũng giống như điều mà người ta sẽ cảm nhận được sau này từ ông lão Santiago trong Ông già và biển cả của Hemingway: thiên nhiên bất tử có thể huỷ diệt con người nhưng không thể nào chiến thắng được nó. Sự vĩ đại của con người chính là ở chỗ nó dám đối mặt với thất bại. Đó phải chăng cũng là một phản đề trong sáng tác của Hugo?
Trong sự vận động của mạch thơ, ta còn nhìn thấy sự cưỡng lại số phận nghiệt ngã của con người trong biển cả thời gian, bất chấp sự vùi lấp trong biển cả không gian. Thoạt đầu là sự áp đảo của số lượng những ngôn từ chỉ sức mạnh đại dương không gian (des courses lointaines, morne horizon, une mer sans fond, une nuit sans lune...). Nhưng nối tiếp đó là sự xuất hiện của những ngôn từ gợi ra (trực tiếp hay gián tiếp) dòng thời gian, dòng kí ức. Dòng ký ức vừa là dấu vết của thời gian lên số phận con người, nhưng cũng là những cố gắng của con người tìm mọi cách cưỡng lại sức mạnh của thời gian. Có điều, câu thơ thể hiện rõ nhất sức mạnh của dòng thời gian qua hình ảnh ký ức lại cũng chính là câu thơ nhấn vào sức mạnh của con người: “lun na-t-il pas sa barque, lautre sa charrue?” (người này phải chăng không có chiếc mảng của mình, người kia là chiếc cày?). Câu thơ hiện diện dưới dạng một câu hỏi tu từ có ý nghĩa như một lời khẳng định có tính tất yếu, dù sao con người cũng phải sống, và biết quên cũng chính là một cách để con người chiến thắng thời gian. Lại một phản đề ẩn dụ khác trong thơ của Hugo? Trong hầu hết các bản dịch thơ ở Việt nam (Đặng Anh Đào, Phạm Nguyên Phẩm, Tố Hữu...), các dịch giả không giữ nguyên dạng câu hỏi mà chuyển sang dạng câu khẳng định. Có lẽ sắc thái tu từ vì thế mất đi phần nào. Chúng tôi nói hầu hết là vì trong bản dịch thơ của Mười thế kỷ văn chương Pháp[3], dạng câu hỏi tu từ vẫn được giữ nguyên: “Mải chăng kẻ chài buông, người cày dắt?”.
Đọc bài thơ, có thể nhận ra một cảm hứng quen thuộc trong văn học thế giới: sự đối chọi giữa cái vô hạn của thiên nhiên và cái hữu hạn của số phận con người. Hướng triết lý là một nét tiêu biểu cho nghệ thuật thơ của Hugo lúc này. Ông đang trăn trở tìm đến với chức năng của nhà thơ. Có lẽ qua bài này, người ta còn đọc được sự khẳng định về vai trò của các nhà thơ: bằng nghệ thuật nhà thơ phải bất tử hoá cuộc sống ngắn ngủi, vượt qua biển cả thời gian. Nhìn vòng khắp văn học thế giới, đề tài về mâu thuẫn giữa vô hạn và hữu hạn không chỉ là cảm hứng của riêng Hugo hay chủ nghiã lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX. Đó dường như là vấn đề của muôn đời, Sisiphe với hòn đá định mệnh trong văn học cổ đại Hy lạp, con dã tràng xe cát trong truyện dân gian Việt Nam... Trong văn học trung đại phương Đông, triết lý về hình ảnh con người đối diện trước vô thuỷ vô chung của vũ trụ in đậm nét trong thơ ca, đặc biệt là thơ Đường. Chính từ đây nảy sinh vấn đề bản thể trong triết học nếu đẩy tới những suy nghĩ mang tính tư biện. Hugo chắc không hề có ý định xây dựng một học thuyết triết học về cái hư vô, nhưng ông có thể đã phải nghĩ về nó rất nhiều. Ngay cái tên Latin của bài thơ đã thể hiện phần nào dụng ý của ông: Océano nox. Victor Hugo, người được coi có đổi mới rất nhiều cho ngôn ngữ văn học Pháp - bình dị trong sáng hơn mà không kém phần thơ- thường hiếm khi đặt tên cho tác phẩm của mình bằng lối tên trang trọng như các nhà thơ cổ điển. Ông tiêu biểu cho những nhà thơ lãng mạn vượt bỏ khỏi sự chật hẹp của ngôn từ ước lệ trong thi ca:
Tôi đội chiếc mũ đỏ lên cuốn từ điển già
Không còn từ nguyên lão! cũng chẳng còn từ dân đen.
... Tôi gọi lợn bằng tên của nó, tại sao không ?[4]
Chính vì thế khi đặt cho bài thơ cái tên Latin gợi ấn tượng về sự trang trọng, hẳn Hugo muốn lưu ý nhấn mạnh tới cảm xúc mang tính triết lý. Đại dương không chỉ là biển thông thường, đêm cũng không hẳn là một khoảng thời gian trong ngày. Đó vừa là biểu tượng của không gian, vừa là biểu tượng của thời gian. Hai hình ảnh vừa tương hỗ, vừa tương phản với nhau tạo nên một âm vang rất lớn trong lòng người đọc. Bởi vì quả thật, đối với Victor Hugo, đêm đen là biển cả của thời gian, còn đại dương là đêm đen của không gian. ấn tượng về sự bí ẩn cứ trùng trùng lớp lớp bao phủ tâm trí người đọc. Vì thế sẽ là khá thú vị nếu chúng ta thử so sánh ở đây cách thể hiện của văn học phương đông và phương tây khi cùng bàn tới sức mạnh của thời gian trong nghệ thuật.
Nếu như Hoàng Hạc lâu quan tâm tới việc thể hiện triết lý về sự đối diện của con người trước thời gian vô thuỷ vô chung bằng một bút pháp chấm phá tiêu biểu cho thơ Đường, thì Hugo lại nhấn rất nhiều ở những chi tiết cụ thể sinh động làm nên da thịt cho bài thơ. Dòng thời gian trong thơ Đường hiện ra qua hình ảnh của mây trắng bay vĩnh viễn (bạch vân thiên tải không du du), và cũng chỉ có một dòng thơ ngắn ngủi như thế với bảy chữ. Còn trong bài thơ của Hugo, đó là biển cả bao la và bóng đêm với những hình ảnh trùng trùng lớp lớp. Thử lược đi những chi tiết miêu tả cảnh chìm lấp của số phận người thuỷ thủ trong không gian và thời gian để tóm lại trong vài chữ, cái đặc sắc trong nghệ thuật thơ của Hugo sẽ không còn. Vì thế khi nhìn vào bài thơ ta có nhận ra rất rõ ngay trên bề mặt văn bản quá trình chìm lấp của những người thuỷ thủ. Có điều thú vị nữa là tuy người đọc dễ mất phương hướng ngay giữa biển cả câu chữ của Hugo, nhưng khi đọc tới câu thơ cuối cùng thì lại nhận ra rằng con người vẫn là tạo vật bất tử. Như vậy là ngay trên bề mặt văn bản ta đã thấy sự tương đồng giữa cảm nhận trực quan với những điều mà nhà văn muốn nói với người đọc: đây không phải bài thơ viết về những cảm nhận bi đát của thân phận con người. Cũng như Thôi Hiệu dù có lúc bâng khuâng trước thời gian vô thuỷ vô chung (Bạch vân thiên tải không du du) vẫn kết lại bài thơ của mình bằng hình ảnh quê hương như là nơi nương tựa cho lòng người:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Hugo vẫn hướng về cuộc sống, khẳng định sức mạnh bất diệt của họ như ông đã từng viết trong Những người lao động biển cả: “Tuy nhiên con người vẫn thắng được biển cả. Dần dà bước một, thong thả, một cách khoa học”.[5]
Hai mệnh đề có tính tương phản này hoàn toàn có thể tạo nên một hợp đề mang cảm hứng sử thi. Điều này gợi ra cho chúng ta nhớ về một tác phẩm dân gian trong văn học Êđê có tên Trường ca Đăm Săn với kết thúc mang dáng vẻ bi kịch là cái chết của dũng sĩ Đăm Săn khi đi cầu hôn nữ thần Mặt trời. Thực ra chàng tù trưởng giàu mạnh bậc nhất này hoàn toàn có thể hài lòng về những gì mình đã có mà chẳng ai dám phủ nhận sức mạnh của chàng. Tác phẩm có thể dừng lại ở đó mà vẫn đạt tới được đặc trưng của sử thi và không kém phần hấp dẫn: ngợi ca chiến công của những người anh hùng. Nhưng kết thúc bằng cái chết của chàng tù trưởng giàu mạnh cũng không hề là sự vi phạm tinh thần lạc quan quen thuộc của dân gian. Đăm Săn bất chấp mọi lời can ngăn và sẵn sàng chấp nhận cái chết đến với mình để thoả khát vọng chinh phục. Chàng dám đem tính mạng vào cuộc thử sức, dám và sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy và cái chết. Tư thế đó chỉ có ở những con người biết rõ giá trị của cuộc đời, giá trị của chính mình và những gì mà mình sẽ đem đánh đổi. Đó hoàn toàn không phải là cách làm liều lĩnh của những kẻ cầu mong một vận may trong cuộc đỏ đen với số phận mà không biết rõ cái mà mình sẽ đối chọi. Chính vì thế nhân vật Đăm Săn hoàn toàn có tư thế của một người anh hùng cộng đồng trở nên bất tử nhờ chiến bại lớn nhất trong cuộc đời mình chứ không phải là những chiến công đánh thắng các tù trưởng. Cũng như ông lão Santiago trong Ông già và biển cả nhận ra rằng mình đã thất bại vì đi quá xa. Có một âm vang sử thi cổ sơ của nhân loại, nhưng hình như lại là một phản đề: con người đối chọi với thiên nhiên và dám chấp nhận thất bại.
Vậy cảm hứng trong văn học nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây khi ngợi ca tư thế con người trước thiên nhiên dù không phải lúc nào cũng hướng về chiến thắng nhưng không bao giờ đượm vẻ bi quan. Đọc bài thơ Đêm đại dương, chúng tôi nhớ tới một câu nói của nhà triết học người Pháp, B.Pascal: “con người ta chỉ là một cây sậy nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết tư duy. Thiên nhiên kia tuy to lớn nhưng không hề biết rằng nó đầy sức mạnh...”. Phải chăng có thể dùng câu nói kia để kết thúc bài viết về bài thơ của một nhà thơ lãng mạn tích cực./.

Hà nội 16-02-2002
TCVH 6.2002



[1] NXB VH-1989
[2] Victor Hugo, Những người lao động biển cả Nxb Văn học, Hà nội 1989 tr.407.
[3] Nhiều tác giả, Mười thế kỷ văn chương Pháp, quyển II, Nhà sách Khai Trí, Sài gòn 1962
[4] Dẫn theo Đặng Thị Hạnh, Tiểu thuyết Hugo,  Nxb ĐH & THCN-1987, tr.199
[5] V.Hugo, Sđd, tr.407.

2 nhận xét:

  1. Tác giả có thể làm ơn cho xin bản dịch đầy đủ của GS Đặng Anh Đào không ạ?
    Thời em học lớp 11 thì rất thích bản dịch này, nhưng tìm mãi không có trên mạng
    Cám ơn anh trước

    Trả lờiXóa
  2. chào bạn, tiếc là hiện tại tôi cũng không có bản dịch nào trong tay. Bạn thử qua thivien.net xem sao. Xin lỗi vì trả lời muộn.

    Trả lờiXóa