Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Victor Hugo


Baudelaire*

Kể từ nhiều năm nay, Victor Hugo đã không còn ở cạnh chúng ta nữa. Tôi còn nhớ một thời khi gương mặt của ông là một trong những gương mặt thường gặp nhất trong đám đông; và đã rất nhiều lần tôi tự hỏi, trong khi nhìn ông hiện diện nhiều đến thế trong sự ồn ào của những buổi khánh tiết hay trong sự yên lặng ở những nơi cô tịch, làm sao ông có thể dung hoà giữa những yêu cầu của một công việc cần mẫn với cái sở thích cao cả này, nhưng đầy nguy hiểm, đó là những buổi đi dạo và những mộng mơ. Sự mâu thuẫn bề ngoài này hiển nhiên là kết quả của một cuộc sống có kỷ luật và của một trạng thái tinh thần mạnh mẽ cho phép ông làm việc trong khi đi, hay đúng hơn là chỉ có thể đi khi mà ông đang làm việc. Không ngừng, ở khắp nơi, dưới ánh nắng mặt trời, trong làn sóng của đám đông, trong những đền thờ của nghệ thuật, dọc theo những quán sách đầy bụi phơi ra trước gió, Victor Hugo, trầm tư và bình thản, có vẻ như muốn nói với thiên nhiên bên ngoài: “Hãy bước vào trong mắt ta để ta nhớ về ngươi”.
Vào thời kỳ tôi nói tới, khi ông đang hoàn toàn thống soái trong mọi chuyện văn chương, đôi khi tôi có gặp ông trong nhóm bạn của Edouard Ourliac, nhờ họ mà tôi cũng quen Petrus Borel và Gérard de Nerval. Ông cho tôi cảm tưởng về một người rất dịu dàng, rất mạnh mẽ, làm chủ được mình, và dựa trên một sự thông tuệ giản dị của những điều hiển nhiên khó mà phủ nhận. Kể từ lâu ông đã chứng tỏ, không phải chỉ trong những quyển sách của mình, mà trong cả sự trang hoàng cho cuộc sống cá nhân, một sở thích lớn đối với những công trình của quá khứ, những đồ gỗ ngoạn mục, những đồ sứ, những bức chạm trổ và tất cả sự trang trí rực rỡ và huyền bí của đời sống xưa kia. Có lẽ nhà phê bình bỏ qua chi tiết ấy không phải là một nhà phê bình thực sự; bởi vì không chỉ sở thích đối với cái đẹp mà ngay cả với sự kỳ cục[1], được thể hiện ra bằng nghệ thuật tạo hình, đã khẳng định tính chất văn chương của Victor Hugo; không chỉ ông đã khẳng định học thuyết văn học cách mạng của mình, hay đúng hơn là sự canh tân, mà sở thích ấy còn hiện ra như sự bổ sung không thể thiếu được cho một đặc tính thi ca phổ quát. Pascal, khao khát một đời sống khổ hạnh, kiên định từ đó một cuộc sống giữa bốn bức tường trần trụi với những chiếc ghế rơm; một linh mục ở Saint-Roch (tôi không còn nhớ ông nữa) gửi toàn bộ đồ đạc của mình cho cửa hàng bán đồ đã gây ra vụ tai tiếng trong đám giới chức tôn giáo ưa thích tiện nghi, đẹp đấy, tốt đấy và lớn lao đấy. Nhưng nếu tôi thấy một khách làng văn, không bị bức bách bởi sự cùng khổ, mà lại khinh thị điều tạo ra niềm vui cho đôi mắt và việc giải trí bằng sự tưởng tượng, thì tôi đành phải tin rằng đó là một nhà văn đầy khiếm khuyết, nếu không muốn nói điều tồi tệ hơn.
Giờ đây khi chúng ta đọc lướt qua phần thơ ca mới sáng tác của Victor Hugo, chúng ta nhận ra rằng xưa kia ông như thế nào thì nay vẫn như vậy; một người đi dạo trầm tư, một con người cô đơn nhưng luôn khao khát cuộc sống, một tâm hồn mơ mộng và luôn trăn trở. Nhưng ông không còn thả bước chân và ngước nhìn mơ màng nữa trong những vùng ngoại thành toàn rừng và nở hoa, trên những bờ kè khấp khểnh dọc sông Seine, ở những nơi dạo chơi đầy trẻ em. Cũng như Démosthène, ông trò chuyện với gió và sóng; xưa kia ông lang thang cô đơn trong những nơi náo nhiệt của đời người; hôm nay ông đi dạo trong những nơi cô quạnh tràn ngập suy tư của chính mình. Vì thế có thể ông còn lớn và độc đáo hơn. Mầu sắc của những mộng mơ trong ông nhuốm vẻ trang trọng, và giọng nói của ông trở nên sâu thẳm khi vang lên đối chọi cùng âm thanh Đại dương. Nhưng ở đó cũng như ở đây, ông luôn hiện ra như một bức tượng Trầm tư đang bước đi.

 

II

Trong những thời đã rất xa, mà tôi đã nói tới, thời kỳ đầy hạnh phúc khi những văn nhân tập hợp lại thành một nhóm mà những người còn sống vẫn luyến tiếc, và họ sẽ không tìm thấy lại được điều tương tự, Victor Hugo chính là người mà ai cũng hướng tới để biết được chỉ dẫn. Không bao giờ hoàng gia có thể chính thức hơn, tất yếu hơn, được hưởng ứng hơn do sự thừa nhận, và được xác nhận hơn khi cuộc nổi loạn bị thất bại. Khi ta tưởng tượng thi ca Pháp như thế nào trước khi ông xuất hiện và nó đã được tươi mới biết bao lúc ông tới; khi ta hình dung đôi chút thi ca Pháp đã ra làm sao nếu ông không tới; bao nhiêu tình cảm huyền bí và sâu sắc, đã từng được biểu hiện, sẽ có thể im lặng; biết bao sự thông minh mà ông đã sinh thành, biết bao người đã toả sáng nhờ ông sẽ có thể trở nên sầm tối, không thể không coi ông như một trong những trí tuệ hiếm hoi và hạnh ngộ đã cứu vớt tất cả, trong văn học, cũng như những người khác trong đạo đức và trong chính trị. Phong trào mà Hugo sáng lập hiện còn đang tiếp tục. Dù cho phong trào đó có được giúp đỡ một cách mạnh mẽ, không ai chối cãi điều ấy cả; nhưng nếu ngày nay có những người đứng tuổi, những người trẻ tuổi, những phụ nữ thượng lưu cảm được những loại thi ca hay, thứ thi ca có nhịp điệu sâu lắng và đầy màu sắc, nếu sở thích của công chúng được nâng lên hướng về những niềm vui đã bị lãng quên, chính là nhờ Hugo mà chúng ta có điều đó. Chính lời kích thích đầy sức mạnh của ông, qua đôi bàn tay của những vị kiến trúc sư uyên bác và đầy nhiệt hứng, đã sửa chữa ngôi đền của chúng ta, củng cố những kỷ niệm cũ xưa bằng đá. Sẽ chẳng có ai mất gì khi thú nhận tất cả những điều đó, ngoại trừ những người mà đối với họ sự công bằng không phải một niềm vui.
Tôi chỉ có thể nói ở đây về những năng lực thi ca của ông theo cách ngắn gọn nhất. Chắc ở nhiều điểm, tôi sẽ chỉ tóm tắt những điều tuyệt vời đã được nói tới; có thể tôi có  hân hạnh được nhấn mạnh những điểm ấy một cách mạnh hơn.
Victor Hugo, về cơ bản là con người được phú cho nhiều tài năng nhất, được coi là người tiêu biểu nhất để diễn đạt bằng thi ca cái mà có lẽ tôi gọi là bí ẩn của cuộc đời. Thiên nhiên bày ra trước mắt chúng ta, ở bất kỳ góc độ nào mà chúng ta hướng tới, và bao bọc chúng ta như một điều huyền bí, hiện ra đồng thời dưới nhiều trạng thái mà mỗi điều, tuỳ theo mức độ dễ hiểu và dễ cảm đối với chúng ta, đều được phản ánh mãnh liệt trong lòng ta: hình hài, thái độ và hành động, ánh sáng và màu sắc, âm thanh và sự hài hoà. Nhạc điệu trong những câu thơ của Hugo ứng với sự hài hoà sâu thẳm của thiên nhiên; là nhà điêu khắc, ông khắc hoạ hình ảnh đáng nhớ của vạn vật trong những đoạn thơ của mình; là hoạ sĩ, ông tô điểm chúng bằng chính mầu sắc của chúng. Hệt như những điều đó đến trực tiếp từ thiên nhiên, ba ấn tượng thâm nhập đồng thời vào đầu óc của độc giả. Từ bộ ba ấn tượng này dẫn tới ngụ ý của vạn vật[2]. Không một nghệ sĩ nào phổ quát hơn ông, có khả năng hơn ông để giao tiếp với các sức mạnh của cuộc sống vũ trụ, có khả năng hơn khi tắm mình không ngừng trong thiên nhiên. Ông không chỉ diễn đạt một cách rõ ràng, không chỉ dịch một cách chính xác chi ly loại văn chương rõ rệt và sáng sủa; ông còn diễn đạt thật mờ tối[3] những gì là tối tăm và chưa sáng rõ. Tác phẩm của ông đầy những nét kỳ lạ của loại này, và nếu chúng ta không biết rằng đối với ông chúng vô cùng tự nhiên, thì chúng ta có thể gọi đó là những cố gắng giả tạo. Câu thơ của Victor Hugo biểu lộ được cho tâm hồn loài người không chỉ những niềm vui trực tiếp nhất rút ra từ thiên nhiên hữu hình, mà còn là những cảm xúc thoáng qua nhất, phức tạp nhất, đạo đức nhất (tôi cố tình nói tình cảm đạo đức)[4] được chuyển tới chúng ta bằng sinh thể hữu hình, bằng thiên nhiên vô tri, hay được coi là vô tri; không chỉ là hình dạng của một sinh thể ngoài con người như cây cối hay khoáng vật, mà còn là diện mạo của nó, cái nhìn của nó, nỗi buồn, sự dịu dàng, niềm vui tột độ, sự ghê tởm, sự say mê hay khiếp sợ của nó; cuối cùng, nói một cách khác, tất cả những điều thuộc về nhân tính, và cả những thứ thuộc về thần thánh, thiêng liêng hay quỷ dữ đều có trong mọi vật.
Những người không phải là nhà thơ không hiểu những điều này. Fourier một hôm đến, rất khoa trương, cho chúng tôi xem những bí ẩn của cái tương tự (analogie). Tôi không phủ nhận giá trị của một vài trong những khám phá tinh tế của ông, mặc dù tôi tin rằng vì đầu óc ông quá say mê sự chính xác vật chất nên đã phạm sai lầm và ngay lập tức không đạt tới được sự nhận thực tinh thần của trực giác. Ông đáng lẽ cũng có thể cho chúng tôi biết ngay một cách chính xác tất cả những nhà thơ ưu tú nhất, mà tính nhân loại trong họ thể hiện ra làm cho việc rèn luyện của ông cũng có giá trị như trong sự chiêm ngưỡng tự nhiên. Vả lại, Swedenborg[5], người có một tâm hồn lớn hơn, đã từng dậy chúng ta rằng trời là một vĩ nhân; rằng tất cả, hình dáng, chuyển động, con số, màu sắc, trong tâm linh cũng như trong tự nhiên, đều có ý nghĩa, tương giao, hoán vị và tương ứng (correspondance). Lavater[6], khi giới hạn việc chứng minh của chân lý phổ quát ở khuôn mặt con người, đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa tâm linh của đường viền, của hình thể, của kích thước. Nếu mở rộng việc chứng minh (không chỉ có quyền, mà chúng ta sẽ vô cùng khó khăn nếu làm khác đi), chúng ta sẽ đạt tới chân lý này, rằng tất thảy đều là những bí ẩn, và chúng ta biết rằng các biểu tượng chỉ tối nghĩa một cách tương đối, nghĩa là tuỳ theo sự tinh khiết, thiện ý hay sự sáng suốt bẩm sinh của tâm hồn. Vậy nhà thơ là gì (tôi sử dụng từ này trong ý nghĩa rộng nhất), nếu không phải là một người giải nghĩa, phiên dịch? Trong những nhà thơ ưu tú, không có ẩn dụ, so sánh hay tính ngữ là một sự tương hợp chính xác kiểu toán học trong giả thiết hiện tại, bởi vì những so sánh, ẩn dụ và tu từ này được lấy từ cái kho vô tận của sự tương đồng phổ quát và không bao giờ có thể lấy ở nơi khác. Giờ đây, tôi có thể hỏi liệu người ta có thể tìm thấy, trong khi lục lọi cần mẫn, không phải chỉ trong lịch sử của chúng ta, mà trong lịch sử của tất cả các dân tộc, có nhiều nhà thơ như Victor Hugo, một kho tư liệu tráng lệ về sự tương đồng con người và thần thánh. Tôi thấy trong Kinh Thánh một nhà tiên tri mà Chúa ra lệnh phải ăn một cuốn sách. Tôi không biết liệu Victor Hugo có ăn trước ở nơi nào cuốn từ điển ngôn ngữ mà ông cần phải nói; nhưng tôi thấy rằng từ vựng tiếng Pháp khi ra khỏi miệng ông trở thành một thế giới đầy sắc màu, đầy âm thanh và sôi động. Trong tình huống lịch sử nào, định mệnh triết học nào, những cuộc giao hoà nào của vũ trụ, con người này đã được sinh ra nơi chúng ta, tôi không biết gì về điều đó, tôi không nghĩ rằng nhiệm vụ của tôi là rà soát nơi này. Có thể đó chỉ là vì nước Đức có Goethe, nước Anh có Shakespeare và Byron, Victor Hugo phải chính thức thuộc về nước Pháp. Tôi thấy trong lịch sử các dân tộc, mỗi người đến lượt mình cần đi chinh phục thế giới; có thể đó là sự thống trị thi ca giống như sự trị vì của thanh kiếm chăng.
Từ khả năng ấy trong việc hấp thu cuộc sống bên ngoài, độc nhất vô nhị của ông, và từ cả khả năng khác của sự suy tư đầy sức mạnh, trong Victor Hugo xuất hiện một đặc điểm thi ca rất đặc biệt, trăn trở, huyền bí, và như thiên nhiên vừa khổng lồ vừa tinh tế, vừa tĩnh lặng vừa sôi động. Voltaire chẳng thấy sự huyền bí ở đâu, hay chỉ là vài chỗ. Nhưng Victor Hugo không đơn giản hoá mọi vật với sự quá khích mạnh mẽ của Voltaire; các giác quan tinh tế cho ông thấy các vực sâu; ông thấy sự huyền bí ở khắp nơi. Quả thật, đâu mà không có? Từ đó nảy sinh thứ tình cảm kinh hãi này, nó thâm nhập vào nhiều trong số những bài thơ hay nhất của ông; từ đó xuất hiện những ồn ào, những sự chất chồng, những việc phá huỷ câu thơ, những khối hình ảnh khủng khiếp bị cuốn đi với tốc độ của một hỗn độn đang bị xì ra; từ đó có những sự lặp thường xuyên của ngôn từ, tất cả nhằm vào diễn đạt những gì sự tối tăm đầy quyến rũ  hay diện mạo bí ẩn của cái huyền bí.
III
Như thế là Victor Hugo không chỉ có sự lớn lao, mà cả tính phổ quát. Từ vựng của ông mới phong phú làm sao! Và dù cho luôn là một và trọn vẹn, ông đa dạng xiết bao! Tôi không biết liệu có ai trong số những người yêu thích hội hoạ giống với tôi hay không, nhưng tôi không thể tự bào chữa cho một thói xấu vô cùng của mình khi nghe nói cùng một giọng khoa trương về một hoạ sĩ phong cảnh (dù tài ba tới đâu), một hoạ sĩ vẽ động vật hay chuyên vẽ hoa, như khi người ta cần khen một hoạ sĩ có tính phổ quát (nghĩa là một hoạ sĩ thực sự), tựa như Rubens, Véronèse, Vélasquez hay Delacroix. Quả thật tôi cảm thấy người không biết vẽ tất cả mọi thứ không thể được gọi là hoạ sĩ. Những người nổi tiếng mà tôi vừa kể tên đã diễn đạt một cách tuyệt vời nhất tất cả những thứ mà từng chuyên gia diễn đạt, và hơn nữa họ có một trí tưởng tượng và một năng lực sáng tạo trong giao tiếp một cách sinh động với trí tuệ của tất cả mọi người. Ngay khi mà bạn muốn đưa cho tôi ý tưởng về một nghệ sĩ tuyệt vời, tâm trí tôi không dừng ở sự hoàn thiện trong một thể loại theo đề tài, mà ngay lập tức hình dung ra sự cần thiết của việc hoàn thiện trong mọi thể loại. Trong văn học nói chung, và trong thơ ca nói riêng cũng là như vậy. Người không có khả năng vẽ tất cả, những đền đài và những phế tích, những tình cảm âu yếm và ác nghiệt, những xúc cảm giới hạn trong gia đình và lòng nhân ái phổ quát, sự duyên dáng của cây cối và điều kỳ diệu của kiến trúc, tất cả những gì càng mềm mại thì càng khủng khiếp, tình cảm thầm kín và vẻ đẹp lồ lộ của mỗi tôn giáo, diện mạo của tinh thần và thể chất của từng dân tộc, tất cả chung quy là từ cái hữu hình tới cái vô hình, từ bầu trời tới địa phủ, tôi cần phải nói rằng, người đó không thể là nhà thơ trong nghĩa rộng nhất của từ này và theo trái tim của Chúa. Bạn nhắc về một người: đó là nhà thơ bên trong, hay thân thuộc; còn người kia là một nhà thơ của tình yêu và người kia nữa là nhà thơ của vinh quang. Nhưng bạn có quyền gì mà hạn định tài năng của ai đó? Bạn có dám khẳng định rằng người ngợi ca vinh quang cũng bởi vậy không thể tôn vinh tình yêu? Như thế là bạn đã làm phương hại tới ý nghĩa của phổ quát của từ thi ca. Tuy nhiên nếu bạn không muốn làm cho mọi người hiểu rằng có những tình huống, cho tới nay, vẫn bó buộc nhà thơ theo một cách đặc biệt, tuy vốn không do nhà thơ, có lẽ tôi luôn tin rằng bạn nói về một nhà thơ tội nghiệp, về một nhà thơ không hoàn hảo, khéo tới mức anh ta ở trong kiểu của chính mình.
Chà! Với Victor Hugo thì chúng ta không cần phải vạch ra những sự phân biệt như thế, vì đó là một thiên tài không biên giới. ở đây, chúng ta bị chói loà, hấp dẫn và bị bao quanh như bởi chính cuộc sống vậy. Sự trong suốt của khí quyển, vòm trời, hình ảnh cây cối, cái nhìn của sinh vật, nét nổi bật của ngôi nhà đều được vẽ trong các cuốn sách của ông bởi cây cọ của nhà hoạ sĩ phong cảnh thành thạo. Tóm lại ông mang lại sự phập phồng của cuộc sống. Nếu ông vẽ biển thì không một bức tranh biển nào sánh được với những bức tranh của ông. Những con tầu rạch mặt nước biển hay vượt qua cảnh sôi sục của biển cả, hơn hẳn mọi bức tranh của người hoạ sĩ khác, có thể mang dáng vẻ chiến đấu đầy say mê, đặc tính ý chí và sinh động toát ra một cách huyền bí từ cỗ máy hình học và cơ khí bằng gỗ, bằng dây thừng, bằng vải buồm; sinh vật khủng khiếp được con người tạo nên, rồi gió và sóng thêm vào đó nét đẹp của một dáng vẻ.
Còn về tình yêu, chiến tranh, những niềm vui trong gia đình, nỗi buồn khổ của người nghèo, vẻ mỹ lệ quốc gia, tất cả những gì là riêng của con người và tạo nên lãnh địa của hoạ sĩ sinh hoạt và của hoạ sĩ lịch sử, chúng ta thấy điều gì còn cụ thể hơn và giàu có hơn các bài thơ trữ tình của Victor Hugo? Có lẽ đây là trường hợp, nếu không gian cho phép, để phân tích không khí tinh thần bao trùm và trôi chảy trong những bài thơ của ông, không khí ấy thể hiện một cách nhạy cảm khí chất riêng của nhà thơ. Tôi có cảm tưởng như không khí tinh thần ấy có một đặc điểm rất rõ bởi tình yêu cân bằng đối với những gì là mạnh mẽ cũng như yếu ớt, và sức hút tác động lên nhà thơ bởi cả hai cực này đã kéo lý trí của ông ra khỏi một nguồn gốc duy nhất, vốn cũng chính là sức mạnh, hiệu lực nguyên khởi mà trời phú cho ông. Sức mạnh quyến rũ ông và làm ông say mê; ông hướng về nó như về một điều gì thân thuộc: sức hút thân ái. Vì thế ông bị cuốn đi không thể cưỡng lại được hướng về chính biểu tượng của cái vô cùng, về biển, về trời; về tất cả những đại diện cổ sơ của sức mạnh, người khổng lồ của Homère hay Kinh Thánh, người giang hồ, hiệp sĩ; hướng về những con vật khổng lồ và đáng ngờ. Ông vuốt ve và chơi đùa cái làm những người yếu đuối sợ hãi; ông di chuyển trong sự mênh mông, không chóng mặt. Ngược lại, nhưng bởi một xu hướng khác biệt mà nguồn gốc thực ra cũng là một, nhà thơ lại luôn chứng tỏ mình là người bạn bị mềm lòng bởi tất cả những gì là yếu ớt, cô đơn, buồn thảm; của những gì là cô độc: sức hút của người cha. Người mạnh mẽ, khi đoán ra được một điều tương tự trong tất cả điều cần mạnh mẽ, thì thấy những đứa em của mình trong mọi cái cần được bảo vệ hay chia sẻ. Sức mạnh và sự nhận thức được sức hấp dẫn mang lại cho bất cứ ai có nó, đã cho ông tinh thần công bằng và bác ái. Vì thế luôn luôn có trong thơ của ông, những điểm nhấn yêu thương với người phụ nữ sa ngã, người lao khổ bị đày đoạ trong những công xưởng của xã hội chúng ta, đối với những con vật hiến sinh cho sự phàm ăn và sự độc đoán của chúng ta. ít người nhận được ra sự quyến rũ và sức thu hút mà lòng tốt góp thêm vào cho sức mạnh, và điều đó hiện diện rất thường xuyên trong tác phẩm của nhà thơ chúng ta. Một nụ cười và một dòng nước mắt trên khuôn mặt của một người khổng lồ, đó là một điều kỳ lạ vô cùng thần diệu. Ngay trong những bài thơ ngắn này của ông dành cho tình yêu thân xác, trong những đoạn thơ đó với sự sầu muộn đầy hài hoà và lạc thú, người ta vẫn nghe thấy, như một phần nhạc đệm thường có trong dàn nhạc, âm thanh sâu thẳm của tình thương. Đằng sau một người tình nhân, người ta cảm nhận được một người cha và một người bảo trợ. Đó không phải đạo đức được rao giảng có thể làm hỏng những đoạn thơ đẹp nhất do vẻ giả mạo và do những lý luận suông của nó, mà bằng một đạo đức đầy cảm hứng thấm dần vào trong chất liệu thi ca, vô hình, giống như những dòng chảy vô tận trong cỗ máy tạo hoá. Đạo đức không đi vào nghệ thuật như là cái đích; nó hoà trộn vào đó như chính cuộc sống của nó vậy. Nhà thơ là nhà đạo đức dù muốn hay không, bởi sự giàu có và đầy đặn trong bản chất của mình.
IV
Sự thái quá, sự bao la là lĩnh vực thân thuộc của Victor Hugo; ông di chuyển trong đó như trong không gian quen thuộc của riêng mình. Thiên tài, luôn được ông trải ra trong hội hoạ bằng tất cả vẻ vô cùng kì quái, vốn bao trùm con người, quả thật là kỳ lạ. Nhưng nhất là trong những năm mới đây, ông đã chịu ảnh hưởng siêu hình học toả ra từ mọi vật; sự tò mò của một Oedipe bị ám ảnh bởi vô vàn Sphinx. Tuy nhiên ai không nhớ Dốc của sự mơ mộng, đã trở nên cũ kỹ? Một phần lớn trong số những tác phẩm mới của ông có vẻ như là sự phát triển vừa đều đặn vừa khổng lồ của năng lực dẫn đầu cho thế hệ của thứ thi ca say mê này. Có thể nói rằng ngay khi sự trăn trở dựng lên thường xuyên hơn trước nhà thơ đầy mơ mộng, thì dưới mắt ông tất cả các khía cạnh của thiên nhiên cũng không ngừng hiện ra vô số những vấn đề. Làm sao người cha một có thể gây ra sự lưỡng hoá rồi cuối cùng biến hình thành một đám quần chúng đông vô kể? Thật là huyền bí! Tổng vô cùng các con số có cần hay có thể lại tập trung lần nữa trong sự thống nhất ban đầu? Huyền bí vô cùng! Sự chiêm ngưỡng có sức gợi của bầu trời giữ một vị trí khổng lồ và chủ yếu trong những cuốn sách mới nhất của nhà thơ. Dù đó là chủ đề được xử lí như thế nào, thì bầu trời vẫn ngự trị và nhô lên như một mái vòm bất động, mà từ đó lơ lửng huyền thoại về ánh sáng, ở đó huyền thoại lấp lánh, huyền thoại mời gọi sự mơ mộng kỳ lạ, và từ đó huyền thoại đẩy lùi mọi sự hèn nhát. Ôi, mặc cho Newton và Laplace, hiểu biết về thiên văn ngay cả giờ đây cũng không lớn tới mức sự mơ mộng có thể tự khen về những khoảng trống mênh mông còn chưa được khoa học hiện đại khám phá. Rất chính đáng, nhà thơ để tư tưởng của mình đi đó đây trong mê hồn trận đầy những giả thiết. Bất cứ lúc nào và với bất cứ triết học nào, chẳng phải là vấn đề sóng gió hay khó khăn gì để tới đòi hỏi một cách định mệnh chỗ của mình trong các tác phẩm của nhà thơ. Thế giới của các thiên thể và các linh hồn là hữu hạn hay vô hạn? Sự xuất hiện của các sinh thể có phải thường xuyên trong thế giới vĩ mô cũng như thế giới trong vi mô? Điều mà chúng ta cố làm được cho sự tăng lên vô cùng của những sinh thể phải chăng chỉ là một trào lưu chuyển động dẫn chính những sinh thể này trong cuộc sống hướng về những thời kỳ và trong những điều kiện được đánh dấu bởi luật tối cao và luôn thấu suốt? Vật chất và sự chuyển động có phải chỉ là việc hít thở của một vị Chúa, Người lần lượt nói ra những thế giới với cuộc sống và nhắc lại trong trái tim mình? Tất cả những gì là đa dạng sẽ trở thành một, và vô vàn thế giới mới, bắn ra từ tư tưởng của Người vốn có hạnh phúc duy nhất và chức năng duy nhất chính là không ngừng sản sinh, phải chăng một ngày nào đó sẽ thay thế chỗ chúng ta và những gì treo lơ lửng quanh chúng ta? Rồi giả thiết về hành vi sở hữu đạo đức, về nơi đến của tất cả những thế giới này, những hàng xóm của chúng ta phải chăng tất yếu cũng chiếm một vị trí trong những lĩnh vực bao la của thơ ca? Nảy mầm, chúm chím, nở hoa, phún trào liên tục cùng một lúc, chậm rãi hay bất chợt, dần dần hay trọn vẹn, những vì tinh tú, những vì sao, những mặt trời, những ánh lấp lánh, bạn có phải chỉ là những hình thức khác nhau trong cuộc đời của Đức Chúa, hay là những nơi ở được chuẩn bị bởi lòng tốt của Người hay sự công bình của Người với những linh hồn mà Người muốn dạy bảo và muốn dần tới gần Người hơn? Những thế giới được tìm hiểu một cách vĩnh hằng, từ khi nào chẳng biết, nào hãy nói đi, liệu bạn có nơi đến là thiên đường, địa ngục, nơi chuộc tội, hầm tối, biệt thự, lâu đài...? Biết bao hệ thống và những nhóm mới, đầy ấn tượng bởi hình thức bất ngờ, thích hợp bằng những sự kết hợp ngoài dự liệu, chịu đựng những lề luật bất thành văn, bắt chước những thói đỏng đảnh đầy may mắn của một môn hình học quá rộng và phức tạp so với một chiếc compa kiểu con người, chúng có thể làm loé ra những dấu hiệu của tương lai; trong tư tưởng này, có cái gì đó thật vượt ngưỡng, thật kinh khủng, và vượt khỏi những giới hạn chính đáng của giả thiết thơ ca? Tôi quan tâm tới từ giả thiết này, nhằm định nghĩa, một cách thoáng qua, đặc điểm siêu-khoa học của mọi thứ thi ca. Trong những bàn tay của một nhà thơ khác chứ không phải là Hugo, bao nhiêu chủ đề tương tự và những đề tài tương tự có thể vô cùng dễ dàng tìm được hình thức giáo huấn, vốn là kẻ thù lớn nhất của thi ca. Kể bằng thơ những quy luật quen thuộc vốn là cơ sở cho cho sự chuyển động của một thế giới đạo đức hay thiên thể, đó là miêu tả cái đã được phát hiện và tất cả cùng rơi vào ống kính thiên văn hay chiếc compa của khoa học, đó là giản lược thành những nghĩa vụ của khoa học và lấn sang những chức năng của khoa học, đó là làm rối loạn ngôn ngữ truyền thống bằng sự hoa mỹ mơ hồ của vần, điều đó thật nguy hiểm; nhưng ham mê mọi giấc mơ được gợi ý từ khung cảnh vô tận của cuộc sống trên mặt đất và trong bầu trời là quyền chính đáng của người tới đầu tiên, tất nhiên là nhà thơ, do vậy anh ta là người giải nghĩa, với một thứ ngôn ngữ xinh xắn khác với văn xuôi và âm nhạc, những giả thiết bất tử về tính nhân loại kỳ lạ. Bằng việc miêu tả cái đang tồn tại, nhà thơ tự hạ mình thành vị giáo sư; bằng việc kể lại điều có thể, anh ta trung thành với chức năng của mình, anh ta là một tâm hồn tập thể đang tra hỏi, khóc lóc, hy vọng và đôi khi suy đoán.
V
Một chứng cứ mới của cùng một sở thích không mệt mỏi thể hiện trong cuốn sách mới đây mà V.Hugo vui thích tặng cho chúng ta, tôi muốn nhắc tới Truyền kỳ các thế kỷ. Bị loại trừ vào lúc bình minh cuộc sống của các dân tộc, khi mà thơ ca đồng thời là lời diễn đạt của tâm hồn và là bảng liệt kê tri thức của họ, lịch sử được diễn thành thơ là một sự vi phạm các quy luật chi phối hai thể loại, lịch sử và thi ca; đó là một sự nhạo báng với hai Nàng Thơ. Vào những thời kỳ ngập tràn văn hoá, trong thế giới tinh thần, diễn ra một sự phân chia công việc củng cố và hoàn thiện từng phần; người cố gắng viết anh hùng ca, sao cho các quốc gia trẻ hơn hiểu điều đó, lại có nguy cơ giảm đi hiệu quả ma thuật của thi ca, đó phải chăng chỉ là chiều dài bất lực của tác phẩm, và cùng một lúc loại bỏ khỏi lịch sử một phần của sự khôn ngoan và sự nghiêm khắc mà các quốc gia già cỗi đòi hỏi ở nó. Do vậy đó chỉ là phần lớn thời gian của một sự kỳ cục chán ngắt. Mặc cho những cố gắng đáng trọng của một nhà triết học Pháp, người đã tin rằng người ta có thể dùng ngay lập tức câu thơ để phục vụ cho một giả thiết thi ca,  mà không một ân huệ xưa cũ hay những nghiên cứu dài hơi. Napoléon giờ đây chỉ còn là lịch sử chứ không phải là huyền thoại. Không phải là cho phép nữa mà là không thể cho con người, ngay cả cho thiên tài, được lùi một cách giả tạo như thế hàng thế kỷ. Một ý kiến tương tự chỉ có thể rơi vào trong đầu óc của một nhà triết học, một giáo sư, nghĩa là một con người xa rời cuộc sống. Trong những bài thơ đầu tay của mình, khi V.Hugo cố gắng chỉ ra cho chúng ta thấy Napoléon như một nhân vật huyền thoại, ông vẫn là một người Paris nói năng, một người đương đại đầy xúc động và mộng mơ; ông phản ánh huyền thoại có thể của tương lai; ông không bằng quyền lực giản lược thành trạng thái của quá khứ.
Vậy, để quay trở lại Truyền kỳ các thế kỷ, Victor Hugo đã sáng tạo bản hùng ca duy nhất có thể được sáng tạo bởi một người đương đại cho những độc giả đương thời. Thoạt tiên những bài thơ tạo nên quyển sách thường là ngắn, ngay cả việc rút gọn của một số bài nào đó cũng không kém độc đáo hơn sức mạnh của chúng. Đó là một sự coi trọng, nó chứng thực một hiểu biết tuyệt đối về mọi cái có thể trong thơ ca hiện đại. Tiếp theo, muốn sáng tạo bản hùng ca hiện đại, nghĩa là bài thơ có gốc hay chính xác hơn là có lý do từ lịch sử, cần tránh vay mượn từ lịch sử  cái gì đó khác ngoài cái mà lịch sử có thể chính đáng và có lợi khi cho thi ca mượn: tôi muốn nói tới huyền thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, chúng vốn là những điểm tập trung của cuộc đời quốc gia, giống như những kho dự trữ, nơi máu và nước mắt của dân chúng ngủ. Cuối cùng, ông không ngợi ca riêng quốc gia này hay quốc gia 0kia, ham muốn của thế kỷ này hay kia; ông đạt ngay một trong những độ cao triết học mà từ đó nhà thơ có thể quan sát mọi tiến triển của nhân loại với cái nhìn tò mò, nổi đoá hay mềm lòng. Ông cho diễu hành đầy oai nghiêm trước mắt chúng ta hàng thế kỷ, hệt như những bóng ma ra khỏi bức tường; đầy quyền lực, ông cho chúng chuyển động, mỗi thế kỷ có một trang phục tuyệt diệu riêng, với khuôn mặt thật của chúng, bằng dáng vẻ chân thành, chúng ta đã thấy được tất cả điều đó. Bằng một nghệ thuật cao cả và tinh tế, sự thân tình khủng khiếp, người làm trò ảo thuật đã cho hàng Thế kỷ cử động và cất tiếng mà có lẽ tôi không thể giải thích được điều đó; nhưng điều mà tôi muốn làm cho rõ, đó là nghệ thuật này chỉ có thể chuyển động một cách lẹ làng trong môi trường huyền thoại, và rằng (sự trừu tượng được làm từ tài năng của nhà ảo thuật) đó là sự lựa chọn của vùng đất thuận lợi cho những tiến triển của khung cảnh.
Từ nơi xa vời lưu đày của V.Hugo, nơi mà cái nhìn của chúng ta và đôi tai chúng ta căng lên hướng về, nhà thơ thân quen và đáng kính đã báo cho chúng ta những bài thơ mới. Trong thời gian gần đây, ông đã chứng tỏ cho chúng ta biết, dù thực sự bị giới hạn như thế nào đi nữa, lĩnh vực thơ ca vẫn không kém hơn, bởi quyền của thiên tài, hầu như là không giới hạn. Trong hệ thống các sự vật nào, nhờ phương tiện mới nào ông sẽ đổi mới chứng cứ của mình? Phải chăng ông muốn từ nay vay mượn những sự cuốn hút mới mẻ ở trò giải trí chẳng hạn (tôi nói một cách ngẫu nhiên), niềm vui bất tử, sự đùa cợt, tính siêu nhiên, thần kỳ và kỳ diệu, vốn nhờ ông mà có đặc tính khổng lồ và siêu phàm này, mà ông biết phú cho mọi vật? Không thể cho phép phê bình nói điều này; nhưng điều mà phê bình có thể khẳng định không sợ thất thố, vì đã thấy những chứng cớ liên tiếp, đó là ông là một trong những người phàm tục hiếm hoi, càng hiếm hoi hơn trong hệ thống văn học so với mọi ngành khác, những con người đó có được một sức mạnh mới nhờ năm tháng và sẽ trẻ mãi, mạnh mãi cho tới tận lúc xuống mồ, nhờ một điều kỳ diệu được lặp lại không ngừng./.      
                                   Tạp chí văn học 6.2003



* Bài được Baudelaire đăng trên Tạp chí Người nghệ sĩ, 15-06-1861 khi V.Hugo đang phải chịu cảnh sống lưu vong 19 năm (1851-1870) trên hai hòn đảo Jersey và Guernesey.
[1] Nguyên văn là bizarre
[2] Nguyên văn là morale des choses được in nghiêng
[3] Nguyên văn là obscurité indispensable được in nghiêng
[4] Trong nguyên bản tác giả dùng từ sensation morale
[5] Emanuel Swedenborg (1688-1772), nhà tự nhiên học và triết học theo thuyết thần trí Thuỵ điển. Swedenborg đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của toán học, vật lý học, hoá học và sinh học. Cuốn Tác phẩm triết học và khoáng vật, (3 tập-1734) trình bày các suy nghĩ của ông về sự chuyển hoá của vật chất. Các nghiên cứu sinh lý học dẫn ông tới viết một tiểu luận giải thích sự tương liên giữa vật chất và tâm hồn. Năm 1745, tự nhận là nạn nhân của cái nhìn siêu nhiên, Swedenborg bắt đầu nghiên cứu thần học. Trong Arcana cœlestia (Những bí ẩn của vũ trụ, 8 tập, 1749-1756), ông giới thiệu một hệ thống tôn giáo dựa trên một cách cắt nghĩa có tính phúng dụ Kinh Thánh theo những lời chỉ dẫn của Chúa. Theo Swedenborg, thế giới tự nhiên có được hiện thực của mình trong cuộc sống của Chúa mà hiện thân là Jộsus-Christ.

[6] Johann Kaspar Lavater (1741-1801), nhà thần học và nhà văn Thuỵ sĩ. Từng giảng dạy thần học. ông đã làm quen với các nhân vật quan trọng của phong trào Xung kích và Bão táp như Goethe et Herder nhân một lần sang Đức. Ông đã cố gắng dung hoà giữa các tư tưởng thần học của mình với tư tưởng lãng mạn đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét