Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

“Xã hội hóa giáo dục” nghĩa là Nhà nước cần phải “tốn tiền” hơn!


 


Phổ biến trong folklore hiện đại là một câu lục bát dị bản từ hai câu lục bát của chủ tịch Hồ Chí Minh:
Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gooooooooogle
Hai câu lục bát ban đầu được chủ tịch Hồ Chí Minh làm với mục đích rất rõ ràng là tuyên truyền quần chúng về tính chất bức thiết của việc cần biết sử nước nhà trước khi bắt đầu sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Nó có tính chất dân dã, thông tục, nên chắc ông cũng rất hài lòng khi biết thơ tuyên truyền của mình đã được “update” trong thời đại mới cho kịp với bước đi của cuộc sống số. Dị bản dân gian này có chứa một cụm từ mà bất kỳ ai đã từng vào mạng đều biết: gu-gờ - một công ty Mỹ ứng dụng kỹ thuật tìm kiếm trên nền web. Nó mang lại những thuận tiện tuyệt vời cho cả những người mới bắt đầu làm quen với net cũng như những người sành sỏi trong việc lướt mạng, thuộc tất cả mọi lĩnh vực.
Cách đây khoảng hai năm, công ty này đã có dự án – gặp phải rất nhiều phản đối - là số hóa toàn bộ hệ thống lưu trữ hoặc sách vở. Dự án này có thể cho phép người dùng mạng truy cập miễn phí qua việc sử dụng hệ thống tìm kiếm của Gooogle các trang tài liệu đã được số hóa. Người ta lo sợ về vấn đề bản quyền có thể làm ảnh hưởng tới lợi nhuận phát hành văn hóa phẩm. Hiện tượng này, xét từ một khía cạnh khác mang tính phi lợi nhuận, là dấu hiệu của quá trình công hữu hóa tài sản tinh thần tiếp theo quá trình công hữu hóa tài sản vật chất đã và đang diễn ra. Quá trình này có thể gặp trở ngại, có thể chậm nhưng chắc chắn sẽ diễn ra. Hơn nữa, quá trình này diễn ra trước hết ở Mỹ, sau đó là ở một loạt các nước công nghiệp phát triển khác. Bên cạnh dự án đầy tham vọng – không phải không có tính bá quyền của một nước lớn – của công ty tìm kiếm trên mạng này, người ta đã thấy xuất hiện các kiểu dạng thư viện số. Các dự án số hóa văn bản kinh điển đã được thực hiện trên một loạt các trang web công cộng cũng như tư nhân. Người đọc từ bất cứ quốc gia nào giờ đây cũng có thể truy cập và tải miễn phí các văn bản nghệ thuật, tôn giáo, văn hóa kinh điển trước thế kỷ XIX – thời điểm đã qua rất lâu của mốc bản quyền đương đại. Ngay với những trang viết bằng tiếng Việt, giờ đây một người thành thạo net có thể truy cập được khá nhiều trang chứa đựng các tài liệu văn chương, xã hội hữu ích nhưng miễn phí và dường như là phi lợi nhuận[1]. Chính vì sớm ý thức được điều này, Hội đồng giáo dục Québec đã đặt hàng Lyotard viết một tiểu luận về văn hóa đương đại trong những nước công nghiệp phát triển. Tiểu luận này sau đó đã được ông phát triển thành một nghiên cứu triết học có tiêu đề “Tình thế hậu hiện đại”[2]. Những khía cạnh triết học của tiểu luận xuất phát từ việc không gian văn hóa ngày nay đang có sự biến đổi về chất và đối tượng. Thành phần trí thức dường như được mở rộng cùng với quá trình bành trướng “khả năng đọc” của quảng đại quần chúng. Sách trước và sau công nguyên ở cả phương đông lẫn phương tây đều là của thánh thần nên Kinh Thánh của công giáo được viết trong tiếng Pháp là Bible hay Ecriture, còn ở Việt Nam người ta nói “xin chữ thánh hiền”. Công nghiệp in ấn ở châu Âu đã mở ra thời kỳ Phục Hưng nhờ mở rộng không gian đọc, công chúng đọc. Nó tạo nên thời kỳ hiện đại trong lịch sử văn hóa châu Âu. Vậy nên phải nói tới điều kiện cơ sở vật chất như là một trong những yếu tố then chốt của quá trình “hậu hiện đại hóa”.
Một trong những đặc điểm của “tình thế hậu hiện đại” mà Lyotard đào sâu, và cũng được giới nghệ sĩ được gọi là hậu hiện đại thích tập trung khai thác, là tính “phì đại” của sức sản xuất vật chất bên cạnh sản phẩm tinh thần. Sự phì đại này cách đây một thập kỷ là khó hình dung với một người Việt Nam bình thường, thì ngày nay lại rất dễ thấy ngay từ những siêu thị hàng hóa. Trong lĩnh vực tinh thần văn hóa, một học sinh trung học có thể tiếp cận được các sản phẩm kỹ thuật số cũng dễ dàng cảm nhận được sức nóng của áp lực của việc đòi hỏi dung lượng lưu trữ ngày càng tăng. Toàn bộ chỗ ảnh lưu trữ của một nghệ sĩ nhiếp ảnh thời chiến tranh có thể chỉ cần một ổ cứng máy tính khi được số hóa. Nhưng lượng sản phẩm multimedia mà một học sinh trung học có thể tạo ra bằng những phương tiện giải trí cá nhân có thể chiếm tới vài ổ cứng máy tính dung lượng loại lớn.
Trình bày những điều này, chúng tôi muốn hướng tới một giả thiết rằng hơn bao giờ hết không một cá nhân nào ngày nay có đủ khả năng lưu trữ cho riêng mình những sản phẩm văn hóa tinh thần. Từ góc độ khác của tình thế này, người ta thấy rõ dù muốn hay không thì cũng phải “công hữu hóa” các sản phẩm văn hóa tinh thần[3]. Sự công hữu hóa này tất sẽ ảnh hưởng tới tính chất bản quyền của sản phẩm, nhưng sức cản này dường như không thể ảnh hưởng nhiều tới xu thế. Các nhà sản xuất băng đĩa âm nhạc là những người cảm thấy rõ nhất tình hình này. Một mặt chính kỹ thuật lưu giữ, sao chép nhân bản thời đại số là một trong những cơ sở cho việc quảng bá hình ảnh một sản phẩm văn hóa, nhưng chính nó cũng góp phần tạo nên “băng đĩa lậu”. Chắc chắn đến một lúc nào đó, người ta không phải “sống chung” với băng đĩa lậu mà là sống hòa hợp với xu thế tất yếu đó, vì nó mang tính cộng đồng rõ ràng. Cho nên đã xuất hiện những trang web cho phép nghe nhạc miễn phí, thậm chí tải miễn phí, những trang web chia sẻ dữ liệu văn hóa. Nhà đầu tư sẽ phải tìm cách thu lợi nhuận từ những nguồn khác chứ không phải là bán sản phẩm kiểu “độc quyền” như trước kia. Những trang web đó – cùng với những trang web lưu trữ kinh điển – đã thực sự tạo nên những không gian cộng đồng mà mọi người có thể sẻ chia và cùng xây dựng.
Vậy là nhu cầu tạo nên một không gian công cộng tự do trước hết xuất phát từ chính hiện thực ảo, và sẽ ngày càng lớn để tạo ra áp lực lên xã hội vì nó là nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Không gian công cộng không phải xa lạ gì trong những xã hội phát triển. Dạng không gian quảng trường, các forum trong xã hội La Mã cổ đại là những hình mẫu ban đầu của kiểu không gian này. Thư viện là kiểu không gian công cộng tự do gắn với các hoạt động giáo dục, khoa học và trí thức. Thoát khỏi chức năng lưu trữ thông tin quá khứ đơn thuần, cùng với viện bảo tàng, thư viện trở thành một không gian công cộng tri thức lý tưởng để mỗi người có thể tham gia vào việc thu nhận, trao đổi và chia sẻ kiến thức. Quá trình trao đổi thông tin có tính thường nhật này là hiện thực và sẽ diễn ra theo một xu hướng ngày càng tăng, tỷ lệ thuận theo mức độ phát triển của xã hội, theo nhu cầu lưu giữ thông tin cá nhân, theo khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Nói tới tính thường nhật của nhu cầu trao đổi thông tin, chúng tôi nghĩ tới quá trình tự học tập liên tục. Đó chắc chắn là những biến thể đa dạng của một quá trình học tập mà người ta không thể chỉ giới hạn trong bốn bức tường của nhà trường. Người xưa đi học chỉ cần có trong tay đủ Tứ Thư Ngũ Kinh là có những chỉ dẫn kinh điển cho cuộc sống và công việc. Thầy dậy đủ chữ trong sách thánh hiền là đáp ứng nhu cầu công việc. Cho nên thuộc lòng không chỉ là phương pháp đúng nhất mà còn là duy nhất. Thuộc lòng giờ đây chắc chắn vẫn là một phương pháp đúng nhưng không duy nhất. Người học phải biết cách tra vấn thông tin từ mọi nguồn, trong đó dễ nhất là từ thư viện cộng đồng. Chúng tôi nghĩ tới “thư viện cộng đồng” như là một giải pháp ưu việt đáp ứng nhu cầu học tập của quảng đại quần chúng. Thực vậy, một thư viện cá nhân xưa của gia đình họ Cao (Cao Xuân Dục), họ Đặng (Đặng Thai Mai), họ Đào (Đào Duy Anh), họ Vũ (Vũ Ngọc Phan)... ở Việt Nam thời đầu thế kỷ có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu các thành viên trong gia đình. Thư viện cá nhân của hồng y giáo chủ Mazarine (Pháp), của Vatican... có thể chứa một lượng khá lớn sách vở quý hiếm, nhưng nó chỉ được dành cho thiểu số những người trong dòng họ quý tộc. Chính điều ấy tạo nên sự độc quyền tri thức – điều không còn có thể tồn tại trong thời đại thông tin ngày nay. Như vậy, xây dựng phổ biến thư viện cộng đồng – một kiểu thư viện bên cạnh những thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện trường học, thư viện nghiên cứu – là một trong những giải pháp về cơ sở hạ tầng ban đầu cho quá trình giải phóng sức học tập của quảng đại quần chúng. Khi chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin tự thân hàng ngày của quần chúng thì không thể nói tới việc giáo dục thường xuyên, liên tục và suốt đời của cộng đồng xã hội. Việc tạo nên nhu cầu, kích thích nhu cầu và đáp ứng được nhu cầu tra vấn, chia sẻ và trao đổi thông tin chính là những bước đi đầu tiên hướng cộng đồng vào việc tôn trọng những giá trị cá nhân đặc thù. Bởi vì như một bước đi tất yếu, khi thông tin không còn là độc quyền, là sản phẩm riêng của một giới, một tầng lớp, một cá nhân thì người ta sẽ không còn và không cần phải “giấu giếm”. Sự ưu thắng của mỗi thành viên nằm ở khả năng truy vấn, phân tích và chia sẻ thông tin. Sự dân chủ tức khắc được thiết lập, dù muốn hay không.
Bên cạnh đó, phải nói tới xu thế dạy học “nêu và giải quyết vấn đề” thay cho việc truyền thụ kiến thức tĩnh của giáo dục hiện đại. Xu thế này dựa trên nguyên tắc cho rằng mọi tư tưởng hay kiến thức không nhất thành bất biến, nó cần được thu nhận trên cơ sở phê phán. Cũng giống như quá trình tìm kiếm của khoa học, đó không phải là đi tìm kiếm một chân lý duy nhất đúng mà là tìm những câu trả lời có thể chấp nhận được trong những tình huống cụ thể. Nói như John Dewey: “Học sinh đến trường không phải để tiếp thu những tri thức đã đươc ghi vào một chương trình mà rỗi có lẽ sẽ không bao giờ được dùng đến, mà chính là để giải quyết các vấn đề, giải quyết các bài toán của nó, những thực tế mà anh ta gặp hàng ngày. Về phía người thày giáo, ông ta hành động như một người bạn có kinh nghiệm, khuyên nhủ, hướng dẫn và cho trẻ biết những gì mà thày biết vấn đề được đưa ra”[4]. Cải cách giáo dục theo hướng nêu và giải quyết vấn đề vì thế là xu hướng được nhấn mạnh ở những quốc gia có nền giáo dục hiện đại như Phần Lan, nơi chỉ số PISA rất cao. Xu thế này chắc chắn có tính tới một tình thế éo le của sự trương nở kiến thức trong thời đại số - sự trương nở tạo nên hiệu ứng “hậu hiện đại” đích thực ở những nước công nghiệp phát triển và “giả hậu hiện đại” ở nhiều không gian văn hóa khác chưa có mức độ phát triển hạ tầng kỹ thuật-kinh tế-văn hóa tương ứng. Đó là những “giả kiến thức” được tạo lập dựa trên các thành tựu “ngụy khoa học” một cách vô tính hay hữu ý. Nếu con người được đào tạo chỉ biết hấp thụ mà không phân biệt và phân tích, trạng thái “ngộ chữ” hồn nhiên rất dễ xảy đến. Việt Nam – trong vị trí của một quốc gia đang tìm cách phát triển – cũng cần đến một nền cải cách đáp ứng được nhu cầu tạo ra những nguồn nhân lực tương ứng với sự phát triển của quốc gia trong vòng vài chục năm chứ không phải trong vài năm. Đồng thời cũng cần một cơ chế phòng ngừa sự trương nở này. Cũng giống như tiêm vaccin, cách phòng ngừa hiệu quả nhất lại là việc bước đầu phát triển một cách có định hướng và quản lý “tình thế hậu hiện đại” trong điều kiện xã hội hiện đại có xu hướng hậu hiện đại. Cho nên không thể không tính tới “xu thế” này của giáo dục hiện đại như là một cách đón đầu thay cho việc “đi tắt đón đầu” chỉ bằng việc đầu tư vào cơ sở kỹ thuật một cách vụn vặt. Trong việc giáo dục theo cách giải quyết vấn đề như thế, “nguồn dữ liệu cơ sở” (database) do thế trở nên cực kỳ quan trọng như vai trò của nhiên liệu đối với động cơ. Dữ liệu càng lớn, càng phong phú và đa dạng thì khả năng đạt tới sự thật của mỗi cá thể tham gia vào quá trình đào tạo và tự đào tạo càng lớn. Cho nên, quyền tiếp cận với dữ liệu thông tin là một trong những cơ sở cho việc mỗi cá nhân tiếp cận chân lý.
Với lượng dữ liệu phong phú, người ta còn có thể hy vọng ở “tính sáng tạo” mỗi cá thể. Bởi vì sự đa dạng của dữ liệu sẽ loại trừ sự độc quyền của chuyên ngành, mà sự đi sâu tận cùng của nó có nguy cơ làm nó trở nên héo tàn vì xa rời thực tế sinh động. Cuộc sống luôn cho thấy chính sự phối sinh giữa các ngành (tính liên ngành trong nghiên cứu và phát triển) mới làm cho kiến thức trở nên hữu ích và có giá trị.
Mặt khác, những nghiên cứu xã hội học[5] cho thấy sự chuyển động thường xuyên của xã hội luôn tạo ra những khoảng trống trong các vị trí xã hội. Những vị trí này đòi hỏi và cũng tạo điều kiện cho các cá nhân chiếm lĩnh nếu đáp ứng đươc các yêu cầu của vị trí đó. Thế mà chưa bao giờ những biến động của xã hội ở mọi mặt lại nhanh bằng thời điểm của “thế giới phẳng” ngày nay. Việc học tập – đương nhiên là cần thiết đến mức không cần bàn cãi – chuyển sang một hình thức khác. Đó là quá trình học tập liên tục, tự học thường xuyên mà người học không có người thày nào ngoài chính mình khi đứng đối diện trước những thử thách, đòi hỏi mới của cuộc sống. Sự chờ đợi những kiến thức được truyền giảng do một người thầy cụ thể với một mục đích cụ thể chắc chắn sẽ luôn đặt người học vào tình thế “đã rồi”, lạc hậu so với thời điểm đương đại của xã hội. Trong những tình huống xã hội như thế, việc tạo điều kiện để mỗi cá nhân trong xã hội tiếp cận thông tin cập nhật chỉ có thể được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng, ít tốn kém­ nhất nếu như họ được tham gia vào không gian thông tin cộng đồng. Chính không gian thông tin cộng đồng này sẽ nêu trước (anticiper) những đòi hỏi, thách thức và cơ hội cho từng cá nhân tham gia để đáp ứng được vị trí mà xã hội cần.
Bản thân hai câu thơ trong nguyên bản của nó (Dân ta phải biết sử ta...) cũng thể hiện một tư duy rất mới của Hồ Chí Minh trong điều kiện xã hội đương thời về tính chất cần thiết của một không gian thông tin cộng đồng. “Sử ta” với Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng là nội dung thông tin cần thiết cho quảng đại quần chúng lao khổ. Nếu như trước kia “sử” đối với mỗi người dân bình thường (đa phần là mù chữ) chỉ khuôn lại ở những truyền thuyết, những điều “tương truyền” của một vùng rất nhỏ, hoặc một chút sử làng quê nơi mình sống, thì có nghĩa là không gian thông tin công cộng chỉ nằm ở một mái đình, một nhà chung. Chính điều đó làm cho tầm nhìn của mỗi con người trở nên hạn hẹp, mang tính cá thể, tiểu nông, hạn chế một cuộc cách mạng trong toàn quốc. Điều ấy giải thích phần nào sự thất bại của những cuộc khởi nghĩa kiểu cũ (Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Đội Cấn) hay cách mạng (Nguyễn Thái Học) chỉ giới hạn trong một vùng miền, một tầng lớp. Việc thay đổi cách nhìn về tính chất của hoạt động cứu nước trước hết từ một cuộc cách mạng thông tin cộng đồng. Nó cho phép mọi cá nhân trong quần chúng lao khổ biết về mình và liên kết họ lại thành một cộng đồng lớn hơn, trở thành một lực lượng có sức mạnh vật chất chứ không chỉ còn có ý nghĩa tinh thần.
Mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Những lập luận vòng vèo như trên chỉ để đi đến một suy nghĩ rất quen thuộc với nhiều người: thư viện là một không gian công cộng giúp cho mỗi người, như Newton từng nói về mình, “đứng được trên vai người khổng lồ” của tri thức nhân loại. Nếu như trong xã hội trước kia, thư viện là nơi chỉ nhằm lưu giữ sách[6], hoặc để tra cứu thì ngày nay nó còn đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều. Không gian thư viện công cộng có giá trị “nhân bản” trong điều kiện không gian số đang mở rộng đến vô cùng. Đó là vì nó tạo ra một không gian giao tiếp có thực giữa người với người thay cho những mã hóa trên bàn phím và màn hình với avatar của người đối thoại. Một hình ảnh qua webcam trong đối thoại hay là qua teleconference trong hội thảo dù thật đến thế nào đi nữa thì vẫn cứ là một avatar cho một cá thể trong không gian ảo. Chỉ có những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt mới làm cho sự sống trở nên thêm phần sinh sắc.
Việc bàn đến thực tế thư viện ở xã hội ta ngày nay không thuộc phạm vi của bài viết này. Nó đòi hỏi một dự án điều tra thực tế chứ không chỉ là những bài nói chung chung, những phân tích của những chuyên gia thực sự chứ không chỉ là một bản báo cáo tùy hứng. Vì thế chúng tôi cũng không thể có tham vọng nêu ra một mô hình cụ thể của việc xây dựng một mô hình xã hội học tập. Mô hình cụ thể ấy tất phải dựa trên tình hình thực tế chứ không thể chỉ là những phác thảo lý thuyết. Chúng tôi chỉ nêu thêm những hình dung cần có về một không gian công cộng như thế. Tính chất “mở” và liên kết là một trong những đặc trưng của loại không gian thông tin công cộng này. Để tạo ra những tính chất đó ở mỗi cá nhân tham gia, bản thân không gian phải có những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho việc đó. Tính chất mở ở đây trước hết thể hiện ở khả năng truy cập nhanh, dễ dàng các thông tin trong thư viện công cộng. Người làm việc trong không gian này không còn tính chất “thủ thư” như trong thư viện truyền thống. Đó là người tổ chức, sắp xếp và quản lý không gian công cộng. Cách tổ chức đó loại bỏ khâu trung gian trong quá trình truy cập thông tin của bất kỳ cá nhân nào. Sự loại bỏ này vừa giảm bớt gánh nặng về nhân sự xét về khâu tổ chức, vừa tạo điều kiện tham khảo và truy cập thông tin một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì người lao động của không gian này đòi hỏi phải có những kỹ năng cần thiết của một người lao động trong không gian thông tin chứ không đơn thuần chỉ là người “trông sách” và “đi lấy sách” của một thủ thư. Mặt khác, một không gian công cộng biệt lập và đơn lẻ không bao giờ có thể làm tốt được những yêu cầu thông tin cho các cá nhân trong xã hội, đặc biệt là ngày nay. Vậy nên yêu cầu về sự liên kết và liên thông giữa các không gian thông tin công cộng là tất yếu. Giống như một mạng liên kết internet, nó cho phép người dùng ở một khu vực có thể và có quyền truy cập thông tin ở những nơi khác. Do thế không gian thông tin công cộng này phải được tổ chức gắn với những cộng đồng nhỏ nhất, rồi được thiết kế về mặt cấu trúc sao cho đáp ứng được mọi yêu cầu của các cá nhân.
Còn có thể có nhiều yêu cầu mang tính kỹ thuật cụ thể cho những không gian thông tin công cộng như thế. Nhưng một điều chắc chắn, nếu muốn xã hội phát triển được và phát triển một cách cân bằng thì cần đầu tư cho những không gian giao tiếp công cộng. Trong những không gian công cộng đầu tiên cần xây dựng có hệ thống, đó chính là các thư viện. Trách nhiệm đó trước khi được cộng đồng đón nhận và chia sẻ, chắc chắn phải thuộc về một thực thể chính trị xã hội cao nhất, đó là Nhà nước.
25.9.2008


[1] Chúng tôi nghĩ tới hai trang web khá nổi tiếng bởi sự phong phú của tài liệu và tính phi lợi nhuận của nó. Đó là trang vnthuquan.net và talawas.org. Các thành viên tham gia được khuyến khích và tạo điều kiện truy cập miễn phí, cung cấp một cách tự nguyện các tài liệu số hóa như một sự chia sẻ cộng đồng. Với những trang web này, đôi khi bạn có thể dễ dàng và nhanh chóng tìm được những tài liệu mà nếu ra thư viện thì cần khá nhiều thời gian. Còn những trang mạng wikipedia miễn phí (một dạng từ điển mở do cộng đồng mạng) xây dựng không chỉ cung cấp thông tin về muôn mặt đời sống (quá khứ cũng như hiện tại, phương đông cũng như phương tây...) mà còn có thể cho phép người đọc nhận được những đường link hữu ích tới những trang thư viện số hóa trên mạng để tìm bất cứ tài liệu văn hóa nào đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Dĩ nhiên người đọc phải tự chịu trách nhiệm trước một thế giới mở chứ không thể đòi hỏi một sự định hướng như trong thế giới đóng như trước nữa.
[2] Cuốn sách đã được Ngân Xuyên dịch sang tiếng Việt ở NXB Tri thức, 2007.
[3] Mới đây thôi, Liên minh châu Âu đã thực hiện dự án mở kho sáng chế của mình, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm khuyến khích sư phát triển kinh tế.
[4] Dẫn theo Phan Đình Diệu, “Phương pháp giải quyết trong giáo dục hiện đại”, Tia sáng 5.9.2008
[5] P.Bourdieu, Les Règles de l’art, Seuil 1998. Nghiên cứu của ông được thực hiện trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho thấy các nghệ sĩ danh tiếng trong tiến trình phát triển của xã hội sở dĩ giành được vị trí của mình ngay từ đương thời chính là nhờ sự chiếm lĩnh kịp thời cái vị trí (position) do các chuyển động trong xã hội để trống (lacune). Thế mà những nghệ sĩ đó giành được vị trí không phải nhờ may mắn mà nhờ chính vào sự lao động bền bỉ và âm thầm của cá nhân họ trước khi thành công, như nhà văn Flaubert là một ví dụ điển hình.
[6] Chữ bibliothêkê trong tiếng Hy Lạp hay書院 trong tiếng Hán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét