Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

ĐỌC VĂN, ẢNH HƯỞNG VÀ ĐỐI THOẠI (bản nháp)


 “Tôi thường nghĩ tới những lý thuyết Bergson khi đọc văn xuôi của Tản Đà, không đọc tới Bergson mà Tản Đà đã đem thực hành những lý thuyết của Bergson khi Tản Đà viết văn xuôi”[1]
Mở đầu cho tập “Giấc mộng con” của Tản Đà khi tái bản những năm ba mươi, Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng đã nhận xét như vậy. Lời mở đầu này dường như có vẻ vô lý: Tản Đà không đọc H. Bergson mà lại thực hành H. Bergson; Bergson ở tận trời tây, còn Tản Đà không biết tiếng Pháp và mới ngấp nghé ở tính hiện đại thực thụ của văn chương Việt Nam. Một câu hỏi có thể bật ra: Sao Nguyễn Tiến Lãng ở đây không nhắc đến những Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh hay Viên Mai, Mộng Liên đường chủ nhân…  những cột mốc có trước Tản Đà trên tiến trình văn học Việt Nam. Thế mà cái vô lý đó mà hàng ngày hàng giờ bất cứ bạn đọc nào, nhà nghiên cứu nào cũng “mắc phải” khi đọc một văn bản bất kỳ. Cũng tương tự như thế, sẽ là có lý khi nghiên cứu Ciceron thì phải nhắc đến lý thuyết tu từ học cổ đại, nghiên cứu Boileau thì phải biết Horace, đọc Hồng lâu mộng phải có ý niệm về thơ Đường phú Tống; nhưng có vô lý không giờ đây khi thực hiện một nghiên cứu Cervantes, Balzac, Dostoievski hay xa hơn là Racine, Léona da Vinci… chắc không ai có thể bỏ qua những nghiên cứu phân tâm học. Về mặt lịch đại và logic, đương nhiên những tên tuổi vừa nêu trên không thể biết đến Sigmund Freud, kẻ vào đầu thế kỷ XX đã mổ xẻ tâm tính tinh thần của tiền nhân từ góc độ libido mà những Tzara, Dali, Bergson, Aragon… sẽ dùng như một cái cớ để phô bày có ý thức trong các sáng tác của mình cái phần vô thức.

Văn bn: đa nghĩa hay đc đa chiều

1.                  Tiến trình mới nới cũ như thế luôn diễn ra trong lịch sử nói chung và lịch sử văn học nói riêng, nhưng ý thức về sự vận động này trong văn học chỉ thực sự xuất hiện vào thế kỷ vừa rồi khi có sự tan vỡ của ảo tưởng vào “chân lý duy nhất” trong các xu hướng triết học phương Tây, trong đó có diễn giải học. Gadamer đề nghị thay đổi trình tự của diễn giải học (cắt nghĩa, hiểu và nói lại). Trước kia, các văn bản kinh điển đều hàm ý một chân lý cần được khải mặc thông qua hành vi đọc và diễn giải giống như hành vi đọc và giải nghĩa kinh sách. Tác giả, đương nhiên giữ vị trí tối cao và “định nói điều gì đó”, đòi hỏi người đọc phải tìm kiếm bí mật đó thông qua hành vi đọc. Bí mật bất biến đó được mã hóa trong văn bản. Trong phạm vi văn chương diễn giải học, Sponzi, Jauss vì thế nhắc đến việc cần phải từ bỏ quan niệm về một tác phẩm “đa nghĩa”, và thay thế bằng một tác phẩm “nhiều cách đọc”, “đọc đa chiều”. Hãy trích lại lời của Szondi : « việc hiểu lịch sử thì nhắc tới nội dung, việc hiểu cú pháp nhắc tới hình thức, ngôn từ và biểu hiện, còn việc hiểu tinh thần gắn với trạng thái tinh thần nhà văn và tinh hoa thời đại »[2]. Nói cách khác, giả thuyết về cách đọc đa chiều (lecture multiple) cho phép “hiểu lịch sử cắt nghĩa một văn bản như một sự dàn xếp liên tục các giới hạn của quá khứ với hiện tại”[3]. Nói tới đây, không thể không nhắc đến Schleimacher như là người đầu tiên tách bạch giữa cách thức diễn giải và nội dung diễn giải: « Bằng việc đặt diễn giải không phải dựa trên khái niệm về ý nghĩa cách viết mà dựa trên khái niệm về thấu hiểu, Schleimacher đã cung cấp khả năng phân biệt các cách thức cắt nghĩa mà chúng không hề giả định trước một sự đa trị trong chính các văn bản được cắt nghĩa”[4]. Đặc biệt, khi nói tới những chân trời đa dạng cho việc đọc, Jauss nhấn mạnh : « Việc cảm nhận thẩm mỹ không phải là một mã phổ quát, có giá trị vĩnh viễn ; giống như mọi kinh nghiệm thẩm mỹ, nó gắn với kinh nghiệm lịch sử. Chính vì thế, tính chất thẩm mỹ các văn bản thi pháp trong truyền thống phương Tây đối với các nền văn hóa khác chỉ có một giá trị suy lý »[5].
Chân trời đa dạng này cũng là một hệ quả của việc thừa nhận tính giới hạn của chân lý chủ quan do bất kỳ ai nêu ra, cả trong sáng tác lẫn tiếp nhận. Iser nhấn mạnh rất nhiều lần trong nghiên cứu nổi tiếng của mình về “hiệu quả đọc” tính chất riêng phần của khả năng hiểu biết, nhận thức trong hành vi đọc. Do thế, lý thuyết của ông – theo chính lời Iser – cũng chỉ là một lý thuyết riêng phần về hành vi đọc. Tương tự như vậy, Jauss nhắc ngay trong phần hậu bạt cho bài viết phân tích các giới hạn tiếp nhận của hai bi kịch nổi tiếng cùng tên của Racine và Goethe rằng, “mỹ học tiếp nhận là một phương pháp riêng phần”. Hẳn nhiên lời cảnh báo này được nêu ra trong làn sóng hâm mộ có vẻ như là quá mức, nhưng điều đó còn có ý nghĩa cho thấy một ý thức từ chối chân lý độc quyền trong việc đọc và diễn giải văn chương và lý thuyết. “Tính chất riêng phần của việc tiếp nhận trong quan hệ với việc sáng tạo và với việc thể hiện quả là tương ứng với tính chất riêng phần của lịch sử nghệ thuật trong quan hệ với lịch sử nói chung”[6]. Ông nhấn mạnh rằng giờ đây “mỹ học tiếp nhận suy ra tính chất riêng phần của mình từ ý thức rằng không thể hiểu tác phẩm trong cấu trúc của nó và nghệ thuật trong lịch sử của nó như những thực thể, những thứ có mục đích trong chính nó”[7].
Khi không còn hiểu tác phẩm trong quan niệm về sự đa nghĩa, tất yếu dẫn tới yêu cầu về quan hệ giữa các hệ thống ý nghĩa được tạo dựng, và giữa hệ thống ý nghĩa với chủ thể hành vi đọc. Đó là quan hệ đối thoại. Tính chất đối thoại của văn bản cũng là một trong những tiền đề mà Jauss xuất phát để xây dựng mỹ học tiếp nhận của mình. Vì theo ông, văn học không phải là vật tự nó, tồn tại bất biến và vĩnh hằng. Quan niệm này của Jauss nhắc lại quan niệm của nhà sử học Cloingwood rằng lịch sử thực chất chỉ là việc tái tạo lại quá khứ trong và qua tư tưởng của nhà sử học. Nói cách khác, ông đề nghị rời bỏ quan niệm thực chứng về tính khách quan lịch sử của tác phẩm văn học như một dữ liệu vô hồn mà phải xem xét nó trong quan hệ với chủ thể tiếp nhận nó. Một tác phẩm văn học chỉ trở thành sự kiện văn học khi nó được đọc và được đặt trong quan hệ với tác phẩm đã được đọc trước đó: “Tác phẩm Perceval chỉ trở thành tác phẩm văn chương với độc giả, người đọc tác phẩm cuối cùng của Chretien khi nhớ lại những tác phẩm trước đó, người thấy được sự đặc sắc của nó khi so sánh với chúng, với những tác phẩm khác mà mình đã biết, và như thế anh ta có được những tiêu chí mới được dùng để xem xét những tác phẩm sau đó”[8].
2.                  Như vậy, ý nghĩa tác phẩm giờ đây không nằm ở tác giả, cũng không ở tác phẩm mà ở quá trình đọc của độc giả trong một hoàn cảnh nhất định. Lần lượt các giả thuyết ngữ dụng học của Austin và Searl khẳng định điều mà Bakhtine trình bày dưới góc độ xã hội học ngôn ngữ của triết học Marx cách đó gần bốn mươi năm. Chính khung cảnh xã hội và chủ thể hành vi đọc quyết định ý nghĩa.
Thái độ “đọc mới” có ý thức này là một thực tiễn và không hiếm ngay cả trong văn học Việt Nam hiện đại khi hàng loạt xu hướng triết học và mỹ học xâm nhập. Chúng ta đã từng thấy Truyện Kiều ở Việt Nam được đọc như thế nào theo cách hiện sinh, theo chủ nghĩa Marx, theo phân tâm học… Dù thế nào đi nữa, những cách đọc mới đã mang đến những ý nghĩa mới. Chúng một mặt phá vỡ những lề thói cũ, chuẩn mực cũ, quy ước cũ, những thứ đã thành quen thuộc và sáo mòn; mặt khác những ý nghĩa mới đến lượt mình kích thích những nhu cầu sáng tạo mới và đặt ra những chuẩn mới, quy ước mới cho văn học. “Lịch sử văn học thực chất là lịch sử các cách diễn giải văn chương”. Eco trên tinh thần ký hiệu học khi nói tới tác phẩm mở và hình ảnh người đọc cũng cho rằng “một văn bản, một cách rõ ràng hơn các thông điệp khác, đòi hỏi các động thái chủ động và có ý thức từ phía độc giả”[9]. Văn bản do vậy là một tấm vải có khoảng trống và thiếu cần được bổ khuyết. Ý thức đó củng cố niềm tin rằng chân lý giờ đây không nằm ở kẻ ban phát mà nằm ở đối tượng. Thế mà đối tượng lại chỉ tồn tại khi nằm trong sự quan sát của chủ thể. Nói cách khác, trong diễn giải văn chương chính chủ thể đọc là người quyết định ý nghĩa của tác phẩm[10]. Chính anh ta nắm giữ “chân lý”. Vậy nên, “để người đọc xuất hiện và phát triển thì tác giả phải biến mất”. Thay cho một người đọc, tức là kẻ sẽ diễn giải cho tất cả những người khác, giờ đây ta có muôn vàn người đọc trong muôn hình vạn trạng tình huống đọc. Mỗi tình huống đọc xác nhận một cách đọc dành cho một chủ thể riêng biệt, cụ thể. Chân lý dường như nằm ở khắp nơi. Ai cũng có quyền nắm giữ chân lý.
Từ đó, nỗ lực của Jauss cũng như các đại diện của xu hướng diễn giải học nửa sau thế kỷ XX là xây dựng một ngành diễn giải văn chương tự chủ, tách khỏi diễn giải thần học và pháp lý, tuân theo những đặc thù văn chương. Xu hướng đó trong chừng mực nhất định trùng hợp với cố gắng của các nhà cấu trúc luận và ký hiệu học đương thời trong việc thu hẹp vòng nghiên cứu để đào sâu vào đối tượng, cố gắng khách quan hóa khoa học bằng việc khẳng định sự chủ quan không tránh được của hành vi đọc.

Tính liên văn bn trong hành vi đc

1.                  Nền cộng hòa văn chương luôn có nguy cơ pha tạp vì nhiều thành phần khác nhau trong con mắt của chủ nghĩa hình thức, và hậu thân là chủ nghĩa cấu trúc, rồi của ký hiệu học. Người ta gặp ở đó tác giả và độc giả như một thành phần xã hội, còn tác phẩm như một thành phần văn bản. Bởi sức mạnh của thói quen tư duy, người ta nhìn thấy tính quyết định của yếu tố tồn tại lên yếu tố tinh thần, vốn luôn được coi như quy chiếu trở lại thực tại. Cái bóng uy quyền và uy tín của tác giả - đại diện cho thực tại – bao trùm lên văn bản và tạo ra một thứ đồ hình mới dường như và có thể làm thay đổi kết cấu, ý nghĩa và sự vận hành của văn bản, của nền cộng hòa văn chương. Cái chết của tác giả là một câu nói nổi tiếng của Barthes mà tất cả những nhà ký hiệu học tiền phong những năm sáu mươi thế kỷ trước đều thống nhất bỏ phiếu ủng hộ. Đó là sự từ chối quyết liệt nhất ở thời điểm đỉnh cao của xu hướng nghiên cứu mới chú tâm đến văn bản nhằm tìm đến một sự thống nhất về logic hình thức. Thực vậy, hình tượng tác giả, do sức quy chiếu và ám ảnh mạnh mẽ của nó, luôn bắt người ta nghĩ đến các nội dung xã hội, các yếu tố mang tính xã hội. Nhưng để từ chối được nó một cách thuyết phục, không thể chỉ bằng một sự phủ định mà cần đến một logic nội tại của đối tượng. Người ta b hoa mt và không biết cn phi ly văn bn làm chun hay tác gi làm chun. S d cht vn thông thường là đng lc cho s phát trin các h thng có thể tr thành lc cn làm ri lon quá trình tư duy. Mc dù có nhiu cách cu vãn nn cng hòa này t góc đ xã hi hc vn đến khá mun (Bourdieu, Casanova), ký hiu hc đã đ xut mt khái nim bn l làm bước ngot tư duy phê bình văn chương theo hướng hình thức luận vào những năm sáu mươi: tính liên văn bn[11]. Khái nim “tính liên văn bn” – intertextualité được Kristeva gii thiu ln đu trong bài báo “Le mot, le dialogue, le roman” (1967) trên tp chí Tel Quel ca P. Sollers và được phát trin trong cun sách ca mình, Semiotike (1969): “mọi văn bản được xây dựng như sự lắp ráp các trích dẫn, mọi văn bản là sự hấp thụ và biến đổi một văn bản khác”[12]. R.Barthes trích dn nguyên văn đnh nghĩa này trong mc t Texte (Văn bn) ca Enclopeadia Universalis (1973) như mt s khng đnh ý nghĩa và v trí ca nó trong lch s nghiên cu văn chương: “Như vậy khái niệm tính đối thoại (dialogisme) của Bakhtine chỉ lối viết vừa như tính chủ quan vừa như tính giao tiếp, hoặc đúng hơn là tính liên văn bản; đứng trước xu hướng đối thoại này, khái niệm con người-chủ thể của việc viết bắt đầu mờ dần nhường chỗ cho khái niệm khác, khái niệm về sự lưỡng trị của lối viết[13].
Tính liên văn bản của Kristeva đã giúp các nhà nghiên cứu phê bình đương thời vượt qua được mâu thuẫn nói trên. Trước tiên, ý tưởng này cho rằng các văn bản giao tiếp với nhau, và do vậy văn học có thể được đọc như một tổng thể các quan hệ. Sự xuất hiện của ý nghĩ về tính cá nhân tác quyền sẽ gây khó khăn cho cách đọc đó: từ ngữ, các văn bản văn chương không thuộc riêng về một chủ thể nào cả với những đặc thù của anh ta, mà chung cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể đọc theo cách riêng của mình. Mọi văn bản có thể được lặp lại, không giới hạn ở cái thực sự đã được tác giả viết mà còn tiếp tục được được viết, qua trích dẫn hay được viết lại. Thứ hai là khái niệm tính liên văn bản để ngầm trả lời câu hỏi: ai là kẻ tạo nên văn bản nếu tác giả đã chết? Chính văn bản tạo nên sự liên kết văn bản và mang lại ý nghĩa cho sự kết hợp này. Barthes gọi là tính năng sản của văn bản (productivité du texte). Tính liên văn bản cho phép minh họa một cách hiệu quả nhất tính năng sản này, vì không dễ hình dung rằng văn bản tự mình hoạt động. Nhưng có thể dễ dàng có hai ý niệm sau: một văn bản là một sự biến hình của một văn bản khác và theo nghĩa này thì nó tác động lên chính nó, làm việc với nó; tiếp đó nó thể hiện một nguồn riêng của mình, hay có thể nói là nó tạo ra nguồn cho riêng mình. Tính liên văn bản do đó được dùng để nhấn mạnh lên hoạt động của văn bản, tức là sẽ bỏ qua hoạt động của tác giả: “văn bản phân bố lại ngôn ngữ” (Barthes), “văn bản lựa chọn và xây nên gốc gác cho mình” (Ricoeur), “viết là việc viết lại” (Compagnon). Vắn tắt mà nói tính liên văn bản cho phép nhắc đến văn bản văn chương mà không phải quy chiếu ra thế giới thực tại – điều ám ảnh cấu trúc luận những năm sáu mươi vốn hình thành và phát triển trên cơ sở các quan điểm của hình thức Nga muốn quy chiếu vào chính hệ thống của mình - cách thức có nguy cơ hủy diệt chính cấu trúc luận do tính khép kín của đối tượng đứng trước tính mở của thế giới. Khái niệm ký hiệu học này ngay từ ban đầu có tham vọng làm cho mọi thứ, mọi yếu tố trong thế giới văn bản trở nên tương thích theo một chuẩn giao tiếp.
Tính liên văn bản xác định người viết và người đọc ở hai khái niệm mà ngữ dụng học nhấn mạnh và tự sự học khai triển: người phát và người nhận, chủ thể và đối thể như là các “chiến lược giao tiếp văn bản”[14], là những bậc giao tiếp tự sự học. Trừu tượng hóa theo hướng phi nhân như vậy đã làm cho việc nghiên cứu trở nên khách quan và nhất là tạo nên sự tương thích cho mọi yếu tố trong nền cộng hòa văn chương. Tính liên văn bản trở thành cảm hứng và động lực cho nhiều xu hướng nghiên cứu khác nhau trong đó có ký hiệu học diễn giải. Khi phát triển trong xu hướng này, tính liên văn bản khắc phục được những khái niệm chỉ mang tính định nghĩa và thiếu khả năng thao tác. Nó nhằm tiếp tục định nghĩa văn học như là việc phân tích các thủ pháp văn chương. Dựa trên nguyên tắc đối thoại và tương tác giữa các văn bản, tính liên văn bản chỉ ra tiến trình cần đi theo chứ không chỉ là định nghĩa. Các thủ pháp được miêu tả như là cách thức nhờ đó một văn bản B đồng hóa một hay nhiều văn bản A. Cách nhìn nhận đó cho phép coi cả những thủ pháp như cắt dán, giễu nhại không chỉ là một biện pháp tu từ mà còn như biểu hiện của một cách nhìn nhận về thế giới của văn bản được nói đến. Tính liên văn bản thế là, theo tinh thần của C. Bernard, hướng tới câu hỏi “như thế nào” và “ra làm sao” trong quá trình tạo sinh của các văn bản chứ không chỉ là “tại sao”. Nghiên cứu liên văn bản của Kristeva, kế tiếp cấu trúc luận, như vậy không từ chối nghiên cứu ảnh hưởng nhưng nó đề nghị thay đổi cách nhìn. Nó không còn nhìn ảnh hưởng như  một cách để lý giải hay để hiểu văn bản để trả lời câu hỏi “vì sao”. Do thế nó nói đến "ảo tưởng về nguồn gốc" khi nghiên cứu ảnh hưởng vì thấy ảnh hưởng như một chiều kích suy nhất của văn bản, ở đây là chiều kích thời gian. Vì nếu người ta cần đến nguồn để hiểu được văn bản thì làm sao có thể hiểu được chính nguồn từ chính nó. Việc hiểu văn bản được thực hiện dựa trên sự chuyển động như con thoi giữa văn bản và nguồn.
Khi khái niệm liên văn bản đặt trên nền diễn giải học đương đại, nó tái khẳng định tính chất “cắt nghĩa đa chiều” (multiple interprétation) và phủ nhận sự “đa nghĩa” (polysémie) của không gian văn bản[15]. Bởi vì sự đa nghĩa hàm chứa vai trò của tác giả ẩn mình đằng sau không gian và từ chối vai trò chủ động của người đọc. Trong khi đó “cắt nghĩa đa chiều” lại đặt trách nhiệm lên vai của người đọc – kẻ di chuyển trong không gian văn bản hiện thời. Thực tế là vào những năm 60, các nhà phê bình đều có chung ý định cần phải từ bỏ một số phạm trù chính thống đã trở nên thiếu khả năng thích ứng cho việc nghiên cứu văn chương: đề tài, sự thật, ý nghĩa… Việc rèn tạo khái niệm của Kristeva được thực hiện theo ba cách thức: thứ nhất là nguyên lý đối thoại được rèn cặp với các lý thuyết khác mà Kristeva vay mượn để nó thích ứng tốt hơn với các khái niệm của nhóm Tel Quel. Chẳng hạn bà mượn lại khái niệm biến hình transformation trong phân tích biến hình của Chomsky (ngữ pháp tạo sinh) để hình dung văn bản được tạo ra theo một tiến trình chứ không phải như một cái bình đựng ý nghĩa. Từ các phân tích của Saussure về việc biến đổi phi ngữ pháp anagramme bà giữ lại ý tưởng rằng văn bản mang trong mình rải rác các thành phần của từ khác, văn bản khác để tạo nên một ý nghĩa khác. Điểm đặc biệt của hiện tượng anagramme mà Saussure nhắc đến chính là việc nó tự hoạt động nên chỉ quy chiếu đến không gian văn bản, hoặc cực đoan hơn là chỉ vào chính nó. Chính vì thế Kristeva cho rằng nó rất gần với thơ (nói như Phan Ngọc thì thơ là hình thức ngôn ngữ quái đản). Phương thức thứ hai, nguyên lý đối thoại cho thấy ưu thế có một khái niệm rất rộng cho phép không phải là miêu tả một hiện tượng đặc biệt mà là đưa ra một định nghĩa mới về văn học, về đối tượng của văn bản văn học (cái quy chiếu) cũng như cách thức giao tiếp của nó. Nhờ khái niệm tính liên văn bản, có thể bảo vệ hay đào sâu định nghĩa về văn học như là hệ thống khép kín, vì ở ngoài văn bản đáng nói đến, mà ta đọc vẫn là văn bản khác lớn hơn. Khung cảnh xã hội và lịch sử được đặt trên cùng một bình diện như có thể nhắc đến khung cảnh văn học (tức là những cuốn sách khác) và chính đối thể (destinataire) được tích hợp vào trong văn bản, Nói chung, nhờ vào nguyên lý đối thoại của Bakhtine, nhà ký hiêu học giờ đây thấy rằng một văn bản chỉ còn đối thoại với những văn bản khác, dù đó là những văn bản văn học theo nghĩa đen hay văn bản theo nghĩa ẩn dụ rộng hơn. Cách thức thứ ba là việc dẫn nhập của tính liên văn bản được định hướng rõ ràng trong văn bản hướng tới câu hỏi về ý nghĩa và việc diễn giải, Đó là việc xem xét văn bản không phải như một cái kho chứa ý nghĩa cố định mà như một địa điểm tương tác phức tạp giữa các văn bản khác nhau. Chính từ sự tương tác này mà sinh ra ý nghĩa, không cố định, nhất thành bất biến, tùy theo người diễn giải. Sự mơ hồ ngữ nghĩa được thể hiện trong văn bản thông qua các khái niệm cũng mơ hồ. Công việc ngữ nghĩa học do vậy không phải là thiết lập một ý nghĩa rốt ráo mà là miêu tả những sự mơ hồ này trong ngay chính văn bản. Sự thích ứng của nguyên lý đối thoại đi kèm với sự dẫn nhập của một lối thể hiện mới của văn học. Như vậy có thể hình dung kích thước văn bản có ba chiều như một vật thể: chủ thể của văn bản, đối thể và thực tế. Khi đó cái thực tế không còn là một lý do dị chất mà có cùng bản chất như văn bản, là một chiều kích đơn giản của văn bản và tham gia vào kết cấu văn bản. Hình dung không gian văn bản theo ba chiều, ta đi từ lịch đại (tức là phê bình nguồn và khái niệm ảnh hưởng) tới đồng đại. Vậy tìm kiếm ý nghĩa văn bản không còn có nghĩa là đi ngược lên thượng nguồn (theo chiều lịch đại), mà là vượt qua không gian được làm nên từ các văn bản tham gia vào văn bản được quan tâm. Sự đứt đoạn thật sự ở đây không phải là trong việc nêu ra khái niệm mới mà là trong cách thức mới để thể hiện văn học.
Vậy nên thật khó mà khẳng định liên văn bản có nhằm loại trừ hoàn toàn tác giả hay việc quy chiếu ra thực tại. Đối với nhà nghiên cứu liên văn bản, không phải là việc khẳng định khơi khơi rằng văn bản chẳng thuộc về ai và không chấp nhận thực tại mà là không đồng ý với việc diễn giải hoàn toàn dựa trên tác giả hay thế giới bên ngoài – vì chúng hoàn toàn dị chất với văn bản – để từ đó quay trở lại giải thích văn bản. Vì chủ thể không còn là kẻ nắm giữ ý nghĩa cho phát ngôn của mình nữa: ý nghĩa lưu chuyển từ văn bản này tới văn bản khác, nó không còn là cái mà tác giả của văn bản thứ cấp muốn nói, nó là kết quả của một sự tương tác giữa các văn bản. Khái niệm tính liên văn bản do vậy không phải có chức năng duy nhất là tạo ra sự khép kín của văn bản, nó cũng không chỉ nhằm để khẳng định sự biến mất của các khái niệm tác giả hay việc quy chiếu văn chương. Nó giả thiết một sự dịch chuyển trong chính quan niệm về sự diễn giải văn học: từ bỏ diễn giải văn bản theo những nguyên nhân bên ngoài, theo một trục logic-thời gian mà phải đi theo hệ thống mà nó tồn tại; tính chất tuyến tính bị phá vỡ và nhường chỗ cho tính đa hướng. Tính liên văn bản không phải là cách thức đơn giản gắn với tính nội tại của văn bản, nó là một cách thức mới để xây dựng ý nghĩa, một cách diễn giải mới, bỏ qua yếu tố thời gian.
Thực ra quan niệm này in rõ dấu vết của chủ nghĩa hình thức khi xem xét tiến trình lịch đại của lịch sử văn học không còn coi nó như truyền thống mà như là sự vận động văn chương của các hệ thống với những xung đột trong chính văn học. Chính văn học dưới góc nhìn lịch đại trở thành một quá trình tự sáng tạo biện chứng các hình thức văn chương (Eikhenbum). Chủ nghĩa hình thức như vậy cho rằng tính đồng đại cũng là một ảo tưởng vì “mọi hệ thống đều nhất thiết được thể hiện như sự vận động, và mặt khác, sự vận động cần thiết cho thấy các tính chất của hệ thống” (Tynianov và Jakobson). Chính Tynianov trong bài báo nổi tiếng của mình về sự vận động văn chương cũng nghi ngờ khái niệm “ảnh hưởng” vì sự mơ hồ của nó trong việc khoanh định hệ thống.
2.                  Như vậy điều vô lý và hữu lý nêu trên của Nguyễn Tiến Lãng thực ra chỉ là hai mặt của một vấn đề, và bị che lấp bằng một thói quen thông thường và tự phát của chúng ta trong quá trình đọc: quên đi yếu tố lịch đại. Việc quên đi này đã biến trục lịch đại trở thành trục đồng đại và từ đó xây dựng nên một không gian đặc thù trong suy tưởng. Đó là sự trở đi trở lại trong kho tri thức nhằm thu xếp những gì phù hợp và cần thiết, từ đó tái tạo nên những điều mới mẻ. Đó là sự dàn xếp giữa cái cũ và cái mới, sự sáng tạo và chuẩn mực. Quá trình thu xếp và tái tạo này, trong một góc nhìn hẹp, thoát khỏi sự chi phối của yếu tố bên ngoài, chỉ còn gắn với những gì nằm trong cái kho chứa mà chúng ta đang nói đến. Người dùng có toàn quyền với những thứ đó để tạo nên một sản phẩm có thể chấp nhận được. Nếu vượt khỏi sự sao chép đơn thuần, nghĩa là lắp ghép các yếu tố một cách hữu lý để sản phẩm này hoạt động, có thể coi đó là một sự sáng tạo, một kiến thức mới. Đến lượt mình, sản phẩm này sẽ trở thành nguyên liệu cho một hoạt động tái tạo khác. Như vậy, liệu có thể nói rằng sản phẩm này “chịu ảnh hưởng” của một cái đã có trước, hay thậm chí một cách cực đoan nói rằng nó chỉ ra đời nhờ ảnh hưởng ? Nói như vậy thì cũng có thể lập luận tương tự rằng con sư tử “chịu ảnh hưởng” của con cừu, vì nhờ có thịt cừu mà sư tử có thịt da của mình. Thế mà ai cũng nói sư tử là chúa sơn lâm.
Lập luận cuối cùng mà chúng tôi nhắc đến thực ra là vay mượn, “chịu ảnh hưởng” từ P. Valéry. Bởi vì việc đọc không diễn ra dưới cái nhìn nghiêm khắc của sự “ảnh hưởng” vốn luôn mang hàm nghĩa một sự phân bậc đối xử về mặt giá trị. Ảnh hưởng giờ đây không còn chỉ gắn với yếu tố thời gian mà mang ý nhân quả, cái này suy ra cái kia. Thế mà bản thân thái độ đọc thực ra đã bao hàm một sự phủ nhận với cái được đọc. Nhờ sự phủ nhận đối tượng, việc đọc sẽ “tiêu hóa” cái được đọc ở chủ thể để biến thành cái của mình. Thịt cừu đã thành thịt sư tử. Nếu không làm được điều này, sẽ có sản phẩm thừa của những con chó sói ở thảo nguyên khi phải ăn vội con mồi. Vậy “ảnh hưởng” giờ đây sẽ được hiểu theo nghĩa của sự gia thêm vào, sự kích thích, sự bổ sung vào (cái mới, tiêu chí thẩm mỹ mới, cái nhìn mới, cách thể hiện mới…) những cái đã có (chuẩn mực hiện hành, văn cảnh, thị hiếu thẩm mỹ…) để tạo nên kinh nghiệm thẩm mỹ. Đó trước hết là một cuộc đối thoại của chủ thể viết, hoặc nói cách khác là cuộc đối thoại giữa chính các văn bản tham gia xây dựng một văn bản mới.
Đây không còn là một sự phân bậc mà là sự đối thoại, sự giao tiếp, sự tương nhượng giữa những gì đã có, thành chuẩn mực và những gì mới đến và có thể lệch chuẩn. Nhờ tính đối thoại này, yếu tố mới đến dù có ưu thế đến đâu đi nữa cũng phải hòa hợp với những gì đã có sẵn để tạo nên sản phẩm. Thiếu đi tính đối thoại, việc kiến tạo sản phẩm mới sẽ thất bại. Trong trường hợp chúng tôi đề cập ở đây, một trong những hệ quả quan trọng là việc từ bỏ khái niệm ảnh hưởng trong nghiên cứu. Nếu như trước kia, bởi quan niệm về tính nhân quả mang ý nghĩa giá trị phân bậc nên chỉ có một chiều hướng không gian duy nhất mà người đọc buộc phải theo; thì giờ đây người đọc có quyền đi theo lựa chọn không gian cho riêng mình. Như vậy, bằng việc di chuyển một cách tự do trong các không gian nơi có sự gắn kết với không gian nội tại của bản thân đối tượng nghiên cứu, người đọc lần đầu tiên có khả năng tự tạo cho mình một không gian mới. Khái niệm tính liên văn bản tạo nên một sự đứt đoạn thực sự với các khái niệm như nguồn hay ảnh hưởng vẫn được sử dụng trong nghiên cứu văn chương ở mối quan hệ giữa các tác phẩm hay các tác giả. Trong nghiên cứu liên văn bản, gốc gác cũng như đoạn đường đi của văn bản không được coi trọng, cái chính yếu là sự xuất hiện của một văn bản trong một văn bản khác. Việc từ chối cả nguồn gốc cũng như ảnh hưởng của văn bản này lên văn bản kia gắn với một giả định về việc tạo thành các văn bản luôn dựa trên một văn bản nào đó. Do vậy nghiên cứu liên văn bản vừa có chức năng miêu tả, vừa có chức năng định nghĩa. Tức là nó nhằm nhận diện các thủ pháp được sử dụng để diễn đạt trong văn chương: nghiên cứu điều mà văn bản tạo nên từ các văn bản khác, nó đã hấp thu, phân bố và biến đổi chúng ra sao chứ không phải căn cứ vào đâu để giải thích các văn bản đi trước, để xác định niên đại văn bản nào đó; nghiên cứu Baudelaire chẳng hạn đã hấp thụ cái gì từ Kinh Thánh chứ không phải Kinh Thánh giải thích ra sao cho Baudelaire. Đó chính là thi pháp của tính liên văn bản. Người ta miêu tả cách thức mà văn bản B hấp thu một hay nhiều văn bản A. Liên văn bản như vậy cho phép đọc một cách chủ động tác phẩm, không phụ thuộc nguồn, từ bỏ quan niệm “ảnh hưởng”.
“Viết về Montaigne, đó không phải là bàn tán về Montaigne, mà là trò chuyện với Montaigne. Đó là để cho Montaigne trò chuyện với biết bao người đã kế tiếp ông, mà ông không biết, và họ là những kẻ đối thoại nơi Thiên đường của tương lai”[16]. Hiển nhiên khi Thibaudet (giống như Nguyễn Tiến Lãng) viết thế, từ những năm ba mươi, ông cũng không định nêu ra khái niệm liên văn bản. Nhưng hình như ông cũng cho rằng cái ra sao quan trọng hơn, và khó nhận diện hơn cái vì sao. Quá trình đọc và nghiên cứu vậy là không còn chỉ là để trả lời câu hỏi cái gì và tại sao theo cách lập luận logic thông thường: câu trả lời vì sao là một cách mở rộng phạm vi quan sát, cả về không gian và thời gian (theo chiều tuyến tính). Câu hỏi quan trọng nhất hẳn phải là “như thế nào” trước quá trình xung đột, hòa giải, tương nhượng, đối thoại giữa cái mới và cái cũ? Cái mới đã kích thích ra sao cái cũ để tạo nên đối tượng cần được nghiên cứu? Trong mối quan hệ cũ mới thành tạo đó, cái nào đã trở nên có ưu thế và đã diễn ra như thế nào?... Tóm lại, cái mới đã biến dạng ra sao trong khung cảnh mà nó thâm nhập vào. Sản phẩm được tạo ra có thể nói không liên quan gì đến sản phẩm đã có theo ý nghĩa “ảnh hưởng” của sự tác động, mà theo ý nghĩa của sự “vang bóng”. Đó là một sự đan xen, tương tác, và đối thoại. Như vậy, việc từ chối chiều kích lịch đại trong quan hệ giữa các văn bản có ý nghĩa khẳng định sự tồn tại ngang bằng, bình đẳng của sản phẩm mới so với sản phẩm cũ. Quan niệm này từ chối tính nhân quả mang ý nghĩa phân bậc giá trị, mà thừa nhận tính nhân quả theo ý nghĩa tương liên. Liên văn bản cho phép tạo nên sự đối thoại chủ động từ phía người đọc.
3.                  Miêu tả đơn giản trên đây về quá trình sáng tạo dưới góc nhìn liên văn bản cho thấy thực chất lý thuyết này không làm điều gì mới ngoài việc khêu gợi sự chú ý có thức của chúng ta tới một quá trình thường bị bỏ quên trong việc sáng tạo văn bản và đọc văn bản. Tính chất liên văn bản cho phép một sự dịch chuyển tự do trong không gian đọc và xây dựng ý nghĩa theo cách mới, mà người ta có thể gọi là diễn giải văn chương phi thời gian. Nói rằng tính chất liên văn bản là một cách diễn giải không phải có nghĩa là tính liên văn bản là một sự việc mà là kết quả của một quá trình cắt nghĩa, là việc xây dựng nên một người đọc. Bất kỳ văn bản nào cũng giả thiết trước một người đọc có năng lực nhất định, như khi Queneau nhại thơ La Fontaine thì có tiền giả định rằng người đọc biết tác giả này. Tuy thế, đây là sự tính toán khả năng giữa hai cực, hoàn toàn không biết và cần phải biết, để qua đó tác giả gửi gắm các thông tin bổ sung ở phần ngoài lề. Hoàn toàn không thể có việc dự tính được ý nghĩa mà người đọc tạo ra cho mình. Lối viết và việc đọc liên văn bản trở thành công việc diễn giải. Tính liên văn bản diễn giải mang đến một sự đảo ngược phê bình vốn từ trước đến nay vẫn theo đuổi nguyên tắc nhân quả thời gian : cái có trước dĩ nhiên quyết định cái có sau : « một văn bản chứa đựng quá khứ của mình hay không là do nó quyết định chứ không phải bị quyết định ; ngược lại một văn bản chứa đựng tương lai có trong khả năng hành động của nó: dấu vết này là của tương lai chứ không phải quá khứ »[17]. Từ đó, chúng ta có thể nói đến một ảnh hưởng ngược. Việc cắt nghĩa không nhằm đến một ý nghĩa tuyệt đối, duy nhất, cuối cùng mà liên quan đến văn cảnh và cho phép có thể hiểu được một văn bản trong một tình huông nhất định. Tương tự vậy, lối viết liên văn bản cho phép văn bản tồn tại và mang ý nghĩa trong khuôn khổ của một sự dịch chuyển văn cảnh, và chúng ta giả thiết rằng  nó chứng tỏ một ý định trở về từ quá khứ hay từ một văn bản xa lạ. Trong hoàn cảnh này, có thể thấy không phải hoàn cảnh ban đầu quyết định hoàn cảnh sau, mà chính là hoàn cảnh sau cho phép, tạo điều kiện cho sự quay trở lại của hoàn cảnh ban đầu, như trường hợp một lời bình luận về Tản Đà như là trích tiên chẳng hạn cho phép trong văn bản đọc Lý Bạch xuất hiện lại với cách thi tiên. Như vậy lối viết liên văn bản đã góp phần tạo nên ý nghĩa và quy chế của quá khứ ; đặc biệt làm biến đổi nó. Trên phương diện giá trị, tác giả sau khi thương thuyết lại giá trị của văn bản ban đầu, hoặc trao cho nó quy chế văn bản sáng lập, hoặc đơn giản chỉ là sự khởi đầu, hoặc nữa chỉ để làm rõ ý nghĩa tác phẩm hiện tại… La Fontaine và Molière rõ ràng « chịu ảnh hưởng » của các tác giả cổ đại Plaute và Esope, nhưng họ sẽ không được nhắc đến trong lịch sử văn học Pháp nếu như không xuất hiện Moliere và La Fontaine. Trên phương diện ý nghĩa các tác phẩm, “mọi lối viết liên văn bản đều quyết định ngược trở lại ý nghĩa của văn bản trước đó »[18]. Chẳng hạn khi bản dịch Nghìn lẻ một đêm của A. Galland (1704) ra đời lần đầu tiên ở phương Tây bằng tiếng Pháp, những đoạn và chi tiết xa lạ hoặc khó hiểu, thậm chí kỳ quặc sẽ được bỏ đi hoặc thay đổi cho phù hợp với sở thích đương thời, hoặc là biến cái kỳ ảo như là chính thực tại trong hình dung người phương Tây về phương Đông Ả rập. Cách thức này đã tạo nên một cái nhìn (rõ rang có tính định kiến) quy định cách đọc và hiểu câu chuyện về nàng Schéhérazade không chỉ khi đó mà cho mãi về sau. Sự xuất hiện những bản dịch truyện chương hồi – đặc biệt là Tam Quốc diễn nghĩa – mang lại hình ảnh khác về văn hóa Trung Hoa phong kiến, tập truyện của Nguyễn Tuân “áp đặt” cho người đọc một cái nhìn khácvang bóngvề thời trung đại so với cái nhìn của Tự lực văn đoàn… Nói như Barthes trong khi viết về kịch Brecht thì “nghệ thuật sân khấu không phải để thể hiện thế giới mà là để gán ý nghĩa cho nó”[19]. Trên phương diện đặc tính, văn bản xuất hiện sau sẽ nhấn mạnh một vài chi tiết và bỏ qua các chi tiết khác, nó “phân bố lại” văn bản đầu. Vậy là có thể nói đến dấu vết tương lai của văn bản : “mỗi văn bản chứa đựng trong nó dấu vết, trong mọi trường hợp là khả năng cho số phận liên văn bản của mình và tạo nên một cách cắt nghĩa tiền định về số phận liên văn bản của mình […] Khái niệm văn bản khả thể thu hút kết cấu văn chương – tác giả rời bỏ những điều có thể và khai quật các văn bản khả thể trong những văn bản có trước – vì chính lúc đọc và bình luận một văn bản thì người ta phát hiện ra những điều khả thể mà nó bộc lộ và qua đó mời gọi lối viết […] Chỉ khi đó trong tương lai của một văn bản thì người ta có thể hiểu ngọn nguồn sáng tạo : trong lối viết hậu thế được một tác giả khác viết, anh ta diễn giải bằng cách viết lại, được một người diễn giải khởi thảo việc viết lại thì người ta có thể hiểu được điều đó với cái giá nào của sự phóng túng thì nó được tạo ra. Vì mỗi văn bản văn chương chứa đựng một cách ít hay nhiều mạnh mẽ các tác giả khác để được phát triển[20]. Đọc liên văn bản là cách xây dựng kinh nghiệm từ thời gian đảo ngược, tức là trở thành độc giả « phi thời » (uchronique) theo cách gọi của T.Samoyault. Đó là lối phê bình không gian được giải phóng khỏi sự đòi hỏi của tuyến tính. Chặng đường giữa các cuốn sách là một kết cấu chứ không chỉ là một sự kiện lịch sử. Tóm lại phê bình không gian có thể nhân lên các tuyến đường di chuyển như một tác phẩm mới. Bằng việc tạo ra các quan hệ mới, nó cho phép tạo ra các ý nghĩa mới, và cả những bối cảnh mới cho việc viết và đọc, những khả năng còn khuất lấp cần được khai mở.
Bằng quan niệm về sự bình đẳng chân lý đọc, người ta bước vào nền cộng hòa văn chương. Nền cộng hòa văn chương này là một không gian – nếu muốn mượn đến cách nói hình ảnh cho dễ hình dung – mà ở đó những người tham gia có thể tự do di chuyển theo nhiều hướng. Bằng việc đưa các chiều kích thời gian thành chiều kích không gian như trên, người nghiên cứu có thể di chuyển tự do theo các hướng khác nhau mà không sợ gặp phải đường một chiều của quan hệ tuyến tính. Di chuyển tự do giúp anh ta thiết lập các mối quan hệ trên tinh thần đối thoại, tương tác để hiểu được cái kết cấu của đối tượng nghiên cứu.
Nền cộng hòa văn chương với rất nhiều chiều kích không gian còn hàm ý rằng người đọc muốn có được chân lý cho riêng mình thì buộc phải di chuyển, lao động, làm việc theo các chiều kích phù hợp để kiến tạo không gian của riêng mình. Nền cộng hòa đó không chứa sẵn chân lý đương nhiên mà người ta chỉ cần nhặt ra, nêu lên và thừa nhận[21]. Liên văn bản cho phép đọc theo nhiều chiều kích của thời gian được không gian hóa.
4.                  Suy tư về khả năng di chuyển tự do trong một không gian mở của văn bản cho phép người đọc sử dụng theo cách và theo ý của mình để kiến tạo một không gian riêng dựa trên những không gian văn bản mình có. Dĩ nhiên khi đã loại bỏ các con đường một chiều cũng không có nghĩa là việc di chuyển tùy hứng mà phải tuân theo các quy tắc, lề phải hoặc lề trái. Mặt khác, bên cạnh yếu tố cấu trúc nội tại của không gian văn bản, sự giới hạn của tình huống cụ thể nơi văn bản tham gia trở thành một chân trời giới hạn không thể vượt qua quy định số lượng tới hạn của các đoạn đường di chuyển, tức là quy định số lượng cách diễn giải mà không gian văn bản nghiên cứu có thể chứa đựng. Như vậy về mặt lý thuyết cùng một lúc có thể có n cách diễn giải, mặt khác sự tới hạn của không gian và thời gian lại quy định sự hữu hạn cách diễn giải. Giống như bài toán con rùa nổi tiếng của Zenon, nếu như không xác định được giới hạn thì người ta mãi mãi phải chạy đuổi theo sự vô vàn ý nghĩa được tạo ra. Giới hạn này được Bakhtine gọi bằng khái niệm của triết học Marx, hoàn cảnh lịch sử cụ thể[22]. Đối với trường phái tiếp nhận dựa trên diễn giải học, đó là giới hạn tiếp nhận[23], đối với Iser dựa trên ngữ dụng học, đó là thư mục (repertoire)[24], đối với Eco, đó là tri thức phổ thông (encyclopedie).
Từ độc giả đến tác giả: nói rằng tính liên văn bản là một cách thức diễn giải trước tiên thể hiện ý định đơn giản rằng nó không phải là một sự thực mà là kết quả của một sự diễn giải, là việc xây dựng của một tác giả. Trong logic của cấu trúc luận, ý nghĩa của văn bản chỉ ở nội tại của văn bản vì nó kết quả của một sự tương giao giữa các văn bản. Tuy nhiên tính liên văn bản ít nhất cũng phải được định vị ở một người đọc, như Riffatere lưu ý. Hơn nữa, tính liên văn bản đòi hỏi một quan hệ tu từ giữa người phát và người nhận, tức là một sự tương đương giữa hai thành phần tham dự đối thoại. Tính liên văn bản đòi hỏi người đọc phải có một năng lực tối thiểu về văn bản được trích dẫn, được cắt dán. Ví như bài thơ “nhại” của Queneau với thơ La Fontaine đương nhiên chỉ có thể được cảm nhận ít nhất là ở những người đã từng biết văn học Pháp thế kỷ XVII. Mỗi tác giả không phải và không thể tính toán chính xác không chỉ ý nghĩa anh ta dành cho liên văn bản, mà là cho khả năng mà anh ta cần đòi hỏi ở người đọc: giữa việc không biết hoàn toàn về liên văn bản mà người đọc cần có để nhận ra khi đọc và sự cần thiết tuyệt đối của một hiểu biết về liên văn bản, đó cũng có thể là thông tin về liên văn bản mà tác giả mang đến cho người đọc ở “phần ngoài rìa” (peritexte) như ở bài giới thiệu, lời dẫn...

Chúng tôi đã mượn lý thuyết diễn giải liên văn bản để phác họa những thao tác có thể hình dung cho việc cần phải đối xử ra sao với những cách đọc đối thoại và từ bỏ cách hiểu truyền thống về chữ “ảnh hưởng” trước hết là trong nghiên cứu văn học so sánh. Trước chúng tôi, đã có Hoàng Trinh (1980), Phan Quý (Tạp chí văn học 1988, 1999) lần lượt nhắc đến điều này như là những vấn đề gợi mở. Đây là lãnh địa mà người ta dễ vấp phải những “định kiến” và đề nghị nói đến ảnh hưởng như một dấu ấn phân bậc trong sáng tác. Đó cũng là nơi người đọc của nền văn học “đích” luôn bị chi phối bởi cách đọc của nền văn học “nguồn”. Thực tế luôn diễn ra khác hẳn những gì chúng ta hình dung về lý thuyết và theo lý thuyết. Và nếu như không thể hay chưa thể chấp nhận một cách hiểu về “ảnh hưởng” của ký hiệu học diễn giải như là sự đối thoại và tính đối thoại, ít ra cũng có thể thấy rằng Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng hơn hẳn Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Hamlet của Shakespeare không còn là Hamlet cổ tích Đan Mạch…, và càng không thể không đồng ý với một nhận xét tuyệt vời từ các dịch giả Việt Nam ngay từ những năm sáu mươi khi bàn đến một trường hợp tới ngưỡng, đó là quan hệ (tiếp nhận và ảnh hưởng hay là đối thoại?) giữa hai đại văn hào Nga, Puskin và Tolstoi, trong sáng tác:
«Đây không phải là ảnh hưởng bề ngoài về cách viết, giọng văn; cũng không phải là vay mượn, bắt chước cốt truyện này nọ. Những tác phẩm Puskin đã khơi dậy tất cả sức lực sáng tác sẵn có của Tolxtoi, thôi thúc ông làm việc và gợi nhiều ý sáng tác tốt, mới »[25]. 
1.11.2011


[1] Nhà xuất bản Hương Sơn, Hà Nội, 1932, tr. IV
[2] Szondi, dẫn theo Jauss, tr. 17
[3] Jauss, tr. 20
[4] Szondi, dẫn theo Jauss, tr.21
[5] Jauss, tr. 365
[6] Jauss, tr. 268
[7] Jauss, tr. 268
[8] Jauss, tr. 53
[9] Eco, tr.65
[10] Dufrenne
[11] Kristeva, 1969
[12] Kristeva, 1969, tr.85
[13] Kristeva, 1969, tr.88
[14] Eco
[15] Jauss
[16] Thibaudet, tr., dẫn theo gg, Figure 1, tr.140
[17] Rabau, tr. 37
[18] Rabau, tr. 38
[19] Barthes, Essais-critiques, tr. 142
[20] Rabau, tr. 40
[21] Jauss.
[22] M. Bakhtine, Le Marxisme et la philosophie du langage, essai d’application de la méthode sociologique en linguistique, tr. en français par Marina Yaguello, préface par Roman Jakobson Minuit 1977, tr.123
[23] Jauss
[24] Iser
[25] Nhị Ca, Dương Tương, Lời giới thiệu tiểu thuyết Anna Ka rê ni na, Nxb Văn học. Chúng tôi nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét